Tôi nghĩ, về lý thuyết, Đạo gia là một tư tưởng triết học rất tốt để không còn sợ hãi, nhưng trên thực tế nó lại rất tốt để dung dưỡng sự sợ hãi. Nó tạo thêm gánh nặng cho những ai muốn cam kết với nhau, và làm thui chột lòng dũng cảm ở họ. Những người xây dựng nó có lẽ đã đinh ninh rằng những ai theo nó đều là những người ổn định về mặt tâm lý sẵn rồi. Những nỗi sợ được miêu tả trong Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh là những nỗi sợ không quá nghiêm trọng.
Tôi nghĩ, với những ai đang còn ngập trong sợ hãi, hoặc đang giúp đỡ người đang sợ hãi, thì họ nên một lần dứt khoát vứt bỏ Đạo gia sang một bên, và chuyên tâm vào chuyện chữa lành. Họ rất dễ bị nhầm lẫn, và thế nào cũng sẽ nhầm lẫn. Sau khi hết sợ rồi thì có thể quay lại cũng được.
Hoặc có thể nói theo hướng khác: Đạo không chấp nhận chuyện người theo nó còn sợ hãi. Khi phát hiện bản thân đang sợ, Đạo yêu cầu họ lập tức nhìn thẳng vào nỗi sợ. Vì có dám đối diện với nó thì mới thấy nó hóa ra chẳng đáng sợ tí nào. Ai còn chần chừ, còn tránh né, là vẫn còn quanh quẩn ở tiểu trí, chưa phải là đại trí. Mọi suy nghĩ, hành động của họ đều không phải vô vi, dù nó trông như vậy tới đâu đi nữa. Đạo sẽ không đến gặp họ, dù họ có hiểu nó đến bao nhiêu.
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực