Hẳn bạn đã rất nhiều lần nhìn thấy những sơ đồ tổ chức như thế này:
Trong một tổ chức như thế này, mọi thứ đều có thứ bậc cao thấp rõ ràng, người ở cấp trên sẽ vạch ra hướng giải quyết, người ở cấp dưới làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Cấu trúc này có từ thời con người sống theo bộ lạc, khi mà người đứng đầu bộ lạc (già làng) được xem là người có nhiều hiểu biết nhất. Khá dễ hiểu khi để người có hiểu biết nhất ra quyết định cuối cùng. Khi dân số phát triển và những bộ lạc chỉ hơn trăm người là cùng trở thành những siêu bộ lạc cả ngàn cả triệu người, mà nay ta gọi là thành phố, là quốc gia, thì sự phân cấp càng cần thiết hơn, để không ai bị quá tải vì phải trao đổi trực tiếp với quá nhiều người. Và vì giữa người cấp cao và người cấp thấp lúc này đã có quá nhiều cấp trung gian đến mức họ trở thành những kẻ xa lạ với nhau, thì với những người ở cấp cao họ càng có lý do để củng cố cấu trúc phân cấp này. Tại sao tôi lại phải quan tâm đến những kẻ xa lạ cơ chứ? Và họ có thể làm điều này bằng cách giữ kín thông tin khiến cho những người ở dưới buộc phải xem họ là kẻ có hiểu biết hơn. Ngay cả khi máy in và báo chí xuất hiện làm tăng tốc cơ hội tiếp cận thông tin, thì việc đó vẫn là tương đối chậm trong nhiều thế kỷ, nên cấu trúc phân cấp vẫn tiếp tục hữu dụng.
Tuy nhiên, khi internet xuất hiện, thông tin mới thực sự dễ dàng truy cập hơn bao giờ hết. Nó cho phép các thành viên trong tổ chức kết nối với bất kỳ ai cả trong và ngoài tổ chức, tìm kiếm thông tin cả trong và ngoài tổ chức. Từ đó lợi thế của hệ thống phân cấp đã bị suy yếu. Giờ đây, thứ đem lại cho một người quyền lực và thẩm quyền không phải là vị trí của họ trong cây phân cấp mà là sự chia sẻ kiến thức, sự tin tưởng, và kết quả công việc họ đem lại. Thế giới đang chuyển dần từ tư duy theo chiều dọc (hierarchy) sang theo chiều ngang (hetearchy).
Trước khi tiếp tục mời bạn xem đoạn clip ngắn về những đàn chim sáo đang bay di trú:
Bạn thấy, số lượng chim trong đàn có thể lên tới cả triệu con, và chúng bay sát rạt nhau, nhưng lại không hề có một vụ tai nạn hàng không nào cả. Thú vị hơn cả là bạn không thể nào chỉ ra được đâu là con chim đầu đàn có nhiệm vụ hướng dẫn chúng phải bay theo đội hình nào cho trật tự cả. Chúng chỉ là những con chim lẻ, sống cuộc đời của bản thân, không có nhu cầu nghĩ cho nhau, và có khi còn không chắc là nên bay hướng nào cho đúng, nhưng khi tụ lại như vậy thì cả đàn lại có thể phản ứng nhạy bén với môi trường và đi đúng hướng. Đây chính là trí tuệ đám đông mà chúng ta thường nghe tới.
Đàn sáo kia bay được một cách nhuần nhuyễn như vậy là vì mỗi một con sáo đều nắm rõ được những gì đang diễn ra ở những con khác xung quanh nó. Việc thông tin được chảy liên tục là điều kiện tiên quyết để việc này có thể xảy ra. Ở cấp độ con người những thông tin đó có thể là lịch rảnh và nhu cầu của mỗi thành viên. Nhưng vì bản thân việc thông báo cũng tốn năng lượng, nên tốt nhất là có một hệ thống tự động cập nhật cho nhau những thông tin đó. Khi ta không cần phải nói ra điều mình muốn mà người khác vẫn có thể đáp ứng được, thì sự tin tưởng giữa các thành viên sẽ được nâng lên một tầm cao mới, tiến gần hơn đến sự tin tưởng tuyệt đối.
Sự tin tưởng tuyệt đối sẽ xảy ra khi các thành viên thấy rằng nhóm sẽ làm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu của chính bản thân mình, chứ không phải là trông đợi mình phải đóng góp trước. Tức là, các thành viên phải tích cực thảo luận với nhau để thấy được việc đáp ứng nhu cầu của người khác sẽ đáp ứng nhu cầu của bản thân thế nào. Mọi thành viên sẽ phải lắng nghe nhau một cách say mê, như thể người đối diện còn nhiều điều thú vị chưa nói, như thể họ là thầy của mình vậy. Vì một người thầy giỏi không phải là người xem học trò như một ly nước trống chỉ cần đổ kiến thức vào cho đầy là được, mà là có thể xem học trò như những người thầy của mình, và phải tạo mọi điều kiện để họ nói cho mình về những điều mà mình không biết. Nếu người thầy có thể xoá đi hình ảnh người thầy của mình, thì người trò đi đâu cũng có người thầy đó ở cạnh bên.
Vì mỗi người đều là người được tất cả những người khác lắng nghe, nên mỗi người đều là lãnh đạo của tổ chức. Ở dạng tổ chức như vậy, mọi cá nhân đều có thể liên kết với bất kỳ cá nhân nào khác. Bạn có thể rời đi hay gia nhập bất kỳ lúc nào mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sự vận hành của nó. Bạn có thể khám phá nó theo bất cứ cách nào, và những tài liệu hướng dẫn cho thành viên mới chỉ là một cái bản đồ để bạn đến nơi mình muốn đến. Bản đồ ấy có vô số lối vào và vô số lối ra, chứ không phải để buộc tất cả mọi người phải bắt đầu tại đúng một điểm xuất phát, đi qua đúng một con đường, để đến đúng một cái đích. Thậm chí, nếu bạn không ưng cái bản đồ đó, bạn cũng có thể xé nó đi để vẽ một cái khác. Sự sáng tạo là vô hạn.
Để có thể kết nối và ngắt kết nối vào bất cứ lúc nào, công việc trong tổ chức cần phải được chia thành những mô đun độc lập và có thể làm song song với nhau. Sự phân nhỏ này càng mịn càng tốt, nghĩa là độ lớn của các mô đun phải càng nhỏ càng tốt, để cho mỗi người với một kỹ năng, hứng thú và mức độ sẵn sàng khác nhau có thể lựa chọn mô đun phù hợp với mình.
Quyết định của tập thể sẽ không đi từ trên xuống dưới mà sẽ đi từ trong ra ngoài. Sẽ không có một người ra quyết định cuối cùng, mà tất cả những ai có hứng thú với kết quả đó đều có thể tham gia vào quá trình thảo luận. Trong trường hợp cần xử lý nhanh gọn làm thì tất cả những người tham gia sẽ chọn ra một người thay mình ra quyết định cuối cùng. Vào thời điểm đó, một cấu trúc phân cấp sẽ xuất hiện. Nhưng sau khi công việc đã hoàn thành rồi thì cấu trúc đó sẽ lại biến mất. Giống như khi một con sáo kêu lên một cái, thì tiếng kêu đó chỉ có tác dụng vào thời điểm đó, xong sau đó tiếng kêu sẽ tan biến đi. Tiếng kêu giải phóng con sáo khỏi chính nó.
Những cấu trúc phân cấp, và cùng với nó là những vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, những sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược, mục tiêu, hạng mục hành động, kết quả cụ thể của tổ chức sẽ thay phiên nhau hình thành và tan biến. Nên với người chưa quen nhiều khi bạn sẽ thấy không có gì là rõ ràng, thậm chí là rối loạn. Việc phải ở trạng thái không phải là cái này cũng chẳng phải là cái kia hẳn sẽ làm bạn nhức đầu khó chịu lắm. Bạn luôn phải ở giữa, luôn phải ở trong một quá trình dở dang, chưa đâu vào đâu. Tuy nhiên, hãy hiểu rằng sự mơ hồ của bạn chính là chỉ báo cho một sản phẩm tiếp theo nào đó. Hãy kiên nhẫn và quan sát tiếp. Và hãy đặt câu hỏi. Đặt thật nhiều vào. Hoặc giả như tất cả những lực trong người bạn đều đồng thanh nói rằng: “Quả Cầu cần một sự rạch ròi, quyết đoán”, thì bạn hãy làm cho Quả Cầu trở thành thứ rạch ròi quyết đoán mà bạn thấy nó cần phải như vậy. Vì bạn luôn luôn, luôn luôn là người lãnh đạo của Quả Cầu. Việc bạn trở thành lãnh đạo của Quả Cầu chính là điều Quả Cầu mong muốn tạo ra. Nó là của bạn.
Bài viết là sự hoà trộn của các khái niệm sau:
- Rhizome, giải lãnh thổ hoá, giải trung tâm trong triết học hậu hiện đại
- Thế giới nhỏ, đột sinh trong khoa học phức hợp
- Sociocracy, hetearchy trong tổ chức học (organization studies)
- Commons-based peer production trong kinh tế học xã hội, kiến trúc hướng sự kiện trong công nghệ thông tin
- Cộng đồng làm chủ trong công tác xã hội
- Nhân vị trọng tâm trong tâm lý học nhân văn
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực