Một số suy nghĩ từ dự án Chữ VN Song Song

Categorized as Tự nhiên, hệ thống, khoa học, quyền uy Tagged

Sau khi dự án Chữ VN Song Song được cấp đăng ký bản quyền, nó đã nhận được nhiều chỉ trích của cộng đồng. Bên cạnh những chỉ trích hoàn toàn mang tính lăng mạ ra, thì những phản biện nghiêm túc tôi cảm thấy vẫn chưa đủ hợp lý, còn có lỗ hổng hoặc không đúng trọng tâm. Do vậy tôi muốn nêu lên một số hiểu biết cũng như suy nghĩ của tôi về dự án này.

Nguyên tắc cốt lõi của tôi luôn là tìm ra những điều có ích giữa những thứ đáng bỏ đi. Chỉ ra cái sai thì ai chả làm được, nhưng biến cái sai thành cái tốt mới là thứ đáng nói. Đó cũng có thể xem là tinh thần steelman: tranh luận với đối thủ bằng cách làm cho lập luận của họ sắc bén nhất có thể, rồi mới hãy bẻ nó. Tất nhiên, tôi hiểu quá trình chú ý, ghi nhớ và biến đổi nghĩa của ý niệm sẽ luôn cản trở ta làm việc đó, nên dù có cảm thấy những người phản biện họ đã không làm đúng với tinh thần cởi mở, thì tôi cũng hiểu điều đó nằm ngoài năng lực của con người. Tôi mà phê phán họ thì không khác gì tự bắn vào chân mình.

Người sắt

Ở đây tôi chỉ đang muốn đặt lại cho đúng những giá trị mà nhóm tác giả đang theo đuổi mà thôi. Xin lưu ý là tôi và họ hoàn toàn không liên quan gì tới nhau. Tôi không cố gắng bênh họ, và có thể chúng tôi cũng có những bất đồng với nhau. Tôi chỉ phản biện lại những phản biện mà thôi. Phủ định của phủ định thì không nhất thiết là khẳng định. Tôi không hài lòng khi mọi người tự phá bỏ các nguyên tắc tranh luận cơ bản, và tôi thấy những ý phản biện còn nhiều lỗ hổng. Và tất nhiên, có thể chính tôi cũng đang hiểu sai cả hai bên không kém.

Một điều tình cờ là cách đây một tháng GS Hồ Hải Thụy (thầy của GS Nguyễn Văn Hiệp, viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) có ghé thăm web của tôi và donate $50, với lời nhắn là “Tôi thấy ông làm được nhiều việc có ích thì ủng hộ để động viên”.

Xin xem thêm bài Tranh luận hiền hòa để hiểu thêm về điều tôi muốn nói.

Vài thông tin và suy nghĩ xung quanh vụ tranh cãi này (suy nghĩ meta)

Tôi đồng ý với các tác giả phản biện là bộ chữ này không theo một phương pháp ký âm tốt. Ai đã từng xem qua lăng trụ thanh điệu này chắc sẽ đồng ý là dấu thanh là một yếu tố rất quan trọng trong chữ viết tiếng Việt, và là một thứ xứng đáng được giữ lấy trong chữ viết toàn dân.

lttdieu.gif

Xem thêm: Âm vị và các hệ thống âm vị tiếng Việt

Tôi đồng ý là bộ chữ này không thể thay thế được chữ quốc ngữ, và việc áp dụng nó theo hướng toàn dân là không hợp lý (hoặc tôi vẫn chưa rõ tính hợp lý của nó). Sẽ chỉ có một nhóm người cảm thấy nó cần thiết cho công việc của họ, còn lại đa số sẽ không cần.

Tuy nhiên, dự án Chữ Việt Nhanh thì vẫn sử dụng dấu thanh, và tôi cũng chưa thấy ai khảo sát xem nó có tuân thủ theo các nguyên tắc ký âm khác hay không.

Theo như tôi hiểu, dự án Chữ VN Song Song chỉ đơn giản là một phương pháp tốc ký, giống như cách những ai làm dịch cabin, thư ký tòa án hoặc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của người câm dùng. Nó cũng có thể hiểu như một bộ gõ tiếng Việt như VNI hay Telex. Tác giả khẳng định không hề có mục đích cải tiến chữ Quốc ngữ: “Gọi là Chữ Việt Nam song song vì chúng tôi không có tham vọng dùng nó thay thế chữ Quốc ngữ như một số thông tin thời gian gần đây. Bộ chữ của chúng tôi chỉ là một loại chữ viết tắt không dấu, dùng song song với chữ Quốc ngữ. Đó là cách viết tay hay viết trên điện thoại và không cần dùng bất cứ phần mềm nào”.

Giả sử cho rằng chúng tôi có mong ước thay thế chữ Quốc ngữ bằng Cvnss thì đó chỉ là mong ước hoang tưởng, trừ khi có đến khoảng 1 triệu người thích dùng Cvnss4.0.

Tác giả Trần Tư Bình. Nguồn →

Vì vậy, nếu ai cũng khẳng định rằng mong muốn thay thế chữ Quốc ngữ là hoang tưởng, thì có nghĩa là họ đang đồng ý với tác giả. Hai tác giả Lê Nam và Nguyễn Văn Hiệp trong bài Từ điển Béhaine – Taberd và các đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ từ cuối thế kỉ 19 đến nay: những vấn đề ngôn ngữ học đã đưa ra những lập luận rất mạnh mẽ:

[…] hệ thống Quốc ngữ với từ điển Béhaine và Taberd đã trở nên ổn định qua thực tế sử dụng hơn hai thế kỷ, rất khó được sửa đổi một cách tương đối quy mô, chưa nói đến việc thay đổi triệt để. Nhiều ý đồ cải cách, cải tiến trong một thế kỷ qua rơi vào ngõ cụt, một phần chủ yếu do các bài học từ công cuộc chỉnh lý chữ viết, thống nhất chính tả thời Pigneau de Béhaine đã không được nhìn nhận đầy đủ.

Những người mong muốn cải cách một cách cơ bản hệ thống chữ Quốc ngữ có lẽ đã không hiểu được một điều căn bản là hệ thống này đã là sản phẩm của những nỗ lực kéo dài nhiều thế kỉ, sản phẩm của tri thức phương Tây về ngữ học đỉnh cao một thời, được sự hưởng ứng trước tiên của một bộ phận người theo đạo Công giáo và sau đó đã được đông đảo người Việt chấp nhận, sử dụng làm phương tiện giao tiếp chính, thay thế cho một hệ chữ viết đã mất vai trò lịch sử (chữ Hán) và một hệ chữ viết đã không thể trở thành văn tự hành chức có hiệu quả của dân tộc (chữ Nôm). Rất nhiều điều kiện đã hội tụ lại để cho một bộ chữ viết và chính tả Quốc ngữ tiếng Việt định hình hoàn chỉnh vào cuối thế kỉ 18, nửa đầu thế kỷ 19. Kể từ giai đoạn này trở đi, sẽ chỉ còn một số rất ít thay đổi, điều chỉnh mang tính chi tiết cục bộ, hệ thống này sẽ không còn chấp nhận bất cứ thay đổi lớn nào nữa.

Như vậy có phải những người phản biện đang… ngầm đồng ý với các tác giả?

Nhóm tác giả thừa sức biết bộ chữ mình làm không hề tuân theo những nguyên tắc ký âm cơ bản, nhưng họ có lý do quan trọng hơn để phá nát những nguyên tắc đó. Nếu ai vẫn muốn tiếp tục phủ định giá trị của dự án, họ cần đưa ra được những lập luận mạnh hơn.

Vấn đề là, các tác giả cần nhận ra rằng với những nhà chuyên môn việc bộ chữ có thể hiện được các nguyên tắc ký âm đó không là tối quan trọng. Các tác giả cần nhận ra rằng cho tới chừng nào bên phản biện chưa nghe được sự thừa nhận của các tác giả về tính phi ngôn ngữ học của bộ chữ, thì những gì họ nói sẽ không bao giờ lọt được vào tai. Họ đã thừa nhận việc này rồi, nhưng vẫn chưa đủ. Họ cần phải gào to hơn nữa mới mong bên phản biện nghe ra được điều mà với họ vô cùng hiển nhiên và không hiểu sao phải nói lại thêm chi cho mất công.

firefox_2020-04-11_12-08-11

Nói cách khác, đây là các khái niệm nảy ra trong đầu hai bên khái niệm “bộ chữ” được nói đến:

Venn

Ta thấy hai vòng tròn này không hề giao nhau, nên cũng chẳng bao giờ có chuyện bên này chấp nhận hay hiểu nổi bên kia cả. Mỗi bên có một cách hiểu riêng cho từ “bộ chữ”. Giống như trong truyện thầy bói xem voi, khi mỗi một ông thầy bói đều nảy ra một định nghĩa riêng khi ai đó nói về từ “con voi”. Nói cách khác, từ “bộ chữ” hay từ “con voi” ở đây là một từ đồng âm khác nghĩa.

Meme này có lẽ sẽ diễn tả đúng cảm giác của nhóm tác giả khi được phân tích rằng bộ chữ của họ không ký âm đúng:

không ký âm đúng

Một số bài viết khác trong blog liên quan tới hiện tượng này:

Tiền thân của dự án Chữ Việt Song Song là dự án Chữ Việt Nhanh. Dự án này đã được giới thiệu từ rất lâu qua tạp chí công nghệ eChip, một tờ báo công nghệ lớn vào thời kỳ internet mới được phổ cập ở Việt Nam. Tổng biên tập báo eChip, bác Nguyễn Hữu Thiện, cũng đồng thời là dịch giả bộ truyện Lucky Luke và nhiều bộ truyện tranh phương Tây khác. Rất có thể những bài viết do bác viết trên tờ eChip và các bộ truyện được bác dịch đã được sử dụng phương pháp gõ tiếng Việt này.

Lucky_Luke_va_Jolly_Jumper

Dưới đây là một số cái tên lớn:

Ngoài ra dự án cũng từng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu tại nhà văn hóa Thanh Niên và trường KHXHNV TP.HCM:

https://www.youtube.com/watch?v=tnpjZtjt6cU

Tức là nó đã được giới thiệu từ lâu rồi chứ không phải mới đây.

Xem thêm: Website dự án Chữ Việt Nhanh

Tôi không hài lòng khi thấy những người làm khoa học lâu năm lại dễ dãi buông ra những lời như “tào lao” hay “vớ vẩn”. Tất nhiên tôi hiểu không phải lúc nào trong rác cũng có vàng, và tôi cũng hiểu đã có quá nhiều những nhà nghiên cứu nghiệp dư với những ý tưởng mà dùng từ vớ vẩn là thích hợp nhất. Đã thế họ còn coi thường những người phản biện, cho rằng họ chẳng biết ất giáp gì. Tuy nhiên, việc họ chỉ nói suông mà không đưa ra được bằng chứng thuyết phục là việc của họ. Việc của mình vẫn là giữ đúng tinh thần hoài nghi của một người làm khoa học: tin rằng ngay cả những kết luận chắc chắn nhất của mình cũng có thể sai. Không thể vì họ sai mà cho phép mình vi phạm nguyên tắc đó được. Nếu họ vẫn không chịu nghe lời mình nói, thì im lặng là cách tốt nhất.

Hơn nữa, trong trường hợp này, tôi nghĩ các tác giả đã hành xử lịch thiệp và tôn trọng giới chuyên môn. Có thể họ không có đủ kiến thức ngôn ngữ học để làm thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe nhưng cần thiết của giới chuyên môn, nhưng ít nhất qua những gì tôi thấy họ không hề có một biểu hiện nào của chứng vĩ cuồng. Tôi không hài lòng khi thấy những người làm khoa học lâu năm lại nói họ như vậy mà không hề đưa ra được một bằng chứng nào.

Xem thêm:

Tuy các tác giả khẳng định tới khẳng định lui là không có ý định thay thế chữ quốc ngữ và muốn lắng nghe giới chuyên gia, nhưng phải công nhận là ấn tượng mọi người thấy là trái ngược. Tôi giả định đây không phải là do các tác giả cố ý, mà chủ yếu là do họ không có nhiều kiến thức chuyên môn thì buộc phải nói như thế. Giống như bạn thấy một người mù nói là con voi như con đỉa là buồn cười, nhưng ở vị trí của họ, thì đó là cách miêu tả tốt nhất, và bạn phải đứng ở góc nhìn của họ để nói, chứ không phải để cười họ. Nếu bạn nói, “không, con voi không phải là con đỉa”, bạn phải miêu tả được tại sao khi tay ông ấy tiếp xúc với vòi của con voi, nó đem lại cảm giác sun sun như một con đỉa thực thụ vậy. Ở đây mọi người đều giải thích theo kiểu “nó không phải là con đỉa vì nó to hơn con đỉa”. Nhưng nói như vậy thì sẽ đặt câu hỏi là “ủa vậy thì con voi là một con đỉa khổng lồ? Cũng là con đỉa vậy?”. Tức là những lý do bạn đưa ra chỉ là phụ thôi, không đả động gì tới cái cảm giác sun sun nguyên thủy đó, và thậm chí là còn có thể uốn theo cái ý “là con đỉa” được. Rốt cuộc là ổng cũng không có lý do để thấy nó không phải là con đỉa, và bạn càng cố nói là nó không phải là con đỉa thì ông ấy càng hoang mang hơn, còn bạn thì càng cảm thấy ổng cố chấp hơn. Bạn chỉ có thể chấm dứt sự hoang mang này khi nào bạn thực sự nói về cái cảm giác sun sun mà thôi.

Ở đây cũng thế. Bạn có thể đưa ra đủ loại lý do rất chính đáng, nhưng sẽ không bao giờ thuyết phục được họ với cách thuyết phục như hiện nay. Không phải là họ tìm mọi cách để có sự chú ý, mà là họ không hiểu tại sao lại sai. Cái sun sun ở đây chính là cái ý “viết không dấu, viết ngắn nhất”, và bạn phải ghi tâm khắc cốt điều đó trong từng lập luận của mình thì mới có thể đưa ra được một câu trả lời thuyết phục.

Cũng không khó để chứng minh ý này. Cứ cho các bài phản biện vào máy thống kê, tôi khá chắc tần suất các từ như “ký âm”, “khó nhớ” chiếm chủ đạo, trong khi “không dấu”, “ngắn nhất” thì lại rất thấp. Chỉ khi nào có một bài phản biện có tỉ lệ ngược lại mới có thể làm thỏa mãn họ.

Hơn nữa, như trong bài Bản ngã là gì nếu không phải là sự chú ý?, tôi có nói:

Tôi nghĩ nói rằng một người có cái tôi giống như bắt họ phải nhận một tội lỗi không biết từ đâu chui ra, một tội lỗi họ đã rất cố gắng để không phạm phải, một tội lỗi ngay cả quan tòa cũng phạm phải mà còn kết án ai, và một tội lỗi lỡ phạm vào rồi thì cũng không ai biết cách nào để khắc phục hậu quả vậy.

Các chuyên gia ở đây chính là các quan tòa. Và những quan tòa này cũng phạm phải tội lỗi đó mà còn kết án ai.

Xem thêm:

Các tác giả thiếu những phép đo để kiểm nghiệm giả thuyết của mình. Có thể đúng là bộ gõ của họ là nhanh hơn, và những gì họ nói là ưu việt là thực chứng trong trải nghiệm sử dụng của họ, nhưng với một người chưa biết gì về nó thì chỉ là giả thuyết mà thôi, và chưa có một bằng chứng cụ thể nào ngoài việc nó có ngắn hơn cách gõ Telex một chút.

Để công trình này được xem như có tính khoa học, nó ít nhất phải đưa ra được những kết luận có tính kiểm sai (falsifiability). Nó có nghĩa rằng là bất kỳ một lập luận nào, dù nghe có hợp lí đến đâu, mà không thể bị phủ nhận được bằng thực tiễn thì đều vô nghĩa. Ví dụ, câu “mặt trời mọc ở hướng đông” là một câu có thể kiểm sai, vì chỉ cần một lần mặt trời mọc ở hướng tây thôi thì câu đó bị phủ nhận, và toàn bộ tri thức dựa trên câu nói đó sẽ bị sụp đổ không thương tiếc. Còn với câu như “tất cả mọi thứ đều do duyên hợp thành” thì không thể kiểm sai được, vì không có cách gì kiểm tra sự sai của nó. Những câu như vậy không phải là đối tượng để khoa học quan tâm.

Kiểm sai

Và để có thể xây dựng được những mệnh đề có tính kiểm sai, thì cần phải tuân theo một quy trình gọi là phương pháp khoa học. Những bước đó là: nêu giả thuyết, tiến hành thí nghiệm, phân tích kết quả. Sau khi giả thuyết đã được sàng lọc thì kết luận phải có tính tiên đoán và kiểm sai. Ngoài ra, khi nghiên cứu còn phải tham khảo những nghiên cứu trước đó của những người đi trước. Nói như Newton là “đứng trên vai những người khổng lồ”.

Cho tới thời điểm này (17/4/2020), tôi chỉ thấy một bảng khảo sát duy nhất của tác giả Phúc Lai trong bài viết: Người lang thang cuối cùng (Phúc Lai): “Chữ Việt Nam song song 4.0” – tán thành hay phản đối?. Ngoài ra tôi không có một thông tin nào khác để đảm bảo các kết luận của tác giả có tính khoa học.

Một số câu hỏi mà tôi nghĩ sẽ làm những lập luận của các tác giả trở nên thuyết phục hơn:

  • Có những ngành nghề nào có nhu cầu sử dụng tiếng Việt không dấu?
  • Mức độ hài lòng của những người mới tập bộ chữ này là thế nào?
  • Tốc độ gõ phím có đủ nhanh hơn để người dùng muốn dành thời gian để ưu tiên tâm trí cho việc học nó, khi mà họ còn bao nhiêu thứ quan trọng hơn phải làm?

Suy nghĩ của tôi trước những nhược điểm của nó

Tác giả Đặng Minh Tuấn có viết:

Quá rắc rối, rối rắm, quá nhiều quy tắc cho những điều bất quy tắc: CVNSS4.0 vì không có tính đơn trị nên rắc rối và nhập nhằng trong ký hiệu, lúc ký hiệu có ý nghĩa này, lúc khác lại ý nghĩa khác tùy vào các trường hợp, tùy vị trí trong từ, tùy theo đi với chữ nào, buộc người dùng phải nhớ nhiều quy tắc và phải phân tích trong đầu trong khi gõ. Trong khi kiểu gõ Telex hay VNI thì chỉ cần 8 quy tắc đơn giản (5 cho dấu thanh, 3 cho các dấu mũ, trăng và đ) thì CVNSS4.0 cần đến 52 quy tắc, trong đó có nhiều quy tắc khá khó nhớ, buộc người dùng phải xử lý một thuật toán if-then khá lớn, tóm lại CVNSS4.0 khó nhớ, buộc tốn nhiều tài nguyên của trí não khi phải phân tích các trường hợp if-then…

Trên quan điểm của tâm lý học nhận thức thì điều này là sai. Ví dụ như chữ “cats” trong tiếng Anh, thì ta không có hàm if-then trong não theo kiểu “cat” + số nhiều → “cats”, mà thực sự ta lưu “cats” như thể nó là một từ độc lập với “cat”. Các ngôn ngữ có kiểu biến hình morpheme khác, không chỉ ở số nhiều/số ít, mà còn có là giới tính, quá khứ/tương lai, chủ động/bị động, v.v…. tổ hợp ra có thể tới gần chục biến thể từ một gốc từ, thì ta cũng nhớ cho bằng hết, chứ không có xử lý if-then. Tương tự, tôi cũng rất hoài nghi lập luận này: “nếu không dùng các kỹ thuật thống kê và AI để dự đoán cả từ thì với một bộ luật gõ đơn giản người sử dụng có thể gõ với tốc độ rất nhanh (do não không phải xử lý thuật toán gõ tắt, if-then).”

Anh Tuấn là dân công nghệ, vậy tôi có thể đưa ra một câu hỏi minh họa: phần mềm Vim hẳn là rất ít quy tắc? Các lệnh Linux hẳn là đến với anh rất straightforward và anh không cần phải google lần nào? Theo tôi, loại chữ này với chữ quốc ngữ giống như giữa Vim và Word, giữa giao diện dòng lệnh và giao diện đồ họa. Quan trọng là người học có cảm thấy cần phải học hay không mà thôi.

vim_cheat_sheet_for_programmers_screen

Với những hiểu biết của tôi về tâm lý học nhận thức, tôi xin được mạnh dạn nói rằng: dù là 100 quy tắc thì nó cũng như 3 quy tắc thôi. Hơn nữa, các tác giả cũng khẳng định là chỉ mất 3 buổi là xong. Không nên chỉ vì đếm số quy tắc mà phủ nhận bằng chứng thực tiễn của những người đã từng học bộ chữ này.

Nhiều người phản biện cho rằng nếu muốn gõ nhanh thì vẫn có các công cụ hỗ trợ, như bảng gõ tắt (vd: đánh hai ký tự vn sẽ bung ra Việt Nam), hay sử dụng máy học để đoán chữ tiếp khi đang đánh. Tuy nhiên đâu có lý do gì để không sử dụng những công cụ đó cho bộ gõ/bộ chữ này?

Nhân tiện, nếu ai có nhu cầu gõ tắt nhiều thì có thể sử dụng một chương trình dành riêng cho gõ tắt, như PhraseExpress hoặc AutoHotKey. Tôi thì dùng AutoHotKey vì ngoài việc gõ tắt ra nó còn làm được nhiều thứ lớn lao hơn :)). Xem thêm: Các phần mềm hữu ích

Đã có vô số đề xuất cải cách chữ viết dựa trên những bất cập về mặt ngôn ngữ học có lẽ là hai năm rõ mười của chữ quốc ngữ, tuy nhiên chúng đều thất bại. Tôi nghĩ bài học đã quá rõ ràng: mọi cải tiến chữ viết mới buộc phải dung hợp được những yếu tố phi ngôn ngữ học vào trong nó. Những yếu tố đó phải được xuất hiện ngay từ những dòng đầu tiên của bản thảo cải tiến, là động lực dẫn dắt, là giá trị cốt lõi, là thông điệp chủ đạo, song song với các các nhu cầu ngôn ngữ học khác. Đó là hy vọng, là con đường cho những ai muốn triệt để thay đổi những bất cập của chữ quốc ngữ.

Vì dự án CVNSS này là một nỗ lực cải cách chữ viết không dựa trên một lập luận ngôn ngữ học nào, mà dựa trên những mong muốn rất phi ngôn ngữ học (viết không dấu và ngắn nhất bằng mọi giá), nên hóa ra nó lại có thể là một gợi ý quan trọng cho các dự án cải cách chữ viết sau này. Với tôi, nó gợi ý một số yếu tố phi ngôn ngữ học như sau:

Những lý do phi ngôn ngữ học được gợi ý từ dự án CVNSS

Nhiều người phản biện rằng với sự phát triển của tin học, ta đã có đủ khả năng để gõ tiếng Việt có dấu một cách tiện lợi, không cần phải có thêm cái nào khác. Vậy ta có thể hỏi ngược lại họ: họ đang dùng bộ gõ VNI hay Telex, và tại sao?

Chúng ta hãy xem qua sơ đồ bố trí các phím gõ dấu của VNI và Telex:

Ta có thể thấy, tất cả các phím gõ dấu của VNI đã bị đẩy lên hàng phím số. Còn các phím như w, f, j, z nằm rải rác trong khu phím cơ sở (nơi các ngón tay được để lên bàn phím một cách tự nhiên nhất) thì lại bị bỏ phí. Điều này gây ra sự lãng phí lớn về hiệu suất gõ phím. Cách gõ Telex giải quyết được vấn đề của VNI. Tương tự, cũng không có gì đảm bảo cách gõ Telex là cách gõ tối ưu nhất.

Xem thêm: Phân tích kỹ thuật các kiểu gõ tiếng Việt

Dự án Chữ Việt Nhanh ước tính giảm được 40% thời gian gõ. Với những người có các cơn đau liên quan đến máy tính (bệnh RSI) thì 40% là rt nhiu. Một giờ gõ phím liên tục sẽ chỉ còn 40 phút, 5 giờ gõ phím liên tục chỉ còn 3 giờ, v.v. Tất nhiên con số 40% này cần được xác minh thêm, và ngay cả như vậy, hiệu quả của nó với việc giảm thiểu các vấn đề về RSI cũng cần được khảo sát kỹ.

Hiện nay có một số đề xuất sử dụng cách viết dính liền giữa các tiếng trong một từ. Ví dụ như thay vì viết là “quả cầu”, thì viết là “quảcầu” (không có dấu cách). Chi tiết thế nào tôi không rõ. Nhưng cơ bản là trên phương diện ngôn ngữ học thì như vậy chuẩn xác hơn.

Trên máy tính thì ta có thể tắt chức năng kiểm tra chính tả để viết dính liền (và điều này rất bất tiện khi thỉnh thoảng cần viết vài từ tiếng Anh), nhưng trên điện thoại thì mặc định là được bật. Để viết được ta phải làm như sau:

  1. Viết chữ quả
  2. Bấm dấu cách
  3. Viết chữ cầu
  4. Quay về vị trí có dấu cách
  5. Xóa dấu cách
  6. Quay lại vị trí hiện tại

Sự bất tiện này không chỉ nằm ở việc mất công thao tác, mà còn ch nó phá mch tư duy. Có thể một cách gõ phím mới sẽ giúp giải quyết tình trạng này, góp phần lan rộng mục tiêu này.

Xem thêm: Tiếng nước tôi: Từ đơn-Từ kép

Không phải lúc nào ta cũng có thể dùng tiếng Việt có dấu. Trong một số trường hợp bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt không dấu (như khi viết code máy tính, hoặc viết tên riêng cho người nước ngoài đọc), hoặc khi bộ gõ của bạn bị xung đột với phần mềm khác và dot nhien ban phai go khong dau, ban se thay ich loi cua cach dung nay. Luc nay nhung nham lan khong dang co cua tieng Viet khong dau se khong con nua (vi du: nguoi vo dam dang). Dung cach go nay thi di dau ban cung co the dung tieng Viet ma khong phai cai them bat ky chuong trinh nao.

94352282_1491552414382943_17105377271218176_n

Tên miền của website bạn đang đọc là Quảcầu.com. Không phải Quacau.com. Tôi muốn dùng tên miền có dấu, bởi vì chỉ có dấu mới thể hiện được hết thông điệp không thỏa hiệp với những thứ nửa vời. Tôi không muốn dùng tiếng Việt không dấu rồi bị đọc thành Quacầu.com, hay Quảcau.com. Nhưng nếu đăng ký tên miền tiếng Việt có dấu, thì khi chia sẻ trên Facebook thì nó sẽ bị hiển thị thành xn--qucu-hr5aza.com. Chán :-<

Kết

Tôi nghĩ đúng là những cải cách ngôn ngữ mới nên được giới thiệu thông qua một bộ gõ mới. Nó sẽ thuyết phục được những người muốn dùng nó, mà người chưa biết gì về nó vẫn không gặp khó khăn trong giao tiếp. Như vậy sẽ tránh gây sốc cho cộng đồng.

Các tác giả nên tránh nói về sự ưu việt của nó, mà tìm cách chứng minh rằng nó thật sự rất ưu thế so với cách gõ Telex, và thật sự là có một cộng đồng người đang khổ sở vì phải dùng tiếng Việt không dấu. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, tự mọi người sẽ thấy nó ưu việt mà các tác giả không cần phải nói.

Các tác giả của các chữ viết cải tiến nếu muốn quảng bá thêm loại chữ viết này có thể xác định đây là một dự án thay đổi nhận thức xã hội. Có thể các bài giảng của Trung tâm cộng đồng LIN sẽ giúp xây dựng một kế hoạch chiến lược, kế hoạch hành động, và kế hoạch truyền thông hiệu quả, hướng đến những người xem việc sử dụng loại chữ này là cấp bách.

Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.

Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.

Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?

Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:

1

Hỗ trợ 1-1 cho thành viên

2

Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động

3

Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Bấm sao để đánh giá nha!

Đánh giá trung bình: 3.7 / 5. Số lượt đánh giá: 3

Nếu bạn thấy bài này hữu ích

Bạn bè bạn cũng có thể thấy nó hữu ích

Mình rất tiếc nếu bạn thấy bài không có giá trị

Xin hãy nói cho mình biết phải cải thiện ở đâu

5 comments

  1. Cảm ơn tác giả Quả Cầu đã viết bài này rất hay và trình bày trang nhã.
    Camz ono tac jaz Qaz Caud das vidb bail nayl ratb hay val trihl bayl tragp nhas. (CVNSS4.0)

  2. Chúng tôi đang soạn lại giáo trình Chữ VN Song Song 4.0 cho dễ hiểu hơn rồi mới đưa lên mạng, vì quy luật của nó khá phức tạp.
    Cvnss4.0 gồm 34 quy tắc rút gọn cực ngắn chữ Quốc ngữ tạo ra Chữ Việt Nhanh. Và thêm 18 chữ cái (Ký hiệu dấu) để thay dấu cho Chữ Việt Nhanh để tạo ra CVNSS4.0, một kiểu chữ Việt cực ngắn không dấu.

    Tạm thời, để hiểu cách viết Cvnss4.0, bạn có thể xem phần “Tóm Tắt quy luật Cvnss4.0 kèm Ví dụ và Mẹo nhớ” ở cuối bài báo này.

    Và ví dụ bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan viết bằng bộ chữ Cvnss4.0 thì ở phía dưới đường dẫn bài báo.

    https://m.kenh14.vn/bi-phan-doi-kich-liet-tac-gia-chu-viet-nam-song-song-40-len-tieng-chi-mat-3-buoi-hoc-la-thanh-thao-kieu-chu-moi-nay-20200401233528642.chn

    Bài thơ “Qua Đèo Ngang” viết bằng bộ chữ Cvnss4.0:

    Busx toix deol Wagp bogj xeb tal,
    Coz cayy chen daj, laj chen hoa.
    Lom kom zujx nuij tiwd vail chuj,
    Lac dac beny sogy roh mayb nhal.
    Nhox nusx, dau logl con qocb qocb,
    Thuzo nhal, moiz mizf caij ja ja.
    Zugk chany dugx lair: troik, non, nusx,
    Motf mahz tihl rizy, ta voix ta
    ***
    Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
    Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
    Lom khom dưới núi tiều vài chú,
    Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
    Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc,
    Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia.
    Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
    Một mảnh tình riêng, ta với ta.

  3. Chúng tôi đồng ý với câu đầu trong phần Kết của bài viết:
    “Tôi nghĩ đúng là những cải cách ngôn ngữ mới nên được giới thiệu thông qua một bộ gõ mới. Nó sẽ thuyết phục được những người muốn dùng nó, mà người chưa biết gì về nó vẫn không gặp khó khăn trong giao tiếp. Như vậy sẽ tránh gây sốc cho cộng đồng.”
    Nay xin giới thiệu bộ gõ online cho kiểu chữ Cvnss4.0 ở:
    http://chuvnsongsong.com
    Bộ gõ này có thể chuyển đổi qua lại giữa 3 kiểu chữ:
    – Chữ quốc ngữ.
    – Chữ Việt Nhanh (kiểu chữ rút gọn cực ngắn từ chữ quốc ngữ)
    – Chữ VN Song Song 4.0 (kiểu chữ cực ngắn không dấu cho Chữ Việt Nhanh)

  4. Về câu cuối cùng trong phần Kết của bài viết “Các tác giả của các chữ viết cải tiến nếu muốn quảng bá thêm loại chữ viết này có thể xác định đây là một dự án thay đổi nhận thức xã hội. Có thể các bài giảng của Trung tâm cộng đồng LIN sẽ giúp xây dựng một kế hoạch chiến lược, kế hoạch hành động, và kế hoạch truyền thông hiệu quả, hướng đến những người xem việc sử dụng loại chữ này là cấp bách.”

    thì chúng tôi rất muốn được hợp tác với Quả Cầu như các điều đã nêu trong đoạn trích trên.

    Tuy nhiên, chúng tôi muốn Quả Cầu hiểu rõ và thật sự nắm vững các công thức của Chữ VN Song Song 4.0 trước khi chúng ta bàn việc hợp tác. Vì chỉ khi Quả Cầu nắm vững và thuộc 52 qui ước (34 qui ước rút gọn Chữ quốc ngữ qua Chữ Việt Nhanh, và 18 qui ước thay dấu phụ thành chữ không dấu cho Chữ Việt Nhanh) thì chúng ta mới dễ bàn bạc hơn.
    Bạn Quả Cầu có thể email cho chúng tôi ở tubinhtran@gmail.com
    Mong nhận được sự hợp tác với bạn.
    Thân mến.

  5. Hôm nay rảnh rỗi, chú xin trả lời các câu hỏi cháu đã nêu ra. Hi vọng cháu hiểu đúng.

    1) Câu hỏi 1: “..Vậy tại sao chữ 4.0 lại quan trọng hơn giá trị cốt lõi của IPA, một bộ chữ ký âm là “ghi lại được từng vị trí đặt môi, lưỡi, luồng thở, âm rung, độ cao, v.v. của âm phát ra”? Tại sao [ dok-ter ] lại không đủ hay?…”.

    Trả lời: Hệ thống IPA có rất nhiều mẫu tự khác nhau rất lạ, không phải chỉ có 26 chữ cái trên bàn phím Querty. Để học cách sử dụng hệ thống này thường phải qua một khóa đào tạo chuyên sâu về IPA từ các trường Đại học lớn trên thế giới.
    Chữ 4.0 chỉ dùng có 26 kí tự trên bàn phím Querty, nghĩa là dùng thêm F, J, W, Z, mà đã bị phản đối. Nếu như dùng thêm các ký tự xa lạ thì chắc chắn sẽ bị phản đối gay gắt hơn vì phải dùng phần mềm để gõ hiển thị các ký tự lạ.
    Xin xem link sau để thấy các ký tự của IPA.
    https://vi.m.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3ng_m%E1%BA%ABu_t%E1%BB%B1_ng%E1%BB%AF_%C3%A2m_qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF

    Cách phiên âm chữ “doctor” là [ dok-ter ] ở trên là chú copy từ tự điển trên mạng Dictionary.com cho tiện, chứ khi tra chữ “doctor” ở tự điển giấy của Cambridge thì họ ghi chữ e là “e quay ngược lại”,… Và để gõ cho ra ký tự “e quay ngược” và nhiều ký tự của IPA rất lạ, chú cũng không biết sao mà gõ cho ra trên điện thoại.
    Với các bất tiện trên, chắc cháu hiểu là IPA không nên dùng ký âm chính thức cho chữ Quốc ngữ, hoặc cho chữ 4.0, hoặc cho chữ viết các dân tộc thiểu số,…

    Hiện nay, trong vài bộ tự điển chữ Quốc ngữ, bên cạnh các từ thường có phiên âm cách đọc theo hệ thống IPA.
    Giả sử, sau này có bộ tự điển chữ 4.0 thì bên cạnh các từ chữ 4.0, ta vẫn có thể dùng hoặc bê nguyên xi kiểu phiên âm cách đọc theo hệ thống IPA ở tự điển chữ Quốc ngữ vào tự điển chữ 4.0.

    2) Câu hỏi 2: “…Con đồng ý là sau khi quen thì đọc “docb tok” cũng rất trôi chảy, nhưng nếu cần phải dạy cho trẻ em đọc chữ “đờ ốc đốc sắc đốc, tờ ơ tơ huyền tờ”, thì chú sẽ dạy bộ chữ mình như thế nào?”

    Trả lời: Theo phương pháp sư phạm mới trong việc dạy đọc hoặc đánh vần chữ Quốc ngữ vài chục năm qua thì trẻ em đọc nguyên chữ hoặc nguyên vần. Khi cần đánh vần thì ráp phụ âm đầu chữ với vần và thêm dấu thanh (nếu có) như ví dụ cháu nêu ra ở trên “đờ ốc đốc sắc đốc, tờ ơ tơ huyền tờ”.
    Dạy đọc hay đánh vần bộ chữ 4.0 cũng theo phương pháp mới này, nghĩa là trẻ em đọc nguyên chữ hoặc nguyên vần. Khi cần đánh vần thì ráp phụ âm đầu chữ với vần mà thôi, không đánh vần thêm dấu thanh vì ở chữ 4.0 thì dấu fụ và dấu thanh kết hợp trong một chữ cái ở cuối từ, gọi là Ký Hiệu Dấu. Chẳng hạn:
    – B = (dấu ^ + dấu sắc)
    Docb=đốc, tocb=tốc, bonb= bốn.
    – K = (dấu móc + dấu huyền) hay (dấu trăng + dấu huyền)
    Tok=tờ, cok=cờ, lonk=lờn, lank=lằn.

    Ví dụ đánh vần:
    – Chữ “docb tok” đánh vần là “đờ ốc đốc, tờ ờ tờ”.
    – Chữ “docf tob” (độc tố) đánh vần là “đờ ộc độc, tờ ố tố”.
    – Chữ “wizy wuav” (nghiêng ngửa) đánh vần là “ngờ nghiêng, ngờ ửa ngửa”.
    – Chữ “Kydb divq” (Khuyết điểm) đánh vần là “khờ uyết khuyết, đờ iểm điểm”.
    – Chữ “Fuzk, Qanf, Hylf” (Phường, Quận, Huyện) đánh vần là “phờ ường phường, quờ ận quận, hờ uyện huyện”.
    – Câu “Uzb nusx nhox wuld” (Uống nước nhớ nguồn) đánh vần là “uống, nờ ước nước, nhờ ớ nhớ, ngờ uồn nguồn”.
    Vài năm trước đây, có vụ báo chí ồn ào về cách dạy đánh vần trong clip và sách dạy tiếng Việt của Gs. Hồ Ngọc Đại. Trên mạng xã hội bàn luận sôi nổi cách đánh vần như thế nào là hợp lý nhất. Dịp này, chú có đăng bài tham luận của chú viết về đề tài này vào một số mạng và cũng được khá nhiều người tán đồng vì một số độc giả họ nói họ dạy con cháu (lúc chưa đi học) đọc chữ Việt không đánh vần mà vẫn đọc trôi chảy chữ Việt. Mời cháu đọc nếu rảnh rỗi:
    http://chuvietnhanh.sf.net/CoCanThietPhaiHocDanhVanKhiDayTiengVietKhong.htm

    3) Câu hỏi 3: “…Tại sao ‘ngắn nhất’ và ‘không dấu’ lại quan trọng đến vậy trong việc học một bộ chữ?”.

    Trả lời: Dù chữ Quốc ngữ hiện nay đang vận hành hiệu quả và chưa có nhu cầu cấp thiết cải tiến chữ viết nhưng việc tìm ra một cách ghi tối ưu, hợp lí và ngắn gọn hơn cho tiếng Việt vẫn là việc nên làm, vì thiết nghĩ đang vận hành hiệu quả không có nghĩa là không thể vận hành hiệu quả hơn hiện nay.

    Chữ 4.0 là cách ghi tối ưu vì ngắn nhất và không dấu cho chữ quốc ngữ.

    ‘Ngắn nhất’ để tiết kiệm được rất nhiều giấy mực, vật liệu làm
    bảng hiệu, thời gian viết gõ, v.v….
    ‘Không dấu’ để không cần dùng phần mềm nào khi gõ trên bàn phím Querty và phone hiện nay.

    Riêng cách ký âm ‘ngắn nhất’ và ‘không dấu’ của chữ 4.0 có thể dùng sáng tạo chữ viết cho các dân tộc thiểu số hoặc chữ nổi cho người khiếm thị thì sẽ được hợp lí hơn, tránh được những bất hợp lí quá rõ rệt còn tồn tại của chữ Quốc ngữ.

    Nói tóm lại, nhờ là ‘ngắn nhất’ và ‘không dấu’ cho nên chữ 4.0 có thể được dùng như kiểu gõ hoặc dùng như bộ chữ.

    Chữ 4.0 dùng như kiểu gõ, hữu ích ở:
    – Tích hợp vào các bộ gõ tiếng việt để gõ bung ra chữ Quốc ngữ, tiết kiệm được khoảng 30% thời gian gõ.
    – Hiện tại chữ 4.0 chỉ mới được tích hợp vào công cụ trực tuyến (tool online) https://chuvnsongsong.com .
    Vào tool, ta gõ kiểu gõ Cvnss4.0 mà vẫn bung ra chữ Việt trọn vẹn, tiết kiệm nhiều thời gian gõ Tiếng Việt.

    Chữ 4.0 dùng như bộ chữ, hữu ích ở:
    – Chat nhanh tiếng việt trong môi trường không có phần mềm.
    – Nếu viết tin nhắn chữ Quốc ngữ không dấu trên điện thoại, messenger, zalo… nhiều lúc đọc không dấu sẽ gây hiểu nhầm. Chữ 4.0 khắc phục được nhược điểm gây hiểu lầm này.
    – Tiết kiệm không gian lưu trữ dữ liệu data.
    – Bảo mật dữ liệu vì không cần dùng bất cứ phần mềm nào.

    4) Câu số 4: chú muốn nói về nhận định của cháu ở câu “…Con nghĩ ở đây chẳng ai sợ phải học tiếng Ý/học CVNSS cả. Chỉ là mọi người chưa thấy nó giúp ích gì cho công việc của họ mà thôi.”

    Câu này cháu nói không sai. Thời điểm này, người Việt nên học tiếng Anh và chữ Quốc ngữ cho giỏi thì vẫn hữu ích hơn.
    Học thêm tiếng Ý/học Cvnss chỉ dành cho ai muốn biết thêm một sinh ngữ phụ hoặc biết một cách viết mới xì- tin (style) cho tiếng Việt.
    Việc cháu và nhiều người không thích học tiếng Ý hay học Cvnss cũng là bình thường.
    Trong tinh thần này, cũng không sai khi Ts. Phạm Văn Tình nói chữ 4.0 là “không thực tế” hay Ts. Nguyễn Văn Hiệp nói chữ 4.0 có là “một kiểu gõ nhanh nhưng dùng như một bộ chữ thì cần phải để thực tế kiểm nghiệm”.
    Dù vậy, điều này không có nghĩa là tiếng Anh thì có cấu trúc hay hơn tiếng Ý, và chữ Quốc ngữ thì có cấu trúc hay hơn bộ chữ Cvnss4.0.
    Vì vậy, ai không thể viết vài câu tiếng Ý mà phê phán nó không hay bằng tiếng Anh thì lời phê phán đó không có giá trị khoa học.
    Tương tự, ai không thể viết vài câu chữ 4.0 mà phê phán nó không hay bằng chữ Quốc ngữ thì lời phê phán đó không có giá trị khoa học. Xin đơn cử vài vị trong nhóm Xử lý tiếng Việt, họ chỉ nhìn bài demo chữ 4.0 trên báo chí, không chịu tìm hiểu công thức mà đã phê phán chữ 4.0 là “mật mã” (từ của anh Nguyễn Đức Hoàng), là “macro viết tắt” (Ts. Ngô Đình Học), là “…thiếu khoa học trong thiết kế, chưa tuân thủ cấu trúc ngôn ngữ tiếng Việt, không tuân thủ hệ thống ngữ âm quốc tế, không bảo đảm tính đơn trị, còn nhập nhằng và khó nhớ…(Ts. Đặng Minh Tuấn VietKey), là “không hợp lí, không có cơ sở khoa học” (Ts. Nguyễn Văn Lợi),…

    Và riêng cháu đã viết bài rất công phu nhận định về Cvnss cách đây hơn 2 tháng ở link:
    https://xn--qucu-hr5aza.cc/mot-so-suy-nghi-tu-du-an-chu-vn-song-song/

    Hai tháng trước đây, đọc xong bài viết của cháu, chú thấy cháu viết rất thiện ý tìm hiểu về chữ 4.0, không bênh vực mà cũng không phê phán nhưng tiếc là lúc đó chưa có phần mềm để chứng minh và thêm công việc bận rộn nên cũng không trao đổi được nhiều các câu hỏi của cháu trong bài.
    Có điều qua bài cháu viết, chú thấy là cháu chỉ bàn loanh quanh các ý kiến từ các bài báo bài viết của các tác giả khác (mà chính họ đã không nắm vững cấu trúc chữ 4.0). Vì vậy bài của cháu không đi tới đâu, không có quan điểm rõ ràng chỉ vì chính chính cháu cũng chưa hiểu cấu trúc chữ 4.0.

    Có vài người trong nhóm Xử lý tiếng Việt này, chú và Kiều Trường Lâm chỉ biết gần đây, chưa hề gặp qua, nhưng họ đã học và viết được chữ 4.0, sau đó họ đã viết bài khen ngợi chữ 4.0.

    Chẳng hạn anh Bát Hoàng viết bài TIN VUI khi hay tin Cvnss đã được cấp bản quyền.
    https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1443341462534993&id=100005774581253

    Hoặc cô Thu Hà đã gởi đến chú 1 bài viết ngắn liên quan ít nhiều đến chữ 4.0 nhờ chú góp ý để đăng lên fb. Chú đã góp vài ý chỉnh sửa, tiếc là Thu Hà bận rộn chưa đăng lên fb. (Nếu thấy thich hợp thì xin Thu Hà đăng bài viết đó ở đây).

    Hoặc anh Phúc Lai đã viết bài có giá trị khoa học “Chữ VN Song Song 4.0 – Tán thành hay phản đối ?”
    https://www.nguoilangthangcuoicung.net/2020/04/chu-viet-nam-song-song-40-tan-thanh-hay.html?m=1
    Bài viết này kết thúc câu cuối cùng nguyên văn như sau:
    “… Mỗi cách thể hiện chữ Việt mới đều là những cố gắng, nỗ lực rất đáng trân trọng và nghiêm túc xem xét, vì nếu thực sự nó có giá trị mà chúng ta bỏ qua thì thực có lỗi với dân tộc.”

Leave a Reply