Mỗi chúng ta đều có niềm tin. Nhờ có niềm tin mà chúng ta mới có thể vận hành trong xã hội. Cách thức các niềm tin hình thành, thay đổi và tương tác lẫn nhau là một chủ đề được nghiên cứu trong rất nhiều lĩnh vực, từ tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, chính trị học, nhân học, triết học, v.v. cho đến cả sinh học, khoa học máy tính, vật lý thống kê. Tuy vậy, dường như việc tạo lập một mạng lưới những niềm tin có sẵn trong cộng đồng là điều chưa quen thuộc với nhiều người. Chính vì như vậy, nên ở đây tôi xin chia sẻ một mạng lưới hơn 100 quan niệm, niềm tin phổ biến trong xã hội mà tôi quan sát, thu thập và tự suy luận. Những quan niệm này, tuỳ từng người, sẽ tạo nên những thái độ khác nhau. Một số người sẽ xem một nhóm trong số chúng là điều hiển nhiên, ai cũng sẽ suy nghĩ giống vậy (và những ai nói về điều ngược lại đều là phi lý, thậm chí hoang tưởng). Một số người thì nhận thức được rằng niềm tin của mình không nhất thiết là chân lý, và dù những điều ngược lại thì khó tin thật đấy, nhưng ít nhất là những người tin vào đó cũng có trải nghiệm tương tự như mình.
Hy vọng đồ thị mạng lưới này sẽ giúp ích cho những ai muốn thử chất vấn những gì mình tin, muốn khám phá những quan niệm mà trong thâm tâm mình không thể tin được, hoặc muốn định vị bản thân ở đâu trên bản đồ niềm tin. Nó sẽ giúp bạn chào đón được những sự khác biệt, để thấy rằng những gì khác nhau thực ra là giống nhau. Hoặc nếu bạn cảm thấy cần phải thay đổi hiện trạng, thì nó có thể giúp bạn thấy được rõ hơn những gì bạn sẽ phải đối diện. Nó cũng sẽ giúp bạn biết được những buồng vang (echo chamber) mà ở đó những niềm tin nào đang củng cố lẫn nhau.
Với những ai muốn làm một cái tương tự, tôi giới thiệu Obsidian.
Nội dung
Tổng quan về đồ thị mạng lưới niềm tin
Bản chất của niềm tin là mệnh đề logic. Mỗi một mệnh đề, thông qua quá trình suy diễn (inference) sẽ tạo ra những mệnh đề khác. Nếu bạn tin vào mệnh đề A, và nếu A suy ra B là một lập luận hợp lý, thì hẳn là bạn cũng sẽ tin vào B. Đến lượt nó, B cũng sẽ dẫn ra C, D, E,… Cứ thế mà tất cả chúng sẽ tạo thành một mạng lưới liên kết các niềm tin lại với nhau.
Trong toán học, bất kỳ một đồ thị mạng lưới nào sẽ luôn có 2 thành phần chính: nút và cạnh. Một nút có thể có nhiều cạnh, và các cạnh thể hiện mối quan hệ giữa các nút. Các cạnh có thể có hướng hoặc không có hướng. Trên đồ thị của chúng ta, các cạnh biểu diễn mối quan hệ kéo theo sẽ là cạnh có hướng (màu đen), còn các cạnh biểu diễn mối quan hệ mâu thuẫn sẽ là cạnh vô hướng (màu đỏ).
Đây là bảng tổng hợp những cái tên khác nhau cho cùng một thứ*:
Ngôn ngữ đồ thị | Ngôn ngữ thường ngày | Ngôn ngữ logic |
Nút, đỉnh, điểm | Niềm tin, quan niệm | Mệnh đề |
Nút đuôi, nút trước, tổ tiên trực tiếp | Lý do | Tiền đề |
Nút đầu, nút sau, hậu duệ trực tiếp | Hệ quả | Kết luận, kết đề |
Cạnh, đường, cung | Mối quan hệ, mối liên hệ | Suy diễn |
Cạnh ra | Cho nên | Suy ra, kéo theo → |
Có cách diễn đạt khác | Tương đương ↔ | |
Mâu thuẫn với | Loại trừ ↮ | |
Lộ trình | Dòng suy nghĩ | Chuỗi lập luận |
Thành phần | Trường phái | Hệ logic |
Graph language | Daily life language | Logics language |
Node, vertex, point | Belief, conception | Proposition |
Tail node, before node, direct predecessor/antecedant | Premise | |
Head node, after node, direct successor/descendant | Consequence | Conclusion |
Edge, line, arc | Relationship, connection | Inference |
Outgoing edge | Therefore | Infer → |
In other words, as known as (aka) | Equivalent ↔ | |
In conflict with | Exclusive or (xor) ↮ | |
Path | Train of thought | Chain of reasoning |
Component | School | Logic system |
Để thuận tiện cho việc diễn đạt, các loại ngôn ngữ này sẽ được sử dụng lẫn lộn như bánh tráng trộn :)) Nhưng chủ yếu sẽ là ngôn ngữ thường ngày và ngôn ngữ đồ thị.
*Lấy ý từ câu nói của Henri Poincaré, nhà toán học lớn của thế kỉ 19: “Toán học là nghệ thuật đặt ra cùng một cái tên cho những thứ khác nhau”.
Đồ thị bao gồm 114 nút và 233 cạnh. Các niềm tin được phân loại theo các nhóm chủ đề sau:
- Cảm xúc
- Kiến thức, ngôn ngữ, thông diễn
- Lạc quan, hy vọng, tin tưởng
- Nghệ thuật, văn hoá đại chúng, truyền thông
- Quy luật cuộc sống
- Tâm linh
- Thay đổi thực tại
- Tự trị, can thiệp, hiểu về người khác
Đây là đồ thị của từng nhóm chủ đề (link cho toàn đồ thị nằm ở cuối bài):
- Cảm xúc
- Kiến thức, ngôn ngữ, thông diễn
- Lạc quan, hy vọng, tin tưởng
- Nghệ thuật, văn hoá đại chúng, truyền thông
- Quy luật cuộc sống
- Tâm linh
- Thay đổi thực tại
- Tự trị, can thiệp, hiểu về người khác
Bạn cũng có thể xem thêm danh sách các niềm tin trong đồ thị.
Phân tích đồ thị
Ở đây chúng ta sẽ chỉ phân tích những cạnh cho nên. Các cạnh mâu thuẫn sẽ được phân tích sau.
Có những niềm tin quan trọng nào trong mạng lưới? (Phân tích đồ thị theo nút)
Có nhiều cách để xác định tầm ảnh hưởng hoặc tầm quan trọng của một nút trong một mạng lưới. Đơn giản nhất là đếm số cạnh mà nó có. Ngoài ra ta còn có thể xét độ gần gũi của nó với nút khác trong mạng lưới nhất, hoặc xem nó có mặt trong bao nhiêu lộ trình.
Niềm tin nào có nhiều cạnh nhất?
Một nút có bao nhiêu cạnh thì chỉ số trung tâm theo bậc (degree centrality) của nó lớn bấy nhiêu.
5 niềm tin có nhiều cạnh nhất (không tính hướng của cạnh):
Chỉ có cảm xúc là đúng nhất | 17 |
Mọi chuyện rồi nhất định sẽ ổn thôi | 12 |
Thật vô ích để thay đổi | 8 |
Cái gì tự nhiên thì sẽ tốt nhất | 7 |
Hãy nuôi dưỡng sự hy vọng | 6 |
Lưu ý: ở hàng dưới cùng của một bảng còn có thể có nhiều niềm tin khác cùng số cạnh. Ví dụ như ở bảng này, không chỉ có mỗi Hãy nuôi dưỡng sự hy vọng là có 6 cạnh, mà còn là: Hãy sống trong hiện tại, Cảm xúc thì không thể ép theo logic được, Nếu việc quan tâm đến bản thân gây đau khổ cho người khác thì cũng không cần phải áy náy, Hãy nuôi dưỡng sự hy vọng, Một người chỉ thay đổi một khi bản thân họ đã sẵn sàng tiếp nhận, Dùng lý trí là can thiệp thô bạo vào tự nhiên, Hãy phản tư, Hãy tin tưởng vào khả năng chuyển hóa, ứng biến của người khác
5 niềm tin có nhiều cạnh ra nhất:
Chỉ có cảm xúc là đúng nhất | 10 |
Mọi chuyện rồi nhất định sẽ ổn thôi | 7 |
Tự nhiên sẽ làm công việc của nó | 5 |
Thật vô ích để thay đổi | 4 |
Để đến lúc nhận ra hậu quả thì đã trễ rồi | 4 |
5 niềm tin có nhiều cạnh vào nhất:
Chỉ có cảm xúc là đúng nhất | 7 |
Hãy sống trong hiện tại | 6 |
Mọi chuyện rồi nhất định sẽ ổn thôi | 5 |
Hãy nuôi dưỡng sự hy vọng | 5 |
Khoa học không bao giờ tới được tâm linh | 4 |
Niềm tin nào tiếp cận những niềm tin còn lại nhanh nhất?
Việc đếm số cạnh của một nút chỉ cho ta biết tầm quan trọng cục bộ ở xung quanh nút đó, chứ cũng không đảm bảo tầm quan trọng của nó trong toàn mạng lưới. Một cách khác để có thông tin toàn cục là xem xem nó tốn bao nhiêu bước trung gian để đến được một nút bất kỳ trong mạng lưới. Nút nào tiếp cận tất cả các nút còn lại dễ dàng và nhanh chóng nhất, nút đó sẽ có chỉ số trung tâm cận kề (closeness centrality) cao nhất.
5 niềm tin có chỉ số trung tâm cận kề lớn nhất:
Một người chỉ thay đổi một khi bản thân họ đã sẵn sàng tiếp nhận | 0.29545454545454547 |
Hãy tin tưởng vào khả năng chuyển hóa, ứng biến của người khác | 0.2880886426592798 |
Hãy sống trong hiện tại | 0.287292817679558 |
Nếu việc quan tâm đến bản thân gây đau khổ cho người khác thì cũng không cần phải áy náy | 0.2803234501347709 |
Không có gì là sai nếu lo cho bản thân trước | 0.27882037533512066 |
Niềm tin nào tham gia vào nhiều chuỗi lập luận nhất?
Lấy hai nút bất kì trong mạng lưới, ta sẽ có được những lộ trình khả dĩ để nối chúng lại với nhau. Trong những lộ trình đó sẽ có những nút trung gian. Nút nào là cầu nối trong nhiều lộ trình nhất, nút đó sẽ quyết định sự lưu chuyển thông tin trong mạng lưới. Nếu ta loại bỏ những nút này, thì khả năng cao là đồ thị sẽ bị bẻ gãy thành các đồ thị nhỏ hơn. Chỉ số trung tâm trung gian (betweenness centrality) của một nút sẽ cho ta biết số lần mà nút đó là cầu nối giữa những lộ trình ngắn nhất giữa hai nút bất kỳ.
5 niềm tin có chỉ số trung tâm trung gian lớn nhất:
Một người chỉ thay đổi một khi bản thân họ đã sẵn sàng tiếp nhận | 376.7 |
Chỉ có cảm xúc là đúng nhất | 374.7 |
Hãy tin tưởng vào khả năng chuyển hóa, ứng biến của người khác | 363 |
Mọi chuyện rồi nhất định sẽ ổn thôi | 291.7 |
Cái gì tự nhiên thì sẽ tốt nhất | 229.8 |
Có những phe phái nào trong mạng lưới? (Phân tích đồ thị theo thành phần)
Các thuật toán dùng để phát hiện ra những nút liên kết chặt chẽ với nhau hơn các nút còn lại được gọi là các thuật toán xác định cộng đồng. (Cộng đồng ở đây được hiểu theo nghĩa toán học, không phải là nghĩa xã hội học.)
Niềm tin nào có nhiều tam giác nhất?
Trong tự nhiên, những vật có hình tam giác là những kết cấu vững chắc. Người ta vẫn nói là vững như kiềng ba chân, bởi vì ba điểm tiếp xúc của chiếc kiềng tạo thành một hình tam giác. Chứ nếu có thêm một cái chân thì nhiều khi lại bị cập kênh. Bạn cũng có thể xem clip sau để hiểu thêm về ứng dụng của tam giác trong thực tế:
Cũng vì hình tam giác tạo sự chắc chắn về mặt vật lý, nên nhiều biểu tượng cũng dùng hình tam giác để thể hiện tính quyền lực hoặc phát triển. Kim tự tháp Ai Cập, nơi để dẫn linh hồn các pharaon lên nơi ở của các vị thần, là một hình tam giác. Các tầng lớp trong xã hội cũng hay được vẽ dưới dạng tam giác.
Tương tự như vậy, nếu những nút liên kết với nút A (những hàng xóm của A) mà cũng liên kết lại với nhau, thì A sẽ có sự ổn định trong mạng lưới.
5 niềm tin có chỉ số tam giác lớn nhất:
Mọi chuyện rồi nhất định sẽ ổn thôi | 8 |
Hãy tin tưởng vào khả năng chuyển hóa, ứng biến của người khác | 6 |
Chỉ có cảm xúc là đúng nhất | 5 |
Không để cảm xúc chi phối bản thân | 4 |
Hãy phản tư | 4 |
Thuật toán đếm tam giác có hạn chế là ta có thể so sánh nhầm về độ vững chắc giữa 2 nút. Nếu như nút A có 20 tam giác, còn nút B có 5 tam giác, thì ta sẽ có cảm tưởng nút A vững chắc hơn nút B. Nhưng nếu nút A có tới 30 nút hàng xóm (tương đương 435 liên kết khả dĩ), trong khi nút B chỉ có 3 thôi (tương đương 6 liên kết khả dĩ), thì ta sẽ thấy thực ra các nút hàng xóm của A liên kết thưa thớt rời rạc hơn B rất nhiều. Để khắc phục việc này thay vì tính theo số tam giác ta có thể tính theo tỉ lệ giữa số tam giác mà nó thực có với số tam giác nó có thể có trên lý thuyết (tức là khi tất cả các hàng xóm của nó đều liên kết đôi một với nhau.) Tỉlệ này có tên là hệ số phân cụm (clustering coefficient).
5 niềm tin có hệ số phân cụm lớn nhất:
Con người có tính xã hội cao | 1 |
Cảm xúc sẽ bóp méo thực tại | 1 |
Hãy không ngừng chất vấn những quan niệm của mình | 1 |
Hãy cứ kiên trì làm, rồi thành công sẽ đến | 1 |
Một lần là trăm năm | 1 |
Những nút này đều có hệ số là 1. Điều này có nghĩa là tất cả các hàng xóm của nó đôi một đều liên kết với nhau.
Có những niềm tin nào củng cố lẫn nhau?
Những nút có thể đi đến được nhau ở cả hai chiều sẽ luân chuyển lẫn nhau, củng cố lẫn nhau và tạo thành các buồng vang (echo chamber). Khả năng cao là những người có bất kỳ niềm tin nào trong những nhóm này sẽ tin luôn những niềm tin còn lại trong nhóm. Còn những niềm tin không nằm trong nhóm này hoạt động tương đối độc lập. Những lộ trình bên ngoài những nhóm này đều là các lộ trình một chiều, một đi không trở lại.
Những nhóm như thế này gọi là những thành phần liên thông mạnh (strongly connected component). Đây là một trong những thuật toán sớm nhất trong lý thuyết đồ thị, và nó sẽ giúp ta xác định được những nhóm nút đáng để nghiên cứu kỹ hơn.
Những trang web bán hàng thường sử dụng loại thuật toán này để giới thiệu sản phẩm bạn có thể thích.
5 thành phần liên thông mạnh có nhiều niềm tin nhất:
Thành phần | Số lượng | Niềm tin |
---|---|---|
1 | 9 | Sự tự quyết của một người là bất khả xâm phạm Sự can thiệp là luôn không tôn trọng quyền tự quyết Dùng lý trí là can thiệp thô bạo vào tự nhiên Cái gì tự nhiên thì sẽ tốt nhất Cái đẹp là thứ trong mắt người nhìn Sự yêu thích thì không có lý do Cảm xúc thì không thể ép theo logic được Cái cốt yếu thì không thể dùng mắt để thấy được, mà phải dùng tim để cảm nhận Chỉ có cảm xúc là đúng nhất |
2 | 3 | Nếu việc quan tâm đến bản thân gây đau khổ cho người khác thì cũng không cần phải áy náy Hãy tin tưởng vào khả năng chuyển hóa, ứng biến của người khác Chỉ cần làm những gì mình có thể làm |
3 | 3 | Ta chỉ có thể tác động khi họ muốn thay đổi Một người chỉ thay đổi một khi bản thân họ đã sẵn sàng tiếp nhận Thật vô ích để thay đổi |
4 | 2 | Người đang có quyền lực thì sẽ không bao giờ từ bỏ Nếu có kẽ hở thì sẽ có người khai thác |
5 | 2 | Nếu không hiểu được thì có giải thích cũng như không Nếu hiểu được thì sẽ tự hiểu, không cần phải giải thích |
6 | 2 | Không lo lắng về sự phản bội có thể sẽ xảy ra Hãy đặt niềm tin vào người khác |
Các niềm tin có những tổ tiên nào?
Các nút chỉ có cạnh ra chứ không có cạnh vào được gọi là những nút nguồn. Chúng là tổ tiên của tất cả các nút còn lại trong mạng lưới, là cơ sở để các niềm tin còn lại hình thành. Những nút này âm thầm, lặng lẽ, không phải lúc nào cũng được các thuật toán tìm nút quan trọng được nhắc đến ở phần trước phát hiện ra, nhưng không có chúng thì mạng lưới sẽ không được sinh ra. Một mạng lưới muốn mở rộng ra cần phải bổ sung các nhân tố mới, chứ nếu không thì đi lòng vòng nó cũng chỉ có chừng đó. Với một mạng lưới đã có sẵn, việc bổ sung thêm nút nguồn chính là bổ sung thêm sự mới mẻ cho mạng lưới, bởi vì với các nút có sẵn thì đi một hồi cũng hết thứ để nói.
Một nút có thể là hậu duệ của nhiều tổ tiên. Nó cũng là tổ tiên và hậu duệ của chính nó.
Bằng việc liên tục đặt câu hỏi “tại sao tôi lại tin vào điều này?”, ta sẽ dò lại được lịch sử của niềm tin của mình, một lịch sử mà không phải lúc nào mình cũng nhớ ra.
5 nút nguồn có nhiều hậu duệ nhất:
Không có gì là đúng, không có gì là sai | 49 |
Chúa có tồn tại | 45 |
Mỗi người có cách diễn giải khác nhau | 45 |
Ngôn ngữ không bao giờ có thể diễn tả hết được | 43 |
Tự nhiên sẽ làm công việc của nó | 42 |
Phân tích một số quan niệm cụ thể
Chỉ có cảm xúc là đúng nhất
Tất cả các nút nằm trong bán kính 2 bước với nút này:- Độ trung tâm theo bậc: hạng 1 (17 cạnh), gấp 4/3 lần quan niệm đứng thứ 2 là Mọi chuyện rồi nhất định sẽ ổn thôi (12 cạnh), và gấp đôi quan niệm đứng thứ 3 là Thật vô ích để thay đổi (8 cạnh)
- Độ trung tâm trung gian: đứng hạng 2, chỉ thua quan niệm đứng hạng 1 (Một người chỉ thay đổi một khi bản thân họ đã sẵn sàng tiếp nhận) 2 điểm, nhưng hơn quan niệm đứng hạng 3 (Hãy tin tưởng vào khả năng chuyển hóa, ứng biến của người khác) 11 điểm, và quan niệm đứng hạng 4 (Mọi chuyện rồi nhất định sẽ ổn thôi) tới 83 điểm
Nếu bạn tin vào quan niệm này, thì hệ quả là có thể bạn cũng sẽ tin vào những quan niệm sau:
- Cảm xúc thì không thể ép theo logic được
- Cái cốt yếu thì không thể dùng mắt để thấy được, mà phải dùng tim để cảm nhận
- Sự buồn đau là một phần của cuộc sống
- Một lần là trăm năm
- Đã hết yêu thì không bao giờ có thể yêu lại lần nữa
- Cái đẹp là thứ trong mắt người nhìn
- Việc theo đuổi cái đẹp kể cả khi nó mâu thuẫn với cái đúng và cái tốt là chuyện đương nhiên
- Hãy sống trong hiện tại
- Cái gì tự nhiên thì sẽ tốt nhất
- Sự tự quyết của một người là bất khả xâm phạm
Các lý do để tin vào quan niệm này:
- Cái cốt yếu thì không thể dùng mắt để thấy được, mà phải dùng tim để cảm nhận
- Cái đẹp là thứ trong mắt người nhìn
- Cảm xúc tiêu cực báo hiệu sự không ổn đối với bản thân
- Sự yêu thích thì không có lý do
- Ngôn ngữ không bao giờ có thể diễn tả hết được
- Cái gì tự nhiên thì sẽ tốt nhất
- Cảm thấy mình nhạy cảm hoặc có năng lực đặc biệt
Tức là, những ai phản đối quan điểm này sẽ phải trả lời vào những ý này để sự phản đối của mình có cơ sở.
Các tổ tiên nguồn của quan niệm này (con số thể hiện tổ tiên đời thứ mấy):
- Chúa có tồn tại: 3
- Tự nhiên sẽ làm công việc của nó: 3
- Không có gì là đúng, không có gì là sai: 2
- Mỗi người có cách diễn giải khác nhau: 2
- Ngôn ngữ không bao giờ có thể diễn tả hết được: 1
- Cảm thấy mình nhạy cảm hoặc có năng lực đặc biệt: 1
- Cảm xúc tiêu cực báo hiệu sự không ổn đối với bản thân: 1
Những người có thể khác tổ tiên nguồn với nhau cũng có thể cùng chia sẻ quan niệm này.
Quan niệm này mâu thuẫn với những quan niệm sau:
- Không có gì là đúng, không có gì là sai
- Không để cảm xúc chi phối bản thân
- Cảm xúc sẽ bóp méo thực tại
- Hãy không ngừng chất vấn những quan niệm của mình
Tức là, những ai ủng hộ quan niệm này sẽ phải trả lời vào những ý này để sự ủng hộ của mình có cơ sở.
Mọi chuyện rồi nhất định sẽ ổn thôi
Tất cả các nút nằm trong bán kính 2 bước với nút này:- Độ trung tâm theo bậc: hạng 2 (12 cạnh)
- Độ trung tâm trung gian: hạng 4
- Số tam giác: 17 tam giác, hạng 1
Nếu bạn tin vào quan niệm này, thì hệ quả là có thể bạn cũng sẽ tin vào những quan niệm sau:
- Hãy đặt niềm tin vào người khác
- Dũng cảm nói không với cái sai, nói không với điều phi lý
- Hãy nuôi dưỡng sự hy vọng
- Không lo lắng về sự phản bội có thể sẽ xảy ra
- Hãy cứ kiên trì làm, rồi thành công sẽ đến
- Hãy chịu đau lúc này, rồi sau đó sẽ trái ngọt
- Hãy chấp nhận rủi ro
Các lý do để tin vào quan niệm này:
- Tự nhiên sẽ cân bằng mọi thứ
- Kiếp sau có tồn tại
- Cuộc đời sẽ dạy họ một bài học
- Hãy tin tưởng vào khả năng chuyển hóa, ứng biến của người khác
- Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra
Tức là, những ai phản đối quan điểm này sẽ phải trả lời vào những ý này để sự phản đối của mình có cơ sở.
Các tổ tiên nguồn của quan niệm này (con số thể hiện tổ tiên đời thứ mấy):
- Con người có tính xã hội cao: 6
- Không có gì là đúng, không có gì là sai: 6
- Cảm thấy mình nhạy cảm hoặc có năng lực đặc biệt: 5
- Ngôn ngữ không bao giờ có thể diễn tả hết được: 5
- Chúa có tồn tại: 5
- Cảm xúc tiêu cực báo hiệu sự không ổn đối với bản thân: 5
- Người hiểu rõ ta nhất chỉ có ta mà thôi: 5
- Mỗi người có cách diễn giải khác nhau: 4
- Tự nhiên sẽ làm công việc của nó: 2
- Chỉ có thể chờ một sự kiện bên ngoài tác động để họ tự nhận ra: 2
- Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra: 1
- Kiếp sau có tồn tại: 1
Những người có thể khác tổ tiên nguồn với nhau cũng có thể cùng chia sẻ quan niệm này.
Quan niệm này mâu thuẫn với những quan niệm sau:
- Dùng lý trí là can thiệp thô bạo vào tự nhiên
- Nếu không ta thì ai. Nếu không phải bây giờ thì bao giờ
- Thật ngây thơ khi tin rằng sự tích cực sẽ đến
- Thật vô ích để thay đổi
Tức là, những ai ủng hộ quan niệm này sẽ phải trả lời vào những ý này để sự ủng hộ của mình có cơ sở.
Một người chỉ thay đổi một khi bản thân họ đã sẵn sàng tiếp nhận
- Độ trung tâm lân cận: hạng 1
- Độ trung tâm trung gian: hạng 1
Hệ quả | Lý do | Tổ tiên nguồn | Mâu thuẫn |
Ta chỉ có thể tác động khi họ muốn thay đổi Không có gì là sai nếu lo cho bản thân trước Hãy tin tưởng vào khả năng chuyển hóa, ứng biến của người khác | Thật vô ích để thay đổi Sự can thiệp là luôn không tôn trọng quyền tự quyết Cảm xúc thì không thể ép theo logic được | Con người có tính xã hội cao: 4 Không có gì là đúng, không có gì là sai: 4 Mỗi người có cách diễn giải khác nhau: 4 Kiếp sau có tồn tại: 4 Tự nhiên sẽ làm công việc của nó: 4 Ngôn ngữ không bao giờ có thể diễn tả hết được: 3 Chúa có tồn tại: 3 Cảm xúc tiêu cực báo hiệu sự không ổn đối với bản thân: 3 Cảm thấy mình nhạy cảm hoặc có năng lực đặc biệt: 3 | Hãy nuôi dưỡng sự hy vọng Con người có tính xã hội cao |
Thật vô ích để thay đổi
- Độ trung tâm theo bậc: hạng 3 (8 cạnh)
Hệ quả | Lý do | Tổ tiên nguồn | Mâu thuẫn |
Sự buồn đau là một phần của cuộc sống Một người chỉ thay đổi một khi bản thân họ đã sẵn sàng tiếp nhận Thứ bỏ đi thì không đáng tốn thời gian để tìm hiểu nó kỹ hơn Thật ngây thơ khi tin rằng sự tích cực sẽ đến | Sinh ra là như thế Mọi thứ đều là sự sắp đặt của số phận Ta chỉ có thể tác động khi họ muốn thay đổi Việt Nam là thế rồi | Không có gì là đúng, không có gì là sai: 6 Mỗi người có cách diễn giải khác nhau: 6 Tự nhiên sẽ làm công việc của nó: 6 Ngôn ngữ không bao giờ có thể diễn tả hết được: 5 Cảm xúc tiêu cực báo hiệu sự không ổn đối với bản thân: 5 Cảm thấy mình nhạy cảm hoặc có năng lực đặc biệt: 5 Kiếp sau có tồn tại: 3 Con người có tính xã hội cao: 3 Chúa có tồn tại: 2 | Hãy phản tư Hãy chịu đau lúc này, rồi sau đó sẽ trái ngọt Hãy nuôi dưỡng sự hy vọng Mọi chuyện rồi nhất định sẽ ổn thôi |
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực