Không thiếu những câu chuyện lay động về việc cảm hóa sự giận dữ, hận thù bằng sự từ bi. Nhưng tất cả các câu chuyện đó đều chứa một ngầm định quan trọng: người từ bi đã đi guốc trong bụng người được từ bi rồi. Và đây chính là điều khiến cho chúng chỉ là những câu chuyện nghe thì hay nhưng gần như không thể nào xảy ra trong thực tế, chỉ vì một câu hỏi đơn giản: họ là ai mà dám cho rằng mình đúng?
Bài viết nói về những đào sâu suy tư và những biến đổi tâm lý của một người từ bi, cũng như những yêu cầu khắc nghiệt và mâu thuẫn nhau để họ có thể mạnh dạn nói rằng điều họ làm xuất phát từ lòng từ bi. Đặc biệt trong trường hợp ngặt nghèo nhất: người từ bi chưa hiểu được tại sao người kia lại làm như vậy (tức chưa có một cơ sở lý thuyết cho trực giác của mình), và người được từ bi có định kiến sẵn với họ. Đáng tiếc, đây có lẽ mới là trường hợp phổ biến trong xã hội nhất, và dường như chưa có ai đề cập đến chúng.
Nếu bạn thấy bài này dài hay phức tạp quá có thể xem bản rút gọn này. Nó sẽ có những “thông tin độc quyền” mà bài này không có. (Thật ra là có, chỉ là hai bài được viết với hai tư thế khác nhau. Như vậy thì sẽ có nhiều góc nhìn cho cùng một vấn đề.)
Câu chuyện mở đầu
Cueball và Megan đang dạo bộ trên đường, bỗng thấy một người mẹ bồng một đứa con đang khóc, vừa đi vừa dỗ dành. Megan liền nói:
– Này, hôm qua xem YouTube tớ thấy có bài nói chuyện của một thiền sư về từ bi dễ hiểu lắm. Ông ấy nói mà khuôn mặt lúc nào cũng mỉm cười, nhìn hạnh phúc lắm
– Ừm, nhưng có nhiều lúc từ bi cũng rắc rối lắm đấy
– Rắc rối ư?
– Ừ. Ví dụ nha, khi cậu muốn giúp một ai đó, mà họ nhất định không lắng nghe cậu thì thế nào?
– Thì chắc là chịu thôi. Nếu họ không chịu lắng nghe thì không làm gì được đâu
– Liệu có chắc là không làm gì được không?
– Ý cậu là sao?
– Ý tớ là có khi đó là do cậu không đủ sự kiên trì thôi
– Tất nhiên tớ biết sự kiên trì là quan trọng trong mọi việc, nhưng liệu đó có phải là bắt ép họ nghe theo ý mình hay không?
– Không. Cậu biết là nếu họ nghe theo thì họ sẽ tốt hơn mà?
– Nhưng làm sao cậu lại có thể chắc chắn là họ sẽ tốt lên? Cậu đâu phải là họ, sao cậu biết họ cần gì nhất?
– Thì thế mới nói là từ bi cần đi kèm với trí tuệ. Mấy ông sư ra rả suốt mà. Cậu phải thật sự biết là điều cậu làm là tốt thì cậu mới làm, còn không thì đúng là bắt ép họ
– Nhưng một lần nữa, sao cậu biết chắc chắn được? Bao nhiêu chuyện bố mẹ vì muốn tốt cho con mà vô tình làm hại con. Hay chuyện vợ chồng nhiều khi tưởng như đã hiểu nhau rất rõ rồi còn nhiều lúc nhận ra mình chẳng hiểu gì người kia. Sao cậu có thể dám chắc là mình đúng chứ?
– Thì thế, nên họ mới phải kiểm tra những gì mình nghĩ, lúc nào cũng phải giả sử là mình đang sai thì mới được. Cứ hễ mình nghĩ ra được lý do nào là phải phủ nhận ngay, dù nó đúng rành rành ra đó. Còn không thì sẽ có ngày ngộ nhận là mình biết rõ thôi
– Nhưng nếu cứ nghĩ là mình sai rồi sao giúp người ta?
– Bởi vậy mới nói là rắc rối. Hiểu biết thực sự đòi hỏi sự phản tư, sự can đảm đánh đổ những gì mình biết. Nhưng sự giúp đỡ đòi hỏi sự dìu dắt, am hiểu, vững vàng, và có khi là cứng rắn nữa. Hai cái đó về cơ bản là không thể làm cùng một lúc, và vào một thời điểm nào đó họ phải thôi cho rằng mình có thể đang sai để mà còn giúp người khác. Đó là bi kịch của người từ bi đấy.
- Nhưng tớ không hiểu. Như trong kinh Đức Phật có nói điều thiện là sẽ “không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai”. Sự từ bi vốn là để thoát khổ cho cả hai, giờ nếu họ đau khổ như vậy, liệu đó có thật là từ bi nữa không? Muốn giúp ai thì cũng phải giúp bản thân trước chứ?
– Không, đây không phải là khổ. Đây là rắc rối. Họ đã biết mình cần phải làm gì rồi, nhưng họ muốn kiểm tra lại thêm lần nữa. Người có hiểu biết thực sự là người thực sự tin rằng việc tin vào hiểu biết của mình là buồn cười. Họ đã có tấm bản đồ trong người rồi, nhưng lại cứ thích đi lạc. Họ không khổ, vì họ luôn quán xét tâm mình thường xuyên, và trong họ không hề có tham sân si gì cả. Nhưng nhìn từ ngoài vào thì lại trông họ rất khổ. Rắc rối ở chỗ đó đó.
– Có khi đó là do họ suy nghĩ quá nhiều thôi. Cứ chạy theo vọng tưởng mà không có lối ra. Người có hiểu biết thực sự thì sẽ nói đơn giản chứ chẳng rối rắm đến như vậy
– Thật ra ấy, khi cậu đặt mình hoàn toàn vào vị trí của người khác, cậu sẽ tự nguyện dấn thân vào một mê cung của ý niệm. Vì có bước vào mê cung thì mới có thể giúp người khác thoát ra khỏi mê cung được. Vả lại, người được giúp cũng cần phải luôn giả sử là mình có thể sai thì mới được. Còn không thì bao nhiêu lời nói của cậu sẽ bị bóp méo hết thôi. Bị những điều không liên quan phá đám cũng bực mình lắm, mà thấy họ bóp méo lời cậu nói cũng buồn cười lắm
– Thế giờ phải làm sao?
– Thì như tớ nói đấy, tới một lúc nào đó họ phải thôi tin rằng mình đang sai thì mới giúp được. Còn không thì cả hai sẽ chạy lòng vòng rồi làm mệt nhau thôi
– Đúng là rắc rối thật đấy
Nội dung
I. Từ bi là gì?
II. Những vấn đề người từ bi gặp phải
- Khi người được từ bi không coi bạn ra gì. Khi cho rằng bạn hiểu họ là một điều nguy hiểm
- Khi sự tò mò được cương quyết bảo vệ. Khi việc từ chối nói cái đúng trở thành quán tính
III. Khi người từ bi chưa thể cho phép mình sử dụng quyền mình cho là đúng
- Rắc rối 1: bị nói là không biết tôn trọng sự khó chịu của họ
- Rắc rối 2: phải chịu những hậu quả của dính mắc mặc dù mình không có
- Rắc rối 3: người ngoài hiểu lầm bạn
- Họ còn nhiều ngờ vực
- Họ đưa lời khuyên sai
- Người có thể giúp không thấy tại sao phải giúp
IV. Giải pháp
I. Từ bi là gì?
Trong triết học Phật giáo, nếu tình cảm bạn của bạn có được những yếu tố sau, thì tình cảm đó chính là tình yêu đích thực:
- Từ (metta, loving-kindness/benevolence): lòng mong muốn đem lại hạnh phúc cho người khác
- Bi (karuna, compassion): sự cảm thông, lòng trắc ẩn, mong muốn trút bỏ đau khổ cho họ
- Hỷ (mudita, empathetic joy): vui với niềm vui của người khác; hoàn toàn không cảm thấy ghen tị với hạnh phúc, thành công của họ
- Xả (upekkha, equaminity): không còn vướng bận tham sân si, hiểu được tính vô thường của mọi sự, và nhận ra ai cũng đồng đẳng với mình, tuy hai mà một
Bốn yếu tố này gọi là tứ vô lượng (brahmavihara, four immeasurables). Bạn có thể nghe bài nói chuyện này để hiểu thêm:
Có vẻ như khái niệm “từ bi” không được dùng một cách thống nhất. Có khi nó là cách nói gọn của cả cụm “từ bi hỉ xả”, có khi chỉ để chỉ tâm từ (loving-kindness), có khi chỉ để chỉ tâm bi (compassion), có khi để chỉ cả từ lẫn bi (tức là… từ bi). Nhưng vì dù sao chúng cũng hay đi chung với nhau nên chắc cũng không quan trọng lắm. Ở đây tôi chọn cách hiểu là cách nói gọn của cả cụm “từ bi hỉ xả”.
Vậy từ bi là gì? Ví dụ khi ai đó bị thương và bạn đến chăm sóc, hoặc khi họ đang đau khổ và bạn cho họ một bờ vai để khóc, thì bạn đều muốn họ hạnh phúc mà không mong nhận được gì lại, và những hành động đó đều là từ bi. Nhưng thường thì cũng không ai gọi như vậy là từ bi cả; trong tiềm thức của chúng ta từ bi phải là một cái gì đó đặc biệt hoặc cao cả hơn giúp đỡ vô vụ lợi. Quan tâm đến những người gặp bất hạnh là từ bi, nhưng khoan dung và chấp nhận những tổn thương mà họ gây ra cho mình mới là đi trọn cái nghĩa của nó. Người nào vẫn có thể nghĩ những điều tốt đẹp cho những ai đâm sau lưng mình, người đó là người từ bi.
Lưu ý cho người học Phật
Cách hiểu về từ bi của bài này không giống với cách hiểu về từ bi trong Phật giáo. Tôi xin liệt kê một số khác biệt (cũng là những điểm tôi không đồng ý với cách hiểu từ bi của Phật giáo):
- Với những ai học Phật, thì từ bi nhất thiết phải đi kèm với trí tuệ, để có thể “không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai”, như lời Đức Phật giảng cho ngài La Hầu La. Họ biết những ai có thể giúp được và những ai chưa thể giúp được. Với những ai giúp được, thì họ biết chính xác cách giúp nào hợp với căn cơ của người được giúp. Với người chưa thể giúp, thì họ biết chính xác những lý do nào, nhân duyên nào khiến họ chưa thể giúp, và sẽ không cố giúp. Nhưng với người trong bài, kiến thức của họ lại hơi lỡ cỡ: họ biết chắc chắn là có thể giúp được, và nếu họ không làm thì sẽ không ai làm cả, nhưng họ lại không có ai chỉ đường, và phải vừa làm vừa mò mẫm. Tôi không cho rằng vì kiến thức của họ lỡ cỡ mà có thể kết luận là họ không có lòng từ bi.
- Một lý do nữa cho việc không thể có trí tuệ được là vì thông tin không bao giờ là hoàn hảo. Nếu hoàn hảo đến mức có thể làm họ làm đúng những dự định của mình, thì ta đã đi guốc trong bụng họ rồi. Và nếu có thể lột trần truồng tâm trí người khác ra, thì tính đa dạng của mỗi người sẽ mất đi. Việc nói rằng có hằng ha sa số các duyên đồng nghĩa với việc thông tin không bao giờ là đầy đủ.
- Theo hiểu biết rất hạn chế của tôi về Phật giáo (hay cụ thể hơn là nam tông), thì tâm từ với tâm bi quan trọng ở sự giải thoát của bản thân trước. Nhưng khi thực tiễn diễn ra, tôi nghĩ việc quán tâm là quá tải với người từ bi, và làm tình trạng nói chung trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ như con hư mà đợi bố mẹ thấy được sự vô thường của các pháp mới dạy con thì con đã học xong tính xấu rồi, hoặc tội phạm đang diễn ra mà đợi cảnh sát đạt chánh niệm xong thì mới truy bắt thì người đã chết rồi. Tôi cho là trạng thái tâm từ, tâm bi đúng nghĩa của Phật giáo là lợi bất cập hại ở những trường hợp này.
- Kể cả khi người từ bi đã có kiến thức vững chắc (thỏa trường hợp 1) và đã giải thoát cho mình (thỏa trường hợp 2), thì não của họ vẫn là não con người chứ không phải não siêu nhân. Tức là họ cũng chỉ có thể lưu được vài ba thông tin trong trí nhớ ngắn hạn, vẫn chỉ có thể xử lý một thông tin trong một thời điểm, và cũng không thể chống lại được sự biến nghĩa của từ khi giao tiếp. Mà tất cả những điều này là tối quan trọng để không hiểu nhầm nhau. Tôi không cho rằng a la hán có thể vượt qua được những giới hạn về thần kinh và ngôn ngữ như vậy. Nếu không thì Đức Phật đã cứu độ hết mọi người rồi.
- “Một con én mải miết đưa thoi. Mùa xuân có đến hay không, én không đặt vấn đề.” – Cao Huy Thuần. Việc đòi hỏi người từ bi không được có rắc rối chính là đang đòi hỏi con én phải xác định được mùa xuân có đến hay không rồi mới làm.
Nói thêm một chút về ý 2. Theo tôi hiểu, quán niệm tức là quan sát suy nghĩ của bản thân thế nào. Ví dụ như khi bạn giận thì bạn sẽ nói là “tôi đang giận”. Nhưng khi bạn thấy tên cướp rút dao ra mà bạn lại quán niệm là “tôi thấy tên cướp rút dao ra”, thì thôi cổ bạn đứt làm đôi rồi.
Một độc giả nói với tôi là qua kinh nghiệm thực tế của bạn ấy thì việc tu tập nói chung hay thực tập quán niệm nói riêng sẽ khiến người hành giả linh hoạt, sáng suốt, phản ứng nhanh nhạy hơn khi lâm sự. Tức là cái dụng của tâm ý nó đạt hiệu quả cao hơn, và tình trạng trên chẳng qua là do chưa hiểu đúng và chưa thực hành đúng việc quán niệm mà thôi. Tuy nhiên, bạn ấy cũng công nhận là những tình huống linh hoạt hơn đó không đòi hỏi việc phân tích, tính toán nhiều và dài hơi. Trong khi chuyện giúp đỡ lại có tính phân tích cao, vì dù bạn có trí tuệ đi chăng nữa thì vẫn phải vượt qua những rào cản ở ý 3. Có lẽ ý 2 này chỉ hợp lý khi kết hợp với các ý khác. Còn nếu đứng một mình thì phản bác của bạn ấy là hợp lý.
Cuối cùng, đây cũng là sự thực hành của cá nhân tôi, chứ không phải là chỉ là lý thuyết suông. Một người lý thuyết đến mấy cũng chỉ nói được vài trang là hết, chứ không thể nào chỉ ra được các vấn đề này một cách cặn kẽ và “rắc rối” như ở đây.
II. Những vấn đề người từ bi gặp phải
Khi người được từ bi không coi bạn ra gì. Khi cho rằng bạn hiểu họ là một điều nguy hiểm
Rắc rối của từ bi ở ngay chỗ khiến nó trở nên khác biệt với sự trợ giúp thông thường: bạn không là gì trong mắt người bạn định giúp cả. Mặc dù từ bi, đi đến tận cùng, cũng chỉ đơn giản là giúp họ một cách vô vụ lợi, nhưng trên thực tế, nếu như sự giúp đỡ lúc nào cũng suôn sẻ, thì người ta chỉ cần dùng chữ “giúp đỡ” là đủ, không cần thêm “giúp đỡ vô vụ lợi”, lại càng chẳng cần phải tạo ra thêm khái niệm “từ bi” làm gì.
Từ bi, nghĩa là tìm cách làm cho họ bớt khổ, chỉ ra cho họ con đường họ nên đi. Nhưng để nói rằng họ đang lầm đường, thì bạn hẳn phải liều mạng kinh khủng. Bạn là ai mà dám cho rằng chỉ có mình mới đúng còn người khác thì sai? Nhưng hạnh phúc của người khác không phải là quá khó để thấy. Ta có thể tạo ra các ý nghĩa, hoặc thậm chí ngụy tạo ra các ý nghĩa để biện minh cho lối sống của mình, nhưng hạnh phúc thì không thể ngụy tạo. Một người có thực sự hạnh phúc hay không, tất cả những người xung quanh đều biết. Cái cảm giác hạnh phúc của họ là giả tạo là một cảm giác đáng tin, bắt nguồn từ việc họ không nhận ra những gì họ quan niệm là sai lầm. Nên, câu chuyện của từ bi cũng là câu chuyện làm đảo lộn toàn bộ quan niệm sống của họ.
Nhưng một lần nữa, bạn là ai mà dám cho rằng mình mới đúng còn họ thì sai? Vì biết làm đảo lộn thế giới quan của người khác là nguy hiểm, nên thứ đầu tiên bạn biết mình cần làm là lật lại quan niệm của chính mình trước. Bạn phải cởi mở, và có thể chấp nhận cái sai của mình một cách thoải mái nếu như nó hợp lý. Dám nói rằng người khác sai đồng nghĩa với việc dám nói rằng bản thân mình sai. Và không những dám đối diện với cái sai của mình, mà bạn còn chủ động tìm kiếm nó dù mọi thứ đều đang rất ổn. Nên, câu chuyện từ bi cũng là câu chuyện dám đối diện với cái sai của mình.
Dù trong thâm tâm ai cũng muốn đối diện với cái sai của mình, nhưng trên thực tế lại rất khó để làm. Có những vấn đề để hiểu thật cặn kẽ rất tốn thời gian và năng lượng, nên ta sẽ chỉ muốn tin vào cái trước giờ vẫn tin cho lành. Chính vì như thế, mà nhiều người cứ hơi phải suy nghĩ một chút là đã gắt lên, và nhiều người khác dù đã cố gắng để hỏi thêm một vài câu nhưng rốt cuộc vẫn thất bại trong việc không áp đặt ý kiến chủ quan. Bạn không hài lòng khi bị đối xử như vậy, và bạn trông đợi bản thân làm tốt hơn thế. Để không giết chết người khác bằng lòng tốt, thì phải đối diện với cái sai của mình cho bằng được. Thậm chí, bạn còn phải chủ động tìm kiếm cái sai đó ngay khi mọi thứ đều đang rất ổn nữa.
Đó là chưa kể, nói rằng bạn hiểu rõ người ta nghĩa là nói rằng bạn có thể điều khiển họ theo ý mình. Đi guốc trong bụng họ nghĩa là bạn có thể phản bội họ bất cứ lúc nào. Điều này sẽ làm bạn sợ bản thân mình khủng khiếp.
Sai một li đi một dặm. Vì từ bi và thứ na ná từ bi chỉ cách nhau bằng một lằn ranh mơ hồ, nên bạn sẽ cương quyết giữ vững sự tò mò của mình. Vì biết rằng hoài nghi cảm xúc của bản thân là con đường duy nhất để giúp họ một cách không định kiến, nên bạn sẽ tự nhủ sẽ luôn đặt câu hỏi bất kể bên trong đang phản đối dữ dội thế nào. Sống chết gì cũng phải làm được điều đó. Và bạn sẽ làm một cách nghiêm túc, chứ không phải một hai lần cho có lệ. Nó cần trở thành một thói quen để khi gặp chuyện thì có thể làm mà không cần phải đắn đo suy nghĩ. Sự tò mò của bạn có được áp dụng một cách triệt để hay không sẽ quyết định sự thành công của sự từ bi của bạn. Từ bi lúc này cũng là niềm vui khám phá.
Khi sự tò mò được cương quyết bảo vệ. Khi việc từ chối nói cái đúng trở thành quán tính
Kết quả của việc bảo vệ sự tò mò của mình bằng bất kỳ giá nào là một cách vô thức sẽ bạn sẽ không bao giờ nói hoặc làm cái mình nghĩ là đúng hoặc cần thiết. Bạn sẽ làm những thứ ngốc nghếch để xác định điều bạn biết thừa là đúng. Chừng nào bạn còn chưa thấy mình bị khủng hoảng niềm tin, bạn còn chưa hài lòng. Và quả thật, vì mỗi lần làm như vậy bạn lại nhìn ra một góc nhìn mới, và thấy những thứ mình nghĩ là hai năm rõ mười hóa ra không phải, nên bạn càng có lý do để làm điều đó. Điều này chưa từng có ngoại lệ, trăm lần như một.
Nhờ có những góc nhìn mới mà bạn mới thấy những lỗ hổng trong niềm tin của họ. Nhưng lời giải của bạn cho những lỗ hổng đó chỉ có họ mới có thể xác nhận là đúng hay sai. Nhưng dù nó đúng hay sai, thì bạn cũng cần phải nói ra thì họ mới có thể xác định được. Chỉ giữ nó ở trong lòng thì sự đúng sai của nó mãi mãi là bí ẩn. Nếu bạn xấu hổ vì nói ra điều mình nghĩ là đúng, thì thông tin quan trọng để giải quyết mâu thuẫn sẽ không thể nói ra. Lập luận chặt chẽ thì hay đấy, nhưng nó chỉ làm bản thân thêm tin vào cái mình cho là đúng, chứ không giúp ích gì cho việc nuôi dưỡng trí tò mò với cái sai. Ngay cả khi bạn biết chắc là bạn có thể lật ngược vấn đề, bạn cũng sẽ từ chối đưa thông tin ra, vì bạn vẫn còn đang bận tìm xem mình đang sai ở đâu. Họ có thể thôi coi thường bạn, nhưng rất có thể bạn đang lừa gạt cả hai. Họ có thể tâm phục khẩu phục bạn, nhưng bạn lại không tâm phục khẩu phục chính bản thân mình.
Từ chối tin vào cảm xúc của mình cũng có nghĩa là từ chối tin rằng những cái họ nói là sai, là xấu. Bạn sẽ tìm cho kỳ được điều đúng, điều tốt trong những điều họ nói. Họ có nói sai thì bạn vẫn thấy cái đúng trong đó. Họ có hại bạn thì bạn vẫn thấy điều tốt đẹp trong đó. Một mặt, nhìn ra được những cái tốt, cái đúng ẩn đằng sau sẽ làm bạn trở thành người cởi mở và miễn nhiễm với mọi cực đoan, nhưng mặt khác, nó cũng là một dạng gaslighting bản thân, và về lâu dài điều này sẽ khiến cho bạn có dạng tính cách đồng phụ thuộc. Và như vậy, cả sự ức chế trong bạn và định kiến của họ không cách nào giải tỏa nổi.
Thế nên, mặc dù từ bi là câu chuyện không cho phép mình tin vào bất cứ suy nghĩ nào của bản thân, thì nó cũng là câu chuyện có dám làm điều ngược lại hay không. Nếu họ cũng như bạn, cũng từ chối cung cấp thông tin quan trọng để giải quyết mâu thuẫn, thì bạn phải tìm cách thỏa mãn những chất vấn của bản thân để đi đến kết luận mà không có sự trả lời của họ. Cho tới khi nào bạn chưa thể khẳng định rằng mình đang đúng, thì bạn chỉ có thể đứng từ xa mà từ bi chứ cũng chẳng làm được gì thiết thực cả.
Nghĩa là, khi một người từ bi, họ được trao cho một quyền đặc biệt mà một không người lý trí nào dám nghĩ đến: quyền cho rằng mình đúng. Nhưng có dám sử dụng quyền đó hay không là cách duy nhất để hoàn thành công việc. Người từ bi có quyền được sử dụng quyền đó, và phải sử dụng quyền đó. Đó chính là bi kịch của người từ bi.
III. Khi bạn chưa thể cho phép mình sử dụng quyền đó
Đây là các rắc rối có thể có khi bạn chưa cho phép mình sử dụng quyền đó:
- Rắc rối 1: bị nói là không biết tôn trọng sự khó chịu của họ
- Rắc rối 2: phải chịu những hậu quả của dính mắc mặc dù mình không có
- Rắc rối 3: người ngoài không hiểu bạn
Mời các bạn đọc tiếp.
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực
Tâm Từ và tâm Bi không bao giờ đi chung với nhau em à.
Tâm Từ là việc thấy 1 chúng sanh đáng kinh, đáng mến nên mong họ được an vui hạnh phúc. Ví như: mong thầy mình được an vui, chỉ mong thui, không cần làm gì.
Còn đối tượng của tâm Bi là đối tượng đang bị đau khổ, muốn cho họ thoát không và …LÀM điều đó. Ví như thấy 1 người ăn xin đau khổ thì phải móc tiền ra cho họ, giúp đỡ họ.
Nên tâm Bi cực hơn tâm Từ, và từ ví dụ của đức Phật thì việc thực hiện tâm Bi sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của người làm (ví như cho tiền ăn xin thì mình…tốn tiền.
Vài suy nghĩ của mình về bản chất của sự giúp đỡ, và “người đi giúp” không phải tự vấn quá nhiều như vậy.
mình chưa đọc vào phần III, nhưng cũng đủ để hiểu “quyền cho rằng mình đúng” của người từ bi ra sao, và xin có vài ý kiến. Khi nói đến “đúng”, nghĩa là bạn đánh giá đúng sai cho 1 sự việc/trạng thái/hành động. Theo mình, giúp đỡ 1 người có các giai đoạn sau: đánh giá hoàn cảnh của họ, nếu họ có đang khổ thì mới đến bước tiếp theo là “giúp”, chi tiết vào thì sẽ có “giúp như nào”. Đầu tiên là đánh giá, nếu người ta khổ thì đánh giá của mình là đúng đắn – bước đầu tiên của quyền cho rằng mình đúng. Thứ 2 sẽ là “giúp như nào” – đây là điểm mấu chốt mình muốn nói. Khi giúp đỡ 1 người, có nghĩa là “người giúp” và “người được giúp” sẽ cùng giải quyết vấn đề khó khăn của “người được giúp”. Mình coi đây là 1 công việc cùng được thực thi bởi 2 người (co-op), (còn “từ bi” trong bước này chỉ là “tính chất” của “hành động thực hiện công việc ấy”) nên bắt buộc phải có sự hợp tác từ 2 phía, không thể chỉ đơn phương 1 bên “người giúp” mà đạt được kết quả mong muốn (là thoát khổ cho “người được giúp” – giải quyết vấn đề). Vậy nên theo mình, cái việc “tại sao dám cho là mình đúng” nó hơi nặng nề so với phía “người giúp”. Nói về hướng đi của “công việc” (đau khổ, khó khăn,.. của “người được giúp”) trước: khi đã xác định được là có vấn đề, thì với trí tuệ và năng lực của con người hiện tại, chúng ta chỉ có thể tìm ra hướng đi tốt hơn, không phải là hướng đi tốt nhất, vậy cũng đã đủ tốt rồi. Hơn nữa mình nói “chúng ta tìm” bao gồm cả 2 phía cùng hợp tác, chứ không phải “người giúp” toàn quyền đánh giá tình hình và áp đặt phương thức giải quyết cho “người được giúp”, như vậy sẽ không còn phải chất vấn “dám đưa ra 1 thứ và cho mình là đúng” nữa, mà đây là 2 phía cùng “cùng dám đưa ra 1 thứ tốt hơn cái cũ”, vậy là đủ đúng rồi.
Mình không hề phủ nhận bài viết của bạn, vì ở trên mình chỉ nói đến bản chất của giúp đỡ thuần túy theo ý của mình, còn từ bi hẳn là có rắc rối của nó, mình đồng ý với bạn. Khi từ bi thì không phải luôn có môi trường chuẩn mực 100% để áp dụng những gì mình nghĩ về giúp đỡ nữa. Nhân đây cũng cảm ơn bạn nhiều vì 1 bài viết mạch lạc, có nghiên cứu đầy đủ để đưa cho mình thấy nhiều quan điểm mới mẻ. Mong bạn mỗi ngày đều thật vui, ra nhiều góc nhìn cho ae mùa cách li ngâm cứu cùng ợ.
Cám ơn bạn đã quan tâm nhé. Về sự bất hợp tác của người được giúp, bạn có thể xem thêm loạt bài Khi sự giúp đỡ lại trông như cưỡng ép nhé
Bài viết phân tích rất hay. Tiếc rằng ngay từ ban đầu, định nghĩa về Từ, Bi trong đạo Phật đã bị hiểu sai, khiến cho những phân tích về sau trở nên vô nghĩa.
Đạo Phật hiện tại phân chia thành nhiều hệ phái, nhiều quan điểm sai khác, thậm chí đối nghịch nhau. Nếu lấy quan điểm của Sư ông Nhất Hạnh làm kim chỉ nam, tránh sao khỏi thiếu sót.
Trong ngôn ngữ đạo Phật, thì cái Từ, Bi trong bài phân tích, chỉ được gọi là Thiện hữu lậu, nghĩa là còn chứa lậu, còn khổ. Chưa thực sự được gọi là lòng Từ, Bi.
Bài phân tích khá dài , nhưng lại đi qua sâu vào một vấn đề đó là phân tích quá trình của sự thực hành ” Lòng Từ Bi ” . Tôi một trải nghiệm thế này trước kia tui rất hay cho người ăn xin gặp ai có tiền là tui cho . Khi tôi biết đến cái thủ thuật ” Chim mồi ” của nhóm ăn xin biến tướng đó là trong cái túi hoặc cái dọ luôn có sẵn 5 – 10 ngàn cho dù mới bắt đầu đi xin và chưa ai cho đồng nào họ dùng thủ thuật kích thích tâm lý ăn theo đám đông để tăng tần xuất người bố thí tiền vì theo nhà phật ” Bố thí tài vật ” cũng là một hành động thể hiện lòng ” Từ Bi” . Khi biết được điều này tôi đặt ra cho mình một quy chế tôi chỉ cho tiền người ” ăn xin ” thứ 1 tôi gặp . Và lên chùa tôi chỉ bỏ tiền vô hòm công đức mà không cần nhét tiền vô khi vái phật vì bám chấp vào niềm vui khi làm việc tốt cũng là một dạng của ” Bám víu ” .