Phần 1: Thứ ông ấy nghĩ không phải là khoa học đúng nghĩa

Categorized as Đạo, ngữ dụng, tâm lý học nhận thức, Sách, thơ, phim, Tự nhiên, hệ thống, khoa học, quyền uy Tagged , , , , , ,

Ông Fukuoka nói:

Con người với sự can thiệp của họ đã làm một điều gì đó sai trái, để lại sự hư hại mà không được sửa chữa, và khi những hệ quả bất lợi chất chồng, lại dùng mọi nỗ lực để sửa sai. Khi những hành động sửa sai đó có vẻ thành công, họ đi đến chỗ xem những biện pháp này là những thành tựu hay ho. Người ta làm thế hết lần này đến lần khác. Giống như một gã ngốc dẫm đạp lên mái nhà mình làm vỡ hết ngói. Rồi khi trời bắt đầu mưa và trần nhà bắt đầu rữa ra, hắn mới vội vàng trèo lên chắp vá những chỗ hư hỏng, cuối cùng thì nhảy cẫng lên vui mừng vì mình đã hoàn thành một giải pháp phi thường.

Với nhà khoa học thì cũng tương tự như vậy. Ông ta mải mê đọc sách đêm ngày, căng hết cả mắt ra tới mức trở nên cận thị, mà nếu ta có hỏi ông ta làm cái gì trong suốt thời gian đó – thì đấy là để trở thành nhà phát minh ra kính cận. (19)

Có một câu nói thế này của Cao Huy Thuần: “Một con én chỉ biết đưa thoi. Mùa xuân có đến hay không, én không đặt vấn đề”. Vậy tại sao đến lúc mùa xuân tới rồi, thì lại quay sang nói con én là xa rời tự nhiên, là cưỡng cầu, là mắc dính? Việc làm ra kính cận là điều cần thiết, tại sao lại phải chê?

Cái ông ấy chê không phải là việc làm ra kính cận, mà là cái này:

Con người với sự can thiệp của họ đã làm một điều gì đó sai trái, để lại sự hư hại mà không được sửa chữa

Nhưng có thật là vậy không? Tất nhiên không nên chỉ hiểu là ông ấy chê những người làm ăn gian dối, vì lợi nhuận, mà là đang chê sự vô tình phân biệt nhị nguyên trong tâm trí. Nhưng có thật là họ đang phân biệt nhị nguyên không? Và sự phân biệt đó có thật là đi ngược tự nhiên không?

Khoa học trong mắt ông ấy là thế này:

Đấy là bởi vì vai trò của khoa học gia trong xã hội cũng tương tự như vai trò của trí phân biệt trong tâm trí của chính chúng ta. (95)

Đó có vẻ không phải là hiểu biết chính xác về khoa học.

Khoa học, theo đúng nghĩa của nó, là phải có sự kiểm sai (falsifiability). Nó có nghĩa rằng là bất kỳ một lập luận nào, dù nghe có hợp lí đến đâu, mà không thể bị phủ nhận được bằng thực tiễn thì đều vô nghĩa. Ví dụ, câu “mặt trời mọc ở hướng đông” là một câu có thể kiểm sai, vì chỉ cần một lần mặt trời mọc ở hướng tây thôi thì câu đó bị phủ nhận, và toàn bộ tri thức dựa trên câu nói đó sẽ bị sụp đổ không thương tiếc. Còn với câu như “tất cả mọi thứ đều do duyên hợp thành” thì không thể kiểm sai được, vì không có cách gì kiểm tra sự sai của nó. Với những câu không thể kiểm sai được như vậy, khoa học không quan tâm.

Kiểm sai

Xuyên suốt quyển sách, tôi không thấy một lời nào nói về tính kiểm sai đó cả. “Khoa học”, trong mắt ông ấy, chỉ là sự vô tình tách biệt khỏi tự nhiên, vô tình phá hoại nó bằng sự nhiệt tình. Ông ấy khẳng định thế này:

Hơn nữa, các nhà khoa học, bất kể họ nghiên cứu thiên nhiên bao nhiêu và bao xa, cuối cùng cũng chỉ đi đến nhận ra thiên nhiên hoàn hảo và bí ẩn tới mức nào. Tin rằng nhờ vào việc nghiên cứu và bằng phát kiến, nhân loại có thể tạo ra một cái gì đó tốt hơn cả tự nhiên là điều ảo tưởng. Tôi nghĩ rằng người ta đang gắng sức không vì lý do nào khác hơn là để biết được cái mà ta có thể gọi là sự ‘bất khả tư nghị’ về cái bao la của tự nhiên. (66)

Ông ấy nói rằng sau khi nghiên cứu thiên nhiên thì các nhà khoa học sẽ chỉ nhận ra rằng thiên nhiên bí ẩn và hoàn hảo. Liệu đó là điều khoa học nói, hay là điều ông ấy cho rằng khoa học nói? Ông ấy không một lần nào nhắc tới tính kiểm sai của khoa học, nhưng lại luôn khẳng định khoa học là phân biệt. Vậy việc dành cả đời mình chỉ để khẳng định với mọi người rằng khoa học là phân biệt liệu có phải là đang phân biệt không? Và rốt cuộc thì, liệu có thật sự là khoa học phân biệt không?

Ông ấy nói:

Một phương pháp kiểm nghiệm khoa học mà đưa được tất cả các yếu tố liên quan vào xem xét là điều bất khả thi. (46)

Cứ cho là như vậy đi, nhưng vậy rồi sao? Nếu người trong cuộc không phàn nàn gì về điều đó, vậy tại sao người ngoài cuộc phải phàn nàn giùm? Ngay từ đầu khoa học đã chẳng màng tới điều đó; thứ duy nhất nó quan tâm chỉ là việc lời nói ra có kiểm sai được hay không. Phân biệt hay không phân biệt, cặp mắt nào được việc hơn thì nó sẽ dùng. Ép nó phải dùng cặp mắt này mà không dùng cặp mắt kia, liệu có hơi thô bạo chăng?

Ông ấy hỏi học bằng tiến sĩ để làm gì (46). Để làm gì ư? Để không làm gì chứ còn để làm gì nữa? Để coi mình là một phần của tự nhiên. Để không phải sợ hãi những thứ không có thật. Để có thể nhân ái với nhau hơn. Liệu nói như thế có đúng ý ông ấy chăng?

Ông ấy nói:

Người ta nói rằng Einstein được trao giải Nobel vật lý là do độ khó hiểu của thuyết tương đối mà ông ta đưa ra. (95)

What? Ông ấy có đùa không? Câu này chỉ là câu nói đùa, vậy mà ông ấy xem nó như thật rồi dựa toàn bộ phê phán của mình lên trên câu nói ấy. Đáng ra ông ấy chỉ cần hỏi các nhà khoa học “này các anh, đây có phải là ý các anh muốn nói không”, thì lúc đó mọi hiểu lầm sẽ được giải quyết. Đành rằng vào thập niên 1970 thì khó mà email cho Einstein thiệt, nhưng quan trọng là ông ấy có suy nghĩ rằng nhỡ đâu mình đang nghĩ sai về Einstein hay không? Hay như chính lời ông ấy nói, cách làm không quan trọng, quan trọng là có nhận thức ra được không (31).

Không phải là ông ấy không đặt những câu hỏi như vậy. Nhưng sau khi hỏi, ông ấy lại nhảy ngay lập tức tới kết luận tiêu cực mà chưa thử tìm cách nghĩ ngược lại, chưa thử kiếm bằng chứng chống lại mình. Đây đâu phải là vượt lên trên suy nghĩ nhị nguyên; đây chỉ đơn giản là lỗi lập luận sơ đẳng mà thôi. Có vẻ như, các từ khoá như “hóa chất” hay “khoa học” sẽ luôn chặn đứng khả năng không phân biệt mà ông ấy vốn có.

Ông ấy nói:

Những năm qua, tôi đã mắc nhiều sai sót trong quá trình thử nghiệm và đã gặp đủ loại thất bại. Tôi gần như biết về những điều sai sót có thể xảy ra khi trồng cây nông nghiệp nhiều hơn bất kỳ ai khác ở Nhật. Lần đầu thành công trong việc trồng lúa và ngũ cốc mùa đông bằng phương pháp vô canh, tôi cảm thấy vui sướng như Columbus hẳn đã cảm thấy khi ông tìm ra châu Mỹ. (34)

Vậy ông ấy vui sướng như Columbus, nhưng lại coi khinh Einstein. Ông ấy nói rằng “Thậm chí nếu chỉ gọi tên cây cối, một cây quýt thuộc họ cam quýt, một cây thông thuộc họ thông, thì tự nhiên đã không còn được thấy trong đúng nguyên bản của nó nữa” (24). Vậy nhưng ông ấy lại gọi Columbus là Columbus, gọi Einstein là Einstein. Chuyện đó có mâu thuẫn không? Hay là ông ấy chọn người này bỏ người kia để thuận tiện cho lập luận của mình?

Mà nói về chuyện vui sướng, thì người vui sướng nhất phải là Einstein mới đúng chứ? Ông ấy đến Mỹ là để trốn phát xít Đức cơ mà. Còn Columbus chỉ đang muốn đi đường tắt tới Ấn Độ thôi. Cảm giác khi đến châu Mỹ của Columbus chắc phải là chưng hửng mới đúng.

Quyển sách của ông ấy có bao nhiêu từ thì tôi đã thấy ông ấy phân biệt bấy nhiêu lần. Phân biệt giữa “ngũ cốc” và “đào hang”, giữa “đồng lúa cân bằng sinh thái” và “cộng đồng côn trùng và thực vật”. Ông ấy có thể bảo: “ừ thì chúng ta không thể thoát khỏi ngôn ngữ, nhưng ý của tôi là một thứ cao hơn”. Vậy thì ta cũng có thể nói ngược lại: “nếu chúng ta không thể thoát khỏi nó, thì đừng lảng tránh nó nữa, mà hãy đối diện với nó, đón chào nó như một người bạn”. Xem ra cũng chẳng khác biệt nhau là mấy.

Vậy tại sao một người dành cả tuổi trẻ hăng say để làm khoa học như ông ấy lại không hiểu gì về khoa học? Ông ấy cũng trả lời luôn:

Nhưng thực ra trong suốt tám năm đó, tôi ngẫm nghĩ về mối liên hệ giữa khoa học nông nghiệp và nông nghiệp tự nhiên. Nền nông nghiệp hoá chất, sử dụng những sản phẩm của trí tuệ con người, đã được xem là siêu việt hơn. Câu hỏi luôn lởn vởn trong tâm trí tôi là liệu nông nghiệp tự nhiên có thể đứng lên sánh ngang với khoa học hiện đại hay không. (17)

Vậy là trong tám năm đó, ông ấy ngẫm nghĩ về “mối liên hệ giữa khoa học nông nghiệp và nông nghiệp tự nhiên”, chứ không phải là “bản chất của khoa học”. Thứ lởn vởn trong tâm trí ông ấy là “liệu nông nghiệp tự nhiên có thể đứng lên sánh ngang với khoa học hiện đại hay không”, chứ không phải là “khi nào thì một suy luận được xem là có cơ sở khoa học”, hay là “liệu tính kiểm sai có phải là phán quyết cuối cùng cho công cuộc hiểu biết tự nhiên hay không”. Chưa kể, ông ấy làm công việc khoa học, nhưng đầu óc không dành cho nó. Vậy thì cũng đâu thể gọi là hiểu được nó đâu?

Thật sự là các nhà khoa học không cần hiểu lắm bản chất của nó, chỉ cần nắm vững một số nguyên lý thực hành là có thể làm được. Có người là thầy, có người là thợ. Có những người thợ là thầy của những người khác. Có những người thầy là thợ của những người khác. Người làm trong một chuyên môn cụ thể không nhất thiết phải đọc triết học, đặc biệt là các ngành thực nghiệm như sinh học hay khoa học nông nghiệp. Ngay cả toán học cũng vậy. Người ta nói toán học như ngôi nhà được xây trên cát, vì nền tảng của nó đang có vô số lỗ hổng. Vậy nhưng các nhà toán học không quan tâm, mà outsource hết cho triết gia. Biết thì tốt, còn không biết thì cũng không quá nghiêm trọng. Bạn cũng đâu có một lần mảy may áy náy khi đọc những dòng này mà không biết cách hoạt động của chip máy tính đúng không?

Vì vậy, việc ông ấy làm khoa học mà không hiểu về bản chất của nó cũng là chuyện bình thường. Nhưng không hiểu mà vẫn làm được là một chuyện, không hiểu mà phê phán người khác lại là chuyện khác.

Phần 3, Kết luận

Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.

Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.

Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?

Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:

1

Hỗ trợ 1-1 cho thành viên

2

Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động

3

Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Bấm sao để đánh giá nha!

Đánh giá trung bình: 2.2 / 5. Số lượt đánh giá: 6

Nếu bạn thấy bài này hữu ích

Bạn bè bạn cũng có thể thấy nó hữu ích

Mình rất tiếc nếu bạn thấy bài không có giá trị

Xin hãy nói cho mình biết phải cải thiện ở đâu

2 comments

  1. bài viết dài nhưng lại lầm lẫn giữa triết lý của khoa học cơ bản và khoa học nông nghiệp

    1. Cám ơn bạn đã phản hồi. Bạn có thể nói rõ thêm không? Theo mình hiểu thì tác giả đang phủ định khoa học đến tận gốc, chứ không chỉ ở mỗi hạn chế của khoa học nông nghiệp vào thời điểm đó. Bằng chứng là ông ấy phủ nhận cả thuyết tương đối của Einstein hoặc thám hiểm mặt trăng, những thứ hoàn toàn không liên quan đến nông nghiệp.

Leave a Reply