Những câu hỏi về nữ quyền

Categorized as Tự nhiên, hệ thống, khoa học, quyền uy Tagged , , ,

Giới thiệu

Dự án Quả Cầu được lập ra là để lan tỏa tinh thần phản tư với mọi quan điểm của mình, trân trọng người khác tuyệt đối, tò mò với điều khiến mình sợ hãi, dũng cảm cắt đứt điều gây hại. Đối tượng dự án muốn hướng tới là những người đã đánh mất khả năng đó, thông qua việc xóa bỏ nhiều hiểu lầm, ngộ nhận và niềm tin sai phổ biến trong xã hội. Những người đã đánh mất những tinh thần đó sẽ có lại được chúng, và những người đang có chúng sẽ đồng hành cùng họ để họ lấy lại được niềm tin cũng như hiểu được tầm quan trọng của chúng.

Đây là các hoạt động liên quan tới bình đẳng giới mà mình tham gia:

Mặc dù mình không trực tiếp làm về bình đẳng giới, nhưng việc nhập tâm sự đàn áp chính xác là chủ đề mà cả mình và nữ quyền cùng theo đuổi. Nên mình nghĩ việc tìm hiểu về nữ quyền sẽ rất có lợi cho mình, và mình cũng có thể góp phần vào công việc của các nhà nữ quyền.

Những vấn đề mình quan tâm

  • Hỗ trợ người bất bình đẳng thay đổi quan niệm thế nào?
  • Nếu bình đẳng và tự do xung đột với nhau về bản chất, thì bình đẳng giới có làm cản trở giá trị nào khác không?
  • Liệu có khi nào một sự bất bình đẳng tạm thời có thể (và thậm chí là cách duy nhất) để xoá bỏ sự bất bình đẳng trong dài hạn không?

Dưới đây là các vấn đề mình gom nhặt lại được trong các cuộc đối thoại liên quan đến nữ quyền. Mời các bạn cùng suy ngẫm.

Giao tiếp phi bạo lực (non-violent communication) là một kỹ thuật hiệu quả trong việc giảm tình trạng bạo lực, tăng sự thấu cảm và hợp tác. Nó được ứng dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau trên thế giới, từ gia đình đến công việc, từ giáo dục đến y tế, từ các phong trào xã hội đến hòa giải mâu thuẫn sắc tộc. Biểu tượng của nó là con hươu cao cổ và con sói, với ý nghĩa như sau:

NVC

Nhưng dưới con mắt của một nhà động vật học, so sánh này rất là buồn cười. Với họ, nó thậm chí có phần nguy hiểm, vì sẽ làm mọi người cho rằng như sói thì là không tốt, mà như hươu cao cổ mới tốt. Có thể nó sẽ khiến mọi người săn lùng sói nhiều hơn, gây mất cân bằng sinh thái. Lịch sử đã cho thấy nhiều lần như vậy. Nói thẳng ra, đây là một loại khuôn mẫu về động vật.

Vậy có phải những người muốn xoá bỏ khuôn mẫu cũng sử dụng khuôn mẫu thường xuyên?

Mình hiểu rằng việc có khuôn mẫu phái nữ là phái đẹp gây ra nhiều hệ luỵ về bất bình đẳng. Clip này có lẽ nói rất rõ:

Tuy nhiên, đây là hệ quả của việc nói rằng phái nữ là phái đẹp, chứ không phải là câu trả lời cho câu hỏi: “Liệu phái nữ có phải là phái đẹp hay không?”. Một nhà nữ quyền có thể nói rằng người cho rằng cơ thể người nữ có đẹp hơn cơ thể người nam là đang bị nội tâm hoá cái nhìn nam giới. Nhưng hãy nhìn vào ngành thời trang và hội hoạ: những nhà thiết kế nữ vẫn chủ yếu thiết kế đồ cho người nữ, và những hoạ sĩ nữ nếu có vẽ tranh khoả thân cũng chủ yếu vẽ khoả thân nữ chứ không phải là khoả thân nam. Tại sao lại như vậy? Là do thực sự cơ thể nữ có nhiều tiềm năng để phô diễn cái đẹp hơn, cho họ nhiều cảm hứng để sáng tác hơn chăng? Hay là vì họ đều đã bị nội tâm hoá hết cả? Làm sao để xác định câu trả lời?

Đặc trưng của cái đẹp là nó chiếm trọn mối quan tâm của chúng ta, nhưng lại không kích động ham muốn nào. Chỉ khi nào một thứ hoàn toàn chiếm trọn mối quan tâm của chúng ta mà lại độc lập khỏi bất kỳ ứng dụng nào có thể có của nó, thì khi ấy chúng ta mới bắt đầu nói về vẻ đẹp của nó. Thế nên, kể cả khi một quan niệm, hình ảnh nào đó xuất phát từ khuôn mẫu, thì khi nó được mô tả như là cái đẹp, thì ta không còn ham muốn xoá bỏ khuôn mẫu đó nữa. Nên, nếu đến cả những thứ ai cũng lên án là giết người mà trở thành cái đẹp được, thì bất bình đẳng giới có là gì?

Mình nghĩ thời trang là một lĩnh vực thú vị vì nó là điểm hội tụ của nhiều thứ: nó vừa có thể xem là một loại hình nghệ thuật, vừa có thể xem là văn hóa đại chúng, vừa có thể xem là một ngành kinh doanh. Người ngoài có thể thấy nó phù phiếm, nhưng người trong cuộc lại thấy ngành của mình là nơi chứa đựng cá tính cá nhân cũng như bản sắc, văn hoá cộng đồng. Vì bản chất của thời trang không chỉ là che đậy cơ thể, cũng không chỉ là sản phẩm nghệ thuật bằng chất liệu vải, mà còn là thứ chúng ta đưa ra tuyên ngôn về bản thân. Nó định hình cơ thể chúng ta và định hình cả cách chúng ta nhìn cơ thể người khác. Nó chính xác là nơi người khác nhìn vào một con người và đánh giá phẩm chất của họ. Mình nghĩ ngành thời trang có thể là một phép thử tốt cho năng lực giải thích của các lý thuyết nữ quyền.

Theo quan sát của mình, người làm trong giới thời trang chủ yếu tự nhìn nhận ngành của mình như một lĩnh vực dấn thân, phá bỏ khuôn mẫu giới trong xã hội, chứ không phải là thứ tiếp tục củng cố nó. Ví dụ như ở kết luận của bài Đi tìm sự bình đẳng trong làng thời trang: Đâu là những cột mốc quan trọng?:

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, thời trang vừa đóng vai trò thẩm mỹ, vừa là phương thức đấu tranh của nhân loại. Dù là đấu tranh ở góc độ nào – giới tính, sắc tộc, tuổi tác, hình thể, giai cấp…, cũng đều thống nhất một điều: Trong thời trang, mọi đối tượng đều bình đẳng.

Điều này cũng được ít nhất một nhà sử học về thời trang người Việt xác nhận. Một ví dụ chị đưa ra là trước năm 1930 thì người Việt nam nữ mặc giống nhau. Khi người Pháp đến xâm lược thì cách ăn mặc của người Việt mới có sự thay đổi: đàn ông Việt thì ăn mặc giống đàn ông Tây, nhưng phụ nữ Việt lại không thể mặc đồ giống phụ nữ Tây. Và khi họa sỹ Nguyễn Cát Tường (Le Mur trong tiếng Pháp) tạo ra áo dài bằng cách bằng cách bổ sung các nét mỹ thuật Tây Âu vào áo ngũ thân, nó đã bị xem là vi phạm chuẩn mực về giới (vì nó ôm sát eo, vú, mông). Nhưng chính những điều đó đã khiến cho quan điểm về thẩm mỹ của người Việt thay đổi, và khuôn mẫu giới bị phá vỡ.

Tuy nhiên, chị ấy cũng đồng ý rằng thời trang thật ra vẫn củng cố các khuôn mẫu về giới, bằng cách này hay cách khác. Khi một sự củng cố khuôn mẫu được trở thành nghệ thuật, thì nó vừa vẫn là quy chất luận, vừa mở ra các khả thể mới. Có thể thấy điều này ở việc áo dài sau khi đã phá bỏ chuẩn mực giới tính của thời xưa, lại trở thành một loại chuẩn mực về nữ tính khác ở thời nay. Mà nếu khuôn mẫu vừa được sinh ra vừa được mất đi, thì tức là có thể phát biểu là thời trang giúp biến đổi khuôn mẫu từ dạng này thành dạng khác.

Nó giống như kiểu trong vật lý có câu “năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi, mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác” vậy.

Nhưng mặt khác, mình không nghĩ điều đó đến từ việc họ thiếu sự phản tư, hay là họ quá bận rộn nên không để ý thấy, mà là việc đó đơn giản là không trình diện như vậy trong mắt họ. Nó giống như việc trong khi người ngoài thấy rằng nó chỉ là cái đẹp phù phiếm, thì người trong cuộc lại cảm thấy chúng có chiều sâu, và ngược lại. Nên mình cho rằng những chỉ trích như kênh 14 là báo lá cải và khoét sâu vào định kiến giới sẽ không đi đến đâu, nếu không chạm vào được gốc rễ của sự đam mê cái đẹp.

woman in yellow long sleeved traditional wear

Việc thầy cô trong lớp hay nói “mấy đứa con trai ra bê phụ cái bàn coi” có phải là bất bình đẳng không? Nhất là khi mấy cái bàn đó con gái cũng bê được? Các thầy cô có đang có khuôn mẫu “nam giới mạnh mẽ” không? Vì rốt cuộc thì quả thực nam giới có khoẻ hơn thật. Vậy có phải là khuôn mẫu giới ở đây giúp tăng hiệu quả công việc (mà cụ thể ở đây là trong việc phân công lao động), mà những người không có khuôn mẫu đó, hoặc đang cố gắng loại bỏ nó, không đạt được hiệu quả tương đương?

Tương tự, liệu củng cố những khuôn mẫu như người mẹ ấm áp, người cha cứng rắn có vấn đề gì không, nếu như quả thực xét về mặt thống kê khuôn mẫu đó không sai? Nó khác gì việc nói rằng nữ phù hợp với các bài hát tông cao, còn nam phù hợp với các bài hát tông thấp?

tnh_cha_me_4_500_01
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Liệu việc cởi trần là bình đẳng hay bất bình đẳng? Một mặt, có thể xem là người nam đang tận dụng đặc quyền được cởi trần mà không bị lên án, và điều đó đang củng cố khuôn mẫu giới. Nhưng mặt khác cũng chẳng ai cấm con gái cởi trần cả. Ai muốn thì cứ việc cởi trần. Chỉ là chẳng có con gái nào làm cả. Vậy nếu xem con gái đang thực hành quyền tự do của mình, thì cũng không thể nói cái khuôn mẫu đó tạo ra bất bình đẳng gì cả? Hay nói cách khác, nếu ta thấy rằng việc cởi trần là khuôn mẫu về giới, thì càng nghĩ về nó ta càng thấy nó không phải là khuôn mẫu?

Giả sử có một người có rối loạn tâm lý lo âu. Họ vô cùng sợ vi khuẩn, đến cả món ăn mình rất thích cũng không dám ăn vì sợ vi khuẩn. Làm sao để có thể khiến họ hết sợ đây? Ta có thể nói họ rằng “sự mạnh mẽ luôn nằm trong người bạn”, nhưng đấy là dành cho những người chưa mất niềm tin thôi. Còn với những người đã có một xác quyết là mình là người yếu đuối, thì nói rằng họ là người mạnh mẽ không khác gì tạo thêm áp lực và đau khổ cho họ. Bất kể điều đó đi từ mong muốn giúp họ đến bao nhiêu, và có một nền tảng triết học vững chắc đến bao nhiêu, thì trong mắt họ những lời nói đó là đang chà đạp nỗ lực của họ. Phải có một câu khác để sử dụng. Vậy trong trường hợp đó ta có nên dùng khuôn mẫu “nam tính mạnh mẽ” để giúp họ vượt qua nỗi sợ hay không, nếu điều đó có thể giúp cho họ nhận ra rằng sự mạnh mẽ luôn nằm trong người họ?

Ở điểm này thì chắc nữ có lợi thế hơn, vì việc nói rằng “nữ tính mạnh mẽ” sẽ giúp giảm khuôn mẫu giới.

Sự kiện Olympic vừa qua khiến cho nhiều người đặt lại vấn đề về việc nên liệu phân chia nam nữ thi riêng thì có công bằng hay không. Họ cho rằng là làm vậy là thiếu công bằng, vì sức khoẻ của nữ vẫn tương tự như nam, và nếu có phân chia thì nên phân chia theo năng lực mà thôi (VD như hạng cân, hoặc bộ môn trong từng môn thể thao). Mình đồng ý là với mấy môn trí tuệ như đánh cờ hoặc mấy môn chủ yếu dùng kỹ thuật như bắn súng thì mình thấy chia ra chẳng để làm gì. Nhưng với các môn thể lực thì vẫn còn băn khoăn. Lấy chạy đua 100m làm ví dụ. Những vận động viên chuyên nghiệp thì đều được luyện từ nhỏ, nên khó mà nói là phân biệt giới tính gây cản trở cơ hội tập luyện. Trong lúc tập luyện vẫn tập nam nữ chung bình thường mà. Nhưng kết quả lúc thi đấu cho thấy thành tích của nam vẫn tốt hơn nữ? Mình cũng hiểu có thể có trường hợp vì được học rằng nữ yếu hơn nam nên các vận động viên nữ chưa đấu với nam đã có tâm lý thế nào mình cũng thua. Nhưng khi tập luyện thì mục đích chỉ là tập để bản thân tốt lên, chứ không có thi đấu, nên tâm lý thi đấu có lẽ cũng không xuất hiện trong lúc tập chung với nhau? Mình không nghĩ khi ai đó tập luyện cật lực để vượt qua chính mình, thì định kiến xã hội lại có thể ảnh hưởng đến kết quả.

Tuy nhiên, trong thực tế đời sống, mình nghĩ cũng không nên xét là nữ yếu hơn nam cả. Vì ở cái mức sàng sàng như nhau thì chọn ra bất kỳ người nam nào cũng đều sẽ tìm được người nữ khoẻ hơn? Thậm chí, ngay cả với các giải chuyên nghiệp, thì việc thi đấu nam nữ chung với nhau có lẽ cũng không sao. Mình nghĩ việc này cũng không khác gì cho các quốc gia thi đấu chung với nhau vậy. Vẫn có những nước suốt bao nhiêu năm trời độc chiếm giải vô địch quốc tế, nhưng tất cả đều cảm thấy công bằng. Và ta vẫn có thể tổ chức những giải nam riêng nữ riêng, giống như các giải vô địch quốc gia vậy.

Hãy xét từ Doctor of Philosophy (PhD) trước. Gọi là Doctor of Philosophy, nhưng bây giờ chẳng ai nghĩ nó liên quan gì đến triết học cả. Đồng ý rằng ngày xưa khi người ta gọi tất cả các bộ môn là philosophy, thì cái từ “philosophy” trong đó là triết học. Nhưng trong quá trình phát triển, “philosophy” cũng đã thay đổi. Ngày nay, một người dùng PhD có thể hoàn toàn không chút mảy may nghĩ rằng mình đang ám chỉ đến triết học. Tức là, từ “philosophy” trong PhD chỉ tình cờ viết giống với philosophy thực sự. Nói cách khác đây là một từ đồng âm khác nghĩa.

Điều này có đúng với từ “tính đàn bà”? Liệu có thể nói là từ “đàn bà” trong “tính đàn bà” hoàn toàn đã mất nghĩa gốc, và nó chỉ còn là vết tích của một lịch sử trước đây người ta coi thường đàn bà, chứ trong tâm trí của những người sử dụng nó ngày nay hoàn toàn không liên quan gì đến đàn bà thực thụ cả? Có thể nào một người tôn trọng đàn bà vẫn có thể sử dụng từ đó và vẫn đinh ninh là mình đang tôn trọng đàn bà không? Chỉ cho đến khi nào có người nhắc lại cái lịch sử đó thì mới “ờ ờ nói cũng đúng ha”, nhưng rồi họ cũng có thể không cảm thấy nhất thiết phải thay đổi cách gọi. Liệu có đúng là họ thực sự cảm thấy từ đó hoàn toàn không nói gì đến đàn bà, giống như những người sử dụng từ PhD hoàn toàn không thấy từ đó nói gì về triết học cả không?

Một nhà ngôn ngữ học Trung Quốc sẽ nói gì về việc bộ nữ (女) thường có mặt trong các từ có ý tiêu cực?

Tất nhiên, nếu như việc sử dụng PhD vô tình gây tổn thương cho các triết gia thì chúng ta vẫn nên thay đổi cách dùng từ. Nhưng ý tưởng chính ở đây là những người dùng PhD không hề đàn áp triết gia, kể cả trong vô thức. Và việc thay đổi cách dùng từ chỉ để một người không bị tổn thương thì chỉ là một uyển ngữ, và nếu nhận thức được điều này thì chúng ta không cần phải quá lo lắng mỗi khi từ “tính đàn bà” được sử dụng. Liệu đây có phải là một lập luận hợp lý?

👉 Xem thêm: Hiện tượng đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa khác âm, và đảo nghĩa

Và liệu điều này có giống việc những người da đen tự gọi mình là niggar, người LGBT+ tự gọi mình là bê đê bóng? Liệu có khi nào sau một thời gian nữa chỉ có những người tôn trọng người da đen mới gọi họ là niggar, và những người tôn trọng người LGBT+ mới gọi họ là bê đê bóng?

Một số người làm về bình đẳng giới cho rằng cách sử dụng “nam tính” và “nữ tính” là có vấn đề. Ví dụ như trong bài này của CEPEW: Tính nam – Tính nữ: Những tiêu chuẩn tưởng tượng.

Tôi đặt trường hợp đây là vấn đề về mặt thống kê, sau đó phổ quát hóa khái niệm lên. Ta hãy lấy một ví dụ có vẻ không liên quan lắm là chất lỏng, rồi quay trở lại vấn đề tính nam – tính nữ sau. Có những loại chất lỏng có thể di chuyển một cách linh động, có những loại chất lỏng không thể di chuyển một cách linh động. Nhưng vì trong tất cả các loại chất lỏng những chất lỏng có thể di chuyển một cách linh động chiếm đa số, nên việc nói rằng “chất lỏng có thể di chuyển một cách linh động” là một mệnh đề có ý nghĩa thống kê. Và để chỉ tính chất của nhóm đa số người ta dùng luôn tên của cả nhóm. Từ đó ta có khái niệm “tính lỏng” để chỉ “sự di chuyển một cách linh động”.

Nhưng sau đó người ta phát hiện ra là có những thứ không phải là chất lỏng nhưng cũng di chuyển một cách linh động, như giới tính chẳng hạn. Thì người ta cũng dùng khái niệm “tính lỏng” để chỉ giới tính luôn, từ đó ta có “giới tính lỏng”. Tức là mặc dù giới tính không phải là chất lỏng, thì nó vẫn có tính lỏng.

Từ những lập luận ở trên, ta thấy rằng có những thứ chất lỏng không có tính lỏng, và có những thứ không phải là chất lỏng lại có tính lỏng. Nghĩa là phải xem “chất lỏng” và “tính lỏng” là hai phạm trù độc lập với nhau, chỉ tình cờ có phần giao nhau khá lớn mà thôi (quy tắc cơ bản của logic: nếu P không kéo theo Q và Q không kéo theo P, thì P và Q là hai mệnh đề độc lập nhau). Tức là phải xem chữ “lỏng” trong “chất lỏng” và “tính lỏng” là một từ đồng âm khác nghĩa thì mới hiểu được bản chất vấn đề.

Những thứ là chất lỏng có phần trùng với những thứ có tính lỏng, nhưng hai cái không nhất thiết trùng nhau

Lấy một ví dụ khác. Có những loại lá cây không có màu xanh lá cây, và có những thứ không phải lá cây lại có màu xanh lá cây. Một người nói rằng “ê con mèo kia màu xanh lá cây kìa” hoàn toàn không hề nghĩ gì về lá cây trong đầu, thậm chí còn có thể không biết lá cây là gì, giống như khi họ sử dụng một từ Hán Việt mà không biết các gốc từ trong đó nghĩa là gì.

Những thứ có màu xanh lá cây có phần trùng với những thứ là lá cây, nhưng không có cái nào hàm ý cái kia

Áp dụng tương tự cho các từ “tính nam” và “tính nữ”.

Hãy xét về thể thao điện tử trước. Thể thao điện tử có phải là thể thao không? Nhiều người sẽ phản đối chuyện đó. Thể thao gì mà suốt ngày cắm mặt vào cái máy tính? Chơi xong thì mắt lồi ra thêm chứ có thấy khoẻ hơn chút nào đâu? Nếu quả thật đây là thể thao, thì tại sao bác sĩ lại phải khuyên là chơi ít thôi, để mà còn dành thời gian để tập thể thao?

Các vận động viên đang chơi các môn thể thao trong sân vận động

Nhưng trừ việc ngồi yên một chỗ ra, thì ở các khía cạnh khác, nó vẫn không khác gì thể thao thật. Nó có sự đối kháng, chiến thuật, tinh thần đồng đội, tinh thần thượng võ. Tất cả những thứ này đều là một phần của thể thao, vậy thì cũng hoàn toàn tự nhiên khi ta gọi những trò chơi điện tử có những tính chất đó cũng chính là thể thao.

Tức là lúc này, chữ “thể thao” đã được tái định nghĩa. Ban đầu, “thể thao” có ý nghĩa là một trò chơi có sự vận động thể chất. Nhưng sau đó, nó được hiểu lại là một trò chơi có sự đối kháng, tính chiến thuật, tinh thần đồng đội, tinh thần thượng võ. Nói cách khác, chữ “thể thao” đã bị biến nghĩa.

Và có lẽ đây cũng chính là tinh thần của hậu hiện đại, khi ta giải cấu trúc “thể thao” thành các khái niệm nhỏ hơn.

Vậy là đến lúc này, để phân biệt, những người theo định nghĩa mới sẽ phân thành thể thao có vận động và thể thao không vận động. Nhưng với những người theo định nghĩa cũ, việc phân ra như vậy thực là buồn cười. Thậm chí nếu họ bảo đây là đánh tráo khái niệm chắc cũng không sai. Nó không khác gì bảo rằng con mèo là cái bàn cả. Đồng ý là có thể có những người có định kiến với việc chơi game, nhưng không nhất thiết tất cả những người cảm thấy vô lý khi nói game thủ là vận động viên đều là có định kiến. Họ hoàn toàn có quyền cảm thấy vốn từ của mình bị tước đoạt, bị tầm thường hoá. Hệ thống khái niệm họ vốn có từ xưa giờ định hình nên căn tính của họ, và họ chỉ đang yêu cầu được tôn trọng bản dạng của mình.

Tất nhiên, qua thời gian cùng với sự vận động của các tổ chức bảo vệ quyền của thể thao điện tử, định nghĩa mới về thể thao có thể sẽ trở thành ưu thế trong cộng đồng. Nhưng đây không phải là ý chính mình muốn đặt ra.

Áp dụng tương tự với phụ nữ chuyển giới và phụ nữ.

👉 Xem thêm: Cá trích đỏ có phải là cá trích không?

Đây là một clip giải thích về diễn ngôn “tinh trùng chủ động, trứng thụ động” trong sách sinh học.

Xem thêm: The idea that sperm race to the egg is just another macho myth | Aeon Essays

Mình muốn bàn thêm về tính chính xác của diễn ngôn “tinh trùng chủ động, trứng thụ động” này. Ở những loài giao phối ngoài (như ếch, cá), thì cá thể cái sẽ đẻ trứng dưới nước, sau đó cá thể đực sẽ rưới tinh trùng của mình lên. Trứng sẽ kết chùm lại ở bãi đẻ để không bị nước cuốn đi, còn tinh trùng sẽ phải bơi qua dòng nước để gặp trứng. Nên tuy rằng diễn ngôn này có thể kém chính xác ở người (hay các loài giao phối trong), thì nó vẫn đúng ở các loài giao phối ngoài?

Tất nhiên, ta cũng có thể nói là việc trứng kết chùm lại cũng là một sự chủ động ở phía trứng, nhưng nếu xét hàm nghĩa của từ “chuyển động” là “độ dời vị trí theo thời gian”, thì rõ ràng phải nói là tinh trùng chuyển động nhiều hơn trứng. Mà từ “tinh trùng chuyển động nhiều hơn trứng” sang “tinh trùng chủ động nhiều hơn trứng” mình nghĩ cũng là một bước nhảy không phải là vô lý?

Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.

Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.

Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?

Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:

1

Hỗ trợ 1-1 cho thành viên

2

Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động

3

Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Bấm sao để đánh giá nha!

Đánh giá trung bình: 1 / 5. Số lượt đánh giá: 1

Nếu bạn thấy bài này hữu ích

Bạn bè bạn cũng có thể thấy nó hữu ích

Mình rất tiếc nếu bạn thấy bài không có giá trị

Xin hãy nói cho mình biết phải cải thiện ở đâu

1 comment

  1. Chúng ta đang ở giai đoạn bùng nổ thông tin, gần như có thể tìm kiếm mọi câu trả lời mà ta đặt ra. Tuy nhiên không có nghĩa rằng loài người hiểu cách vận hành của thế giới này. Việc bình đẳng ngầm ẩn ý rằng ta có thể chia miếng bánh ra đúng tỉ lệ 50 50. Mang chữ bình đẳng tới tư tưởng của thế hệ trẻ ngay từ đầu rồi sau đó mổ xẻ là một phương hướng mà không ai có thể đảm nhiệm đươc.

Leave a Reply