Câu chuyện của Tiểu Cúc với người trăm năm

Categorized as Bất lực, bạo hành, tự quyết, can thiệp, Sách, thơ, phim Tagged , ,

Nhân có nhiều bạn gửi phản hồi rất thích bài Chuyện Tiểu Cúc, mình sẽ phát triển thêm một số vấn đề đằng sau. Nó cũng phù hợp để liên kết với các bài khác trong blog.

Tóm tắt sự kiện

Tiểu Cúc này, Tiểu Cúc của ta đâu?
Em chớ nghe mùa thu say - nói nhảm
Em chớ nghe vầng trăng khóc trên trời
Đàn se sẻ một chốc bỗng lên ngôi
Tha cọng cỏ thả trên đồi mộng mị.

Tác giả như muốn nói: Em ơi, xin hãy nghe tôi. Đừng chạy theo những cảm xúc phù du nữa.

Người trăm năm liệu có biết đi tìm?
Chuyện Tiểu Cúc, chữ Tình ai viết vội…

Người trăm năm phải tự đi tìm Tiểu Cúc, chứ Tiểu Cúc không tìm người trăm năm đâu. Đây không chỉ đơn giản là tâm lý muốn được làm cao, muốn được chinh phục của con gái, mà ở đây là sự thờ ơ với người mình tin tưởng và muốn gắn bó nhất. Họ muốn thì họ tự đi tìm, còn Tiểu Cúc thì sẽ mặc kệ họ. Phải là người có thể mặc kệ được sự mặc kệ của Tiểu Cúc, thì mới là người Tiểu Cúc cần tìm.

Hoa cúc nhỏ mỏng như lời nói dối
Em như tơ - hóa mộng giữa sương ngời…

Tuy có ý thức được là mình cần phải sống tốt hơn, nhưng đóa hoa ấy lựa chọn điều ngược lại. Mù quáng thì sẽ đau khổ, nhưng Tiểu Cúc sẽ chấp nhận cái giá đó để được thêm một lần tự huyễn hoặc chính bản thân mình. Tiểu Cúc lựa chọn làm mình trở thành huyền ảo, nửa tỉnh nửa mê, làm cho mọi thứ đối với mình trở nên mơ hồ, hư hư thực thực. Nghĩa là nhập tâm vào vai diễn của mình. Tiểu Cúc muốn được một lần sống giữa những lời nói dối.

Tiểu Cúc à, Tiểu Cúc của ta ơi!
Ngày mùa hạ Tiểu Cúc hãy rong chơi
Đêm mùa thu-xin về đây nằm ngủ…

Tác giả muốn nói: dù em có thế nào, thì tôi vẫn yêu em. Ngày mùa hạ, em rong chơi không màng tới tôi thì tôi vui cho em. Đêm mùa thu, khi em mệt mỏi rồi thì xin hãy quay về cho tôi che chở.

Ở đây ngoài Tiểu Cúc ra còn có nhân vật kể chuyện, tự xưng là “ta”. Ở bài thơ này thì nhân vật này có vẻ mờ nhạt, nhưng trong suốt tập thơ Du vết thiên di thì nhân vật kể chuyện này (“ta”, “tôi”) xuất hiện thường xuyên. Ví dụ như trong bài Khúc Kinh Cu Cho Em:

Tôi đếm giọt sầu rơi. Tôi đếm cuộc tình phai. Tôi đếm từng người đi. Tôi đếm từng ngày qua… Và giữa trời Vô Thường đó, riêng mình em tôi nằm khóc. Giọt lệ nào trải qua sáu cõi, hóa thành mùa thu, bỏ lại em lận đận buồn vui nhân thế. Ta thương em hồn bướm mong manh lưu lạc, rồi sẽ mộng về đâu…?

Hoặc trong bài Như Chiếc Que Diêm:

Tôi thấy mình đang cúi xuống và gieo vào nhân gian một mầm duyên ngộ, một mối giao tình. Dẫu tôi hằng tha thiết muốn hết thảy những nhánh duyên từ đây đều đẹp, thì vượt ra ngoài mong muốn xấu đẹp của tôi, mọi mối duyên tình nhân gian tôi vốn nâng niu rồi sẽ đều thành khói bay đi…

Dựa vào những thông tin như vậy, ta có thể kết luận là nhân vật “tôi” này đang có sự bất lực học được. Ngoài ra, ta cũng có thể thấy nhân vật “tôi” này rất quan tâm và lo lắng cho nhân vật “em” (mà ta có thể phỏng đoán chính là Tiểu Cúc trong bài thơ này).

Câu chuyện giữa Tiểu Cúc và người trăm năm

Quay lại câu chuyện của Tiểu Cúc. Qua những sự kiện trong bài thơ được tóm tắt như trên, ta có thể nắm được những thông tin sau: (1) cô đang thả mình nuông chiều, (2) cô sống giữa những lời nói dối, và (3) cô không lắng nghe những người quan tâm cô. Có làm được hết những điều đó, thì mới là đi trọn vẹn cái tinh thần “mỏng như lời nói dối”. Ai không dám lựa chọn những điều này, người đó không phải là Tiểu Cúc.

Trong ba giá trị tối hậu Chân – Thiện – Mỹ, thì cô đại diện cho cái đẹp. Nhưng thường thì cái đúng và cái tốt sẽ đi cùng với nhau, còn cái đẹp thì không như thế. Có những cái đẹp sai sự thật, và có những cái đẹp phản đạo đức. Là người cảm xúc, không ngạc nhiên khi cô luôn khẳng định chỉ có cảm xúc là chân thực nhất. Nhưng khi đánh đồng cảm xúc của bản thân với điều đúng đắn, thì thật ra cô đang tự đánh lừa bản thân. Để có thể trở thành một nàng thơ, thì cô cần phải đánh đổi chất lượng sống của mình cho những thứ phù phiếm. Bằng chứng là nếu cô thật sự an lạc (well-being), thì nhân vật “tôi” đã không cần phải xin cô như trong bài thơ làm gì cả. Chuyện này giống như chúng ta sắp bước vào điểm không thể quay lùi trong việc chống biến đổi khí hậu, nhưng đến giờ ai cũng còn thờ ơ với nó vậy.

Vậy nên, nếu anh thật lòng muốn cô có một cuộc sống có chất lượng, anh buộc phải hành động mạnh mẽ hơn. Nếu đến cả người đã luôn ở bên cạnh và hết lòng mong cô suy nghĩ lại trong suốt bao năm còn không thể làm được, thì cách duy nhất để thay đổi hiện trạng là can thiệp sâu vào quyết định của cô. Anh phải làm như thế, dù lòng đau như cắt. Cố gắng tranh luận hiền hòa với cô chỉ khiến anh gặp những rắc rối của từ bi. Nếu anh còn lựa chọn nào khác, thì ngay từ đầu người đó đã không phải là Tiểu Cúc rồi.

Điều đó khiến anh trở thành kẻ phản diện trong mắt cô. Khi lời nói dối được xem là hiển nhiên, thì tất cả những gì trái ý sẽ bị gạt phắt bằng bất cứ giá nào. Cô thà chết chứ không bao giờ công nhận là anh đúng, dù trong thâm tâm cô thừa biết anh nói trúng tim đen. Cô thừa hiểu anh chỉ muốn làm điều tốt nhất cho cô, nhưng cô vẫn thách thức và đùa cợt với sự chân thành anh. Cô sẽ lao vào những trò vui, thản nhiên bắt anh chứng kiến sự phản bội của mình. Anh thừa sức để thấy hết những trò mèo vờn chuột đó, nhưng anh chơi cũng dại mà không chơi cũng dại. Khi anh chấp nhận chơi trò chơi đó, những mong cô có thể thấy anh chấp nhận chịu nhục để cô còn suy nghĩ lại, thì mọi người chỉ thấy anh đang còn nhiều níu kéo. Còn khi anh từ chối tham gia, thì người ngoài sẽ thấy anh xem mình là cái rốn của thiên hạ. Khi đã lựa chọn không thỏa hiệp với những thứ nửa vời, thì người ngoài sẽ thấy ta là kẻ cực đoan. Ai không dám lựa chọn làm kẻ cực đoan, người đó không phải là người trăm năm của Tiểu Cúc.

Ta có thể đặt câu hỏi: có hợp lý không khi ta nói cô yêu anh? Câu trả lời không khó đoán: tất nhiên là không. Vì nếu có, dù chỉ một chút, thì cô cũng sẽ cảm thấy đau đớn vì những gì cô đã làm với anh. Nhưng nếu cô không có tình cảm gì với anh, thì anh làm những điều này để làm gì? Không thể nói là vì yêu cô được, vì một người như cô khó mà làm anh rung động được. Vậy rốt cuộc anh muốn gì?

Có lẽ là vì nhân vật “tôi”. Con người đó đang bất lực, nhưng vẫn không từ bỏ niềm tin, không chấp nhận bỏ cuộc. Con người đó dù cô đơn cùng cực vẫn không hề màng đến bản thân mà vẫn lo lắng cho cô. Trong khoảnh khắc chấn động khi nhìn thấy điều đó, anh muốn dành trọn đời này để ở bên cạnh “tôi”. Đó mới là người anh cảm thấy đồng điệu, là người anh thực sự yêu. Còn cái chữ “người trăm năm” mà Tiểu Cúc trao cho anh sau khi chinh phục cô xong, anh cũng không lấy đó làm quan trọng. Nếu gọi những gì cô làm với anh là “tình cảm”, thì anh không cần đến nó.

Nên sự nặng nề và nhẹ nhàng trong anh cứ thay phiên nhau xuất hiện. Anh vừa căm giận vừa điềm tĩnh. Vừa sốt ruột vừa thong dong. Vừa muốn gầm lên vừa thấy buồn cười. Cô kệ xừ anh thì anh cũng kệ xừ cô. Chỉ là nhìn từ ngoài vào thì anh không hề như thế.

Là người thông minh, cô biết mình sẽ phải làm gì để ai cũng phải đồng ý với cái sai của mình. Bằng việc nâng tầm các quan điểm của mình thành triết lý, sau đó diễn đạt lại chúng bằng văn thơ, những quan điểm đó sẽ trở nên xuôi tai vô cùng, và nếu ai bắt bẻ thì cũng dễ dàng thoái thác. Chúng sai, nhưng cái sai đó chỉ có những ai có một nền tảng lý thuyết cực kỳ vững chắc mới có thể nhìn ra được. Và nếu trước giờ mọi người chỉ thấy nó đúng chứ không phải sai, thì có nghĩa là những quan điểm đó đã trở nên rộng rãi trong cộng đồng. Nghĩa là, nếu anh muốn nói với mọi người rằng hãy đến giúp cô đi, thì anh phải thay đổi được quan niệm của cả một cộng đồng.

Cái khó của anh là không thể nào chứng minh được sự tồn tại của sự khổ sở của “tôi” với người ngoài. Cô sẽ nói với mọi người là cô không có chút tình cảm nào với anh cả, và sẽ không ai có thể nghi ngờ được điều đó nếu đã từng thấy sự thờ ơ toát lên từ đôi mắt của cô. Họ không thể thấy được sự bỡn cợt của cô, nhưng họ sẽ thấy rất rõ những khổ sở của anh. Nói gì thì nói, một người lúc nào cũng suy tư và một người lúc nào thảnh thơi thì tất nhiên người thảnh thơi vẫn đáng tin cậy hơn rồi. Cái đúng bao giờ chả khó khăn hơn, và cái sai bao giờ chả hấp dẫn hơn?

Anh đủ bản lĩnh để bỏ ngoài tai những kết luận thiếu căn cứ, nhưng họ sẽ buộc lòng phải cản anh. Nhưng khi họ kiên nhẫn dành vài phút quý giá để lắng nghe anh, thì quá trình chú ý, ghi nhớ và biến đổi nghĩa của từ xảy ra, và anh không tài nào minh oan được cho mình. Họ không nhận ra được rằng việc quá chú tâm vào việc cô còn chẳng quan tâm gì tới anh là đang đi chệch khỏi mục tiêu quan trọng nhất. Thứ cần được xét tới ở đây là sự an lạc của cô, và họ có thể tự kiểm chứng độc lập. Nhìn vào những chỉ trích của họ, anh chỉ tủm tỉm cười. Điều đó làm họ hoảng sợ hơn, còn anh thì lười minh oan cho mình hơn.

Khi bắt đầu theo đuổi lựa chọn này, anh biết là nó sẽ rất gian nan. Mặc dù anh thấy rằng chuyện này là khả thi, thì đó vẫn chỉ là trực giác. Dù trực giác là người chỉ đường đáng tin cậy, thì nó vẫn cần phải được trải qua những cuộc kiểm sai gắt gao. Anh biết chuyện này rồi sẽ có lúc chấm dứt, nhưng nó sẽ dài như vô tận. Anh chẳng phiền hà gì về chuyện tốn thời gian, nhưng thời gian là vàng bạc, và những ai quan tâm tới anh sẽ cảm thấy tiếc cho tương lai bị anh bỏ phí. Họ sẽ nói là hãy quên cô đi, hãy sống một cuộc sống có ích cho bản thân anh đi. Nhưng anh biết điều anh làm là có giá trị; nó không chỉ giúp “tôi”, mà còn giúp ích cho bao nhiêu người khác. Nhờ có việc “theo đuổi” Tiểu Cúc mà anh gặp được vô số người bạn mới, và xây dựng được sự nghiệp cho riêng mình. Quan trọng hơn hết, là nhờ có điều đó mà anh có thể đem đến cho thế giới những góc nhìn chưa từng có. Cô xứng đáng để anh dành thời gian cho chuyện này.

Anh hiểu rằng chắc chắn anh vẫn chưa hoàn toàn hiểu đúng cô, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa là có những điều cô nghĩ về anh là chưa đúng. Để có được sự thấu hiểu thực thụ và trọn vẹn, chứ không phải tưởng mình đã hiểu nhưng thật ra chẳng hiểu gì, cần một sự đối thoại thẳng thắn với nhau. Thật ra anh với cô đều cùng đang nói về một thứ, chỉ là cách nói của hai bên khác nhau. Như kiểu hai người đang ông nói gà bà nói vịt, rồi sau đó phát hiện ra con gà là con vịt và con vịt là con gà vậy. Còn nếu cô vẫn tiếp tục cho rằng Chỉ có cảm xúc là đúng nhất, và thờ ơ dửng dưng tới những gì anh nói, thì với những chứng cứ hai năm rõ mười như vậy, không thể không kết luận là cô đang sai. Một lần nữa, anh vô cùng trân trọng cô, nhưng nếu thật sự trân trọng cô, thì anh biết đây là lúc cần cứng rắn. Cái có hại thì không được phép dung dưỡng, dù nó có đẹp đến bao nhiêu.

Xung quanh cô là những người bạn đáng tin và chân thành. Họ luôn quan tâm đến cô, và chấp nhận con người cô dù nó tốt hay xấu. Họ cũng thừa hiểu cái đẹp không đồng nghĩa với cái tốt, nhưng họ cũng sẽ không ép thêm nếu như cô không muốn thay đổi. Nhưng nếu họ cũng như anh và “tôi”, mong muốn Tiểu Cúc có một cuộc sống an lạc, thì họ cần hiểu rằng tiếp tục để cô nuông chiều bản thân là họ đang làm hại cô. Như đã nói, cô có một niềm tin rất mạnh mẽ là điều cô làm là đúng và tốt, và nghe qua thì rất có lý, nhưng thật ra không phải. Để thấy được những bất ổn trong niềm tin đó, bạn bè cô cần phải giữ được tính khách quan trong lời nói của cô. Họ phải trở thành người gương mẫu, nhất định không thỏa hiệp với những cái sai mới có thể thay đổi được niềm tin đó. Nếu Tiểu Cúc gạt phắt họ đi, họ phải kiên nhẫn đặt câu hỏi cho tới cùng. Có như vậy mới đi trọn vẹn tinh thần làm điều tốt nhất cho cô.

Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.

Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.

Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?

Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:

1

Hỗ trợ 1-1 cho thành viên

2

Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động

3

Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Bấm sao để đánh giá nha!

Đánh giá trung bình: 1 / 5. Số lượt đánh giá: 1

Nếu bạn thấy bài này hữu ích

Bạn bè bạn cũng có thể thấy nó hữu ích

Mình rất tiếc nếu bạn thấy bài không có giá trị

Xin hãy nói cho mình biết phải cải thiện ở đâu

Leave a Reply