Giải quyết nhiều hiểu lầm, ngộ nhận và niềm tin sai phổ biến, một lần cho mãi mãi

Categorized as Nỗi sợ, góc nhìn, mạnh mẽ, từ bi, Rắc rối của từ bi Tagged , ,
Цифровая репродукция находится в интернет-музее Gallerix.ru

Một mục tiêu quan trọng để tôi khởi động dự án Quả Cầu này là để giải quyết những hiểu lầm phổ biến nhưng không ai biết cách xử lý, một lần cho mãi mãi.

Tôi không muốn bắt đầu bài viết này như thể mọi người đều yếu đuối này nọ, nhưng thực tế là có nhiều người có một quá khứ tổn thương. Để bảo vệ bản thân, họ phải dùng đến nhiều quan niệm khác nhau. Có thể đó chỉ là những phương châm sống họ tự nghĩ ra, có thể nó dựa trên một hệ thống triết lý nào đó (mà ở Việt Nam thì chủ yếu là Phật và Lão). Nhưng dù là quan điểm gì đi chăng nữa, nếu không cẩn thận, họ sẽ bị hiểu sai.

Khi họ hiểu sai, thì sự nguy hiểm không đến từ bản thân sự hiểu sai đó, mà đến từ việc cái sai đó không có cơ hội để sửa lại cho đúng. Qua thời gian, nếu những sự hiểu lầm đó không được sửa chữa, chúng sẽ được chồng vào thêm nhiều quan điểm mới, nhiều cách diễn đạt mới. Tất cả đều thấm sâu vào từng hơi thở của họ, và trở thành một thành trì vững chắc. Nếu bạn đủ mạnh để tìm ra được ý tưởng cội nguồn của thế giới quan của họ, thì dù chỉ mới hỏi là nó có thể bị sai, họ sẽ gào lên và nói bạn điên rồ. Nói thẳng ra, họ mất khả năng tin tưởng điều ngược lại, và bất cứ ai tin tưởng nó đều bị xếp hạng hoang đường. Nghĩa là, dù ban đầu nó chỉ là hiểu lầm, nhưng có một số trường hợp nó lại trở thành định kiến.

Có những người còn chủ động dấn thân vào sự hiểu sai đó, vì quả thực nguồn gốc của cái sai đó rất nhân văn. Xem thêm các bài liên quan đến Đạo giacái đẹp trong blog này.

Để có thể khiến một người hết định kiến, thì cách tốt nhất là cần sự tác động của những người xung quanh. Nhưng người ở ngoài chỉ có thể can thiệp khi họ thấy rằng cái quan niệm đó thực sự là sai, và cái sai đó là nguy hiểm cho họ (người đang có định kiến). Nhưng khi mà một quan niệm có tới 50 cách diễn đạt khác nhau, thì nói thật, không ai sẽ có đủ thời gian và kiên nhẫn để đi tới cùng vấn đề. Trước một thực tế là ai cũng bận và nhiều việc, nếu nó không phải là một cái gì đó quá nghiêm trọng tới tính mạng, thì những người xung quanh có muốn giúp cũng thấy lúng túng, bế tắc. Nó giống như chúng ta sắp bước vào điểm không thể quay lùi trong việc chống biến đổi khí hậu, nhưng đến giờ ai cũng còn thờ ơ với nó vậy.

Tôi hiểu là ai cũng vướng bận công việc, nhưng come on! Có những quan niệm tồn tại mấy trăm năm nay, nhìn vào ai cũng biết là có gì đó không ổn, nhưng không ai chịu đứng ra làm. Nếu thấy mình có khả năng làm mà lại tự thuyết phục bản thân là không nên đụng vào, vậy thì chúng ta chỉ đang dung dưỡng cái sai mà thôi, và sự từ bi của chúng ta dành cho nhau là chưa đủ lớn.

Nên tôi quyết tâm phải làm nó cho bằng được. Tôi muốn những nhầm lẫn và định kiến này được giải quyết, một lần và mãi mãi. Và nếu tôi thất bại, thì ít nhất những người khác sẽ có thể học hỏi được gì từ nó.
 

Những khó khăn để đạt mục tiêu này

Những người hiểu sai có sẵn cảm xúc tiêu cực với bài viết

Dễ thấy là độc giả tôi muốn hướng tới là những người ghét tôi nhất, vì tôi đang chỉ ra cái sai mà họ vẫn luôn tâm niệm rằng nó đúng, thậm chí nâng tầm nó thành quan điểm sống của họ. Ở đây có thể chia ra thành hai dạng người: dạng người chạy trốn và dạng người phớt lờ. Đặc điểm chung là họ nhất định nói là tôi sai, nhưng lại không chịu nói là tôi sai ở đâu.

Với những ai còn đang muốn chạy trốn khỏi nỗi đau nhờ vào những quan niệm ấy, thì những lời nói trong đây như đang chửi thẳng vào mặt họ. Nhưng để có thể chỉ rõ nguyên nhân của sự hiểu lầm thì không thể không nói như vậy. Dù tôi viết những bài này với mong muốn xoa dịu nỗi đau của họ, thì họ cũng không tài nào nhận ra được điều đó.

Có một thí nghiệm như sau: người ta nhốt một con chó và cho nó bị giựt điện nhẹ. Ban đầu nó tìm mọi cách để thoát, nhưng vì bị nhốt nên nó đành chấp nhận. Sau đó, người ta để nó ra ngoài cùng với những con chó khác và làm lại thí nghiệm. Mặc dù lần này nó không khó khăn gì để thoát cả, và nó thấy rõ ràng là những con khác có thể thoát khỏi sự khó chịu đó, nó vẫn chấp nhận chịu đựng. Người ta phải tự tay đưa nó ra khỏi nơi bị giựt hai ba lần nó mới nhận ra là có thể thoát ra được thật. Con chó đã học được rằng nó sẽ luôn bất lực. Chính sự bất lực học được (learned helplessness) này làm nó không chịu thoát, dù nó biết là nó làm được. Clip này miêu tả khá hay vấn đề này:

Với những người đã học được rằng mình sẽ luôn bất lực, thì mỗi lần cả hai sắp chạm đến gốc rễ của vấn đề họ sẽ tìm cách để nói là không được. Khi bạn chỉ ra những lập luận sai khiến họ không còn cách nào khác và buộc phải nhìn thẳng vào sự thật trước mắt, họ sẽ gào lên và nói bạn điên rồ và hoang đường.

Một dạng khác là những người luôn cho rằng tôi kém cỏi hoặc không hiểu một chân lý nào đó. Họ viện nhiều lý do như không có thời gian để phản hồi, hay không cần đọc cũng biết là sai, nhưng sau đó họ lại dành thời gian để nuối tiếc cho sự lãng phí tài năng của tôi, hoặc móc máy và mỉa mai những thứ không liên quan. Họ luôn thấy mình đã đi guốc trong bụng tôi, nhưng nếu hỏi ra thì sẽ thấy vô số lỗ hổng trong niềm tin đó. Tôi cảm thấy rất tò mò về việc tại sao họ lại không cảm thấy tò mò với việc họ có thể đang sai. Người ta chỉ có thể cư xử tử tế với nhau khi biết rằng mình chả biết gì cả. Họ ngày nao cũng rao giảng là không ai thực sự biết chân lý cả, rằng hãy luôn nuôi dưỡng sự tò mò, không phán xét, nhưng tôi thấy họ chỉ đang làm những điều đó một cách nửa vời. Họ làm những người có chung lĩnh vực hoặc đam mê với họ cảm thấy xấu hổ.

Thật ra, những lời thoo loox vaf móc máy đó tôi nghe riết rồi quen. Tất cả chỉ còn lại nụ cười buồn dành cho họ. Cách để ứng xử với họ tốt nhất là bắt chước clip này:

Nhắc lại, cả hai dạng người này chính là lý do để tôi khởi động dự án này. Nhiều người trong số họ, sau khi đọc xong những dòng này, vẫn nghĩ là tôi đang nói về ai khác chứ không phải là chính họ. Người đó, tất nhiên, có thể là chính bạn – người đang đọc những dòng chữ này.

Những người có khả năng tác động không thể lấy việc đọc blog làm ưu tiên hàng đầu

Lưu ý: Từ đây trở về sau, để thuận tiện, tôi sẽ đặt tên người hiểu sai là Megan.

Nếu biết rằng Megan sẽ gạt ngay chỉ sau vài lần đọc thì ta đành đi đường vòng: thuyết phục những người quan tâm đến cô (bạn bè Megan chẳng hạn) đọc và tác động. Nhưng thường những người giống nhau sẽ tụ họp với nhau. Rất có thể họ là những người có chung quan điểm với Megan, hoặc có lẽ, họ chưa bao giờ để ý tới những vấn đề này.

Vậy mục tiêu bây giờ là để những người chưa bao giờ quan tâm đến quan điểm của Megan quan tâm hơn. Nhưng nếu dự án của tôi không giúp ích đến công việc thường ngày của họ, thì dù nó đập vào mắt họ hằng ngày, họ cũng không có hứng thú. Và nếu họ không hứng thú, thì chỉ sau một hai lần Facebook sẽ tự loại bỏ những gì tôi chia sẻ khỏi bảng tin của họ. Nhưng để có thể giúp Megan, thì không những phải làm họ gạt hết công việc đi (vốn đã dí họ chạy sấp mặt) để tập trung đọc cặn kẽ những bài viết này (vốn trừu tượng khó hiểu) mà còn phải biến họ trở thành những người đại diện tự nguyện cho tôi, đứng ra thuyết phục Megan bằng được.

Những người có chuyên môn hoài nghi về sự có ích của các bài viết trong việc thực hành

Vì mục tiêu là giải quyết định kiến/niềm tin sai từ sự hiểu lầm, nên những người đã hiểu đúng từ lâu rồi sẽ cảm thấy xa lạ. Nếu họ chưa từng có tổn thương trong quá khứ, và được tiếp cận những quan niệm/triết lý đó một cách đúng đắn ngay từ đầu, thì họ gần như không thể thấy nổi tại sao trên đời này lại có những hiểu lầm này. Giống như một người mắt sáng sẽ không tài nào hiểu nổi một ông mù lại nhất định gọi con voi là cái chổi xề. Họ cảm thấy xa lạ với Megan, và không cần phải tốn thời gian cho bất cứ thứ gì đi chệch khỏi mục tiêu như thế.

Cụ thể hơn:

  • Bài Phản biện cuốn Cuộc cách mạng một cọng rơm không được những người làm nông nghiệp tự nhiên thấy có ích gì trong công việc kết nối lại với tự nhiên. Với họ, thứ quan trọng nhất là có bắt tay vào làm hay không, có nhận thức được tầm quan trọng của việc kết nối với tự nhiên hay không, còn tác giả cuốn sách có hiểu đúng khoa học hay không thì không quan trọng.
  • Bài Khi đạo sĩ gặp rối loạn tâm lý đem lại ấn tượng rằng việc tư tưởng Đạo gia bị hiểu sai là do vấn đề của người có bệnh, chứ không phải là ở bản thân tư tưởng đó. Họ không nghĩ rằng lý do nó dễ bị uốn là vì cách tư duy của Đạo gia là cách tư duy dựa trên sự biến đổi nghĩa của từ. Mà vì điều này liên quan đến quá trình chú ý và ghi nhớ, nên bản chất những vấn đề mà Đạo gia đưa ra sẽ khiến cho những người có rối loạn tâm lý càng khó khăn hơn trong việc ổn định và phát triển.
  • Bài Rắc rối của từ bi không giúp những người học Phật quán xét tâm như cách Đức Phật đã dạy. Những gì nói trong bài này quá sức xa lạ với cách hiểu của họ về tâm từ bi, và họ luôn đặt ra những câu hỏi mà bài viết đã trả lời đầy đủ. Với họ, người có định kiến là do nghiệp của người đó, có thể là do từ nhiều kiếp trước, và ta nên chấp nhận sự bất lực của mình. Để cho họ tự loay hoay với suy nghĩ của mình là cách rất nhiều Phật tử dạy truyền cho nhau từ bao đời nay. Còn bài này thì sẽ bị liệt vào dạng hý luận, thiếu niềm tin vào giáo pháp.

Những người thấy rất hay lại chưa đủ động lực để chia sẻ

Cũng có nhiều bạn thể hiện sự hâm mộ đối với blog, trong đó có những người có tầm ảnh hưởng lớn tới cộng đồng. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ, vì họ vẫn chưa có động lực để chia sẻ. Để một bài viết làm cho người đọc cảm thấy nhất định phải chia sẻ phải hội tụ đủ hai yếu tố sau:

  1. Chứng tỏ được sự có ích của nó với bạn bè người đọc. Nghĩa là nội dung phải vô cùng hữu ích khiến họ cảm thấy phải chia sẻ để giúp đỡ người khác, hoặc nội dung thật mới thật lạ khiến họ cảm thấy phải chia sẻ để nhiều người biết hơn
  2. Nói đúng vào quan điểm sống của họ. Nghĩa là nội dung phải chạm đúng vào những gì họ trăn trở, thay lời họ cất lên tiếng lòng của họ, để họ phải share về để người khác hiểu về họ hơn

Có nhiều nội dung rất hay, đọc rất thích nhưng không đáp ứng cả hai tiêu chí trên nên không ai share. Họ chỉ like mà thôi. Đó là nguyên tắc chung của tiếp thị trực tuyến (online marketing).

Nên áp dụng vào chuyện này, ta có thể hiểu được tại sao. Nếu một người chưa bao giờ thấy những quan niệm như vậy thật ức chế, đến độ muốn một lần hai năm rõ mười hiểu được tại sao một thứ ban đầu vốn rất hay lại trở nên sai lạc đến như vậy, thì họ chỉ like mà thôi. Nếu họ chưa từng phải lựa chọn sẽ trả bất cứ giá nào, đắt đến mấy cũng chấp nhận, để có thể giải quyết vấn đề một lần cho mãi mãi, thì việc đọc những bài viết này sẽ không bao giờ có được ưu tiên cao nhất của họ. Thế nên, dù họ có thấy công trình này công phu và đáng được nhiều người biết đến hơn, thì họ vẫn chỉ đọc xong rồi thôi. Nó giống như họ đọc được một câu chuyện ly kỳ, nhưng lại không nghĩ là sẽ có một ngày trong đời mình sẽ đi hành trình đó.

Những người muốn giúp cũng có niềm tin sai

Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những hiểu lầm phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng nếu những người làm những dự án đó vẫn chưa dám tác động đến những người như Megan, thì tôi nghĩ những dự án như vậy vẫn chưa triệt để. Họ chỉ dừng ở việc hi vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, nhưng bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến. Vậy thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc. Với những người như Megan, cách duy nhất để cô thay đổi niềm tin là thấy rằng số đông đang bất đồng ý kiến với cô. Đây chính là quy luật của tâm lý học xã hội. Bộ phim 12 người đàn ông giận dữ sẽ minh họa rõ điều đó.

Như vậy, từ việc thay đổi suy nghĩ của những người bị mắc kẹt, tôi phải thay đổi cả suy nghĩ của những người không mắc kẹt nữa. Đã có quá nhiều thí nghiệm cho thấy việc giải quyết sự bất lực và định kiến là khả thi, và nếu ai đó cho rằng giúp đỡ những người đó là bất khả, nghĩa là họ đang chưa hiểu đúng. Tức nghĩa là, đến cả những người hiểu đúng cũng hiểu sai. Họ có khả năng hành động để chấm dứt vấn đề này, nhưng họ lại tự chặt tay chặt chân mình, mặc cảm với suy nghĩ rằng điều này là sai trái. Nói cách khác, đây chính là một sự bất lực học được khác: bất lực rằng mình không thể làm gì để thay đổi.

Ban đầu, họ chỉ thể hiện sự không đồng ý, và ân cần chỉ bảo tôi nhiều điều, giới thiệu nhiều tài liệu để đọc. Điều đó là đáng quý, và đúng là tôi còn nhiều thiếu sót trong lập luận. Nhưng khi tôi đã đọc và trả lời các ý đúng như họ bảo, thì họ vẫn không chấp nhận, nhưng không nói được tại sao lập luận này là sai. Tất cả những gì họ làm là quay lại những lập luận cũ bằng một cách diễn đạt khác, và sau một hồi qua lại như vậy, họ kết luận rằng tôi cần phải trưởng thành và trải nghiệm nhiều hơn. Cứ cho là như vậy đi, thì họ vẫn nên tạo điều kiện cho những người không bất lực thay đổi cái thực tế dẫn tới trải nghiệm đó, chứ không phải bắt những người đó cũng bất lực theo. Mà đáng tiếc, họ lại là những người được người khác tin tưởng và ngưỡng mộ.

Và đây chính là một hiểu lầm khác mà tôi muốn giải quyết. Nếu bây giờ mà hỏi ra thì tôi tin TẤT CẢ mọi người đều ước mình có thể dũng cảm hơn. Bạn thấy, hiểu lầm này dẫn tới hiểu lầm kia, bất lực này dẫn tới bất lực kia, tạo thành một vòng luẩn quẩn, tự dung dưỡng cho nhau. Nếu chỉ giải quyết một cái mà không giải quyết cái còn lại, thì cũng chỉ là nửa vời, không triệt để. Tất cả chỉ kết thúc khi một ai đó đứng lên giải quyết hết tất cả, một lần cho mãi mãi.

Người mù dắt người mù. Tranh của Pieter Bruegel the Elder, 1568

Nói tóm lại, đây là những khó khăn khiến bài viết của tôi không tới được tai những người cần nó nhất:

  • Những người hiểu sai có sẵn cảm xúc tiêu cực với bài viết
  • Những người có khả năng tác động không thể lấy việc đọc nó làm ưu tiên hàng đầu
  • Những người có chuyên môn hoài nghi về sự có ích của các bài viết trong việc thực hành
  • Những người thấy rất hay chưa đủ động lực để chia sẻ
  • Những người muốn giúp cũng có niềm tin sai

Chính vì như vậy, dự án này có hơi khác so với các dự án khác. Những dự án bình thường chỉ tìm cách để tiếp cận những người vốn đã có sự quan tâm, còn ai không quan tâm thì cũng không quá cố gắng thuyết phục làm gì. Nhưng với mục tiêu này, thì lại phải khiến cho những ai không ưa mình chịu nhìn lại quan điểm của bản thân, và phải làm những người không có một chút hứng thú nào với nó hứng thú cho bằng được. Nó đòi hỏi một sự chủ động mạnh mẽ hơn ở người đọc, hơn là hữu xạ tự nhiên hương một cách đơn giản. (Có bạn gọi đây là kêu gọi biểu tình, nghĩ cũng không sai.)

Bạn có thể xem một đề xuất của tôi trong việc vượt qua những rào cản này: Rào cản và giải pháp để tiếp cận người có sự bất lực học được

Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.

Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.

Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?

Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:

1

Hỗ trợ 1-1 cho thành viên

2

Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động

3

Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Bấm sao để đánh giá nha!

Đánh giá trung bình: 1 / 5. Số lượt đánh giá: 1

Nếu bạn thấy bài này hữu ích

Bạn bè bạn cũng có thể thấy nó hữu ích

Mình rất tiếc nếu bạn thấy bài không có giá trị

Xin hãy nói cho mình biết phải cải thiện ở đâu

Leave a Reply