Sự bất lực học được là gì?

Categorized as Bài nổi bật, Bất lực, bạo hành, tự quyết, can thiệp Tagged , , ,

Đây là một hiện tượng do Martin Seligman, cha đẻ của bộ môn tâm lý học tích cực, phát hiện ra. Thí nghiệm gốc của Seligman như sau: người ta nhốt một con chó và cho nó bị giựt điện nhẹ. Ban đầu nó tìm mọi cách để thoát, nhưng vì bị nhốt nên nó đành chấp nhận. Sau đó, người ta để nó ra ngoài cùng với những con chó khác và làm lại thí nghiệm. Mặc dù lần này nó không khó khăn gì để thoát cả, và nó thấy rõ ràng là những con khác có thể thoát khỏi sự khó chịu đó, nó vẫn chấp nhận chịu đựng. Người ta phải tự tay đưa nó ra khỏi nơi bị giựt hai ba lần nó mới nhận ra là có thể thoát ra được thật. Con chó đã học được rằng nó sẽ luôn bất lực, nên nó từ chối tin vào khả năng giải thoát của nó. Clip này minh họa rõ hơn vấn đề này:

Sự nguy hại lớn nhất của sự bất lực học được không phải ở chỗ ta bất lực, mà ở chỗ nó ẩn sâu và gần như vô hình trong mắt người ngoài, khiến họ cảm thấy không có gì phải lo lắng cả, ngay cả với những ai thân cận với “nạn nhân” nhất. Sự bất lực học được nằm đâu đó giữa những người bạn của chúng ta, và giữa những người ta ngưỡng mộ. Họ có thể là nhà thơ, nhà nghiên cứu, phật tử, đạo sĩ, nhà tham vấn tâm lý, v.v. Và biết đâu, chính bản thân chúng ta cũng là nạn nhân của nó mà không hề hay biết. Việc không nhìn thấy nó không có nghĩa là nó không ở đó.

Nạn nhân của sự bất lực học được luôn chống lại việc thoát ra khỏi nó. Họ không cáu, họ không buồn, mà họ thanh thản. Nó như một con ký sinh, làm “vật chủ” không có được một cuộc sống an lạc, hạnh phúc, nhưng vật chủ lại xem nó là bạn. Để hợp lý hóa sự chống đối đó, họ sẽ viện dẫn đến những triết lý sống khó mà phản bác được. Những triết lý sống này ban đầu vốn hợp lý, nhưng lại bị áp dụng sai cách, khiến cho nạn nhân thêm tin chắc rằng mình không phải là nạn nhân gì cả. Thậm chí khi được đối diện với bằng chứng ngược lại thì họ sẽ nhất quyết khẳng định rằng đó là hoang đường. Nói chung, họ đã đánh mất sự tò mò, lòng tốt và lòng dũng cảm của chính mình.

Cách để giải quyết sự bất lực học được là phải thay đổi niềm tin rằng những triết lý đó là đúng. Và để họ thay đổi niềm tin, thì phải có thật nhiều, thật nhiều người đến nói rằng họ không bất lực. Cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như vậy. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ những trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Chỉ có những người thật hiểu họ mới có thể làm được điều đó. Không cất lên tiếng nói là đang tiếp tục làm hại họ.

Lưu ý: những điều tôi nói trong bài này đến từ sự quan sát và suy luận của cá nhân tôi để hình thành một lý thuyết về sự bất lực học được. Nó thiên về xã hội học và nhận thức luận hơn. Nếu bạn muốn một bài viết thuần về tâm lý học, có thể bắt đầu bằng bài viết này.

Ví dụ

Để dễ hiểu hơn mình sẽ so sánh BLHĐ với nỗi sợ bình thường, đồng thời cũng sẽ ví dụ về các niềm tin thứ cấp do niềm tin “tôi bất lực” gây ra.

Ví dụ 1: Một con cáo muốn trèo lên hái nho. Nho quá cao, con cáo bất lực nên bỏ đi, cũng không còn thèm nữa. Nhưng nếu lần sau nó đi qua nơi nào đó có nho thấp hơn thì nó vẫn lấy ăn bình thường.

Nhưng nếu có một ma thuật nào đó khiến cho nó không có cách gì lấy nho được, từ lần này đến lần khác, thì nó sẽ hình thành một niềm tin là nó với nho sẽ không bao giờ đến được với nhau. Lúc đó, dù có dâng nho đến tận miệng nó vẫn thờ ơ không quan tâm, mặc dù thực ra nó vẫn muốn biết nho có vị gì. Lúc đó nó có thể đưa ra những lý lẽ như là nho còn xanh lắm, cáo mà ăn nho sẽ bị tiêu chảy, v.v.

Ví dụ 2: một người da đen bị đánh quá nhiều đến mức cảm thấy việc bị đánh là hiển nhiên. Bạn đến nói với họ là chuyện đó là không ổn thì họ thờ ơ không quan tâm. Bạn cố giúp họ trốn thoát thì họ gắt lên:

Tao là thằng da đen. Da đen thì tất nhiên là bị ăn đòn. Cái này là quy luật của tự nhiên. Mày đừng có động vào. Tao méc ông chủ bây giờ.

Rồi sau đó họ lại nhẹ giọng:

Nghe này, tao biết là mày rất lo cho tao. Nhưng mày cứ thử ngẫm nghĩ mà xem, chẳng phải nhờ có nô lệ mà mọi người có một cuộc sống sung túc đó sao? Tao chỉ đang làm tròn bổn phận của một đứa da đen thôi. Bị ăn đòn là lẽ tất nhiên mà.

Bạn phản đối thì họ nói tiếp:

Có những thứ phải có nhiều trải nghiệm thì mới hiểu được, chứ giải thích thì khó lắm. Mày đừng nghĩ gì thêm về chuyện này nữa, chấp nhận được rằng đây là quy luật tự nhiên thì lòng mày sẽ nhẹ nhàng hơn. Hay mày đi kiếm khóa tu thiền nào đó để hiểu lẽ vô thường đi. Tao ổn với việc này, hãy lo cho thân của mày đi.

Ở ví dụ đầu là việc con cáo đưa ra các lý do tại chỗ để lý giải cho việc nó không ăn nho. Ở ví dụ hai là anh da đen đã xây dựng một thế giới quan cho phù hợp với niềm tin rằng mình sẽ không bao giờ chạy thoát. Thế giới quan đó chứa đựng những niềm tin thứ cấp do niềm tin “tôi bất lực” gây ra.

Ở cả hai trường hợp, họ có sự bình tĩnh nhất định khi đưa ra lý do cho việc họ không làm một thứ tốt cho họ. Nhưng nó không che giấu được một sự thật là những nhu cầu cơ bản của họ chưa được đáp ứng. Sự an lạc, hạnh phúc hoặc chất lượng sống của họ không được đảm bảo.

Các quan niệm thứ cấp có thể có từ niềm tin “tôi bất lực”

Trong thế giới quan của chúng ta, các niềm tin được cấu trúc lại thành một mạng lưới logic hoàn chỉnh. Mỗi một niềm tin bệ đỡ và được bệ đỡ bởi nhiều niềm tin khác nhau. Niềm tin “tôi bất lực” cũng không phải là ngoại lệ. Tùy vào từng người mà những quan niệm thứ cấp đó sẽ khác nhau.

Một số quan niệm ở đây có một nền tảng triết học sâu, và tôi cũng có thể sai khi kết luận chúng sai. Để khẳng định một quan niệm là sai cần phải hiểu được tại sao nó xuất hiện, và đề ra được một cơ sở lý thuyết để thay thế. Tối thiểu là như vậy, còn việc bản thân cơ sở đó có đúng không lại là một chuyện dài nữa. Nhưng việc kiểm tra từng giả định một của mình là quá sức với tôi. Tôi chỉ có thể nói là trong quan sát của tôi chúng sẽ làm hại cho họ.

  • Tâm lý: Tin rằng mình là cây dây leo, chỉ có thể nương tựa vĩnh viễn vào người khác để phát triển. Năn nỉ những người bạn của mình là hãy từ bỏ hy vọng rằng mình là một người khỏe mạnh. Hãy bất lực cùng nhau. Nếu ai cho rằng mình vẫn có thể khoẻ mạnh thì là đang không tôn trọng con người thật của mình. Vũ trụ phải bền chắc, không thay đổi. Ám ảnh với những thứ không vĩnh viễn. Khi và chỉ khi có người có thể đội mình lên đầu 24/24 mà không cần lo cho bản thân thì mới (có thể) thay đổi suy nghĩ của mình. Do sẽ không có ai như vậy, nên dù biết suy nghĩ của mình gây hại nhưng vẫn sẽ không đổi. Rất thích bị áp đặt nếu điều đó tốt cho mình
  • Cảm xúc – cái đẹp: Chỉ có cảm xúc là đúng nhất. Cái đẹp xứng đáng để ta theo đuổi, kể cả khi nó mâu thuẫn với cái đúng và cái tốt. Cái đẹp/cái cốt yếu thì không nói thành lời được. Sự yêu thích không có lý do. Yêu không thể ép được. Cái cốt yếu không thể thấy được bằng mắt, chỉ thấy được bằng tim. Đã hết yêu thì không bao giờ có thể yêu lại lần nữa.
  • Tôn giáo: cứ dùng logic thì là nhị nguyên. Cứ dùng lý luận thì là hý luận. Nếu đã giác ngộ thì sẽ biết hết tất cả. Mọi thứ đều là sự sắp đặt của số phận.
  • Nhân quyền – trợ giúp: Sự can thiệp là luôn không tôn trọng quyền tự quyết. Một khi một người không muốn thay đổi thì ta không còn có thể làm gì được nữa. Chỉ có thể chờ một sự kiện bên ngoài tác động để họ tự nhận ra. Nếu ai nghĩ là can thiệp được thì chỉ là hoang tưởng. Nghe tiếng cầu xin của người khác nhưng tự nhủ mình không thể làm gì được.
  • Khác: Thứ bỏ đi thì không đáng tốn thời gian để tìm hiểu nó kỹ hơn. Thương gia/chính trị gia/nhà báo/nhà giáo/bác sỹ/cộng sản/tư bản/cánh tả/cánh hữu thối nát. Ở Việt Nam chỉ lãng phí tài năng.

👉 Xem thêm: Giải quyết nhiều hiểu lầm, ngộ nhận và niềm tin sai phổ biến, một lần cho mãi mãi

Các chủ đề có kết nối với chủ đề “sự bất lực học được”

Đây là một số khái niệm có kết nối với khái niệm “sự bất lực học được” mà tôi tổng hợp lại trong quá trình làm dự án. Đồ thị được làm trên Obsidian.

Mối quan hệ giữa người có BLHĐ và những người quanh họ

Venn

Lưu ý là “người làm trong lĩnh vực chuyên môn” chỉ là cách diễn đạt để cho vào biểu đồ cho gọn. Thực chất với mỗi lĩnh vực khác nhau sẽ có một cách nói chính xác hơn. Ví dụ như có lẽ những ai được đào tạo tâm lý học bài bản sẽ thấy ngay những niềm tin được liệt kê ở phần tâm lý là có vấn đề. Nghĩa là không thể nói rằng người có niềm tin sai là một tập con của người làm trong lĩnh vực tâm lý được. Tuy nhiên ở những lĩnh vực khác thì những quan điểm như vậy lại có sự hợp lý nhất định, và chỉ sai khi kết hợp với BLHĐ. Những người không có BLHĐ, nếu chưa có trải nghiệm với hiện tượng này, sẽ không hiểu và không chấp nhận quan niệm đó là sai, hoặc đồng ý là sẽ sai nhưng cũng không cảm thấy quan trọng để làm khác. Nói cách khác, họ đang dung dưỡng BLHĐ ở bạn mình mà không hề hay biết.

Mạng lưới xã hội của người có BLHĐ

Megan network
Mạng lưới các mối quan hệ giữa những người có BLHĐ, bạn bè của họ và những người có tầm ảnh hưởng với họ

FAQ

Qua khảo sát thì đa số mọi người thích dịch “learned helplessness” là “bất lực tập nhiễm” hơn (250 người chọn so với 46). Điều này có cái lý của nó, vì thí nghiệm gốc của Seligman là sự cải tiến từ thí nghiệm điều kiện hóa của Pavlov. Tuy nhiên, gọi đây chỉ là sự điều kiện hóa (tức tập nhiễm) là chưa đủ, vì sự điều kiện hóa không nhất thiết hình thành niềm tin, và phải có được thông qua trải nghiệm trực tiếp. Trong khi việc học (learning) rộng hơn sự điều kiện hóa, bao gồm việc quan sát – phân tích – ghi nhớ – hình thành niềm tin, thậm chí là kiểm tra lại niềm tin. Sau khi Seligman tìm ra sự bất lực tập nhiễm, thì người ta nhận thấy với cùng một ngoại cảnh có người thì trở nên bất lực, có người thì không, nên các lý thuyết sau đã mở rộng thêm và cho vào cách mà chủ thể giải thích hiện tượng (explanatory style). Nghĩa là bất lực học được (learned helplessness) rộng hơn bất lực tập nhiễm.

Nói cách khác, nếu khái niệm ta cần dịch là “conditioned helplessness”, thì dịch là “bất lực tập nhiễm” là chính xác. Hơn nữa, đối ngược với “learned helplessness” là “learned optimism”. Nếu dịch là “sự lạc quan tập nhiễm” thì nghe không hợp lý lắm? Chưa rõ chúng ta có thể điều kiện hóa sự lạc quan thế nào.

  • Bất lực tập nhiễm: Là thí nghiệm gốc của Seligman, một thí nghiệm về phản xạ có điều kiện. Người có bất lực tập nhiễm có phản xạ từ bỏ mỗi lần nghĩ đến việc thay đổi, nhưng không nhất thiết nhận thức ra hành vi của mình
  • Bất lực học được: Là lý thuyết được phát triển lên từ lý thuyết bất lực tập nhiễm để giải thích vì sao cùng với một điều kiện ban đầu có người không còn động lực thay đổi có người vẫn còn. Một thế giới quan mới được xuất hiện để phù hợp với niềm tin mới, khiến họ có động lực để không thay đổi

👉 Xem thêm:

  • Tự ti: sợ người khác đánh giá khi mình thất bại, chứ không thực sự sợ bản thân sự thất bại. Nếu không có ai quan sát, đánh giá thì vẫn thử sức
  • BLHĐ: Đã thử nhiều lần nhưng vẫn thất bại
  • Lực bất tòng tâm: Thực sự là không nghĩ ra được cách nào khác, nhưng vẫn âm thầm mong là sau này tình huống sẽ thay đổi. Nếu có ai gợi ý hỗ trợ hoặc đưa ra cách tiếp cận mới thì sẽ thử tiếp
  • Nản chí: Không còn muốn suy nghĩ về chuyện giải quyết nữa. Có thể xem đây là trạng thái mấp mé BLHĐ
  • BLHĐ: Không còn tin là mình có thể thay đổi được nữa. Dù có được đưa ra gợi ý cũng sẽ không thèm quan tâm, hoặc cho rằng người gợi ý có vấn đề nên mới nghĩ thế

Thật ra thì trong cuộc sống luôn có lúc phải đánh đổi. Có những lúc ta phải chấp nhận ở lại với nỗi đau để đạt được một điều gì đó quan trọng hơn (điển hình nhất là việc mải làm quên ăn quên ngủ).

  • Chủ động bước vào nỗi đau: chấp nhận đánh đổi để có một thứ quan trọng hơn, vì tạm thời không có cách để làm trọn vẹn cả hai thứ cùng lúc (thực ra là một dạng lực bất tòng tâm)
  • BLHĐ: nếu ai đó đưa ra một giải pháp để làm trọn vẹn cả hai thì nhất định không tin dù không đưa ra được lý do tại sao giải pháp đó không hoạt động hiệu quả. Họ không nghĩ rằng mình có thể có lựa chọn về một cuộc sống không có nỗi đau, hoặc nghĩ rằng việc chấm dứt nó là chuyện hoang đường, kể cả khi việc đó được làm bởi người khác để họ có thể tập trung vào chuyện quan trọng với họ hơn
  • BLHĐ: Là một khái niệm từ tâm lý học, có thể giải thích cho các hành vi của động vật. Chỉ dùng khi chủ thể đã thử nhiều lần mà vẫn thất bại
  • Nội tâm hoá: Là một khái niệm từ xã hội học, có lẽ chỉ có thể áp dụng cho xã hội loài người. Chủ thể không nhất thiết phải thử thay đổi trước đó

Có nhiều trường hợp cho vấn đề này:

  • Nếu con ếch chỉ đơn giản là không biết là nhiệt độ đang tăng, thì đây là chuyện về những thứ vượt quá khả năng tri nhận của nó. Nếu như sự gia tăng nhiệt độ chỉ có thể đo được ở chiều không gian thứ 4 thì đúng là chịu chết mà thôi. Miễn là nếu một nhà khoa học ếch thông báo rằng nhiệt độ đang tăng và nó chịu nhảy ra khỏi đó, thì nó không có BLHĐ.
  • Nếu người khác nói với nó rằng nhiệt độ đang tăng nhưng nó chưa cảm thấy thuyết phục, thì miễn là trong tất cả các bước lập luận để bảo vệ quan điểm rằng nhiệt độ chưa tăng nó đều có tinh thần phản tư rằng mình cũng có thể sai, thì đây là sự hoài nghi lành mạnh
  • Nếu nó thờ ơ với việc nhảy ra ngoài, thì đó là vì hệ quả của việc đó quá xa xôi với cuộc sống của nó. Có thực mới vực được đạo, ếch hay người (hay thậm chí là người ngoài hành tinh) thì đều không phải ngoại lệ
  • Nếu nó đã thử nhảy ra ngoài nhiều lần mà vẫn thất bại, nên nó không còn muốn thử nhảy ra thêm lần nữa, thì nó có BLHĐ trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu
  • Nếu nó mặc định rằng những thông tin trái chiều là sai, thì có thể nó có BLHĐ ở một lĩnh vực khác, và niềm tin hình thành từ lĩnh vực đó gây ảnh hưởng đến lĩnh vực chống biến đổi khí hậu này
  • Ngoài ra còn có thể có trường hợp con ếch khoái tắm nước nóng, hoặc muốn rèn luyện bản thân để chịu nóng tốt hơn. Cái này thì lại quay về ý chủ động bước vào nỗi đau

👉 Xem thêm: Não của bạn đã ngăn bạn xem việc biến đổi khí hậu là nghiêm trọng như thế nào?

Theo tôi là không. Không thiếu gì những người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng vẫn tin rằng mình bất lực với một việc gì đó. Đây chỉ đơn thuần là vấn đề về niềm tin mà thôi. Nó không khác gì việc Newton thấy táo rơi và lý giải nó bằng thuyết hấp dẫn vậy. Newton đã quy nạp những gì ông thấy thành một quy luật bất biến của cuộc sống, và hình thành một lý thuyết để giải thích quy luật đó.

Tất nhiên không loại trừ việc người có niềm tin rằng mình bất lực cũng có thêm các bệnh tâm lý khác.

Việc cái chuồng rộng bao nhiêu, và trong đó có tất cả những gì nó cần, không quan trọng. Miễn là con chó đó còn ở trong cái chuồng đó, thì nó vẫn còn đau.

Các biểu hiện trên mặt có trực tiếp với cảm xúc. Các cảm xúc sợ hãi, tức giận, vui vẻ, buồn, kinh tởm và ngạc nhiên là 6 cảm xúc cơ bản trong tất cả các nền văn hoá. Thậm chí nếu chủ động thay đổi cơ mặt (VD: giả bộ cười trong thời gian dài), cảm xúc cũng sẽ thay đổi theo (fake it until you make it).

6 basic emotions

Một câu hỏi đặt ra là, liệu khả năng đọc biểu hiện trên mặt của người khác có bị ảnh hưởng bởi thiên kiến ngầm hay không?

Vấn đề về sự hạnh phúc liên quan đến sự tự trị/tự chủ/tự quyết (autonomy). Mọi người thường nói là “cần tôn trọng sự tự quyết của người khác”, nhưng thực ra nó là một phổ. Nên có lẽ quan niệm đó hơi khiên cưỡng, vì nó hàm ý là (1) sự tự trị là một trạng thái nhị nguyên, được ăn cả ngã về không, và (2) ai cũng ăn cả hết).

Có lẽ chúng ta chỉ có thể biết về tự trị cục bộ (local autonomy) của mình, còn tự trị tổng thể (global autonomy) thì chỉ có người ngoài mới xác định được.

👉 Xem thêm: Lời mời cùng dịch các bài viết về tự trị

Cuối cùng, hạnh phúc không nhất thiết là khoẻ mạnh. Nếu hai giá trị này mâu thuẫn nhau, chúng ta sẽ chọn cái nào?

Cách dịch phổ biến khái niệm “learned helplessness” trong giới tâm lý học hiện nay có lẽ là “bất lực học được”. Tuy nhiên với nhiều người cách dịch này có hai vấn đề sau:

  • Từ “học được” nghe như “có thể học được” (learnable), hơn là “do học mà có được” (learned). Họ cảm thấy từ này cứ như là dịch bằng máy.
  • Từ “bất lực” đã bị đổ nghĩa rất chặt là yếu sinh lý rồi. (Bản thân từ “yếu sinh lý” cũng là một uyển ngữ rồi. Thuật ngữ chính xác có lẽ phải là “rối loạn cương”?)

Đây là một số lựa chọn khác do mọi người đề xuất:

  • “Learned”: tự luyện, tập tính, tập nhiễm, tập đắc, thụ đắc, huân tập
  • “Helplessness”: mất niềm tin, bó tay, vô vọng, buông xuôi, cam phận, cam chịu, vô phương, vô năng, vô lực (tiếng Nhật), thất trợ (tiếng Trung)

Xin được gạch bỏ hai từ “tập nhiễm” và “tập tính”. Lý do xin xem ở trên.

Tôi nghĩ những từ như “vô vọng”, “buông xuôi”, “cam phận”, “cam chịu”, “bất lực” có lẽ là dễ hiểu và quen thuộc. Tôi nghĩ nếu dịch là cam phận là rất đạt, nó bao gồm cả sự học được ở trong đó.

Tuy nhiên tôi thấy cách dịch “bất lực học được” cũng cho tôi những lợi ích khác. Thứ nhất, nó đồng nhất với tiếng Anh. Chữ “học được” khi được đứng một cách tường minh cũng sẽ khác với khi ngầm ẩn trong “cam phận”. Thứ hai, cho dù chọn cách dịch gì đi chăng nữa, thì trước sau gì cũng sẽ phải giải thích khái niệm này, chứ không phải mỗi nêu ra là xong. Nếu khái niệm nào cũng chỉ cần nghe qua là hiểu thì cần gì phải đi học nữa? Mà nếu đằng nào cũng phải giải thích, thì tại sao không chọn luôn từ “học được”? Vừa bổ sung từ mới (và cả cách dùng từ mới) cho tiếng Việt, vừa không phải dùng từ Hán Việt. (Tham khảo quan điểm của dịch giả Nguyễn Đình Thắng, trích ở cuốn Những tìm sâu triết học của Wittgenstein bản tiếng Việt.)

1

Làm sao để giải quyết tình trạng này?

Cách giải quyết cơ bản nhất đó là khôi phục lại cách nhìn của họ bằng những quan niệm hợp lý hơn. (Bạn nào muốn tìm hiểu kỹ hơn có thể bắt đầu bằng từ khoá “liệu pháp nhận thức hành vi – cognitive behavioral therapy – CBT” ). Nhưng đó là với những người muốn thoát ra khỏi nó. Còn nếu họ không muốn thay đổi, thì có lẽ cần phải có một chiến dịch nâng cao nhận thức dành riêng cho cá nhân người đó. Và đây cũng chính là điều tôi muốn xây dựng. Mời các bạn tìm hiểu thêm:

Ngoại truyện

Khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra

Có những lúc để một người hiểu được một điều gì đó, phải để cho họ tự mình đi hết thứ đang ám ảnh trong đầu họ. Chỉ đến khi họ nhận ra rằng đi kiểu gì cũng vào đường cùng rồi thì mới bắt đầu suy nghĩ về một khả thể mới. Mà những người BLHĐ là đã xây dựng cho mình hẳn một thế giới quan mới. Nên để họ thoát ra khỏi BLHĐ, có lẽ là phải làm cho họ bất lực thêm một lần nữa? Điều này thật trớ trêu. Nhưng nếu ngẫm rằng đôi lúc chúng ta phải dùng một cái sai để khắc phục một cái sai khác, thì có lẽ cũng dễ hiểu.

Thật vô ích để thay đổi vs mọi chuyện nhất định rồi sẽ tốt đẹp thôi: sự tương tác giữa 2 hệ thống niềm tin

Có những lúc cả hai bên đều thấy bên kia bất lực. Lý do cho việc này là vì một mặt, người không chịu hành động có thể tin rằng Thật vô ích để thay đổi, còn người hành động có thể tin rằng mọi chuyện rồi nhất định sẽ tốt đẹp. Nhưng mặt khác, người không hành động cũng có thể tin rằng mọi chuyện rồi nhất định sẽ tốt đẹp, còn người nhất định phải hành động lại tin rằng thật vô ích nếu chờ một phép màu. Một cái là bàn về khả năng có kết quả trong tương lai, một cái là bàn về khả năng xuất hiện sự thay đổi ở hiện tại. Nên thật ra mà nói cả hai đều có BLHĐ ở những vị trí khác nhau trên bản đồ niềm tin mà thôi.

Những vấn đề về rủi ro vs tiềm năng, chủ quan vs hy vọng, sự chú ý đến đối tượng sẽ hiện tượng đảo nghĩa. Để biết thêm chi tiết xin xem ở bài: Hiện tượng đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa khác âm, và đảo nghĩa trong quá trình hình thành niềm tin.

BLHĐ có khiến chúng ta biết thêm về ý nghĩa cuộc đời không?

Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.

Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.

Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?

Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:

1

Hỗ trợ 1-1 cho thành viên

2

Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động

3

Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Bấm sao để đánh giá nha!

Đánh giá trung bình: 3.8 / 5. Số lượt đánh giá: 5

Nếu bạn thấy bài này hữu ích

Bạn bè bạn cũng có thể thấy nó hữu ích

Mình rất tiếc nếu bạn thấy bài không có giá trị

Xin hãy nói cho mình biết phải cải thiện ở đâu


Leave a Reply