Thỉnh theo lời đề nghị hết sức chân thành, tôi quyết định góp một lời bình về “Chuyện Tiểu Cúc” cho những người yêu thơ dù không mấy sẵn sàng. Lý do thì đã rõ, thứ nhất là tôi còn mơ hồ về bài thơ ấy, thứ hai là tôi không phải dân chuyên. Mà dù không phải người trong ngành, tôi cũng hiểu được một bài thơ hay luôn có vẻ đẹp, ẩn chứa thông điệp nào đó. Nhiệm vụ của người bình thơ là phải làm rõ nó ra, đẩy cái ý hay, cái đẹp ấy lên cho mọi người cùng thưởng thức, thậm chí lôi ra cái vẻ riêng mà không phải độc giả nào cũng thấy được, dù cho cái đẹp là một khái niệm trừu tượng và luôn biết cách làm bất lực ngôn từ. Giống như dù Đạo không thể diễn giải ra nhưng ta vẫn cần dùng lời để nói về Đạo là vậy. Suy đi tính lại, đứa hay đọc chùa như tôi nghĩ mình nên có chút trách nhiệm với bài thơ và với tác giả.
Bài thơ mở đầu bằng tiếng gọi thân thương, tiếng gọi một cô gái trong hình hài bông cúc nhỏ bé:
Tiểu Cúc này, Tiểu Cúc của ta
Mùa thu nói điều gì rất lạ:
Lá đổ vàng trầm tư sắc lá
Mùa thu nói điều gì rất lạ:
Heo may qua không một chút tình cờ.
“Lá đổ vàng” và “gió heo may” là tiếng nói riêng của mùa thu, là cách thức mùa thu giao tiếp với con người và giao thoa với cảm xúc. Nó đứng riêng, tách mình với tất cả các thời điểm khác trong năm và mang cái hồn riêng biệt động lòng tác giả. Ta đã quen với nỗi niềm vu vơ, lành lạnh, man mác của “heo may” xuất hiện xuyên suốt trong tập “Dấu vết thiên di”. Thu đến với lá vàng và gió se lạnh, hiển nhiên như nó vẫn là, từ năm này qua năm khác. Chính vì nhận ra những dấu hiệu của mùa thu ấy không hề tình cờ, thật bình thường và hiển nhiên quá, nên bỗng dưng tác giả thấy “rất lạ” vì lâu nay không để ý đến cách mà mọi sự vận động rất đỗi tự nhiên.
Hoa cúc từ lâu đã trở thành một biểu tượng cho mùa thu, điều này chẳng ai bàn cãi. Nhưng tiếng gọi Tiểu Cúc ngay từ câu thơ đầu tiên khiến ta dấy lên mối nghi ngờ. Là hình ảnh Tiểu Cúc đã gợi lên cả một mùa thu sống động như thật hay thu về nhắc nhớ đến bóng dáng thân thuộc của Tiểu Cúc? Tôi đồ rằng câu trả lời nằm gọn trong trong ý thứ nhất, vì chúng ta hãy cùng nhìn xem hình ảnh Tiểu Cúc nối liền, “dây mơ rễ má” và rung động mạnh mẽ đến thế giới tâm tưởng như thế nào:
Mùa thu nói điều gì rất lạ:
Lá đổ vàng trầm tư sắc lá
Mùa thu nói điều gì rất lạ:
Heo may qua không một chút tình cờ.
Con dế buồn hát một điệu bơ vơ
Dòng sông nhỏ bay về trời làm bão
Lão lang thang lạc nhịp bỗng quay đầu
Thấy cuộc đời vẫn hồn nhiên tấu nhạc.
Tất cả những hình ảnh gợi ra trong đoạn này là từng phần nhỏ của cả một bức tranh thu rộng lớn chứ không hề rời rạc. Có điều bức tranh này khiến ta có cảm giác cô đơn, trật nhịp trong cái bao la rộng ngợp, mênh mang xa mãi. Nào là “heo may”, “trầm tư”, “buồn” rồi đến “bơ vơ”, “bão”, “lang thang”, “lạc nhịp” với mức độ tăng tiến. Tôi đã mường tượng ra một cánh đồng rộng lớn trải dài ngút mắt bên cạnh con sông trước khi bão về. Bầu trời xám lại mù mịt trong gió. Những gợn sóng xô nhau vỗ nước văng ra thành từng giọt như bay về trời để làm mưa. Hình ảnh dòng sông cũng là một hình ảnh quen thuộc trong thơ Nguyễn Băng Ngọc, vừa là dòng sông của hiện tại, dòng sông Hồng chảy nặng phù sa nơi tác giả được nuôi dưỡng và trưởng thành “Cây cơm nguội vàng trút lá đầu đông/Và những buổi chiều nắng tắt trên sông”, vừa là dòng sông hồi ức “Một khúc sông trôi chở miên man những suy tư thời thiếu nữ”, “Người hoạ sĩ bước ra từ giấc mơ/Đi qua sông, đi lạc miền hoài niệm”, vừa là dòng tâm tưởng “Gửi cho anh dìu dịu màu lá mới/Màu dòng sông bình yên – như màu trái tim biết đợi”. Có những khi dòng sông bám lấy cô gái như một đứa trẻ đáng yêu “Có dòng sông màu hồng chảy miết/ Quanh cổ chân bé nhỏ đung đưa”. Có những khi dòng sông như dòng nước mắt chảy cuốn xuôi nỗi buồn “Và chuyện dòng sông màu đỏ…/…bốn mùa say…/Chảy quanh co hờn tủi con phố ngắn/Dường như Mặt Trời khóc ai bên chiều lặng/Nước mắt rơi, loang lổ trải sông dài…”. Dòng sông biến hóa khôn lường là thế, trở về trong “Chuyện Tiểu Cúc” không còn dáng vẻ hiền hòa, không một giọt nắng đậu lấp lánh áng sông trôi. Dòng sông đang trở mình, run lên như thế giới nội tâm đầy xáo động. Ẩn hiện trong bức tranh thiên nhiên tâm tưởng ấy lẻ loi hình ảnh một “lão lang thang lạc nhịp bỗng quay đầu”. Con người đó chẳng có tên riêng dù đã bước vào cuộc hành trình từ lâu. Ôi cái sự tự do, lãng du nhưng đơn độc và nhỏ bé. Đó là cảm giác mà Tiểu Cúc mang đến cho tác giả, thứ cảm giác định hình luôn khung cảnh xung quanh. Giống như nỗi buồn hay gắn liền với khung cảnh tối, lạnh. Nghĩ về Tiểu Cúc, tác giả liền tưởng tượng ra cả một thế giới ôm trọn lấy cô. Tiểu Cúc tự tại và không lo nghĩ đến cái nhìn từ bên ngoài. Thế nhưng có đôi khi cô cũng quay đầu lại, để thấy rằng cuộc đời vẫn trôi như thế dù cô có chú ý đến hay không, đời vẫn thật thà “hồn nhiên tấu nhạc” dẫu trong lòng cô là giông bão. Chợt nhận ra điều ấy, nỗi buồn lo bỗng chốc trở nên vô lý và tan đi.
Tiểu Cúc này, Tiểu Cúc của ta đâu?
Em chớ nghe mùa thu say - nói nhảm
Em chớ nghe vầng trăng khóc trên trời
Đàn se sẻ một chốc bỗng lên ngôi
Tha cọng cỏ thả trên đồi mộng mị.
Người trăm năm liệu có biết đi tìm?
Chuyện Tiểu Cúc, chữ Tình ai viết vội…
Có người cho rằng câu hỏi “Tiểu Cúc của ta đâu” là ám chỉ Tiểu Cúc đang lạc lối trong dòng suy tư ngổn ngang của chính mình. Tôi không nghĩ thế vì đơn giản Tiểu Cúc không hề đi lạc, cô ấy biết cách đi đến nơi mình muốn đến. Câu hỏi ngỏ là cách gọi với một cô gái đang không ở gần bên “anh”, ý tứ rằng “em ơi hãy lại đây nghe anh nói”. Em đừng để bị cám dỗ bởi vẻ đẹp nơi ấy vì đối với anh, nó xa xôi và có vẻ vô thực, vô dụng: “mùa thu say nói nhảm”, “vầng trăng khóc trên trời”. Nhưng Tiểu Cúc có lý lẽ của riêng mình, cô để cho cảm xúc “lên ngôi” và lấn át giọng nói anh. Thế giới của cô có gì anh nào đâu biết, “đàn chim sẻ”, “đồi mộng mị”, ngay đến ngọn cỏ, lá cây cũng là một phần trong đó. Thế giới không có thực nhưng mang đến sức sống thực, là nơi cư ngụ, là nơi cô tạm trốn đi những toan tính đời thường, thả lỏng và bình yên. “Tôi-đã nhiều khi-thấy bóng mình nằm yên trên một ngọn đồi, dưới một bóng cây tán rộng. Một ngọn đồi xanh xao mềm mại, rưng rưng tiếng chim qua các ngọn cây. Còn tôi, tôi nằm đó xuôi tay thanh thản.”, “Ngọn đồi nhỏ đó, như niềm an ủi nỗi lòng, gợi nhắc tôi nghỉ ngơi và an thái. Muôn nẻo đường tôi đi có một chốn dừng chân. Nơi mà chỉ cần nằm xuống và nhắm mắt lại, ngọn đồi ấy sẽ ôm trùm tôi rồi biến vào tận cùng hư ảo.”. Vậy nhưng với cái nhìn vật lý từ bên ngoài, anh tưởng cô như người say, bị vẻ đẹp ảo mộng kia mê hoặc và cứ chìm vào đó mãi. Anh liệu có biết đi tìm em không? Vì hình như anh yêu em mất rồi. Anh chẳng biết những điều anh cho là phù du hoá ra lại rất có ý nghĩa với em. Anh chẳng thể hiểu được, chẳng thể nắm bắt được em. Anh không thấy những gì em nhìn thấy. Mà thật ra chính Tiểu Cúc cũng đang trông mong một người có thể tìm đến khoảng không bí mật của mình. Cô chờ đợi “người trăm năm” trong thinh lặng, chỉ viết vội một “chữ Tình” dẫn lối, buộc người yêu thương cô tự kiếm tìm.
Tiểu Cúc à, Tiểu Cúc của ta ơi!
Ngày mùa hạ Tiểu Cúc hãy rong chơi
Đêm mùa thu-xin về đây nằm ngủ…
Tiếng gọi Tiểu Cúc da diết, đong đầy lo lắng và yêu thương. Tác giả muốn Tiểu Cúc sống là chính mình, chẳng tình yêu nào lớn lao hơn thế nữa. Ngay cả khi em tồn tại nơi “mùa hạ” bản thân không thuộc về, em hãy cứ “rong chơi” vô ưu vô tư. Khi đêm thu đến, hãy trở về với khoảng lặng của riêng em, để nghỉ ngơi và thanh thản, để hồi sinh nguồn năng lượng.
Hoa cúc nhỏ mỏng như lời nói dối
Em như tơ - hóa mộng giữa sương ngời…
....
Tiểu Cúc à...
...Tiểu Cúc của ai ơi?
Tôi đã ngồi ngẫm nghĩ câu này mãi: “Hoa cúc nhỏ mỏng như lời nói dối”. “Lời nói dối” ở đây là gì? Liệu có phải vì em vừa muốn anh đến, vừa không chào đón, nửa kín nửa hở mời gọi rồi cuối cùng lại lựa chọn “hoá mộng” nên tưởng như em đang lừa dối anh? Hay là em đang lừa dối chính bản thân mình khi muốn vùi mãi trong mộng tưởng? Chữ “mỏng” ở đây đã làm rất tốt công việc của nó khi ranh giới giữa hư và thực, giữa thật thà và lừa dối rất mong manh. Và dù mâu thuẫn là thế hoặc chính vì mâu thuẫn là thế, Tiểu Cúc lựa chọn miền hư ảo đầy ánh sáng “hoá mộng giữa sương ngời”. Khoảnh khắc ấy cô trở nên nhẹ bẫng, chẳng còn lưu luyến điều gì rồi tan đi trong rực sáng thuần khiết. Ta tưởng như có đức Phật, có một ông chúa vừa xuất hiện, Tiểu Cúc thoát ra khỏi vòng luân hồi, tan biến mãi vào hư không, chẳng còn buồn đau hay hạnh phúc, để người ở lại chỉ biết ngước mắt trông theo “Tiểu Cúc à, Tiểu Cúc của ai ơi”. Những dấu chấm lửng lơ là những tiếc nuối cuối cùng, những nghẹn ngào, những nhớ mong chưa thành hình dội đến, vang vọng trong không gian. Tiểu Cúc cuối cùng chẳng thuộc về ai, ngay cả bản thân cô ấy.
Có đôi điều thế này. Người thầy mà tôi vô cùng ngưỡng mộ – thầy Chu Văn Sơn đã từng nhận định: “Mỗi tác phẩm sống trong đời như một sinh mệnh riêng, tự lập. Có một thân phận riêng, một giá trị riêng, tự thân. Đọc văn, căn cứ tin cậy nhất, trước sau, vẫn là văn bản tác phẩm. Đó là một nguyên tắc. Và nhiều khi không biết gì về tác giả, vẫn có thể cảm nhận được tác phẩm. Nhưng hiểu và hiểu thấu đáo là hai cấp độ. Không am tường tác giả thì khó mà thấu đáo tác phẩm.” Hiểu được vậy, mong tác giả hãy thứ lỗi khi có một người vô duyên tự dưng đến xâm phạm vào suy tư cá nhân, để rồi đi vòng quanh, cầm lên đặt xuống mà phân tích, mà bóc tách và lột trần thế giới cảm xúc riêng của Tiểu Cúc, rồi thì ba hoa chích chòe, nói lời mông muội.
Và để đáp lại tâm tình người ở lại ngày ấy, gửi tặng anh bài hát này, như một đoạn kết buồn, hoặc như một “dấu vết thiên di”: Đông kiếm em-Thái Vũ.
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực