Bất kể là bạn là người theo phe bảo thủ hay tự do, rất có thể bạn đã bắt gặp một hashtag chính trị trong một bài viết, một tweet hay một câu chuyện cá nhân được chia sẻ trên Facebook.
Hashtag là một tag chức năng được sử dụng rộng rãi trong các cỗ máy tìm kiếm và dịch vụ mạng xã hội, cho phép mọi người tìm kiếm những nội dung theo một từ hoặc cụm từ đi sau dấu thăng (#).
Được Twitter phổ biến lần đầu tiên vào năm 2009, việc sử dụng hashtag nay đã có mặt ở khắp nơi. Gần như mọi vấn đề chính trị với ý định thu hút một lượng độc giả lớn đều dùng một hashtag bắt tai làm thương hiệu. Ví dụ như các chiến dịch tranh cử (#MAGA), các phong trào xã hội (#FreeHongKong) hoặc kêu gọi ủng hộ hoặc phản đối các đạo luật (#LoveWins).
Cùng với các nhà hoạt động và chính trị gia, các công ty tin tức cũng sử dụng hashtag để tăng lượng độc giả và để bổ sung bối cảnh cho những bài đăng ngắn và dễ nhai dễ nuốt trên mạng xã hội. Theo Columbia Journalism Review, cách làm này là “một cách hay để giới thiệu một câu chuyện hoặc góc nhìn vào vòng tin tức chủ lưu”, và là “một cách để biết xem công chúng muốn bàn và biết thêm điều gì”.
Liệu điều này có thực sự đúng?
Nội dung
Thí nghiệm của chúng tôi
Để tìm ra câu trả lời, chúng tôi tiến hành một cuộc thí nghiệm online có đối chứng với 1,979 người.
Chúng tôi kiểm tra xem liệu mọi người có phản ứng khác nhau khi có hoặc không có hashtag chính trị hay không – cụ thể là với hai hashtag được sử dụng rộng rãi #MeToo và #BlackLivesMatter – ở các bài viết tin tức được đăng trên Facebook bởi các hãng tin lớn, như The New York Times và NPR.
Chúng tôi đưa các bài viết có chứa hoặc không chứa các hashtag chính trị cho mỗi người một cách ngẫu nhiên. Chúng tôi sau đó nhờ họ bình luận về bài viết và trả lời một số câu hỏi về nó.
Chúng tôi phát hiện ra rằng hashtag chính trị không phải là một cách thức tốt để các hãng tin tương tác với độc giả.
Trên thực tế, khi một câu chuyện được thêm một hashtag, mọi người thấy chủ đề tin tức trở nên kém quan trọng hơn và có ít động lực hơn để tìm hiểu những vấn đề liên quan.
Một số độc giả còn có xu hướng nhìn nhận các câu chuyện tin tức với hashtag là có thiên kiến chính trị. Điều này đặc biệt đúng với các độc giả phe bảo thủ, những người dễ cho rằng một bài tin tức là đậm mùi phe phái khi nó chứa một hashtag.
Tương tự, hashtag cũng có tác động tiêu cực tới các động giả phe tự do. Tuy nhiên, những độc giả tự nhận mình là “cực tự do” lại không xem nội dung tin tức về các vấn đề về giới và chủng tộc trên mạng xã hội là có tính phe phái, bất kể có sự hiện diện của hashtag hay không.
Những người ôn hòa
Điều thực sự làm tôi hứng thú là phản ứng của những người đứng ở giữa. Những người tự nhận mình là ôn hòa về mặt chính trị (political moderates) nhìn thấy các bài tin có tính phe phái vô cùng rõ rệt khi các bài viết chứa hashtag.
Trên thực tế, trong những bình luận của họ, những người nhìn thấy các bài tin chứa hashtag nghi ngờ về độ tin cậy (credibility) của tin tức nhiều hơn và tập trung vào tính chính trị của hashtag nhiều hơn.
Một vài bình luận ví dụ
Một thí nghiệm đưa cho những người Mỹ ôn hòa về mặt chính trị những bài tin giống nhau một cách ngẫu nhiên. Một phiên bản có hashtag #MeToo, trong khi phiên bản kia không có. Sau đó, các độc giả được yêu cầu bình luận ở dưới bài. Và như các bình luận ví dụ này cho thấy, họ cho những phản hồi rất khác nhau.
Có hashtag | Không có hashtag |
---|---|
Cái chủ đề #MeToo đang trở thành một thứ gì đó giống Kardashians. Bây giờ xem tin nào cũng phải thấy cả hai thứ đó ở trên tít. Đây là một chủ đề quan trọng, nhưng tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải thấy nó hoài. | Tôi nghĩ tỉ lệ phần trăm ở đàn ông là cao hơn, nhưng nhiều phụ nữ báo cáo sự việc hơn là đàn ông. Đàn ông cũng cần phải cởi mở hơn về những thứ họ phải trải qua nữa. |
Cái phong trào MeToo này thật nực cười. Sẽ tốt nhất cho mọi người khi họ báo cáo sự việc lại cho cảnh sát. Đào lại sự việc mấy năm sau trên một diễn đàn công khai chỉ biến vụ việc thành những cuộc săn phù thủy. Những sự kiện này thuộc về đời sống cá nhân và chúng ta nên tôn trọng nhân phẩm của nhau nhiều hơn khi giải quyết chúng. | Trao cho các nạn nhân một nền tảng và tiếng nói trên mạng xã hội là một cách rất hay để họ chia sẻ trải nghiệm của mình khi họ không cảm thấy thoải mái khi làm điều đó công khai. Một số người thì quá sợ để báo cáo bất cứ cuộc quấy rối hoặc tấn công nào vì sẽ bị gắn nhãn là nói dối nên tôi rất vui khi có một cách để truy vết những sự kiện này mà không để họ không được lắng nghe. |
Việc này thực sự vớ vẩn ở nhiều cấp độ. Với một định nghĩa đủ rộng thì đến cả Sao Diêm Vương cũng trở thành hành tinh. Trước đây chủ đề này đã bị thổi phồng số liệu và bây giờ có vẻ nó lại như vậy lần nữa. | Việc tỉ lệ quấy rối tình dục và tấn công cao như thế này thật đáng báo động. Tôi nghi là những thống kê ở đàn ông có thể thấp hơn thực tế, vì thực sự là xã hội có một định kiến là nếu một người đàn ông đi báo cáo là họ bị tấn công tình dục hoặc quấy rối, thì họ sẽ bị xem là yếu đuối. Có lẽ chúng ta cần dạy cho trẻ em điều gì là phù hợp để nói và làm với người khác và điều gì là không ở độ tuổi sớm hơn, thay vì phớt lờ một sự thật là đang có một vấn đề trong xã hội chúng ta. |
Tôi xin lỗi – 43% đàn ông?!?!?! Cái này đúng là nhảm cứt. Nhất là cái 17% “đụng chạm kích dục không mong muốn”. Bài này nghe như là “TIN GIẢ” | Phản ứng đầu tiên của tôi là những con số này quá cao. Phần lớn phụ nữ bị quấy rối tình dục, và gần một nửa đàn ông bị quấy rối tình dục. Đây là điều đáng quan tâm và cũng là điều đáng buồn. Có vẻ như đây là một vấn đề xã hội lớn. |
Và bọn ngốc chúng mày vẫn nghĩ là #MeToo là một trò chơi khăm chống lại đàn ông? Thôi nào. Một vài người có thể đang lợi dụng phong trào này, nhưng việc nó tồn cmn tại là có lý do hết. Bọn đần!! | Tôi khá thích việc đưa ra con số thống kê về phần trăm đàn ông bị trải nghiệm tấn công tình dục chứ không chỉ mỗi phụ nữ. |
Tôi không quan tâm về chuyện này | Tôi thấy những thông tin được nhắc đến trong bài không có thiên kiến. Thú thực tôi nghĩ những con số thống kê là khá thấp. |
Tôi không tin là bài viết này dựa trên kiến thức hay sự thật nào. | Tôi rất muốn được biết thêm về hiện tượng này và tại sao phụ nữ lại cảm thấy như vậy |
Ví dụ ở nhóm có hashtag, những người ôn hòa chính trị nhắc lại hashtag nhiều lần mà không tham gia sâu vào vấn đề xã hội liên quan:
Cái chủ đề #MeToo đang trở thành một thứ gì đó giống Kardashians. Bây giờ xem tin nào cũng phải thấy cả hai thứ đó ở trên tít. Đây là một chủ đề quan trọng, nhưng tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải thấy nó hoài.
Ngược lại, khi không có hashtag, độc giả thường sẽ thảo luận về các ý tưởng và giá trị cốt lõi vốn được hashtag đại diện:
Trao cho các nạn nhân một nền tảng và tiếng nói trên mạng xã hội là một cách rất hay để họ chia sẻ trải nghiệm của mình khi họ không cảm thấy thoải mái khi làm điều đó công khai. Một số người thì quá sợ để báo cáo bất cứ cuộc quấy rối hoặc tấn công nào vì sẽ bị gắn nhãn là nói dối nên tôi rất vui khi có một cách để truy vết những sự kiện này mà không để họ không được lắng nghe.
Ngôn ngữ được dùng bởi những người tham gia trong nhóm hashtag trong những bình luận của họ cực đoan hơn về cảm xúc. Ngay cả với những người có vẻ ủng hộ phong trào cũng dùng ngôn ngữ gây hấn để thể hiện sự ủng hộ và gọi những người phản đối là “lũ ngốc”. Họ cho rằng “#MeToo tồn cmn tại là có lý do của nó hết, bọn đần!!”
Nuôi dưỡng những diễn ngôn tốt hơn trên mạng
Những phát hiện này cho thấy các chính trị gia, nhà hoạt động, tổ chức tin tức và công ty công nghệ không thể xem những thói quen trên mạng xã hội là chuyện hiển nhiên.
Ngay cả một thói quen đơn giản, như thương hiệu hóa một chủ đề xã hội bằng một hashtag bắt tai, cũng có thể tạo cho công chúng một ấn tượng là nội dung được hashtag đó là đậm mùi phe phái hoặc không đúng sự thật, kể cả khi nó được xuất bản bởi các công ty tin tức lớn.
Nếu chúng ta muốn xây dựng và duy trì những cuộc thảo luận lành mạnh trên mạng, chúng ta cần chất vấn những thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe của nền dân chủ trên internet.
Sử dụng hashtag có thể nhanh chóng thu hút sự chú ý của độc giả tới những vấn đề xã hội thúc bách. Tuy nhiên, như nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra, những cú lấy đà để tạo ra viral như vậy (viral momentum) có thể làm thiệt hại tới sự thảo luận trên mạng ở các vấn đề xã hội thúc bách trong dài hạn.
Bài tiếng Anh: Political hashtags like #MeToo and #BlackLivesMatter make people less likely to believe the news | The Conversation
Tác giả: Eugenia H. Rho, nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Khoa học Máy tính và Thông tin, Đại học California, Irvine
Người dịch: Minh Nhật
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực