Khi một con hươu bị mắc kẹt trong bùn, nó sẽ tìm mọi cách để được thoát ra. Có khi thành công, có khi bất lực. Nhưng dù thành công hay bất lực thì nỗi sợ với người lạ cũng không mất đi. Nó rõ ràng là muốn thoát khỏi vũng bùn đó, nhưng khi có người tiếp cận nó thì không cần biết họ tốt hay xấu nỗi sợ vẫn lấn át. Nó vùng vằng, tấn công ngược lại người đang giúp nó, và phải mất tới 45 phút để họ đẩy nó lên. Thà nó cứ như một cái xác chết thì có khi chỉ 5 phút là xong.
Nhưng vẫn còn may vì nó vẫn chỉ là con hươu. Nếu con vật bạn đang muốn giúp lại là con người, sống trong xã hội loài người, thì sự phản kháng của nó sẽ không phải bằng gạc, mà bằng những câu như:
- Nó không cần được giúp, tại sao lại cố giúp nó?
- Nó ổn với cái suy nghĩ của nó, thì tại sao phải thay đổi?
- Nó đã chấp nhận như vậy rồi, hãy để nó tự chịu trách nhiệm với lựa chọn đó
- Chuyện riêng của người khác thì đừng can dự vào
- Hãy biết tôn trọng sự khó chịu của người khác
- Bạn là ai mà dám cho rằng mình đúng?
- … và khoảng 50 câu tương tự …
Dĩ nhiên, nếu như người cần được giúp thực sự đang ở trong một vũng bùn thật thì chẳng ai phàn nàn cả. Người ta chỉ hoài nghi khi cả vũng bùn và tác hại của nó đều trừu tượng mà thôi. Nhưng vấn đề là dù là bùn thật hay bùn trừu tượng thì những câu hỏi này thật ra chỉ khiến tình trạng tồi tệ của họ kéo dài thêm. Cố gắng trả lời những câu này, hoặc tệ hơn, cho rằng chúng hợp lý, là nhắm mắt làm ngơ, là tự thuyết phục bản thân là không có chuyện gì đang xảy ra. Vào lúc đó, bao nhiêu triết lý được đưa ra cũng chỉ để dung dưỡng tình trạng đó mà thôi. Nếu như trong clip hai anh chàng kia đứng trả lời những câu hỏi như vậy của con hươu, thì nó đã chẳng bao giờ có thể thoát khỏi vũng bùn.
Có nhiều cách để giải quyết mà vẫn để họ cảm thấy được tôn trọng: giao tiếp phi bạo động, lắng nghe sâu, chánh niệm. Nhưng tất cả đều có vẻ như phụ thuộc vào một điều: dù có cảm xúc tiêu cực thì họ vẫn còn muốn nói chuyện với ta. Còn nếu họ nhất định mặc kệ, thì những phương pháp đó đều không làm gì được.
Lúc này mọi người sẽ nói, nếu như nếu cố gắng mà không được, thì là do mình làm không đúng thời điểm, hay con người lúc đó chưa sẵn sàng để tiếp nhận. Nhưng khi nào thì họ sẽ sẵn sàng? Tại sao phải chờ quá lâu? Tại sao phải chấp nhận để họ làm tổn thương hết người này đến người khác trong một thời gian nữa, trong khi nếu họ thực sự nghiêm túc suy nghĩ thì chẳng tốn quá một tuần? Đúng là cần để cho họ tự trải nghiệm và tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình, nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
“Hãy cứ gieo nhân đi, rồi duyên sẽ tự trổ” – nhiều người sẽ bảo nhau thế. Nhưng gieo nhân phải gieo đúng nhân. Không thể gieo nhân sai rồi hy vọng nó sẽ trổ được. Liệu cái nhân quan trọng nhất đã được gieo chưa? Vả lại, đã có ai khảo sát quan niệm này một cách kỹ lưỡng chưa? Nhiều người nói những câu này cũng là những người làm công việc khoa học, nhưng tôi cảm thấy câu nói này chưa hề được trải qua một sự khảo sát kỹ lưỡng và gắt gao, theo đúng tinh thần kiểm sai của khoa học.
Những quan điểm vừa được nêu tôi nghĩ chỉ phù hợp cho những ai vẫn còn muốn tin. Còn với những ai đã mất hoàn toàn niềm tin rồi, thì đơn giản là không áp dụng được. Ta có nói những điều đó với trong tình huống cứu hươu trên kia không? Một cách vô tình, việc sử dụng chúng chỉ làm trì hoãn sự can thiệp họ cần được nhận, và thậm chí không khác gì dung dưỡng vấn đề cả. Nó giống như việc bây giờ chúng ta sắp bước vào giai đoạn không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu, nhưng ai cũng viện nhiều lý do để thờ ơ cả.
Quan niệm sẽ chỉ thay đổi khi ta có nhiều điều kiện tiếp xúc với thứ ta căm ghét hoặc chối bỏ. Sự phản tư sẽ chỉ được kích hoạt khi xuất hiện một tổ hợp các từ khóa được sắp xếp một cách hoàn hảo, để điền vào chỗ trống giữa trải nghiệm trong quá khứ và niềm tin mới họ muốn tin nhưng chưa biết làm sao để tin. Đó là cách duy nhất. Nó mạnh mẽ đến mức tôi còn mạnh dạn nghĩ là nếu ai đó bảo có cách thứ hai, thì hoặc là họ đang có một phát hiện mới mà bao nhiêu thế hệ các nhà khoa học tìm mãi mà vẫn không nhìn thấy, hoặc là họ đang nói chuyện phản khoa học.
Và không chỉ đó là cách duy nhất, mà nó còn khả thi. Kể cả khi họ đã xác quyết một niềm tin không bao giờ có thể lay chuyển nổi, thì tôi nghĩ tin lẩn khuất đâu đó họ vẫn luôn mong mình đang sai. Vấn đề chỉ là họ không biết nó sai ở đâu. Không ai chỉ cho họ cả, nhưng ai cũng luôn chỉ trích họ. Giống như những người sáng mắt cười nhạo những ông mù vì không hiểu con voi là gì. Nếu có ai đó gợi ý đường đi cho họ, thì tự họ sẽ tìm ra con đường cho mình mà chẳng phải phiền đến ai. Nếu chạm đúng cái ý họ đã tìm kiếm bao lâu nay, tự động họ sẽ ngẩng người ra suy nghĩ đến cùng. Tôi không nghĩ tước đi quyền được biết của họ là một điều hay ho.
Trong các phần tiếp theo, tôi sẽ đưa ra câu trả lời của mình cho những câu hỏi được liệt kê ở trên. Nó sẽ được chia ra thành các phần:
- Khi nào sự tác động là cần thiết? Khi nào thì họ không thể nào thoát ra nếu không ai tác động?
- Làm sao để biết chắc chắn điều mình đang làm thực sự là tốt cho họ? Nhỡ đâu chính mình mới có bóp méo?
- Làm họ khó chịu vậy có tôn trọng họ không? Áp đặt vậy liệu có vi phạm sự tự do ý chí của họ không?
- Làm thế nào để không thấy ngại khi hành động?
Như tiêu đề của bài viết, tôi đang bàn đến những trường hợp dù bạn có thể hiện sự yêu thương vô điều kiện đến mấy thì họ sẽ kháng cự đến cùng. Bây giờ bạn chỉ có hai lựa chọn duy nhất: hoặc là không làm gì cả, hoặc là trở thành người xứng đáng với sự tin tưởng của họ. Bạn sẽ chọn gì?
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực