Đã có quá nhiều bài viết sử dụng câu chuyện ngụ ngôn Người mù sờ voi để nói về sự hiểu biết nửa vời và cố chấp vào cái hiểu biết đó của những người mù, mà bài viết Cái biết và cái chấp là một ví dụ. Lần này tôi sẽ thử đưa ra một số góc nhìn mới ủng hộ những người bị xem là “hiểu biết nửa vời và cố chấp” đó, và mở rộng ra với cuộc sống của người khuyết tật xem sao.
Do tôi hiểu là mình không có nhiều trải nghiệm với người khuyết tật, nên những gì mình nói có thể vô tình làm tổn thương họ. Nếu được tôi rất mong mọi người cho phản hồi.
1
Khi so sánh các dị bản của truyện “Thầy bói xem voi”, nhà lí luận văn học Trần Đình Sử đưa ra một số kết luận sau (tôi chỉ copy vài ý nhanh):
- Hai dị bản Ấn Độ đều gọi các nhân vật chính là “người mù”, còn riêng dị bản Việt Nam thì đổi thành “thầy bói”.
- Người khách qua đường và ông quản tượng Ấn Độ có vẻ tốt bụng dừng voi cho người mù sờ xem, mà không đòi tiền, còn bọn thầy bói và quản tượng trong dị bản Việt thì phải có tiền mới xong!
- Truyện Ấn Độ không có ý châm chọc, mạt sách người mù, tuy họ nói không đúng, nhưng cũng thừa nhận họ nói được một phần sự thật: ai biết ngần nào thì nói ngần ấy. Đó cũng là một triết lý nhân sinh. Truyện kinh Phật lại sâu thêm ở tính triết lý Phật giáo. […] Truyện ngụ ngôn Việt là một truyện châm biếm, một thể loại khác, có thể nói không giống với thể loại ngụ ngôn. […] Thái độ khinh bỉ bọn thầy bói mù, chủ quan của truyện người Việt là mạnh nhất, ít bao dung nhất.
- Tại sao chỉ do nhận thức khác nhau mà ở Ấn Độ người ta chỉ “ba hoa” với nhau, ở trong kinh Phật chỉ cãi nhau rồi thôi, đến Việt Nam thì lại chuyển thành xô xát đánh nhau?! […] Phải chăng ngoài việc xô xát đánh nhau toạc đầu chảy máu, tâm thức dân gian Việt Nam chưa tưởng tượng ra được một cái kết cục nào tốt đẹp hơn, triết lí hơn cho những bất đồng vặt trong cuộc sống con người?
👉 Bài chi tiết: So sánh các dị bản truyện “Thầy bói sờ voi” và suy nghĩ về tâm thức dân gian
2
Nếu những người mắt sáng tin rằng mình thực sự hiểu con voi là gì, thì tại sao họ không giải thích chúng cho người mù hiểu? Có thể bạn thấy một người nói là con voi như con đỉa là buồn cười, nhưng ở vị trí của họ, thì đó là cách miêu tả tốt nhất, và bạn phải đứng ở góc nhìn của họ để nói, chứ không phải để cười họ. Einstein từng nói rằng “Nếu bạn không thể giải thích điều gì đó cho một đứa trẻ 6 tuổi thì chính bạn cũng không hiểu điều đó”. Nếu người mắt sáng không thể giải thích con voi một cách dễ hiểu cho người mù, thì họ chưa hiểu nó đủ rõ. Không biết hết về voi, mà lại nghĩ là mình biết về nó, thậm chí cho rằng mình có tư cách để nói rằng những người khác không biết gì về voi cả, thì chẳng khác nào là thầy bói xem voi cả.
Đó là chưa kể, chỉ nội việc có thể đưa ra một phép so sánh vô tiền khoáng hậu, người mù đó đã giúp mở ra một hướng tư duy mới mà khung kiến thức hiện tại của người mắt sáng không cho phép nghĩ tới. “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức” – Einstein đã nói vậy. Tôi cho rằng, chính chúng ta những người mắt sáng mới cần phải xem những người mù là thầy của mình.
3
a
Ta hãy xét trường hợp một người mù sau khi sờ xong vòi voi xong thì kết luận rằng nó giống như con đỉa. Thường khi giải thích về voi, mọi người sẽ cố giải thích theo cái họ thấy, ví dụ như “không, con voi không phải là con đỉa vì nó to hơn con đỉa”. Trong khi điều ông ấy cần là lý giải được tại sao khi tay ông ấy tiếp xúc với con voi, nó đem lại cảm giác sun sun như một con đỉa thực thụ vậy. Còn nếu chỉ nói là vì nó to hơn con đỉa thì ông ấy sẽ đặt câu hỏi mới là “ủa vậy thì con voi là một con đỉa khổng lồ? Cũng là con đỉa vậy?”. Tức là những lý do bạn đưa ra chỉ là phụ thôi, không đả động gì tới cái cảm giác sun sun nguyên thủy đó, và thậm chí là còn có thể uốn theo cái ý “là con đỉa” được. Rốt cuộc là ổng cũng không có lý do để thấy nó không phải là con đỉa, và bạn càng cố nói là nó không phải là con đỉa thì ông ấy càng hoang mang hơn, còn bạn thì càng cảm thấy ổng cố chấp hơn. Bạn chỉ có thể chấm dứt sự hoang mang này khi nào bạn thực sự nói về cái cảm giác sun sun mà thôi.
Rất rất nhiều cuộc tranh luận gặp phải tình trạng này. Lấy ví dụ bài viết Cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam. Ban đầu tác giả cũng đã rất sòng phẳng khi nêu ra cả những lập luận ủng hộ và phản đối tử hình. Tuy nhiên sau đó tác giả hoàn toàn không có ý nào có thể dùng để bẻ gãy những lập luận của phe phản đối, mà chỉ tập trung khắc hoạ thêm về sự cần thiết của tử hình (vốn cả phe phản đối cũng đều biết rõ). Điều này sẽ khiến cho những người phản đối cảm thấy không bị thuyết phục và thay đổi quan điểm được. Ngược lại, ta cũng có thể mường tượng được rằng ở phe kia, những người phản đối cũng chỉ tập trung nói về sự cần thiết của việc bãi bỏ tử hình, trong khi không trực tiếp lý giải tại sao những lập luận của phe ủng hộ là mâu thuẫn hoặc kỳ vọng của họ là bất khả thi hoặc kém hiệu quả trên thực tế. Rốt cục thì cuộc tranh luận giữa cả hai bên sẽ trở thành tình trạng ông nói gà bà nói vịt.
Bạn có biết?
Tranh luận thợ rèn (Steelman argument)
Quy tắc thợ rèn (hoặc quy tắc Rapoport, quy tắc Dennett - đặt theo tên nhà lý thuyết trò chơi Anatol Rapoport và triết gia Daniel Dennett), là một bộ các nguyên tắc nhằm mục đích khuyến khích việc tranh luận có tính xây dựng. Mục tiêu của bạn là vá lại những lỗ hổng trong lập luận của đối phương, để bạn được đối diện với lập luận sắc bén nhất của họ. Điều này sẽ giúp tránh việc vô tình tạo ra lập luận người rơm, và tránh được việc sau khi đưa lời phản biện ra thì đối phương còn tin thêm vào quan điểm gốc của mình (hiệu ứng phản tác dụng - backfire effect). Nhờ việc đối diện với lập luận mạnh nhất của họ mà lập luận của bạn sẽ càng mạnh hơn. Các quy tắc này thường được thấy dưới cách diễn đạt của Dennett như sau:
- Bạn phải diễn đạt lại quan điểm của đối phương sao cho thật rõ ràng, sống động và công bằng đến mức họ phải nói rằng "Cám ơn, tôi đã ước gì mình đã có thể nghĩ ra được như thế"
- Bạn phải liệt kê tất cả những điểm bạn đồng ý (đặc biệt nếu chúng không quan trọng lắm hoặc được đồng ý rộng rãi)
- Bạn phải nêu ra bất cứ thứ gì bạn học được từ đối phương
- Chỉ sau khi đó bạn mới được phép nói ra những phản bác hoặc phê bình của mình
Nhờ việc tìm mọi cách để làm lập luận của đối phương sắc bén nhất có thể, và đánh vào điểm yếu nhất của lập luận của chính mình, ta mới thấy được những sai sót của bản thân, và có thể nâng đỡ người khác trong sự thấu cảm.
b
Một trong những nguyên nhân của việc ông nói gà bà nói vịt là vì con gà là con vịt và con vịt là con gà. Tuy lỗi không phải là của ông, cũng chẳng phải là của bà, nhưng nó cũng lại thuộc về cả hai. Đã vậy, ai cũng không thấy lỗi là do mình, mà chỉ thấy người kia có lỗi.
- Về vấn đề tại sao con gà là con vịt và con vịt là con gà, xin mời bạn đọc bài Hiện tượng đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa khác âm, và đảo nghĩa trong quá trình hình thành niềm tin
- Về vấn đề lỗi không thuộc về cả hai, mà lại thuộc về cả hai, và cả hai đều chỉ thấy lỗi thuộc về người kia, xin mời bạn đọc bài Bản ngã là gì nếu không phải là sự chú ý?
- Một minh họa cho cả hai vấn đề này có thể xem ở bài Phản biện cuốn Cuộc cách mạng một-cọng-rơm
4
Nếu chúng ta, những người người mắt sáng, cho rằng mình biết về con voi nhiều hơn những người mù, thì chúng ta sẽ tự cho phép mình không còn nhu cầu lắng nghe họ nữa. Họ biết cái gì mà nói? Khi chúng ta đã xem họ là mất khả năng để nắm bắt sự thật, thì chúng ta sẽ trở thành những kẻ áp đặt chân lý. Chính những chất vấn ngược lại này đã khiến cho trường phái hậu hiện đại ra đời.
5
Có lẽ rất nhiều người mắt sáng (trong đó có cả chính tôi) mỗi khi gặp một người mù (hoặc người khuyết tật nói chung) đều cảm thấy thương thương trong lòng. Đó không chỉ là cảm giác về sự không trọn vẹn của cơ thể, mà còn là ở việc họ mất đi sự phong phú về trải nghiệm khi mất đi ánh sáng. Thế nhưng, nếu tìm hiểu về bản chất của ánh sáng, ta sẽ thấy mọi chuyện không giống như ta nghĩ.
Thứ gọi là ánh sáng, bản chất là các sóng điện từ (electromagnetic wave). Những màu sắc mà chúng ta thấy được, đỏ cam vàng lục lam tím, thực ra chỉ là một phổ nhỏ các sóng điện từ có khả năng kích thích các tế bào trong mắt chúng ta. Những sóng điện từ khác mà chúng ta không nhìn thấy, như hồng ngoại hay cực tím, không kích thích các tế bào đấy nên chúng ta không thấy. Nhưng không thấy không có nghĩa là không có.
Nhìn vào hình này, ta thấy rằng toàn bộ những gì ta thấy được chỉ là một vùng rất nhỏ trong toàn bộ phổ ánh sáng:
Nhân tiện, chữ phổ/spectrum mà bên khoa học xã hội hay dùng như phổ tự kỷ, phổ tính dục, phổ chính trị xuất phát từ phổ ánh sáng này. Từ nguyên của spectrum trong tiếng Latin, specere, có nghĩa là nhìn. Có thể thấy điều này trong các từ như spectator, spectre, spectacular.
Trên phương diện vật lý, màu đỏ với hồng ngoại là ngang bằng nhau. Điều đó cũng có nghĩa là, màu sắc đối với người mù cũng giống như hồng ngoại đối với người mắt sáng. Hãy tưởng tượng một đoạn hội thoại sau:
- Bạn có thấy được hồng ngoại không?
- Không. Mắt của tôi không nhìn thấy được hồng ngoại. Nó chỉ là một cái gì đó tôi nghe người ta nói đến nhiều thì biết thôi.
- Bạn có cảm thấy quá khó khăn khi miêu tả hồng ngoại không?
- Không? Chúng ta vẫn có tri thức về hồng ngoại đó thôi. Giờ tôi lên Wikipedia đọc cho bạn tất tần tật về hồng ngoại thì có gọi là khó khăn khi miêu tả nó không?
- Bạn có cảm thấy tiếc nuối gì khi không nhìn thấy được hồng ngoại không?
- Chắc thấy được nó thì cũng thích đấy, nhưng mà tôi thấy không nhìn thấy nó thì cuộc sống của tôi cũng chẳng hề hấn gì.
- Nhưng mà không nhìn thấy nó thì bạn bỏ lỡ nhiều điều thú vị lắm!
- Ừ thì đúng là vậy, nhưng ta có thể khắc phục điều này bằng những phát minh sử dụng hồng ngoại mà. Điều khiển TV, máy sưởi, máy ảnh, kính nhìn đêm, v.v. vẫn đang làm cuộc sống của tôi phong phú và thú vị theo những cách riêng đó thôi. Thấy nó thì những trải nghiệm của tôi cũng phong phú, nhưng không thấy nó thì trải nghiệm của tôi cũng không vì thế mà kém phong phú hơn.
Nói tóm lại, chúng ta chẳng thấy mình tiếc nuối hay khổ sở gì khi không nhìn được hồng ngoại cả. Nhưng nếu vậy, tại sao chúng ta lại phải tiếc nuối và khổ sở giùm người mù khi họ không nhìn thấy màu sắc?
Thị lực của chúng ta 10/10, nhưng chúng ta hoàn toàn bình đẳng với họ trên mọi phương diện. Họ như thế nào, thì chúng ta như thế ấy. Chúng ta như thế nào, thì họ như thế ấy. Nói cách khác, hoàn toàn không sai khi nói rằng chúng ta chính là những người mù, còn họ chính là những người mắt sáng.
(Nếu bạn đang cảm thấy chưa thuyết phục vì thứ người mắt sáng không thấy chỉ là màu sắc chứ không phải là toàn bộ thị giác như người mù, nên không thể kết luận là họ bình đẳng với người mắt sáng được, thì bằng một lập luận tương tự, ta cũng có thể tưởng tượng ra một loại giác quan xịn sò hơn cả mắt mà loài người không có được. Thế thì lúc đó chúng ta đều mù cả. Chỉ là lúc đó lập luận về sự đối xứng trong việc tiếp nhận thông tin sẽ phức tạp hơn chút mà thôi.)
6
Nhưng không thể phủ nhận được một sự thật là họ gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống. (Chẳng hạn như họ không thể có được cái trải nghiệm bò lăn ra mà cười khi xem một cái meme được. Chứ meme mà phải nghe kể lại thì còn gì là hài?) Nếu quả thật họ bình đẳng với chúng ta trên mọi phương diện, thì tại sao sự bất tiện đó lại xảy ra? Đó là vì họ luôn phải sống trong một môi trường được thiết kế dành cho người mắt sáng. Hãy tưởng tượng về một chiếc điện thoại hoàn toàn dành cho người mù thử xem. Một chiếc điện thoại như thế sẽ không có màn hình, nhưng sẽ phát ra vô số âm thanh khác nhau, và vỏ ngoài sẽ có khả năng thay đổi độ cứng-mềm, sần sùi-láng mịn, tùy vào lúc đó nó muốn giao tiếp gì với ta. Nó cũng sẽ chẳng có dạng hình chữ nhật dẹt, mà sẽ như một hòn đá với nhiều góc cạnh khác nhau. Một người mù sẽ xài nó nhoay nhoáy, còn bạn chỉ có thể trố mắt ra mà nhìn. Mà đó mới chỉ là mỗi cái điện thoại thôi. Giờ bạn hãy tưởng tượng một thành phố toàn những người mù sinh sống, với những con đường và những chiếc xe và những biển báo giao thông và những biển quảng cáo và hàng tỉ hàng vạn những vật dụng và kiến thức và ngôn ngữ và lối tư duy dành cho người mù. Trong thế giới mà người mù cảm thấy mình thuộc về đó, chúng ta mới mù làm sao.
Trang Tử trong Nam Hoa Kinh viết:
Nếu tạo hoá muốn biến cánh tay trái tôi thành con gà thì tôi nhân đó mà gáy sáng; nếu biến tay phải tôi thành cây cung thì tôi sẽ nhân đó mà bắn con chim hào đem về quay; nếu biến đít tôi thành bánh xe, tinh thần tôi thành ngựa thì tôi sẽ nhân đó mà thắng xe. (Đại tôn sư)
Hãy xem bài nói chuyện sau để thấy được ý của Trang Tử có thể hiểu như thế nào:
7
Chúng ta không muốn thương họ, và họ cũng không muốn được thương. Sự thương hại đó chỉ đào sâu thêm sự bất bình đẳng dưới lớp vỏ nhân ái. Thứ họ cần là được đối xử ngang bằng: chúng ta đối xử với nhau thế nào, thì chúng ta cũng đối xử với họ như thế. Thứ họ cần là một ngày nào đó, nhu cầu phải được chúng ta lưu tâm, hỗ trợ sẽ nhẹ nhàng phai mờ trong tâm trí của tất cả Chúng Ta.
Để điều đó được xảy ra, chúng ta cần có được cảm giác là một khác mình thì như thế nào. Mọi người thường bảo nhau rằng, để có thể thấu cảm được người khác đòi hỏi một quá trình dài để tiếp xúc, tìm hiểu, trải nghiệm. Tôi đồng ý. Nhưng có lẽ chỉ như vậy không thôi là chưa đủ để tạo ra sự ngang hàng triệt để. Chừng nào còn chưa trực tiếp thấy được cái trải nghiệm của họ chính xác là thứ chúng ta vẫn có hàng ngày, thì chừng đó cái cảm giác họ kém may mắn hơn chúng ta vẫn sẽ còn lởn vởn trong tâm trí. Và chúng ta cũng không thể tự trách mình được, vì rõ ràng là “mắt tôi nhìn thấy được những điều họ không thấy được”, “chân tôi đi đến được những nơi họ không đến được”. Các diễn ngôn về người khuyết tật chắc cũng từ đây mà ra. Nhưng nếu ta hiểu được sự đối xứng của Chúng Ta trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin, thì cái ý tưởng “Chúng Ta chẳng khác quái gì nhau” sẽ chấn động hơn bao giờ hết. Với tư cách là cửa ngõ giữa thế giới tinh thần và thế giới tự nhiên, những trải nghiệm đến từ giác quan sẽ luôn rất thật. Chúng đi thẳng vào tâm trí, và vì thế mọi người sẽ dễ dàng nhất trí với nhau. Nên tôi nghĩ thay vì cứ phải bàn về việc phải bảo vệ quyền của người này hay tôn trọng nhân phẩm của người kia, vốn là những khái niệm nằm ở tầng ý niệm (nên mới có chuyện cãi nhau mãi vẫn chưa xong), chi bằng ta nói cho nhau nghe sự đối xứng của giác quan trông như thế nào.
Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng có lẽ sẽ có ích cho việc xây dựng một cơ sở triết học cho sự bình đẳng nếu ta tham khảo thêm một chút vật lý luận. Bởi vì câu trả lời cho câu hỏi “Là người mù thì như thế nào?” cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi “Là dơi thì như thế nào?“.
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực