Phản hồi của người dịch: bạn đọc sách không thấm rồi

Categorized as Đạo, ngữ dụng, tâm lý học nhận thức, Sách, thơ, phim, Tự nhiên, hệ thống, khoa học, quyền uy Tagged , , , , , , ,

Đạo không thể được hiểu qua việc độc thoại, mà là qua đối thoại. Sau khi viết xong 3 phần đầu, tôi có dịp được trò chuyện với người dịch quyển sách này, anh Tuan Kiuti Di. Anh đã cho tôi vỡ lẽ ra nhiều điều.

Anh hỏi:

“Tôi đã dành ba mươi năm, bốn mươi năm để kiểm nghiệm xem liệu mình có nhầm lẫn hay không, vừa làm vừa nghiền ngẫm, nhưng chưa lần nào tôi tìm ra được bằng chứng chống lại điều ấy cả.”

Bạn có biết “điều ấy” ở đây mà cụ Fu nói đến là gì không? 😀 Toàn bộ bài viết của bạn vẫn chứng minh “điều ấy” là đúng mà thôi.

Tôi trả lời:

Cám ơn bạn đã nhắc nhở. Thật sự thì lúc mình viết bài này cũng hơi thấy nguy hiểm, vì mình biết trong lúc mình nói ông ấy nhầm lẫn về khoa học, thì mình cũng có thể đang nhầm lẫn về ý ông ấy nói. Sẽ có vô vàn ý nhỏ mà ông ấy muốn nói tới, mà chỉ cần sót một ý thôi thì có thể toàn bộ bài viết sẽ phải sửa lại, nếu không nói là sụp đổ. Nên cũng rất cần sự góp ý của mọi người.

Anyway, mình nghĩ cái ý của ông ấy là “khoa học là phân biệt”?

Anh đáp:

Không, bạn đọc sách không thấm rồi. “Điều ấy” không thể nói thành lời, nhưng nếu phải nói thành lời thì là “con người chẳng biết gì sất”, đấy là điều ông ấy dùng cả đời mình kiểm nghiệm, chứ không phải các chi tiết kiểu như “khoa học là phân biệt”

Đúng là không thấm thật. Câu đó nói ngay từ đầu, nhưng lại chẳng để ý. Cái “điều ấy”, cái điều mà kể cả việc phải nói là “ta không biết gì sất” cũng có thể bị hiểu nhầm ấy, là khởi nguồn của toàn bộ thế giới quan của ông ấy. Nếu không nắm được nó thì những chỉ trích vào ông ấy chỉ là lạc đề mà thôi. Và với những ai đã quen với việc có thể biết một cái gì đó, và đã trải qua nhiều lần tự hoài nghi bản thân mà vẫn thấy rằng thực sự là biết được nó, thì cái “điều ấy” khó mà thấm được.

Phần tiếp theo, Lý do khiến ông ấy bị hiểu nhầm, được viết ra cho những ai muốn hiểu bản chất của chuyện hiểu nhầm này. Nếu bạn thấy không cần thiết, có thể bỏ qua để đọc phần Điều ông ấy thực sự nói.

Lý do khiến ông ấy bị hiểu nhầm

Mọi người hiểu nhầm ông ấy không quan trọng chuyện hiểu đúng

Thoạt nhìn, những chỉ trích của ông ấy không có gì mới. Ai cũng biết là bất cứ hệ thống, tổ chức nào (không chỉ mỗi hệ thống khoa học) cũng có phần xơ cứng. Ai cũng biết ở đâu cũng sẽ có người tham lam. Ai cũng biết không dễ gì có tầm nhìn dài hạn. Ai cũng biết muốn giải quyết vấn đề thì phải tìm đến gốc rễ. Ai cũng biết nếu có thể để tự nhiên làm thay công việc của mình thì tốt. Ai cũng biết là mọi thứ trong tự nhiên đều liên hệ với nhau. Ai cũng biết kiến thức ngày hôm nay sang ngày mai có thể không còn đúng nữa. Những lời cảnh tỉnh đó rất đúng, nhưng mà ai cũng biết. Chính vì ai cũng biết như vậy, nên một cách hoàn toàn tự nhiên người đọc sẽ nhanh chóng bỏ qua để thu thập thông tin hữu ích hơn.

Nhưng vì cái thông tin mới với họ, cái triết lý cốt lõi “ta chẳng biết gì sất” đó, lại cũng không có gì khác với bản chất của khoa học (như đã nói ở các phần trước), nên rốt cuộc họ cũng không thấy gì mới cả*. Thứ còn lại ở họ chỉ là cái cảm giác ông ấy không chịu hiểu đúng mà đã vội phê phán, và không khỏi cảm thấy ông ấy cao ngạo.

*Nó không mới, nhưng nó lại là thứ các nhà khoa học hay quên, và nếu quên thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Đó là lý do ông ấy “không giữ được bình tĩnh” khi thấy họ cứ quên hoài, và nhắc lại bao nhiêu cũng không đủ. Phần sau sẽ nói rõ hơn.

Hiểu nhầm không phải là vấn đề lớn; ai mà chẳng hiểu nhầm. Và thường cũng không ai trách người khác hiểu lầm cả, nếu họ thấy người đó có mong muốn sửa. Nhưng vì mục tiêu quan trọng và cấp thiết nhất của ông ấy là cảnh tỉnh người làm khoa học, nên mục tiêu hiểu đúng trở thành thứ yếu. Cái sai của nhà khoa học quá rõ ràng, nên không cần thiết phải hiểu thật đúng nữa. Chính vì như vậy, nên mới có chuyện ông ấy bị hiểm nhầm là ông ấy không muốn hiểu đúng. Chứ thật ra với một người luôn nói rằng mình chẳng biết gì hết thì mối quan tâm đó hẳn là rất lớn.

Ông ấy chấp nhận chuyện mình bị hiểu nhầm

Nhưng hình như một mâu thuẫn gì ở đây: nếu ông ấy muốn đánh một tiếng chuông cảnh tỉnh cho các nhà khoa học, thì ông ấy phải làm sao để họ nghe được tiếng chuông đó chứ?

Khi một người giải thích suy nghĩ của mình cho người khác, họ sẽ trình bày những gì mình biết một cách rõ ràng và chặt chẽ, để người kia cũng nắm được tường tận và rốt ráo ý của mình. Sự rõ ràng, như vậy, đồng nghĩa với sự hiểu biết. Nhưng vì ông ấy đã chấp nhận chuyện điều gì mình nói cũng có thể sai, chấp nhận chuyện mình không biết gì sất, nên ông ấy không thể cho phép mình nói một cách chặt chẽ và rõ ràng được. Nếu chỉ mới giải thích cái “điều ấy” thôi mà còn sai, thì làm sao có thể giải thích cái gì nữa chứ? Với ông ấy, sự hiển ngôn tai hại ở chỗ nó làm người nói ảo tưởng rằng mình đã hiểu toàn bộ vấn đề rồi.

Nhưng nếu không thể trình bày ý mình một cách rõ ràng, thì làm sao người khác hiểu được? Và kể cả nếu ông ấy tìm cách diễn đạt một cách chính xác đi nữa, thì làm sao để ngăn người nghe không suy diễn theo ý họ được? Và kể cả khi người nghe không suy diễn đi chăng nữa, thì vì nó được viết ra với tâm thế rằng nó không thể giúp được cho bất kỳ ai, và mỗi người phải tự cứu lấy mình, nên trách nhiệm hiểu cuốn ấy thật kỹ thuộc về người đọc, không phải người viết.

Thế nên, tất cả những chuyện này là lý do để ông ấy chấp nhận chuyện hiểu nhầm, và không còn thấy chuyện người khác có hiểu đúng mình hay không là cần thiết nữa. Khi đã chấp nhận mình không biết gì cả, thì cũng chấp nhận ý của mình không được trình bày một cách rõ ràng, và cũng sẽ chấp nhận việc người khác không hiểu đúng ý mình.

Tóm lại, đây là những rắc rối khiến cho tiếng chuông cảnh tỉnh ông ấy đánh, dù rất to, cũng không đến được tai những người cần nghe nó nhất:

  • Đầu tiên, ông ấy có hiểu nhầm khoa học. Điều đó cũng là bình thường, ai cũng thế, không có gì nghiêm trọng cả
  • Điều khiến nó trở nên nghiêm trọng là vì ông ấy có chuyện quan trọng và cấp thiết hơn chuyện hiểu đúng, nên không có tâm trí để hiểu kỹ hơn
  • Điều đó làm cho mọi người hiểu nhầm là ông ấy không quan trọng chuyện hiểu đúng
  • Nhưng vì đã chọn không quá đặt nặng chuyện rõ ràng, ông ấy chấp nhận chuyện mình bị người khác hiểu nhầm, nên những hiểu nhầm ban đầu không được khắc phục, dù nếu không khắc phục thì không ai nghe được tiếng chuông đó

Cho nên, tất cả các phần trước vẫn còn nông lắm, vì chúng mới chỉ mới chạm tới level 1 mà thôi. Còn level 2, 3, 4 thì chưa chạm tới. Những level này chỉ có thể nhận ra khi đã thấm nhuần cái triết lý “ta không biết gì sất”. Cái triết lý đó phải được đi kèm theo từng bước lập luận của ta.

Nếu một người vì một lý do quan trọng nào đó mà chấp nhận bị hiểu nhầm, vậy thì chính là câu con én đưa thoi vậy. Cái lắt léo ở đây là ông ấy chấp nhận chuyện bị hiểu lầm rằng ông ấy không quan tâm xem mình có đang hiểu lầm người khác hay không. Thường mọi người sẽ không lắt léo được tới mức đó. Và nó tạo ra hai vòng luẩn quẩn (feedback loop) cùng lúc:

  • Ông ấy không hài lòng, nhưng người khác lại không hiểu ý ông ấy muốn nói là gì, nên sự không hài lòng của ông ấy không được giải tỏa
  • Ông ấy chấp nhận chuyện mình bị hiểu lầm, làm cho người khác càng hiểu lầm ông ấy, nên sự hiểu lầm đó cũng không được giải tỏa

Đây không phải là lỗi của ai, nhưng cũng lại là lỗi của cả hai. Hình này chắc là minh họa tốt nhất cho chuyện này:

Nhìn thì trông đau khổ vật vã, nhưng ý tưởng cơ bản thì vẫn đúng: khi hiểu lầm xảy ra, lỗi không thuộc về cả hai, mà lại cũng thuộc về cả hai. Đã vậy, ai cũng không thấy lỗi là do mình, mà chỉ thấy lỗi của người kia. Chuyện này liên quan việc trí nhớ ngắn hạn và sự chú ý làm biến đổi nghĩa của từ, và sẽ không thể xảy ra nếu cả hai không từ bi với nhau.

👉 Xem thêm: Hiện tượng đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa khác âm, và đảo nghĩa trong quá trình hình thành niềm tin

Nguyên phần Lý do khiến ông ấy bị hiểu nhầm này là để giải thích level 3 và 4. Phần tiếp theo sẽ giải thích level 2. Phần cuối cùng sẽ giải thích cách để lên level này.

Điều ông ấy thực sự muốn nói: tâm thế của ông ấy khi làm khoa học

Đừng quên rằng cái gì cũng có thể có thể sai

Nhà khoa học có thể khiêm tốn nói rằng tôi không biết nhiều thứ, nhưng với những kiến thức đã được khoa học sản xuất ra, họ vẫn nói là tôi biết. Tôi biết trái đất quay quanh mặt trời, vì nó đã được kiểm sai. Tôi biết cây cam cùng họ với cây quýt, vì nó đã được kiểm sai. Tôi biết là về nguyên tắc những cái tôi nói có thể bị lật nhào vào ngày mai, nhưng tôi biết là tôi đúng. Cái sức mạnh dự đoán (predictive power) cho phép họ nói điều đó. Nhưng cái sức mạnh dự đoán đó chỉ là sản phẩm của tính kiểm sai, chứ không phải là bản thân tính kiểm sai. Tính kiểm sai mới là thứ làm nên khoa học, còn cái tính dự đoán đó thì không. Vậy mà, nhà khoa học chỉ nhớ đến những lý thuyết của mình như một thứ có sức mạnh dự đoán, chứ không phải là thứ có thể bị sai.

Quả thật, ai bước vào khoa học cũng mong muốn hiểu tự nhiên bằng sự logic, chặt chẽ. “Rồi một ngày mình cũng sẽ hiểu được vấn đề. Không những hiểu mà còn làm chủ được nó, khai phá hết tiềm năng của nó. Đời mình không biết thì đời con cháu mình biết.” Vì biết bất cứ lúc nào cũng có thể sai, nên họ mới phải xây dựng phương pháp khoa học để đảm bảo rằng kiến thức nó sản xuất đều kiểm sai được. Tiếc thay, khi họ ủy thác hết vào trong phương pháp khoa học đó, thì trong đầu họ chỉ còn lại cái sức mạnh dự đoán của nó. Họ có một hệ thống bình duyệt chặt chẽ, nhưng rồi sau khi bình duyệt xong thì lại quên mất rằng đó vẫn chưa phải là sự thật tối hậu. Còn ông ấy bước vào khoa học với tâm thế rằng cái gì mình đang nghĩ cũng có thể sai. Cái tâm thế đó mới đúng là định nghĩa của khoa học. Nên hóa ra, có khi ông ấy còn khoa học hơn những nhà khoa học.

Nói đi cũng phải nói lại, việc lý thuyết có khả năng dự đoán cực kỳ cao sau khi trải qua kiểm nghiệm là lý do để nó đáng được nhớ tới. Ông ấy chỉ nói là khả năng dự đoán không phải là chân lý tối hậu, chỉ vậy thôi. Nhà khoa học biết rõ điều đó chứ, nhưng lại không nhớ đủ thấm trong lúc sử dụng lý thuyết. Còn ông ấy nhất quyết không thỏa hiệp với cái nửa vời như vậy, nên triết lý của ông mới có thể thấm thật sâu, thật đậm vào tư duy của mình. Nhờ có vậy, nên ông ấy mới có thể thấy hết được những nguy cơ tiềm ẩn trên con đường mà họ đang đi. Nên đây chỉ là một lời cảnh tỉnh, chứ ông ấy không viết cuốn này để lập luận rằng khoa học là sai lầm.

Lúc làm việc đừng xả “rác”

Không những luôn nhớ rằng mình luôn có thể sai, ông ấy còn luôn tự nhắc nhở rằng dù mình có làm đúng thì cũng đừng xả “rác”:

Khi xuống ruộng hoặc lên vườn, tôi tự nhủ với mình: chớ có hứa hẹn gì cả, hãy quên ngày hôm qua đi, đừng nghĩ về ngày mai, nỗ lực hết mình vào công việc của từng ngày và không để lại dấu vết nào trên trái đất này hết. (101)

Giả sử bạn là một người hăng hái bảo vệ môi trường. Bạn tham gia chiến dịch cứu rùa biển, bạn vận động mọi người không dùng túi ni lông, thậm chí kể cả khi bạn là người đặt bút ký cam kết giảm lượng khí thải của đất nước mình trong hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu, thì với ông ấy, như vậy vẫn là chưa đủ. Lẩn khuất trong sự hăng hái đó là cái mong muốn giúp đỡ một ai đó, để lại cho đời một cái gì đó, và chỉ một chút xíu đó thôi cũng đã gọi là tham lam. Có thể bạn cũng chẳng màng gì đến danh lợi, nhưng để người khác nhớ đến bạn cũng đã là nguy hại rồi. Cái bạn để lại cho đời đó là rất tốt, rất quan trọng, rất cần thiết, nhưng ông ấy còn muốn bạn làm triệt để hơn, sao cho những người đi sau thậm chí còn không nhận ra là bạn là người làm ra chúng nữa.

Khi ông ấy hỏi “không làm việc này thì sao nhỉ?”, ở phần 2 tôi đã nghĩ là nó cũng không thực sự khác với một người dừng lại để quan sát, và kết luận rằng nó cũng không khác cách tiếp cận của khoa học. Điều đó không sai, nhưng hóa ra tôi đã chưa hiểu hết ý ông ấy. Cách hiểu trọn vẹn hơn phải là: (Tôi) không làm việc này (mà để cho Tự nhiên làm) thì sao? Quả thực đây không phải là tâm thế của một người làm khoa học. Ông ấy làm, nhưng khi đã đủ hiểu để cảm thấy Tự nhiên có thể lo nốt phần còn lại thì ông ấy ngừng, không nghiên cứu tiếp. Còn tâm thế của người làm khoa học không như vậy. Họ cũng làm, nhưng làm xong họ lại quay sang vấn đề khác để tìm hiểu. Và như vậy thì họ vẫn để lại dấu vết của mình.


Nói theo đúng kiểu của Đạo gia, thì kết luận trên thể hiện sự tai hại của việc hiển ngôn. Vì nói nhà khoa học quay sang vấn đề khác là không xả rác cũng không đúng, mà nói họ xả rác cũng không đúng. Lý do họ quay sang làm vấn đề khác vừa có thể nói là dành việc của Tự nhiên, vừa có thể nói đó là việc Tự nhiên dành cho họ. Khám phá thì cứ khám phá thôi, chẳng cần phải có lý do gì cả. Có những vấn đề cứ phải mày mò như vậy mới có kết quả. Cứ làm đi, rồi Tự nhiên sẽ đưa ta đến những điều không ngờ tới.

Triết lý của ông ấy đã cho ra một nguồn thực phẩm ngon lành hơn, và giải quyết được vấn đề lương thực ở nhiều đất nước. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các công nghệ năng lượng mới như quang năng, phong năng, địa năng, và sự trợ giúp của AI, năng lượng sẽ được sản xuất và phân phối một cách hiệu quả hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ là với những công nghệ đó, không có lý do gì để không nói là con người đang giao cho tự nhiên làm việc. Người sử dụng chúng vẫn có thể tham lam, nhưng sự tham lam đó khó mà bắt bẻ hơn nữa, vì chúng rất xanh. Con người vẫn có thể tiêu xài thả ga mà vẫn thân thiện với môi trường. Sự khác biệt giữa họ với một người thực sự chọn thuận Tự nhiên có thể không còn nhiều. Có lẽ lúc đó nó chỉ là làm phong phú thêm tinh thần của con người, giống như môn bắn cung hoặc đấu kiếm ngày nay vậy.

Mỗi lần định đưa ra giải pháp cho một vấn đề nào đó, đặt câu hỏi “để làm gì?” mười lần

Việc tìm đến gốc rễ để giải quyết vấn đề không có gì mới. Vấn đề ở đây là người ta chỉ đặt câu hỏi được một hai lần rồi quên. Còn ông ấy thì muốn lúc nào cũng phải đặt câu hỏi như vậy. Và quả thực là nếu không làm như vậy, thì giải pháp đưa ra chỉ là tình thế, xử lý triệu chứng.

Nhưng đặt câu hỏi vậy hoài cũng mệt quá; ông ấy đưa ra cách đặt câu hỏi hay hơn: tại sao không nghĩ là mình lúc nào cũng đang sai? Vì luôn giả định là mình đang sai trước khi áp dụng bất cứ giải pháp nào, nên ông ấy có ngay cách để lần ra hướng giải quyết nhanh nhất: dùng trực giác nắm bắt hình dạng nguyên thuỷ của tự nhiên (116). Người làm khoa học khác ông ấy ở chỗ họ không tích hợp (cooperate) cái ý nguyên nhân nằm ở con người vào công việc của họ. Họ biết là nó quan trọng, nhưng họ không nhận thức đủ tầm quan trọng của nó. Họ chỉ cân nhắc ý đó một cách thoáng qua lúc đầu thôi, rồi sau khi có một đáp án nào đó, họ lại quên tích hợp nó vào bước suy luận kế tiếp của mình.

Cách quay về Tự nhiên khi đang sống trong thế giới khái niệm

Lướt qua những điều ở trên, ta sẽ thấy đây chỉ là vấn đề về trí nhớ: họ chỉ xa rời gốc rễ khi họ quên đi những điều này, và sẽ trở về gốc rễ khi họ nhớ chúng. Vậy, nếu vấn đề chỉ là quên và nhớ, và nếu quả thật bản thân hệ thống triết lý của hai bên là tương đồng và không mâu thuẫn nhau như đã nói ở các phần trước, thì tôi nghĩ mọi sự khác biệt đều bắt nguồn từ quá trình trí nhớ (memory) mà thôi. Nhà khoa học thì chọn giao phó trí nhớ của mình cho người khác để giải phóng trí nhớ của mình, còn ông ấy thì chọn luôn nhớ chúng. Có lẽ đó là nguồn cơn của mọi hiểu nhầm, mọi chỉ trích lẫn nhau.

Tôi chưa đọc triết học nhiều đủ để nói về bất cứ điều gì, nhưng tôi nghĩ nguồn cơn của mọi sự khác biệt về quan điểm bắt đầu từ đây. Đứng trước một giới hạn về việc xử lý nhiều thông tin cùng một lúc, ta buộc phải chọn ra một vài thông tin trong số đó để suy ngẫm, và tạm gác những thông tin còn lại. Đến lúc xử lý xong thì những thông tin chưa được chọn lại bị quên mất. Nên thành ra mỗi bộ thông tin khác nhau sẽ cho một hệ giá trị khác nhau.

Tại sao người ta lại phải xây dựng một thế giới toàn khái niệm? Vì họ cần quản lý bộ nhớ của mình. Một khái niệm mới được sinh ra sẽ làm giảm số thông tin cần phải nhớ, nên họ mới có đủ chỗ trống để xử lý thông tin khác. Chứ chỉ nói sống trong thế giới của khái niệm là xa rời gốc rễ thì cũng khó thuyết phục.

Nên phải chăng chỉ cần nhớ lại những điều cơ bản đó, thì ta sẽ quay trở lại Tự nhiên?

Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.

Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.

Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?

Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:

1

Hỗ trợ 1-1 cho thành viên

2

Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động

3

Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Bấm sao để đánh giá nha!

Đánh giá trung bình: 3 / 5. Số lượt đánh giá: 2

Nếu bạn thấy bài này hữu ích

Bạn bè bạn cũng có thể thấy nó hữu ích

Mình rất tiếc nếu bạn thấy bài không có giá trị

Xin hãy nói cho mình biết phải cải thiện ở đâu

Leave a Reply