Sao mà hỏi lắm thế?

Categorized as Tò mò, lạc quan, tin tưởng, thong thả

Từ việc tò mò như là một hành vi khám phá bẩm sinh cho đến việc đặt câu hỏi để suy tư và chiêm nghiệm là một bước tiến dài trong sự tiến hoá về mặt nhận thức. Bất cứ con mèo con nào cũng đều sẽ ngửi ngửi những thứ lạ lẫm đối với nó, nhưng không phải ai cũng hằng ngày chất vấn bản thân cũng như cách thực tại trình diện lên trong tâm trí mình. Việc đặt câu hỏi không chỉ là để có câu trả lời, mà còn là để thấy rằng những gì mình biết có thể sai, và để tạo cơ hội để mọi người cũng có thể suy nghĩ thêm về những gì họ đã biết. Và chính việc giữ cho đầu óc của mình như con nít, nhìn đâu cũng thấy điều thú vị, đụng đâu cũng có thể đặt câu hỏi, sẽ giúp bạn kết nối được với đứa trẻ bên trong. Trên phương diện sinh học, việc có những đặc tính của thời thơ ấu khi bạn đang ở độ tuổi trưởng thành cho thấy bạn đang ở trạng thái nhi hoá.

Bạn có biết?

Nhi hoá (hoặc ấu hoá, neoteny) là hiện tượng trì hoãn sự phát triển của một số bộ phận để con trưởng thành vẫn giữ lại một số đặc điểm của con non. Ví dụ, ở đa số các loài chim thì chim non mới nở ra sẽ có cánh ngắn, nhưng khi trưởng thành thì cánh sẽ dài ra. Nhưng ở những loài chim không bay được như đà điểu thì cánh vẫn ngắn như thời còn non, nên những loài chim này có sự nhi hoá ở cánh. Ở con người, một số đặc điểm được xem là nhi hoá so với các loài linh trưởng họ hàng khác như tinh tinh là: mặt phẳng hơn, không mọc nhiều lông (đặc biệt ở trên mặt), thể tích hộp sọ lớn hơn, khả năng học tập kéo dài cho đến cuối đời, .v.v

Neoteny_in_humans
Các giai đoạn phát triển của sọ người và tinh tinh từ lúc còn là sơ sinh cho đến khi trưởng thành

Sự nhi hoá được xem là một trong những chìa khoá quan trọng tạo ra sự tiến hoá vượt trội của con người. Ví dụ như việc không có lông trên mặt cho phép con người có thể đọc cảm xúc của nhau tốt hơn, thể tích hộp sọ lớn hơn cho phép não lớn hơn. Đặc biệt, khả năng có thể tiếp tục học tập trong suốt cuộc đời chứ không dừng lại sau khi đạt tuổi trưởng thành dường như chỉ thấy ở con người.

Việc đặt câu hỏi và nuôi dưỡng sự tò mò là một điều đáng quý, và đã có hằng hà sa số những bài viết khuyến khích những điều đó. Thế nhưng cũng chính những bài viết đó cũng than thở là điều đáng quý này cứ rơi rụng dần đi khi người ta lớn lên, và hiếm ai đi đến tận cùng được với nó. Nhiều người có lẽ sẽ trả lời rằng vấn đề là vì ai cũng phải lo toan câu chuyện cơm áo gạo tiền. Điều này có lẽ không sai, nhưng phải chăng chỉ là như thế? Hay phải chăng là do mỗi lần họ thử đặt câu hỏi thì người khác lại thấy khó chịu với nó, nên thôi họ không hỏi nữa để được yên thân?

Ở đây tôi thử trình bày một số loại câu hỏi mà khi hỏi ra người khác sẽ thấy khó chịu với nó, vì sao việc hỏi chúng là quan trọng, và chúng ta nên làm gì trong tình huống này. Có đôi chỗ tôi cũng còn hơi lăn tăn với lập luận của mình, nhưng chưa nghĩ ra được gì thêm, nên cứ tạm để đây để mọi người góp ý cho hoàn thiện.

Khi câu hỏi chỉ cần google phát là ra

Sự tập trung của chúng ta chỉ có một khoảng nhất định, và ta sẽ chỉ có thể làm thứ quan trọng nhất. Nếu ta ráng làm cái khác, thì một cơn nhức đầu sẽ kéo thôi thúc ta nhanh chóng bỏ cuộc để quay trở lại làm điều dang dở. Bạn có thể trải nghiệm cơn nhức đầu này mỗi khi đang tập trung làm một việc gì đó mà có tiếng điện thoại reo.

Thông thường, những thứ ở trên sẽ bị coi là sao nhãng, và được khuyến khích loại bỏ để đảm bảo sự tập trung. Tuy nhiên, có những loại công việc tuy không liên quan đến công việc bạn đang cần tập trung, nhưng lại quan trọng để hoàn thành nó. Một ví dụ điển hình nhất là ta cần phải dừng công việc lại để hỏi ý kiến ai đó, hoặc vì gặp phải một kiến thức hoặc cần phải học một kỹ năng mới. Có những lúc nếu không hoàn thành những thứ đó, ta sẽ không thể hoàn thành được công việc hoặc làm nó kém hiệu quả. Nhưng nếu hoàn thành nó, thì nó lại là một sự sao lãng.

Quay trở lại vấn đề, những câu hỏi được đánh giá là chỉ cần google phát là ra thường có đặc điểm là những câu hỏi mang tính định nghĩa, nhưng nếu không có đáp án thì thứ ta đang tiếp thu dang dở sẽ trở nên khó hiểu. Nó không khác gì việc đọc một bài tiếng Anh mà gặp một từ khó hiểu vậy.

Hãy thử đọc một đoạn văn chứa một từ bạn chưa biết rồi thử xem chuyện gì sẽ xảy ra?

He never tells the truth, he always keeps on being ostentatious.

Xong rồi bạn đi tìm định nghĩa của từ ostentatious thì bạn được cái định nghĩa này:

marked by or fond of conspicuous or vainglorious and sometimes pretentious display

Merriam – Webster

Arggg! Đã không biết ostentatious là gì thì chớ, giờ bạn còn phải tra xem conspicuous, vainglorious pretentious là gì! Sức chịu đựng của trí nhớ ngắn hạn (working memory) của bạn là có hạn, và nếu chỉ lướt một hai kết quả đầu mà vẫn không biết rốt cuộc nó là cái gì, thì một cơn đau sẽ kéo đến ở bên trong vùng đầu gần trán của bạn. Và ngay cả khi bạn google phát là hiểu ngay, thì khi quay lại thì cái flow, cái mạch đọc của bạn cũng đã bị gián đoạn. Bạn hiểu rằng chất lượng đọc hiểu của bạn đang bị giảm sút vì mình làm nhiều việc cùng lúc.

Giải pháp tối ưu cho vấn đề này, hiển nhiên, là hãy biết sẵn từ này trước khi đọc văn bản. Nhưng điều đó, rõ ràng, là không khả thi. Bạn không thể biết trước một cái gì khi mà đây là lần đầu tiên bạn gặp nó. (Đây cũng chính là lý do vì sao bạn nên học từ vựng trước.) Giải pháp khả thi cho vấn đề này, là khi tra google kết quả đầu tiên cho bạn biết đáp án là gì luôn. Nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Có thể đó vẫn là khái niệm thoả mãn tiêu chí google phát là ra, nhưng miễn là trong vòng một vài giây mà bạn vẫn chưa hiểu được câu trả lời, thì có lẽ về mặt nhận thức trong thời điểm đó nó ngang hàng và bình đẳng với những câu hỏi hóc búa khác.

Tức là giải pháp tối ưu thì không khả thi, còn giải pháp khả thi thì lại không đạt yêu cầu. Nếu muốn đảm bảo việc xử lý đa nhiệm này không xảy ra, bạn cần tìm thông tin ở một nguồn còn đáng tin cậy hơn cả Google, mà ở đó luôn đảm bảo là bạn chắc chắn sẽ hiểu câu trả lời trong vòng một vài giây. Nguồn đó, không ở đâu khác, chính là những người đã biết câu trả lời rồi. Nó cũng giống như việc mặc dù bạn vẫn có thể đọc bản hướng dẫn sử dụng, nhưng việc có người hướng dẫn bạn thao tác vẫn hiệu quả vậy. Tôi đồ rằng việc có sự giao tiếp xã hội bản thân nó cũng khiến cho việc xử lý đa nhiệm nếu buộc phải xảy ra cũng nhẹ nhàng hơn.

(Đây cũng chính là lý do tại sao nhiều người mắc các bệnh văn phòng như viêm loét dạ dày, thoái hoá cột sống, v.v. Cơ thể hẳn đã báo hiệu sự bất ổn cho người bệnh từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác, nhưng não của bệnh nhân đã lờ đi những cảnh báo đó, bởi vì khi công việc vẫn còn chưa xong thì việc quan tâm đến chúng thực sự là rất nhức đầu. Khi bạn đang ở trong trạng thái tập trung cao độ, thì cá ngừng lội, chim ngừng bay, Trái đất ngừng quay, còn bạn thì mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Bạn hoàn toàn phụ thuộc vào việc có người hỗ trợ bạn những công việc quan trọng khác hay không, chứ bạn thì bất lực.)

Nếu đến cả tín hiệu trong cơ thể còn trở nên không quan trọng, thì bạn làm gì có cửa nào để đi google nữa. Nói cách khác, việc được hỏi những câu hỏi có thể google phát là ra hoá ra quan trọng hơn chúng ta tưởng nhiều. Việc hỏi những câu như vậy giờ đây thể hiện ý thức biết chăm sóc cho sức khỏe tinh thần của bản thân. Môi trường làm việc nào biết yêu quý vùng vỏ não trước trán của nhân viên, môi trường đó sẽ là nơi có năng suất lao động cao hơn hẳn.

Khi câu hỏi quá hiển nhiên đến mức không cần phải trả lời

Lightning-tree-detail

The difference between the almost right word and the right word is really a large matter – ’tis the difference between the lightning-bug and the lightning.

— Mark Twain

Khi một tia sáng loé lên trong tâm trí của bạn, một ý tưởng hay đang manh nha xuất hiện. Ý tưởng đó vẫn còn mơ hồ, và bạn cần phải làm nó rõ ràng hơn bằng cách kiếm từ để miêu tả nó. Nếu cần bạn có thể viết lại nó ngay lập tức, nhưng nó chỉ là những từ chung chung mà bạn cũng không thoả mãn. Mỗi lần bạn tìm từ chọn chữ, đổi câu đảo cú để triển khai ý tưởng của bạn dưới dạng ngôn ngữ là mỗi lần bạn khám phá lại chính cái ý tưởng mà bạn vừa nghĩ ra. Chỉ sau khi cái câu để miêu tả nó được ổn định rồi thì bộ nhớ của bạn mới có thể lưu trữ nó tốt được, và bạn mới có thể truyền đạt lại nó cho người khác.

Việc bạn phải khám phá lại chính cái ý tưởng của mình có đồng nghĩa với việc bạn cũng chẳng biết ý tưởng của mình là gì hay không? Ý tưởng có trước hay sự triển khai ngôn ngữ có trước? Đây chính là một nghịch lý trong triết học ngôn ngữ: nghich lý triển ngôn (paradox of articulation)

Song song với chuyện tìm từ phù hợp để miêu tả ý tưởng, bản thân ý tưởng đó cũng cần được kiểm nghiệm lại để xem có hợp lý chưa. Trước khi nêu lên quan điểm của mình thì cũng hãy xem thử xem mình có lỗ hổng ở đâu không. Vấn đề là, cũng tương tự như tình huống ở trên, việc làm song song hai việc sẽ làm cho hiệu quả bạn làm ở cả hai bị kém đi. Khi bạn đang thử kiểm nghiệm lại nó, thì những từ cần thiết để triển khai mà bạn cũng vừa nghĩ ra và chưa kịp ghi lại xuống cũng sẽ dễ bị trôi mất.

Đó là chưa kể là cứ giả sử như bạn đã viết lại được ý tưởng của mình xong xuôi rồi, và giả sử luôn như bạn đã ghi chép lại nó rồi, thì nó chỉ nằm trong ghi chép của bạn thôi, chứ từ ngữ chính xác trong đầu bạn cũng sẽ bị quên. Có khi bạn còn không nhớ mình đã ghi chú lại ý đó ở đâu. Nếu không thể tìm được ghi chép đó trong một vài giây, thì bạn cũng sẽ lúng túng như gà mắc tóc.

Nên những gì bạn có thể nói ra cũng chỉ là những thứ khá chung chung, mặc dù bạn biết ý tưởng thực sự của bạn còn sâu hơn thế. Nói cách khác, bạn đang nói một đằng nghĩ một nẻo. Nếu nó là ở dạng câu hỏi, thì nhiều khi hỏi xong bạn cũng thấy mình hỏi dở. Có lẽ sự phản tư khiến cho quá trình hoàn thiện ý tưởng trở nên mỏng manh hơn. Một câu hỏi quá hiển nhiên đến mức không cần phải trả lời có thể xuất phát từ tinh thần dám giả định mình sai, dám đi tìm bằng chứng để phủ định câu trả lời của mình. Thật trớ trêu khi cái nỗ lực để đặt một câu hỏi hay được đền đáp bằng một câu hỏi hiển nhiên đến mức không cần phải trả lời.

Nhưng việc hỏi dở cũng giúp bạn bù đắp lại phần nào: việc được tái chứng kiến sự không thoả mãn của mình với ý tưởng cũ sẽ làm cái tia sáng vừa loé lên nhưng lại tắt ngúm đó mới loé lên thêm lần nữa. Việc được nói ra câu hỏi dở đó sẽ giúp bạn thu thập được những từ cần thiết để triển khai ý tưởng của mình. Chỉ cần chỉnh một vài từ thôi thì một câu hỏi hiển nhiên sẽ trở thành một câu hỏi sâu sắc.

Tôi thấy việc tự phản bác lại bản thân chỉ có thể đạt được hiệu quả sau khi viết ra

The sentence in my mind

Ở trên là nói về phương diện người hỏi. Vậy còn đối với người trả lời thì sao? Một câu hỏi chất vấn một điều mà ai cũng cảm thấy là hai năm rõ mười đương nhiên sẽ làm người trả lời cảm thấy nó thật thừa thãi. Nhiều lần, khi tôi cho rằng một câu hỏi nào đó là hiển nhiên, tôi mới giật mình là hoá ra nó không hề hiển nhiên đến mức đó. Một khái niệm có thể rất đơn giản nhưng nếu đào sâu hơn sẽ thấy nó cũng có nhiều cách hiểu. Còn nếu đã lỡ cho rằng mình đúng rồi, thì lại càng phải đi tìm bằng chứng để phủ định niềm tin của mình. Tinh thần phản tư nằm ở việc ta có thể hoài nghi với những điều mình luôn cảm thấy hiển nhiên được hay không. Tôi luôn cảm thấy sau khi vượt qua được sự ngán ngẩm ban đầu khi phải trả lời chúng luôn là một phần thưởng cho việc phát hiện ra hoá ra thứ mình thấy là hiển nhiên lại mơ hồ vô cùng. Việc cảm thấy một câu hỏi quá hiển nhiên đến mức không cần phải trả lời, tôi nghĩ rằng đó là một thái độ nguy hiểm.

Còn nếu sau khi đã nghĩ kỹ xong vẫn thấy nó đúng thì sao? Thì mình lại có thêm một lần xác thực được là mình chưa sai.

Bạn có biết?

Matt Calhoun trên diễn đàn Mathematics Stack Exchange có kể một câu chuyện về Pauli, một trong những nhà vật lý lý thuyết quan trọng của thế kỷ 20, như sau:

Giáo sư cơ học của tôi (G. Horton) có từng tham gia một bài giảng của Pauli. Pauli có một phong cách giảng bài rất nhanh và hối hả; ông thường hay quay lưng lại với lớp và nói chuyện với cái bảng. Một ngày nọ một sinh viên cắt ngang lời ông và nói “xin lỗi giáo sư nhưng tôi không hiểu bước này của thầy…” Pauli trả lời ngay lập tức “ô, nó hiển nhiên mà!”. Nhưng sinh viên đó vẫn không thoả mãn với lời giải thích này và bắt đầu nói kỹ hơn về vấn đề anh ta gặp phải. Pauli lắng nghe câu hỏi của anh ta rất chăm chú. Sau khi nghe xong, Pauli chưa trả lời ngay mà đi đi lại lại trong một lúc, đi ra tới cả ngoài hành lang. Một lúc sau ông quay lại và bảo:

– OK, tôi đã nghĩ về điều đó, và nó đúng là hiển nhiên thật

Và sau đó ông quay lại giảng tiếp phần còn đang dang dở.

Khi câu hỏi không rõ cần câu trả lời để làm gì

Sự hữu ích, có lẽ cũng giống như cái đẹp, phụ thuộc rất nhiều vào người nhìn nhận. Cùng một ý tưởng có người sẽ thấy nó chấn động tâm can, có người lại thấy nó không khác gì là hoang tưởng. Nên việc một người cảm thấy câu hỏi không biết để làm gì, thậm chí là vô nghĩa, không có nghĩa là người khác cũng thấy thế. Họ không cảm thấy vậy vì có thể là họ chưa đủ nền tảng để hiểu nó có những tiềm năng gì.

Hoặc đó cũng có thể là vì người đặt câu hỏi hoàn toàn có thể cho bạn điều bạn cần, nhưng họ không vội cho bạn điều đó, mà đang dẫn dắt bạn để bạn tự lấy được thứ bạn cần. Họ cho bạn cần câu, chứ không cho bạn con cá.

Đó là chưa kể, chúng ta luôn truy cầu mọi thứ nhất định phải có một lý do. Có lần, khi tôi bị đối chất rằng câu hỏi của mình không biết để làm gì, tôi bắt đầu đi tìm lý do hợp lý cho việc hỏi nó. Về sau tôi nghĩ lại, thực ra là tôi sợ là câu trả lời thực sự của mình không được chấp nhận mà thôi. Vì sự vô nghĩa đang bị phê phán, nên việc nói rằng câu hỏi đó từ đầu là vô nghĩa hiển nhiên sẽ không được chấp nhận rồi. Nhưng rồi tôi nhận ra mình cũng chẳng cần phải lo sợ gì cả. Có những khi những chuyện không quan trọng và không khẩn cấp lại xứng đáng có vị trí ngang hàng với những thứ quan trọng và khẩn cấp. Chúng cho phép những thứ ngẫu nhiên được lọt vào trong sự bận rộn của chúng ta, giúp ta khám phá được những thứ mà ta không nghĩ là mình cần biết, và gợi ý giải pháp cho những thứ quan trọng hơn. Có những thông tin ban đầu ta cũng không biết nó được dùng để làm gì, nhưng mãi lâu sau ta mới thấy được sự cần thiết của nó. Có lẽ nếu chỉ đặt một câu hỏi để có câu trả lời thì ta không tận dụng hết được tiềm năng của việc đặt câu hỏi. Tự đặt ra các câu hỏi ngớ ngẩn chính là cách bạn học lại những gì mình tưởng là mình đã hiểu rõ.

Bạn có biết?

Năm 1969, khi điều trần trước Ủy ban liên hợp của Thượng viện Mỹ về năng lượng hạt nhân, trả lời câu hỏi liệu vật lý năng lượng cao có giá trị gì đối với việc bảo vệ quốc gia hay không, Robert Wilson, giám đốc FermiLab – viện máy gia tốc hạt năng lượng cao nhất thế giới lúc bấy giờ, đã nói: “Nó chẳng dính dáng gì trực tiếp đến bảo vệ quốc gia, ngoài việc làm cho quốc gia đáng được bảo vệ.”

Khi chỉ hỏi ý kiến của người khác mà không đưa ra ý kiến của bản thân trước

Chúng ta sống trong một bể nghĩa. Chính vì như thế, nên với những chủ đề nhạy cảm, có thể tạo ra sự sợ hãi không đáng có (tình trạng phải đạo chính trị), chúng ta cần phải hiểu được quan điểm của đối phương thật kỹ lưỡng. Việc tập trung vào hỏi họ sẽ giúp chúng ta làm được điều đó. Đây không chỉ là để bảo vệ bản thân chúng ta, mà đồng thời cũng là để bảo vệ chính họ.

Nếu luận điểm của ta mạnh, thì ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi để họ tự nhìn ra được mâu thuẫn của bản thân. Nếu họ có mâu thuẫn trong lập luận, thì chẳng phải để họ tự nhìn ra điều đó, theo đúng cách của họ, vẫn tốt hơn sao? Họ là người hiểu rõ bản thân mình nhất, và bạn còn nhiều thứ phải học hỏi họ nhiều. Còn nếu luận điểm của ta yếu, thì việc đặt câu hỏi là cơ hội để ta nhìn ra được mâu thuẫn của bản thân. Muốn chứng minh rằng mình đúng thì hãy cố hết sức để chứng minh mình sai trước. Sự phản tư được thể hiện thông qua việc đi tìm bằng chứng để phủ định niềm tin của mình. Rất nhiều lần tôi định đưa ra ý kiến cá nhân, và cũng rất nhiều lần tôi cảm thấy may mắn vì mình đã không làm thế. Với tôi, những gì mình nghĩ không quan trọng bằng những gì đối phương nghĩ. Thông qua sự giả định này thì mình mới thực sự muốn lắng nghe họ, và thấy rằng những gì mình nghĩ đúng thật là chẳng có giá trị gì. Khi bạn lấy việc nhìn ra cái sai của bản thân làm niềm vui, thì bạn không còn màng đến chuyện thuyết phục người khác theo quan điểm của bạn nữa. Bạn sẽ chỉ tò mò với quan điểm đối phương mà thôi. Việc đặt mình vào vị trí của người khác cũng bắt đầu từ việc hỏi họ, chứ không phải việc đưa ra quan điểm cá nhân. Tôi thấy rằng mình luôn có thể biến một câu khẳng định thành một câu hỏi, và việc chưa làm được điều đó cho thấy bản thân mình còn dở. Nên tôi luôn tự thử thách bản thân để làm điều đó, và thấy rằng nếu phải đưa ra luận điểm thì là còn chưa làm hết sức mình. Còn với những lần tôi không làm thế, thì tôi lại nhanh chóng nhận ra sự tai hại của việc này.

Khi việc đặt ra những câu hỏi không quan trọng là quan trọng

Một quan niệm thường gặp là nếu câu hỏi không quan trọng với ta thì ta sẽ không tốn công tìm hiểu. Tôi cho rằng suy nghĩ này đang nhầm lẫn giữa sự quan trọng và sự ưu tiên. Một công việc có được ưu tiên hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ví dụ như:

  • Hạn chót của công việc này,
  • Hạn chót của những công việc khác,
  • Mức độ thiệt hại nếu trễ hạn chót,
  • Mức độ sẵn sàng của nguồn lực,
  • Tần suất xuất hiện của vấn đề,
  • Mức độ rõ ràng của vấn đề,
  • Thời gian ước lượng để giải quyết xong vấn đề
  • Mức độ liên hệ của công việc này tới những công việc khác (hay độ quan trọng)
  • v.v.,

Ta có thể thấy tầm quan trọng chỉ là một trong những yếu tố quyết định độ ưu tiên mà thôi. Chính vì như vậy nên có những vấn đề không quan trọng nhưng ta vẫn có thể dành thời gian cho nó, và có những vấn đề rất quan trọng nhưng mãi mà ta vẫn chưa thể ưu tiên. Chúng ta lúc nào cũng có một danh sách 50 thứ cần phải làm, nhưng chúng ta chỉ có thể ưu tiên chọn một thứ. 49 thứ còn lại chỉ là những thứ dự định làm mà thôi. Việc không đi giải quyết chúng sẽ gây ra nhiều khổ sở, mà đi giải quyết ngay cũng khổ sở không kém. Thậm chí có những thứ tốn rất ít thời gian và hoàn toàn nằm trong tầm tay, nhưng trăng tàn nguyệt tận mười mấy hai chục lần ta vẫn không có tâm trí để làm. Sự đau khổ này cứ kéo dài cho đến một ngày bạn chợt bàng hoàng nhận ra là bạn đơn giản là không có khả năng làm nó, và bạn chỉ còn nước há miệng chờ sung, đợi người khác dọn giải pháp sẵn mà thôi.

Sự đau khổ của bạn sẽ còn tăng lên gấp bội nếu xét đến định luật Hofstadter: “Mọi thứ sẽ luôn tốn thời gian hơn bạn nghĩ, kể cả khi bạn đã tính đến định luật Hofstadter.”

Vẫn biết rằng ai cũng có việc ưu tiên phải làm, và ai cũng phải chịu nhức đầu khi phải làm việc kém ưu tiên hơn, nhưng ở đây vẫn có một sự bất đối xứng: ít nhất là người có kiến thức không phải chịu sự khổ sở về vấn đề mà người không có kiến thức đang phải chịu. Sự bất đối xứng đó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, tạo ra sự chênh lệch về quyền lực. Tôi cho rằng, nhiều bất ổn trong xã hội đến từ việc chúng ta không bao giờ có tâm trí để làm những việc ưu tiên nhì, ưu tiên ba.

Một câu hỏi khác có thể được đặt ra: ừ thì đồng ý là muốn có câu hỏi hay thì không dễ, nhưng tại sao không đợi đến khi mình đã có câu hỏi hay rồi hãy hỏi? Vấn đề là, có thể có những lúc bạn sẽ cảm thấy đây là cơ hội duy nhất để đặt câu hỏi. Sự trò chuyện có vẻ như là cách tốt để những thứ quan trọng hoặc khẩn cấp được ngắt đi trong một khoảng thời gian, là một dịp hiếm hoi để ta gác lại những gánh lo, để những thứ không quan trọng, không khẩn cấp bằng được nổi lên trên. Nên một khi sự tương tác trực tiếp không còn nữa, thì bạn cũng không còn dịp để giải quyết những thứ kia. Diễn đàn để hỏi đáp thì đầy ra đấy, nhưng bạn cũng không thể ưu tiên được. Và dù diễn giả có bảo là sẽ dành thời gian trao đổi riêng với bạn, thì vì bạn cũng hiểu là diễn giả cũng giống như bạn thôi, nên sự trao đổi đó sẽ kém hiệu quả rất nhiều (trừ phi đó là điều họ luôn mong ngóng nói cho người khác biết).

Nhân tiện, câu hỏi “tại sao ta không đợi đến khi mình đã có câu hỏi hay rồi hãy hỏi?” có thể một số người sẽ cảm thấy rất quan trọng, là câu hỏi chủ chốt, nhưng một số người khác sẽ cảm thấy không cần hỏi cũng biết câu trả lời.

Việc đánh giá chất lượng câu hỏi là những cảm nhận chủ quan. Thế nào là một câu hỏi hữu ích? Thế nào là hỏi một thứ hiển nhiên đến mức không cần phải trả lời? Thế nào là câu trả lời google phát là ra? Sẽ có những người không cảm thấy câu hỏi đó là vô ích, sẽ có những người không cảm thấy câu trả lời là hiển nhiên, và cũng sẽ có những người chỉ mong được hỏi những câu mà tự họ biết là google phát là ra nhưng lại không dám hỏi vì sợ bị nói là toàn hỏi những câu google phát là ra. Và ta cũng không thực sự biết được bên nào có số lượng nào nhiều hơn, để mà có thể nói là bên thiểu số nên tạm tuân theo bên đa số.

Có hẳn một bộ môn trong triết học chỉ để nghiên cứu vấn đề Chín người mười ý thế này. Tên của nó là thông diễn học (hermeneutics).

Cũng chính vì có những người giống mình mà ta không biết đó là ai, nên việc cứ đặt những câu hỏi như vậy ngoài việc để tìm câu trả lời cho bản thân còn có thể xem như là một cách để phát tín hiệu tìm những người cùng chung cảm nhận với mình. Việc cứ đặt một câu hỏi khơi khơi, kể cả khi không nhận được câu trả lời, cũng sẽ có lợi cho ít nhất một nhóm người. Người này không trả lời được thì người kia trả lời, và sẽ hiệu quả hơn việc tự đi tìm hiểu một mình. Nó có thể nảy ra một điều gì đó, là food for thought với một ai đó. Thậm chí với cả những người khó chịu với câu hỏi của bạn, có thể một thời gian sau họ mới nhìn thấy được tầm quan trọng của nó, có khi là vài năm sau.

Có vẻ như chúng ta không được thiết kế để hướng đến việc đặt một câu hỏi hay ngay trong lần thử đầu tiên. Chức năng của lập luận (reasoning) không hoàn toàn 100% là để tìm ra những kết luận mới mẻ từ những tiền đề có sẵn, mà còn là để hợp tác cùng nhau. Sự hợp tác sẽ xảy ra khi một trong hai bên có một lập luận thuyết phục được bên kia. Nhưng điều này cũng có nghĩa là, những lập luận chúng ta đưa ra ban đầu thường là yếu, và chỉ sau nhiều lần trao đổi thì chúng mới mạnh lên. Tại sao phải tiêu tốn tài nguyên nhận thức để tạo ra một lập luận mạnh, khi mà một lập luận yếu cũng đủ để chúng ta hợp tác cùng nhau? Chỉ khi xảy ra bất đồng quan điểm, thì lúc đó chúng ta mới cần đào sâu hơn vào lập luận của mình để khiến nó mạnh hơn, chi tiết hơn, sống động hơn.

Điều này cũng có nghĩa là, để có thể tạo ra được một câu hỏi hay nhất thiết phải bắt đầu từ việc trao đổi với nhau những câu hỏi dở. Ngay cả khi chúng ta bị phản ứng với những câu hỏi dở, thì bản thân việc nói cho họ nghe câu hỏi đó cũng có thể giúp ích cho chúng ta nhiều. Sự phản ứng đó sẽ buộc chúng ta nghĩ ra thêm những lý do mới để nó không hiển nhiên đối với họ.

👉 Xem thêm: Đạo không thể giải thích được qua sự độc thoại, nhưng có thể thấy nó được qua sự đối thoại

Phải làm gì khi việc ta sẽ làm sẽ tạo thêm gánh nặng cho người khác?

Không biết là bao nhiều lần mỗi khi tôi bắt đầu viết một câu hỏi, thì trong quá trình tìm kiếm tài liệu tôi tìm ra được câu trả lời thoả mãn chính mình. Một câu hỏi hay, tất nhiên đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu. Nhưng nếu ta chưa thể có thời gian tìm tòi, nghiên cứu, thì tôi cũng thừa nhận là nó cũng có thể đem đến sự khó chịu đến cho người đọc.

Việc bảo vệ tài nguyên nhận thức của bản thân không có gì là sai. Nhưng vấn đề là, ta không phải là người duy nhất cũng có giới hạn về tài nguyên nhận thức. Nhiều khi, việc bảo vệ tài nguyên nhận thức của mình có thể làm hại đến tài nguyên nhận thức của người khác. Việc trả lời cũng là một thứ tốn công, thậm chí còn tốn nhiều công hơn là mỗi một câu hỏi. Sẽ là không hay nếu đẩy quá nhiều gánh nặng sang cho họ, và càng không hay nếu cố tình làm điều đó. Chúng ta không ai muốn mình trở thành một con ma cà rồng bòn rút năng lượng và sự rộng lượng của người khác (Help Vampires) cả. Bản thân tôi cũng giống như tất cả mọi người thôi, cũng thấy mệt mỏi khi cứ phải nghe những câu hỏi dở. Một câu hỏi dở sẽ chiếm dụng thời gian cho những câu hỏi hay, còn một câu hỏi hay thì kích thích sự suy ngẫm hơn rất nhiều. Việc tìm kiếm thông tin trước khi hỏi vừa khiến cho bạn có thêm nền tảng để hiểu được câu trả lời, vừa khiến cho người được hỏi cảm thấy xứng đáng dành thêm thời gian cho bạn. Độ tin cậy của thông tin và mức độ thấu hiểu thông tin đó khi được nghe kể lại sẽ không thể nào bằng kiến thức mình tự tìm lấy có. Ngoài ra, việc đặt bản thân mình vào quan điểm của người khác khi mình chưa có quan điểm riêng sẽ khiến mình dễ bị cuốn theo những sai lệch trong tư duy của đối phương nếu không cẩn thận.

Tôi không nói việc đặt làm người khác mệt là một việc nên làm. Tôi chỉ nói về một hiện tượng không tránh khỏi. Bản chất của việc hợp tác xã hội không nằm ở mỗi chuyện làm nhẹ gánh nặng của nhau, mà còn là chuyện sắp xếp làm sao để có thể đẩy gánh nặng sang cho nhau mà không ai cảm thấy áy náy. Chỉ có như thế, ta mới có thể thông cảm và học được cách kiên nhẫn cho nhau. Ai cũng đề cao giá trị của sự phản tư, nhưng nếu ta chỉ hỏi những câu quan trọng thôi, thì sự phản tư mới chỉ dừng lại ở một bậc mà thôi. Để có thể phản tư triệt để, ta cần dám đặt những câu hỏi vô nghĩa, những câu hỏi ai cũng biết câu trả lời. Vì nhiều khi, việc đặt câu hỏi một cách bất chấp là tấm khiên cuối cùng bảo vệ chúng ta trước sự áp đặt của chính mình.

Trong tình cảnh đứng giữa hai điều bất lợi thì có lẽ ta nên chọn điều gây có hại hơn. Tức là lúc này bản chất vấn đề lúc này là xác định xem về tổng thể thì lợi ích và thiệt hại cái nào lớn hơn, để ta chọn cái này và đánh đổi cái kia. Tuỳ từng trường hợp, nếu bạn cảm thấy bạn đang chịu đựng khó khăn nhiều hơn thì hãy cứ tiếp tục đặt câu hỏi. Còn trong trường hợp bạn cần phải bảo vệ tài nguyên nhận thức của họ, thì bạn nên tự chủ động tìm câu trả lời. Nhưng chuyện này thực ra cũng khó nói, vì lại một lần nữa mỗi người có một cách diễn giải khác nhau. Mà nếu bạn không biết chắc sự diễn giải của họ là như thế nào, thì đây là tình huống thông tin không đầy đủ. Mà trong trường hợp đó, thì có lẽ cách tốt nhất là vẫn cứ làm điều bạn cảm thấy là phù hợp nhất vào thời điểm đó. Thà hành động với incomplete information còn hơn là rơi vào analysis paralysis.

Trường hợp bạn quyết định chọn tiếp tục hỏi, thì bạn cần chấp nhận sẽ làm họ khó chịu. Mặc dù một câu chuẩn bị tinh thần trước sẽ làm giảm sự khó chịu của họ đi rất nhiều, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đạt được. Bởi vì để nói được câu chuẩn bị đó thì bạn cũng phải triển ngôn, hoặc bởi vì bạn cũng không ngờ là họ sẽ thấy nó khó chịu. Trong trường hợp đó thì chắc là bạn cũng không cần cảm thấy quá áy náy, vì bạn cũng đã cố gắng làm thứ tốt nhất trong khả năng của bạn rồi. Có một điều mà tôi thấm thía trong những năm vừa qua, đó là việc càng cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác, thì có một khả năng nào đó nỗ lực của bạn sẽ bị phản tác dụng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Anh có câu thành ngữ: “You are damned if you do and you are damned if you don’t”. Tại sao ư? Tại vì for every proverb there is an opposite one. Hãy nghĩ đến những chính trị gia khi phải ký những quyết định gây ảnh hưởng cho không biết bao nhiêu người mỗi ngày, và bạn sẽ thấy sự chỉ trích mà bạn nhận được chẳng là gì so với họ cả.

Người đọc hỏi cũng hoàn toàn có thể chỉ trả lời những câu hỏi mà họ thấy cần trả lời. Trước giờ chúng ta vẫn luôn chấp nhận chuyện không trả lời câu hỏi với lý do là không có thời gian để trả lời. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận lý do này, thì tôi chưa thấy tại sao chúng ta lại không chấp nhận chuyện đặt câu hỏi cũng với lý do là không có thời gian để đào sâu.

Nhưng có lẽ cách để giải quyết chuyện này có lẽ là hãy làm cho những gì bạn thu nhận được từ việc hỏi luôn làm họ cảm thấy hứng thú, để họ có niềm tin là sự mất công của họ sẽ được đền đáp, và từ đó có động lực để tiếp tục trả lời những câu hỏi của bạn. Đó là cách để bạn cảm ơn họ cho những sự mất công mỗi lần họ giải đáp cho bạn. Nhưng hay hơn cả, là hãy trở thành một người đáng để họ lắng nghe. Khi mong muốn được hỏi ý bạn được xuất hiện bên trong người họ, thì đó là lúc sự tò mò trong họ được thắp lên. Trạng thái cao nhất của tinh thần tò mò có lẽ là lan toả được sự tò mò đó đến với người khác.

Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.

Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.

Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?

Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:

1

Hỗ trợ 1-1 cho thành viên

2

Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động

3

Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Bấm sao để đánh giá nha!

Đánh giá trung bình: 1 / 5. Số lượt đánh giá: 1

Nếu bạn thấy bài này hữu ích

Bạn bè bạn cũng có thể thấy nó hữu ích

Mình rất tiếc nếu bạn thấy bài không có giá trị

Xin hãy nói cho mình biết phải cải thiện ở đâu

Leave a Reply