Hôm nay mình đề cập đến từ khóa đang rất hot hiện nay: Ngụy biện. Bài này có thể động chạm, tổn thương tới các fan của Ngụy biện.
Nổi lên mới gần đây khoảng 3 tháng, trang phân tích “Ngụy biện – Fallacy” của TS. Phan Hữu Trọng Hiền bỗng nhiên nổi như cồn, với cẩm nang nhận diện các lỗi ngụy biện trong tranh luận. Nó như bửu bối gọn nhẹ, bỗng dưng nhìn đời khác hẳn, nhìn đâu cũng thấy… ngụy biện, nhìn đâu cũng thấy như mình thấu được “ruột gan” của đối phương. Và nó dẫn tới hiện tượng “lậm ngụy biện”.
“Ngụy biện rồi!”
“Comment của bạn đã mắc phải ba lỗi ngụy biện”
“Đọc về ngụy biện đi rồi hẵng nói chuyện tiếp bạn ơi”…
Haiz, nghe chuyện phải trái đúng sai tự mình có chủ kiến được, tình cảm yêu ghét xúc động giận dữ cũng tự mình cảm nhận được, tự nhiên giờ cứ chăm chăm vào phân tích lỗi ngụy biện?
Ngụy biện là một nội dung mình học từ hồi đại học, thú vị, nhưng mình chưa bao giờ sử dụng nó để “kết tội” người đang tranh luận cả. Mình sử dụng nó để tìm ra cách suy nghĩ có cơ sở, và không tấn công cá nhân người khác.
Công việc của mình liên quan nhiều tới vận động chính sách LGBT, thuyết phục bằng lý lẽ, có thể nói là “làm bạn với định kiến” và ngụy biện, nên yêu cầu sử dụng lập luận phải hiệu quả, có lý lẫn có tình. Và lời khuyên của mình là đừng nói ai đó là ngụy biện nếu bạn muốn tranh luận hay thuyết phục họ, đó sẽ là kết thúc của mọi đối thoại.
Một người sử dụng ngụy biện, thường là một quá trình tự nhiên, không ý thức họ đang cố “bẫy” người kia. Một người khi nói rằng “hôn nhân đồng tính sẽ gây ra tiệt chủng vì mọi người đồng tính hết”, họ không ý thức được họ đang khái quát hóa vội vã, đang kết luận ẩu hay gì cả; mà vì họ đang che đậy những ẩn thức sợ hãi và cấm kỵ trong mình, hay đang cố bảo vệ những niềm tin nội tâm và ký ức của mình.
Biết và chỉ ra họ đang ngụy biện không khiến bạn thành công. Mà phải biết về quá khứ của họ, câu chuyện của họ, những gì đã tạo nên họ, mới có thể hiểu và phản hồi lại những lời “ngụy biện” đó, và chọn đúng chìa khóa để mở ra cánh cửa đi vào đối thoại với họ. Chỉ ra ngụy biện chưa bao giờ được coi là một phương pháp tranh luận. Chỉ ra ngụy biện không khó, buộc họ nhận ra ngụy biện cũng không khó, nhưng vô nghĩa.
Cho nên nếu các bạn thấy việc làm thám tử ngụy biện truyền cảm hứng mạnh mẽ cho mình, rất tốt, hãy nghiên cứu thêm nữa. Và sau đó hãy quên hết đi và bước vào đối thoại, tranh luận với tinh thần cởi mở, bạn có thể nhếch mép cười trong tâm trí khi phát hiện ra lỗ hổng gì đó trong tranh luận của đối phương, nhưng hãy nở nụ cười khoan thai của một người đã biết cách làm chủ cuộc chơi của đối thoại.
Tác giả: Lương Thế Huy
Bài gốc: https://www.facebook.com/notes/364053918374442/
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực