Tất cả chúng ta đều biết những người gặp nhiều đau khổ vì quá tin người khác: chủ tiệm lừa đảo khách hàng, người yêu bạc tình người yêu, bạn bè nghỉ chơi bạn bè. Quả thực, nhiều người trong số chúng ta bị tổn thương vì đã đặt niềm tin không đúng chỗ. Những trải nghiệm cá nhân như vậy khiến chúng ta tin rằng con người quá dễ tin, thậm chí là khù khờ.
Thực ra, sự tin tưởng của chúng ta lại chưa đủ.
Hãy xét những dữ liệu về sự tin tưởng ở Mỹ (những dữ liệu tương tự cũng đúng ít nhất là ở hầu hết các quốc gia dân chủ giàu có). Kết quả cho thấy sự tin tưởng liên cá nhân, một chỉ số đánh giá liệu mọi người có nghĩ người khác có đáng tin hay không, nằm ở vị trí thấp nhất trong suốt gần 50 năm trở lại đây. Thế nhưng lại khó có chuyện mọi người ít đáng tin hơn ngày xưa, bởi vì tỉ lệ tội phạm giảm mạnh trong nhiều thập kỷ qua cho thấy điều ngược lại. Niềm tin vào truyền thông cũng ở những mức đáy, mặc dù các công ty truyền thông chủ lưu được ghi nhận là có độ chính xác rất ấn tượng (nếu không nói là không một chút hoen ố).
Trong khi đó, sự tin tưởng vào khoa học nằm ở mức tương đối tốt, hầu hết mọi người tin vào các nhà khoa học trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, ít nhất là ở một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu và tiêm chủng, một lượng dân số không tin vào khoa học và hơi có cái nhìn tiêu cực.
Các nhà khoa học xã hội có nhiều công cụ để nghiên cứu độ tin tưởng và độ đáng tin¹ của mọi người. Phổ biến nhất là trò chơi ủy thác, bao gồm hai người tham gia chơi, và thường là ẩn danh. Người chơi thứ nhất được trao một khoản tiền nhỏ, 10 đô la, và được hỏi về quyết định chuyển cho người chơi kia bao nhiêu tiền. Sau đó, số tiền được chuyển sẽ được nhân ba và người chơi thứ hai sẽ chọn một khoản tiền để trả lại cho người thứ nhất. Ít nhất là ở các nước phương Tây, sự tin tưởng được đền đáp: người thứ nhất chuyển càng nhiều tiền thì người thứ hai gửi lại càng nhiều và đến cuối cùng, người thứ nhất sẽ nhận được nhiều tiền hơn. Mặc dù vậy, trung bình những người thứ nhất chỉ chuyển một nửa số tiền họ đã nhận được. Trong một số nghiên cứu, một biến số đã được đưa vào bằng việc những người tham gia biết trước về chủng tộc của đối phương. Định kiến khiến những người tham gia mất niềm tin vào một số nhóm nhất định, chẳng hạn như đàn ông Israel gốc Đông (những người nhập cư châu Á và châu Phi và những người con của họ được sinh tại Israel), hoặc sinh viên da đen ở Nam Phi, nên họ đã chuyển cho những người trong nhóm này ít tiền hơn, mặc dù những nhóm này cũng cho thấy sự đáng tin cậy của mình như những nhóm ưu tiên khác.
Nếu mọi người dân và tổ chức trở nên đáng tin cậy hơn khi họ trao đi, thì tại sao chúng ta không chọn cho đúng ngay từ đầu? Tại sao chúng ta không tin tưởng nhiều hơn?
Năm 2017, nhà khoa học xã hội Toshio Yamagishi đã tử tế mời tôi đến căn hộ của anh ấy ở Machida, một thành phố thuộc vùng thủ đô Tokyo. Mặc dù căn bệnh ung thư sẽ lấy đi sinh mạng của anh ấy vài tháng sau đó đã làm anh yếu đi, nhưng anh ấy vẫn giữ được tinh thần nhiệt huyết tuổi trẻ và sự nhạy bén khi nghiên cứu. Trong khoảng thời gian ấy, chúng tôi đã thảo luận một ý tưởng của anh ấy với những hệ quả đáng suy ngẫm cho câu hỏi về sự bất cân xứng giữa tin tưởng và không tin tưởng.
Khi bạn tin tưởng ai đó, bạn sẽ nhận ra liệu sự tin tưởng của bạn có chính đáng hay không. Một người quen hỏi liệu anh ta có thể để xe ở chỗ bạn vài ngày được không. Nếu bạn chấp nhận, bạn sẽ biết anh ta có phải là một vị khách tử tế hay không. Một đồng nghiệp khuyên bạn nên áp dụng một ứng dụng phần mềm mới. Nếu bạn nghe theo lời khuyên của cô ấy, bạn sẽ biết liệu phần mềm mới có hoạt động tốt hơn phần mềm mà bạn đã xài quen rồi hay không.
Trái lại, khi bạn không tin tưởng ai đó, bạn sẽ thường không bao giờ biết liệu bạn có nên tin tưởng họ từ đầu hay không. Nếu bạn không mời người quen của bạn đến, bạn sẽ không biết liệu anh ta có là một vị khách tốt hay không. Nếu bạn không nghe lời khuyên của đồng nghiệp, bạn sẽ không biết liệu ứng dụng phần mềm mới có thực sự vượt trội hay không, và do đó liệu đồng nghiệp của bạn có đưa ra lời khuyên tốt trong lĩnh vực này hay không.
Sự bất cân xứng về thông tin này có nghĩa là chúng ta học được nhiều hơn bằng cách tin tưởng hơn là không tin tưởng. Hơn nữa, khi chúng ta tin tưởng, chúng ta không chỉ tìm hiểu về những cá nhân cụ thể, chúng ta còn tìm hiểu rõ hơn về các loại tình huống mà chúng ta nên hoặc không nên tin tưởng. Khả năng tin vào đúng người của chúng ta sẽ cải thiện hơn.
Yamagishi và các đồng nghiệp đã chứng minh những lợi thế học tập của việc tin tưởng. Các thí nghiệm của họ tương tự như trò chơi ủy thác, nhưng những người tham gia có thể tương tác với nhau trước khi đưa ra quyết định chuyển tiền (hoặc không) cho người kia. Những người tham gia tin người khác nhất giỏi hơn trong việc xác định ai sẽ là người đáng tin cậy, hoặc người nên được họ chuyển tiền cho.
Hiện tượng này có thể thấy ở các lĩnh vực khác nhau. Những người tin vào truyền thông nhiều hơn là những người hiểu biết về chính trị và tin tức hơn. Càng tin vào khoa học, hiểu biết về khoa học (scientifically literate) của họ càng cao hơn. Kể cả khi bằng chứng này giữ tính tương quan, việc nói rằng những ai tin nhiều hơn sẽ có phán đoán tốt hơn trong việc chọn người để tin cũng hợp lý. Việc tin tưởng cũng giống như làm những thứ khác: phải tập nhiều mới giỏi được.
Góc nhìn sâu sắc của Yamagishi cho chúng ta một lý do để tin tưởng. Nhưng sau đó vấn đề trở nên phức tạp hơn: nếu như sự tin tưởng mang lại những cơ hội học tập như vậy, chúng ta nên trở thành người cả tin, hơn là người thiếu niềm tin. Trớ trêu thay, chính cái lý do tại sao chúng ta nên tin tưởng nhiều hơn – một thực tế rằng chúng ta có được nhiều thông tin từ việc tin tưởng hơn là không tin tưởng – cũng có thể khiến chúng ta có xu hướng ít tin tưởng hơn.
Khi sự tin tưởng của chúng ta đem đến thất vọng – khi chúng ta tin một người mà chúng ta nhẽ ra không nên – thì cái giá phải trả là rất nổi bật, và phản ứng của chúng ta sẽ trải dài từ khó chịu xuống đến tận giận dữ và tuyệt vọng. Còn lợi ích từ việc tin tưởng – những gì chúng ta học được từ sai lầm của mình – rất dễ bị bỏ qua. Ngược lại, cái giá phải trả của việc không tin tưởng một ai đó mà chúng ta có thể tin tưởng, thông thường, đều không thể nhìn thấy được. Chúng ta không biết về tình bạn mà chúng ta nhẽ ra có thể có (nếu chúng ta để người quen đó ghé qua chỗ của chúng ta). Chúng ta không nhận ra một số lời khuyên sẽ hữu ích như thế nào (nếu chúng ta chưa sử dụng mẹo của đồng nghiệp về ứng dụng phần mềm mới).
Cái giá phải trả của sự tin nhầm (mistaken trust) là quá dễ thấy, trong khi lợi ích của việc tin nhầm, cũng như chi phí của sự không-tin nhầm (mistaken mistrust), phần lớn đều không thấy được. Chúng ta nên cân nhắc những chi phí và lợi ích ẩn này: nghĩ về những gì chúng ta học được bằng cách tin tưởng, những người mà chúng ta có thể kết bạn, kiến thức mà chúng ta có thể đạt được.
Trao mọi người cơ hội không chỉ là điều đạo đức cần làm. Đó cũng là điều thông minh nên làm.
Chú thích của người dịch:
¹ Có sự khác biệt giữa sự tin tưởng (trust) và sự đáng tin (trustworthiness). Sự tin tưởng là một thái độ của người tin (trustor), còn sự đáng tin là một tài sản của người được tin (trustee). Trong trường hợp tốt nhất, người tin nên tin người đáng tin, và người đáng tin thì nên được tin.
Tóm tắt của người biên tập:
Trường hợp | Lợi ích | Chi phí |
---|---|---|
Tin và đúng | Tạo ra lợi ích tốt nhất cho cả người tin và người được tin | ✗ |
Tin (và sai) |
|
|
Không tin (và đúng) |
| ✗ |
Không tin (và sai) | ✗ | Không biết về thứ mà chúng ta nhẽ ra có thể có |
Mức độ nhìn thấy | Dễ thấy | Khó thấy/dễ bị bỏ qua |
---|---|---|
Lợi ích | Tin và sai | |
Chi phí | Tin và sai | Không tin và sai |
Bài tiếng Anh: The smart move: we learn more by trusting than by not trusting | Aeon Ideas
Tác giả: Hugo Mercier là nhà khoa học về tiến hoá và nhận thức xã hội tại Trung tâm Quốc gia Pháp về Nghiên cứu khoa học CNRS (Institut Jean Nicod) ở Paris. Anh là đồng tác giả của cuốn sách Sự bí ẩn của lập luận (2017).
Người dịch: Kiều Khanh
Biên tập: Minh Nhật
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực