Nội dung
Vì sao tôi lại làm Quả Cầu
Một câu hỏi tôi hay được hỏi là động lực nào khiến tôi lập ra dự án này. Để trả lời cần phải quay ngược lại vào thời điểm tôi đã học xong lớp 12 và bắt đầu suy nghĩ về việc chọn trường để học đại học. Tôi biết đây là một bước ngoặt trong cuộc đời mình, và tôi muốn tự hỏi rằng mình muốn làm gì trong đời. Tôi còn nhớ cái cảnh mình nằm trên giường và nhận ra những điều sau:
- Tôi cảm thấy mình là một người may mắn khi có một tuổi thơ được phát triển lành mạnh. Nhiều người không được như vậy. Tôi mong những sự bất hạnh đó sẽ chấm dứt
- Tôi muốn bảo vệ sự tò mò của mình, muốn thực hành nó triệt để. Tôi mong rằng những người đã đánh mất nó sẽ thấy lại được giá trị của nó. Hơn nữa, việc lan toả giá trị của mình cũng là một phép thử để kiểm tra xem giá trị của mình có thật phổ quát không
- Tôi biết không phải là không có những người cũng muốn làm những điều ở trên, nhưng sau bao nhiêu năm rồi mà những vấn đề đó vẫn còn tồn tại, nghĩa là có thể đang có một bế tắc ở đâu đó mà mọi người vẫn không giải quyết được. Có lẽ cần phải có một đột phá mới, và đột phá này chỉ đến khi ta liên kết thật nhiều lĩnh vực lại với nhau
- Để giải quyết một bế tắc mà đến cả những tập thể nhiều nguồn lực và trí tuệ nhất cũng chưa làm được, thì có lẽ tôi cũng thật điên rồ và mạo hiểm. Tất nhiên tôi cũng không biết mình có đạt được mục tiêu của mình hay không, nhưng nếu không thử làm thì cũng không bao giờ biết
- Cái này nói riêng thôi, không nói trên đây =))
Thế nên tôi thử làm xem sao. Lần mò từ lúc đó đến nay cũng được 11 năm. Cái Quả Cầu này là kết quả của những gì tôi lần mò từ thời điểm đó.
Hướng tiếp cận
Hướng tiếp cận của tôi là tâm lý học nhận thức (cognitive psychology). Đây là bộ môn nghiên cứu các quá trình trong hoạt động nhận thức của con người như chú ý, ghi nhớ, giải quyết vấn đề, xử lý ngôn ngữ. Tôi cho rằng khung lý thuyết này có thể là chìa khoá cho những sự bế tắc ở trên. Bạn có thể đọc thêm về ý tưởng này của tôi ở bài Hiện tượng đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa khác âm, và đảo nghĩa trong quá trình hình thành niềm tin.
Những giá trị tôi muốn hướng đến
Tò mò
Sự tò mò đem đến cho ta những góc nhìn ta không hề nghĩ đến. Người tò mò luôn đặt ra câu hỏi cho những câu trả lời, lấy việc đặt câu hỏi làm niềm vui. Nhờ có sự tò mò, mà ta có thể đi đến được những giới hạn của sự khả thể. Bằng cách dấn thân vào những điều mà nhiều người không dám làm, đặt những quy tắc và quan điểm đạo đức vào những tình huống ngặt nghèo nhất, bạn sẽ cho ra được những điều mới lạ và biến hoá. Có một câu nói không rõ tác giả trôi nổi trên internet mà tôi rất lấy làm tâm đắc: “Hãy luôn đi quá xa, bởi đó là nơi bạn sẽ tìm thấy sự thật.”
Phe hậu hiện đại sẽ phản đối cái sự thật đó, cùng lắm là chỉ là góc nhìn mới mà thôi :)) Nhưng câu trích dẫn thì cũng cần phải trích cho đúng. Ngoài ra câu này cũng hay bị nói là của Camus, nhưng không phải.
Nhưng sự tò mò không chỉ dừng lại ở việc khám phá cái mới lạ. Nó còn là để cắt đứt nỗi sợ của mình. Vì sự sợ hãi đến từ sự vô tri. Và sự hiểu biết không chỉ để biết đâu là điều đúng nên làm và đâu là điều có hại không nên làm, mà còn là để xử lý những tình huống mà điều đúng này mâu thuẫn với điều đúng khác, điều nên làm này mâu thuẫn với điều nên làm khác. Chúng ta không chỉ sợ những thứ gây hại cho mình, mà còn sợ điều mình làm sẽ gây hại cho người khác. Sự tò mò sẽ giúp ta lách được vào khe cửa hẹp.
Khi một người bắt đầu tò mò, nỗi sợ của họ được chuyển hoá. Ta không cần phải gom hết lòng can đảm để chiến đấu với nỗi sợ nữa, vì nỗi sợ sẽ tự động tan biến. Tùy vào từng thời điểm, mà sự tò mò sẽ làm cho tâm trí ta trở nên tĩnh lặng, hoặc đem đến cho ta một niềm vui ấm áp. Lúc đó ta không còn phải chật vật chọn lựa giữa làm điều đúng này hay làm điều đúng kia nữa, mà chỉ làm nó vì VUI mà thôi. Mà chính việc không quan tâm liệu nó có đúng hay không, có nên làm hay không lại hóa ra là điều đúng đắn nhất và nên làm nhất.
Thong thả và thanh thản
Dạo gần đây nhiều người hay nói là hãy luôn có chính kiến, hãy giữ một cái đầu biết phản tư, chứ đừng đi theo đám đông. Điều đó là tốt, nhưng tôi nghĩ làm vậy thật nặng nhọc. Chưa kể, nó còn tiềm tàng một vài mâu thuẫn tinh tế, mà nếu một người phản tư triệt để có lẽ cũng sẽ nhận ra. Làm sao mà có thể vừa phản tư vừa giữ chính kiến được? Tôi nghĩ, cách tốt nhất để không bị cuốn theo đám đông, và lách ra khỏi cái mâu thuẫn đó, là có được sự thong thả. Làm ngược lại với thôi thúc của bản thân; đó chính là bí quyết của sự thong thả.
Cũng dạo gần đây nhiều người hay nói về khoan dung. Khoan dung là sự đồng cảm với người gây hại (giả như họ gây hại thật, chứ không phải là mình nghĩ là họ gây hại), nhẹ nhàng với họ, để từ đó có thể cảm hoá được họ, để từ đó họ có thể tự mình hiểu được tại sao điều đó là sai, theo cách của chính họ. Sự tử tế có lẽ bắt đầu từ sự khoan dung. Nhưng sự khoan dung không chỉ là tha thứ cho tha nhân, mà còn là tha thứ với bản thân. Phải tự tha thứ được cho mình, thì mới có thể tha thứ được cho người khác. Thế nên tôi nghĩ để có thể đạt được sự khoan dung, chúng ta cần hướng đến sự thanh thản.
Biến hoá và khoáng đạt
Nhiều người cũng hay nói về hy vọng. Nhưng tại sao bạn lại cần hy vọng, khi bạn có thể biến hóa? Khi bạn còn hy vọng thì thực ra bạn vẫn còn chưa lo lắng về một rủi ro nào đó. Nhưng nếu bạn có thể biến hóa, bạn có thể khẳng định rằng mọi chuyện nhất định rồi sẽ tốt đẹp thôi. Lúc này, đứng trước mọi sự bế tắc bạn vẫn có thể phởn phơ nổi lềnh phềnh, không cảm thấy điều đó đụng chạm gì tới mình.
Tương tự, nhiều người cũng hay nói về đặt lòng tin vào người khác. Nhưng nếu tôi nghĩ hay hơn cả là trở thành người khoáng đạt. Nhờ có khoáng đạt, mà đứng trước mọi sự bế tắc ta vẫn có thể phởn phơ nổi lềnh phềnh, không cảm thấy điều đó đụng chạm gì tới mình. Và với những ai không tử tế với mình, ta vẫn có thể mỉm cười trìu mến với họ, và trao cho họ cơ hội để học cách khoan dung. Nó mở đường để ta dám đặt lòng tin vào những người thực sự không đáng tin, thấy được điều xinh đẹp trong những thứ xấu xa, và điều thú vị trong những thứ vô ích. Kể cả khi ta biết rằng một tổn thất nào đó sẽ xảy ra nếu mình không cẩn thận, thì ta vẫn cứ để yên cho mọi chuyện tự diễn biến. Không chỉ vì sự tổn thất ấy xứng đáng được diễn ra (điều đó nằm ở trong phạm trù của sự thong thả và thanh thản), mà còn là vì thật thú vị khi nhìn thấy điều đó xảy ra. Nên ở trên phương diện này, sự khoáng đạt tương tự với sự tò mò.
Đối xứng và tối ưu
Cơ sở của biến hóa là tối ưu hoá và đối xứng. Tại sao ư? Tại vì vũ trụ của chúng ta là một vũ trụ đối xứng và tối ưu. Sự tồn tại của bạn là một minh chứng tuyệt vời cho sự tối ưu, và sự tồn tại của những người xung quanh là ví dụ tuyệt vời cho sự đối xứng. Khi bạn ở trạng thái tối ưu, bạn có thể làm được tất cả mọi thứ mà không cần phải làm gì cả, và lúc đó bạn và tự nhiên chập lại làm một. Bạn nhìn thấy bản thân trong thế giới, và nhìn thấy thế giới trong bản thân. Mọi thứ biến đổi đến đâu, bạn cũng sẽ biến đổi theo đến đấy. Bạn sẽ biến hóa cùng với vũ trụ này.
Xem thêm chi tiết ở bài: Sự tối ưu hoá trong vũ trụ
Đặt con người làm trung tâm
Nếu bạn muốn giúp người đang còn kẹt ở trong mê cung, bạn phải có trải nghiệm ở trong mê cung. Nếu bạn chưa từng vào trong mê cung, thì bạn phải đâm đầu vào đó. Bạn phải đẩy mình vào thế bất khả, để tạo điều kiện cho sự biến hoá xảy ra.
Khi bạn muốn lên án một ai đó, hãy nghĩ về việc họ cũng đã nghĩ về thứ mình nghĩ rồi. Hãy hỏi họ suy nghĩ nào về khuyết điểm của họ, xem hệ thống định nghĩa của họ thế nào. Khi ta có thể toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng sự khỏe mạnh và hạnh phúc của họ, thì ta sẽ tìm được sự thanh thản và hạnh phúc cho riêng mình.
Đây là một trường hợp con của sự đối xứng.
Hướng đến sự khỏe mạnh và hạnh phúc toàn diện
Cũng phải thừa nhận là nhiều khi để đạt được giá trị này mình sẽ không được thong thả và đặt người khác làm trung tâm. Nhưng bản thân lợi ích của việc này là đủ lớn để chấp nhận sự mâu thuẫn đó. Hơn nữa, chính bản thân việc theo đuổi những giá trị mâu thuẫn nhau sẽ đòi hỏi ta phải biến hóa. Và khi đó, chúng sẽ không còn mâu thuẫn nhau.
Đây là một trường hợp con của sự tối ưu.
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực