Hiện tượng đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa khác âm, và đảo nghĩa trong quá trình hình thành niềm tin: 3

Categorized as Đạo, ngữ dụng, tâm lý học nhận thức, Hiện tượng đồng âm khác nghĩa Tagged ,

Vậy nhưng, nếu như ta bảo rằng thái độ sống tốt của những người mù là hài hước hóa sự mù của mình, thì chẳng khác nào bảo rằng những những người bị hiếp dâm hãy thưởng thức những trò đùa về hiếp dâm? Nghĩa là, chẳng những ta không nhắc nhở những kẻ từ bi và bác ái về sự vô ý của họ thì thôi, mà lại còn khuyến khích nạn nhân tiếp tay cho sự dửng dưng với nỗi đau của chính mình? Nhưng mặt khác, ta cũng đâu có khuyến khích ai dửng dưng ai đâu. Chẳng phải những kết luận ta đưa ra ở trên đến từ sự thấu cảm với nỗi đau của người khác đó sao? Tại sao sự trân trọng người khác tuyệt đối lại khiến ta trở thành kẻ dửng dưng với nỗi đau của họ? Chẳng lẽ cách để vết thương lành nhanh nhất là bằng cách làm cho nó toét rộng ra thêm? Thế là thế nào? Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra?

Hay diễn đạt vấn đề này theo một cách khác, tôi cho rằng, đôi lúc, một sự dửng dưng, vô cảm lại không xuất phát từ sự thiếu nhạy cảm, mà là từ một sự trân trọng người khác đến tận cùng. Lúc này, ngay cả những người khoan dung nhất cũng khó lòng hiểu được tại sao, và sẽ xảy ra tình trạng những người khoan dung liên tục đổ lỗi hoặc ép buộc nhau. Để hướng đến sự khoan dung triệt để, tôi cho rằng cần có kiến thức về quá trình chú ý, ghi nhớ, và biến đổi nghĩa của từ¹. Chính những quá trình này tạo ra những hiện tượng mà tôi tạm đặt tên là đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa khác âm, và đảo nghĩa². Chính những hiện tượng này tạo ra những vấn đề như phải đạo chính trị, đổ lỗi cho nạn nhân, nghịch lý của sự khoan dung, tiêu chuẩn kép, lập luận người rơm, vội vàng nhảy đến kết luận, hỏi luẩn quẩn, nói thay người khác, tư duy nhị nguyên, v.v. Nó làm ta cảm thấy người khác kiêu ngạo, thiếu suy nghĩ, thiếu tôn trọng người khác, ích kỷ, v.v. Chúng tạo ra những mâu thuẫn không đáng có, làm mệt mỏi cả hai bên, làm hai bên tưởng như không tài nào hòa giải nổi, mặc dù cả hai đều đang hướng về mục đích chung. Tấm hình này có lẽ là nêu được rõ nhất hậu quả mà hiện tượng này để lại:

inner-child

¹Thậm chí kể cả khi đã hiểu được hết những vấn đề đó thì vẫn chưa đủ trực quan, và cần phải có thêm một mô hình nhấn mạnh vào yếu tố thị giác để sử dụng.

²Đây không phải là từ đồng âm khác nghĩa hay được nhắc tới trong ngôn ngữ học. Nói cách khác, từ “đồng âm khác nghĩa” ở đây là một từ… đồng âm khác nghĩa :v. Để phân biệt, tôi sẽ gọi khái niệm của mình là “đồng âm khác nghĩa suy rộng” (generalized polysemy).

Trước đây trên mạng có một cuộc tranh luận về bài viết “Liệu đồng tính có lây hay không”, và nó đã vấp phải một làn sóng phản đối từ cộng đồng LGBT. Nhưng tác giả bài viết, anh Nguyễn Cao Minh, là một nhà tham vấn tâm lý có nhiều kinh nghiệm làm việc với những thân chủ có định kiến về LGBT, và có nhiều hoạt động vận động ủng hộ về cả công sức lẫn tài chính cho cộng đồng này. Tại sao một người như vậy lại có thể gây ra tổn thương cho chính cộng đồng người đó đang bảo vệ được? Xin được trích chia sẻ của anh:

Theo thời gian, tôi học được cách tốt nhất để mời các phụ huynh thay đổi góc nhìn là lắng nghe họ, rồi bắt đầu câu chuyện từ quan điểm của họ. Tiếp tục dùng ngôn ngữ của họ-hiểu là các từ ngữ, khái niệm- để đặt câu hỏi dẫn gợi ra những điểm mâu thuẫn và cuối cùng dẫn họ đến hiểu biết đúng đắn. Đây là cách tốt nhất của tôi bởi lẽ bố mẹ có thể đứng dậy đi về bất cứ lúc nào trong buổi gặp với người tư vấn. Tôi không có quyền bắt ép họ làm bất cứ điều gì cả, kể cả việc lắng nghe tôi.

Một yếu tố làm khó hơn cuộc trao đổi của tôi là tôi không được nói dối. Nói dối có tác dụng ngắn hạn nhưng nguy hại lâu dài. Mối quan hệ trị liệu phải dựa trên sự trung thực để khách hàng tin tưởng. Vậy nên, công việc đòi hỏi tôi phải hiểu cách dùng từ ngữ và suy nghĩ của khách hàng, rồi tìm ra những điểm nào đúng, điểm nào họ đồng ý cũng như cách thảo luận về điểm sai.

Tức nghĩa là, phải sử dụng cách dùng từ mà cộng đồng LGBT phản đối thì anh mới có thể bảo vệ cộng đồng LGBT được. Nếu anh còn cảm thấy chữ “lây” của các phu huynh kia là sai, thì là anh còn chưa thật sự thấu cảm với họ. Chữ “lây” này phải bật ra trong dòng tư duy của anh một cách tự nhiên như hơi thở, chứ không phải chỉ là sự lắp ghép từ ngữ rồi đóng ngoặc kép nó một cách tính toán nhưng máy móc. Việc đó chỉ khiến mọi người thêm chia phe chúng ta – chúng nó hơn mà thôi. Nhưng điều này cũng có nghĩa là chữ “lây” mà anh muốn nói tới, và chữ “lây” mà cộng đồng LGBT đang nói tới là hai từ khác nghĩa nhau. Tức là chữ “lây” này là một từ đồng âm khác nghĩa.

Nhóm Awkward or Cute có một hòm thư ẩn danh, để các bạn trẻ có thể gửi những câu chuyện riêng tư của mình lên trên đó, và nhóm sẽ vẽ lại câu chuyện đó thành tranh. Đây là một câu chuyện như vậy:

Năm hai đại học tôi bị mắc bệnh ung thư máu. Mọi thứ gần như sụp đổ trước mắt. Vốn dĩ bình thường thế giới quan của mình đã không được tích cực lắm. Có một khoảng thời gian thi chuyển cấp lên trường trọng điểm của tỉnh mình phải dùng đến thuốc trầm cảm để điều trị chứng lo âu. Năm đó mọi thứ với mình như đã đặt dấu chấm hết. Mình có một cậu bạn thân, là thanh mai trúc mã từ bé đến lớn. Từ năm 11 thì đã đi du học ở Canada nên hai đứa chủ yếu liên lạc qua skype. Lúc mới nhận kết quả mình đóng cửa phòng nhốt bản thân lại, không ăn uống cũng chẳng tiếp xúc với ai. Chắc do mẹ mình báo tin hay nhận ra sự bất thường của mình cả tuần trời không liên lạc nó mua hẳn vé máy bay từ Canada về Vn và đến tận trước cửa phòng mình chửi mình xối xả. Cậu bạn thân năm đó nói với mình một câu mà cho đến bây giờ mình cũng mãi không quên “Bản thân mày không quý trọng mày, thì chẳng bao giờ xứng đáng với sự lo lắng của mọi người dành cho mày. Cho dù chết thì cũng phải chết một cách tử tế.” Cũng nhờ đó mà mình thấy luyến tiếc cuộc sống, về những gì mình còn chưa hoàn thành, và rồi bắt đầu tiếp nhận điều trị. Nhiều năm sau đó mình biết được để bay về Việt Nam khuyên nhủ mình, tiền tiết kiệm cả năm mà nó để dành đi du lịch đều bỏ ra hết để mua vé máy bay. Thật ra giá trị sống không phải là điều gì to lớn, mà nằm ở chỗ xung quanh luôn có người yêu thương và lo lắng cho mình.

115467134_1251142588567100_377797596774286167_o

Bạn có thể thấy, nhờ câu nói của cậu bạn thân mà nhân vật chính bỗng dưng nhận ra được rằng mình vẫn luôn được yêu thương, và thoát khỏi sự tiêu cực trong bản thân. Phải là những người thực sự lo lắng cho người kia, đặt trọn vẹn vào vị trí của người khác, hoàn toàn không một chút suy nghĩ cho bản thân mới có thể đi đến được cách nói này. Tuy nhiên, cũng là câu nói ấy thôi, mà với một số người khác (mà trong trải nghiệm của tôi thì đó là những người từng bị bạo hành tinh thần) sẽ cảm thấy thật kinh khủng. Họ sẽ cảm thấy càng bị trách móc thêm, cảm thấy bao nhiêu nỗ lực của mình bị chà đạp không thương tiếc. Điều đó khiến cho những người trợ giúp họ cảm thấy rất bối rối khi thấy thiện ý của mình bị phản tác dụng.

Một số người làm về bình đẳng giới cho rằng cách sử dụng “nam tính” và “nữ tính” là có vấn đề. Tôi nghĩ đây là vấn đề về mặt thống kê, sau đó phổ quát hóa khái niệm lên. Ta hãy lấy một ví dụ có vẻ không liên quan lắm là chất lỏng, rồi quay trở lại vấn đề nam tính – nữ tính sau. Có những loại chất lỏng có thể di chuyển một cách linh động, có những loại chất lỏng không thể di chuyển một cách linh động. Nhưng vì trong tất cả các loại chất lỏng những chất lỏng có thể di chuyển một cách linh động chiếm đa số, nên việc nói rằng “chất lỏng có thể di chuyển một cách linh động” là một mệnh đề có ý nghĩa thống kê. Và để chỉ tính chất của nhóm đa số người ta dùng luôn tên của cả nhóm. Từ đó ta có khái niệm “tính lỏng” để chỉ “sự di chuyển một cách linh động”.

Nhưng sau đó người ta phát hiện ra là có những thứ không phải là chất lỏng nhưng cũng di chuyển một cách linh động, như giới tính chẳng hạn. Thì người ta cũng dùng khái niệm “tính lỏng” để chỉ giới tính luôn, từ đó ta có “giới tính lỏng”. Tức là mặc dù giới tính không phải là chất lỏng, thì nó vẫn có tính lỏng.

Từ những lập luận ở trên, ta thấy rằng có những thứ chất lỏng không có tính lỏng, và có những thứ không phải là chất lỏng lại có tính lỏng. Nghĩa là phải xem “chất lỏng” và “tính lỏng” là hai phạm trù độc lập với nhau, chỉ tình cờ có phần giao nhau khá lớn mà thôi (quy tắc cơ bản của logic: nếu P không kéo theo Q và Q không kéo theo P, thì P và Q là hai mệnh đề độc lập nhau). Tức là phải xem chữ “lỏng” trong “chất lỏng” và “tính lỏng” là một từ đồng âm khác nghĩa thì mới hiểu được bản chất vấn đề.

Điều này cũng giống như có những loại lá cây không có màu xanh lá cây, và có những thứ không phải lá cây lại có màu xanh lá cây vậy. Một người nói rằng “ê con mèo kia màu xanh lá cây kìa” hoàn toàn không hề nghĩ gì về lá cây trong đầu, thậm chí còn có thể không biết lá cây là gì, giống như khi họ sử dụng một từ Hán Việt mà không biết các gốc từ trong đó nghĩa là gì.

Áp dụng tương tự cho các từ “nam tính” và “nữ tính”.

Nhiều mâu thuẫn hoặc nghịch lý hay được nói đến trong Phật giáo hoặc Đạo gia tôi nghĩ cũng có thể giải thích được bằng ý tưởng này. Ví dụ như: không tức thị sắc sắc tức thị không, Đạo khả đạo phi thường đạo, gặp Phật giết Phật, việc các tông phái khác nhau của đạo Phật bất đồng với nhau, thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay, v.v. Bản thân những gì được đặt ra trong bài Bản ngã là gì nếu không phải là sự chú ý? cũng có thể xem là một ứng dụng của hiện tượng này.

Mọi người thường sẽ lý giải hiện tượng này bằng việc nói rằng đó là do ta không hiểu đúng bối cảnh vấn đề. Các nhà ngôn ngữ học có thể sẽ nói đây đơn thuần là sự mơ hồ về nghĩa trong quá trình hành ngôn. Giải thích như vậy thì không sai, tuy nhiên tôi nghĩ cách lý giải vậy chưa đủ mạnh. Vào thời điểm đó, cả hai bên đều có cơ sở để cho rằng mình đã hiểu rõ ý người kia, và người kia đã hiểu rõ ý mình, nên việc sử dụng lý do rằng ta không hiểu bối cảnh của nhau để lý giải hiện tượng này xem ra không thuyết phục với cả hai cho lắm.

Người thấy được hiện tượng này đầu tiên có lẽ là người sáng tác nên câu chuyện “thầy bói xem voi”. Tất nhiên là hồi đó khoa học chưa phát triển, nhưng tôi nghĩ họ đã mô tả chính xác vấn đề này. Mỗi người “sờ” thấy được một biểu hiện khác nhau của con voi, và bất đồng với nhau về việc đó. Mỗi người không tài nào hiểu nổi những hiểu biết của mình đang sai ở đâu, thì không thể nào thấy được người kia đúng chỗ nào. Vì trong đầu mỗi người có một cách hiểu về khái niệm “voi” khác nhau, nên lúc này “voi” là một từ đồng âm khác nghĩa.

Có lẽ ứng dụng tuyệt vời và ngọt ngào nhất của ý tưởng này chính là nó giúp ta đạt đến một trạng thái mà mọi người hay gọi là “trưởng thành”. Cuộc sống của người trưởng thành là một cuộc sống đầy mâu thuẫn. Họ được dặn là lo cho bản thân, nhưng khi họ làm thế thì lại bị nói là ích kỷ. Họ được dặn là hiểu biết nửa vời thì còn gây hại hơn là giúp ích, nhưng họ cũng được nhắc là không ai có thể biết được hết tất cả. Họ được dặn là không nên suy diễn ý người khác, nhưng họ cũng được nhắc là phải hiểu được ý họ dù họ không nỏi ra. You are damned if you do and you are damned if you don’t. Nhưng vào một một thời điểm nào đó trong cuộc sống, bỗng dưng họ hiểu được rằng những mâu thuẫn đó thật ra không hề mâu thuẫn chút nào. Mọi thứ bỗng dưng trở nên ăn khớp với nhau, và họ có thể tìm được điểm cân bằng giữa những thứ tưởng như vô cùng xung đột này. Tôi nghĩ khoảnh khắc đó chính là khoảnh khắc họ hiểu được vấn đề này.

Trong bộ phim Ratatouille, nhân vật Ego đã rất giận dữ khi thấy Gusteau đưa ra quan niệm Ai cũng có thể nấu ăn. Với Ego, điều này là SỈ NHỤC. Ông ấy khinh Gusteau ra mặt. Tuy nhiên, đến cuối bộ phim, ông ấy lại là người tâm đắc câu nói ấy nhất. Vì sao lại có sự chuyển biến này? Xin trích lại phân tích của tôi trong bài Ratatouille – những góc nhìn chưa từng có:

Để Ego có thể nhận ra ý nghĩa thật sự của câu Ai cũng có thể nấu ăn, Ego đã phải tái định nghĩa lại toàn bộ những gì ông ấy đã quan niệm trước đây. Cái câu đó khi Ego lần đầu tiên nghe, nó đã không còn mang nghĩa gốc mà Gusteau nói, mà đã được khoác lên mình một cách hiểu hoàn toàn khác. Nói cách khác, nó đã bị biến nghĩa. Ego phải tự mình tìm cách đảo lại nghĩa của nó thì mới nhận ra được ý nghĩa gốc ban đầu.

Tại sao nó lại bị biến nghĩa? Vì bản thân Gusteau cũng không nói rõ ràng. Ý của ông ấy là Ai (dù xuất thân tầm thường đến mấy) cũng có thể nấu ăn, chứ không phải là Ai (dù khả năng nấu tệ đến mấy) cũng có thể nấu ăn. Nhưng do não chỉ có thể lưu được 3 đến 4 thông tin trong trí nhớ ngắn hạn, nên để phù hợp với việc lưu trữ và xử lý, cả cụm dài loằng ngoằng Ai dù xuất thân tầm thường đến mấy cũng có thể nấu ăn sẽ phải rút gọn thành Ai cũng có thể nấu ăn. Nhưng dưới lớp vỏ ngôn ngữ đó, khi được lôi ra xài lại, nó lại dễ bị hiểu thành Ai dù khả năng nấu tệ đến mấy cũng có thể nấu ăn. Cần phải hiển ngôn được cái ý ẩn đó thì người ta mới hiểu được. Nhưng điều đó là bất khả. Ngay từ đầu cái ý dù xuất thân tầm thường đến mấy buộc phải bị loại khỏi câu để não có thể lưu trữ và xử lý nó. Gusteau sau khi đi đến kết luận của mình đã bị mất khả năng nói lại nó cho đủ ý. Với ông ấy lúc này, Ai cũng có thể nấu ăn bây giờ mới là đủ ý, và ông không hiểu được mình đã nói thiếu ý gì để mà Ego mãi mà vẫn không hiểu đúng ý mình.

Những người mù ở phần 2 bài này không cảm thấy vấn đề gì với những câu như “bị mù à?”, “người mù dắt người mù” vì họ hiểu rằng những người sáng mắt tuy dùng hình ảnh người mù để minh họa cho sự chỉ trích của họ, nhưng sự chỉ trích đó hoàn toàn không hướng về họ. Chữ “mù” ở đây không phải là chữ “mù” được dùng để gán nhãn họ, mà chỉ là một phiên bản đồng âm khác nghĩa với cái nhãn dán đó mà thôi. Họ hiểu rằng dù có cẩn thận đến máy thì rồi một ngày nào đó đến lượt họ cũng sẽ sẽ làm điều tương tự vậy với một người khác. Họ hiểu rằng “khuyết tật” và “coi thường” không phải lúc nào cũng là một.

Nhà nghiên cứu văn hoá Hofstede có đưa ra một lý thuyết về các chiều kích (dimension) của văn hóa dân tộc. Theo đó, văn hóa một quốc gia có thể được đo bởi một bộ 6 chỉ số, mỗi chỉ số từ 1 đến 100. Các chỉ số của văn hóa một quốc gia và bình luận kèm theo, ví dụ cho Việt Nam, có thể tra cứu tại đây.

Một người có thể đặt câu hỏi: tại sao nam tính lại trở thành thang đo? Liệu có phải điều này có nghĩa là nam tính (cùng một bộ các phẩm chất đính kèm như tham vọng, hiếu chiến, v.v.) được dùng làm mốc chuẩn, rồi từ đó rồi hạ xuống? Tôi nghĩ có lẽ phần lớn là do họ… bí từ. Giống như các thang đo khác như độ thông minh hay độ khỏe mạnh vậy. Cũng toàn lấy một phẩm chất ở một cực rồi gán cho cả thang đo luôn. Tất nhiên cũng phải thừa nhận là ở đây lẩn khuất ở đâu đó mọi người đều xem thông minh tốt hơn không thông minh, khỏe mạnh tốt hơn không khỏe mạnh, nhưng có lẽ những người đo không vì thế mà xem người không thông minh kém giá trị hơn người thông minh, hay người không khỏe mạnh kém giá trị hơn người khỏe mạnh. Tôi nghĩ nếu có một từ nào đó thể hiện tốt hơn ý định bình đẳng đó trong đầu của người đo thì họ sẽ chọn nó làm tên thang đo ngay.

Tôi nghĩ rằng phép biện chứng Hegel cũng có liên quan đến vấn đề này, mặc dù thành thật mà nói là tôi chưa đọc lấy một chữ của Hegel.

Vậy thôi. Tôi… hết biết phải nói gì rồi =)). Phải đến giai đoạn 3 của dự án tôi mới quay trở lại bài viết này được. Nhưng nếu bạn muốn có thêm ví dụ cho chuyện này, thì có thể đọc thêm các bài viết sau:

Nếu bạn cảm thấy hứng thú với những suy nghĩ trong đây thì đừng quên ủng hộ dự án nhé :”>

← Phần 2

Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.

Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.

Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?

Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:

1

Hỗ trợ 1-1 cho thành viên

2

Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động

3

Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Bấm sao để đánh giá nha!

Đánh giá trung bình: 5 / 5. Số lượt đánh giá: 1

Nếu bạn thấy bài này hữu ích

Bạn bè bạn cũng có thể thấy nó hữu ích

Mình rất tiếc nếu bạn thấy bài không có giá trị

Xin hãy nói cho mình biết phải cải thiện ở đâu

Leave a Reply