Obsidian, cây vấn đề, hệ thống quản lý công việc, và nỗi sợ chết

Categorized as Làm việc hiệu quả, Tài nguyên khác

1

Obsidian là một công cụ ghi chú đang nổi lên gần đây. Nó được ra đời khi hai tác giả Erica Xu và Shida Li chán chẳng biết làm gì mùa covid 2020. Triết lý của Obsidian là:

  • Dữ liệu nằm trên máy của người dùng và ở định dạng đơn giản
  • Liên kết là công dân hạng nhất
  • Cực kỳ dễ mở rộng tính năng

Việc dữ liệu nằm trên máy của bạn có nghĩa là nó là của bạn và luôn sẵn sàng chờ bạn. Bạn không còn phải lo về vấn đề bảo mật dữ liệu, bởi vì nó không có được chuyển qua một máy chủ nào hết. Bạn không cần phải lo lắng mỗi lần ra ngoài đường hay rớt mạng, vì bạn không phải tải dữ liệu về để làm việc. Việc dữ liệu được lưu ở định dạng đơn giản nghĩa là bạn không còn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi định dạng. Điều này sẽ hữu ích nếu một ngày bạn chán Obsidian và muốn dùng công cụ khác, hoặc nếu Obsidian còn thiếu chức năng nào đó và bạn cần dùng công cụ khác để bổ sung. Một nền tảng có thể cung cấp tính năng xuất dữ liệu người dùng, và mỗi định dạng khác nhau sẽ có những phần mềm chuyên dụng để đọc nó. Nhưng nếu bạn còn phải tải về dữ liệu của mình, hoặc còn phải sử dụng một phần mềm riêng để có thể đọc được dữ liệu của mình, thì về lý thuyết, bạn sẽ còn chịu sự chi phối của nền tảng/phần mềm đó. Còn với triết lý này, thì bạn mới thực sự làm chủ dữ liệu của mình.

Khi nói rằng liên kết là công dân hạng nhất, có lẽ nó cũng tương tự như những cụm từ như “đặt con người làm trung tâm”, “lấy học sinh làm trung tâm”. Vai trò của việc liên kết thông tin lại cũng đã có quá nhiều người nói rồi, mình không phải nói thêm nữa. Trong một bài phỏng vấn, tác giả Erica Xu nói rằng tất cả những công cụ ghi chú mà cô đã dùng trước đây đều thiếu một tính năng nào đó khiến cô phải tự gãi ngứa mình. Cô cũng nói rằng cô không thể tin nổi số người đã nói với cô rằng họ cũng từng có ý tưởng làm một cái tương tự như Obsidian.

(Tuy vậy, với những người làm phần mềm, cách gọi liên kết là công dân hạng nhất này dường như không làm họ hài lòng. Có người còn nói rằng đây chỉ là một cách để marketing cho người ngoại đạo, vì với người nội đạo, first-class citizen là những thứ có thể được dùng như bất kỳ biến thông thường nào, ở bất kỳ hàm nào. Nếu quả thực liên kết là first-class citizen, thì bạn có thể truy vấn nó, có thể gán thuộc tính cho nó, và hẳn là một cơ sở dữ liệu đồ thị (graph database) sẽ được dùng, hơn là cơ sở dữ liệu quan hệ (relational database) như kiểu SQL như hiện nay. Còn như hiện tại bây giờ thì nó cũng không khác gì một cái wiki có thêm đồ thị. Nhưng dù vậy, những chi tiết này có lẽ cũng không ảnh hưởng gì tới trải nghiệm của đa số người dùng, và nếu cần thì cũng có thể cài thêm plugin hoặc sử dụng phần mềm khác.)

Obsidian tự xem mình là IDE của suy nghĩ. IDE hiểu đơn giản là phần mềm viết code chứ cũng không có gì phức tạp. Nhưng sự khác biệt giữa nó với các phần mềm viết lách khác như Word ở chỗ người sử dụng nó – lập trình viên – là người đang sáng tạo ra phần mềm, hay cao hơn nữa là đang thao túng phần mềm. Nhà lập trình viên sử dụng IDE để phát triển phần mềm, nhưng chính vì IDE cũng là một phần mềm, nên nó cũng sẽ biến đổi trong quá trình viết. Khi Obsidian tự xem mình là IDE của suy nghĩ, nghĩa là Obsidian tự giao cho mình cái trách nhiệm biến hóa cùng với dòng suy nghĩ của người dùng. Quá trình phác thảo là một quá trình đập đi xây lại từng câu từng chữ, và bạn cũng sẽ thấy mình làm vậy với Obsidian. Obsidian trước khi bạn viết dòng đầu tiên và sau khi bạn hoàn thành sản phẩm là hai thứ khác nhau.

2

Việc lập cây vấn đề hoặc cây giải pháp (issue tree/solution tree) là một phần không thể thiếu trong việc lập kế hoạch để đi tìm nguyên nhân gốc rễ và vét cạn các giải pháp cho vấn đề đó. Vấn đề là cho tới nay không có cách nào để vẽ được nó trên máy một cách thuận tiện cả. Tất nhiên là vẫn có những phần mềm để vẽ, nhưng bạn vẫn còn phải làm một công việc thủ công: tự tay cầm chuột nối các khối lại với nhau. Với những sơ đồ lớn (nghe nói là có những dự án phải vẽ lên trên cả một bức tường), việc thêm vào một nút hoặc một nhánh nhiều khi là phải vẽ lại toàn bộ cả sơ đồ. Mà bạn biết đấy, cứ mỗi lần bạn nghĩ là mình đã nghĩ ra hết không còn ý nào rồi thì một thời gian sau đầu bạn lại nảy ra thêm một ý mới. Bỏ thì vương thương thì tội: ý mới quá quan trọng không thể không bổ sung vào, mà bổ sung vào thì cực quá. Bạn không bao giờ chắc chắn là đây có phải là phiên bản cuối cùng hay chưa, nhưng bạn có thể chắc chắn rằng với ý tưởng mới ra này bạn cần phải vẽ lại ngay để mà còn sử dụng. Thành ra cuối cùng là chúng ta đánh nhau với công cụ, hơn là dùng công cụ để giải quyết vấn đề.

Trước đây đã có Graphviz để vẽ những sơ đồ như vậy, nhưng bản thân nó không phải là công cụ để ghi chú hay gợi ý thông tin liên quan. Obsidian ra đời và giúp giải quyết được nhu cầu đó, nhưng loại đồ thị mà nó cung cấp lại không phải là loại đồ thị phân cấp trong cây vấn đề. Đó là chưa kể Graphviz sử dụng loại định dạng mà Obsidian không cung cấp. Nên Tết vừa rồi mình đã viết một plugin cho Obsidian để giải quyết cái lỗ hổng này. Mình đặt tên nó là Graphvidian.

Với Graphvidian, toàn bộ sơ đồ của bạn dù có cả mấy ngàn nút vẫn có thể vẽ lại được một cách nhanh chóng. Bạn có thể xuất ra sơ đồ tổng và các sơ đồ con. Bạn có thể sắp đặt nút con của nhánh A đứng cùng hàng với nút cháu của nhánh B. Bạn có thể điền nhiều thông tin phụ vào trong từng nút, chứ không chỉ có mỗi cái tiêu đề. Vân vân. Plugin đã được nhắc đến trên Obsidian Roundup (bản tin hàng tuần của Obsidian).

👉 Link: https://github.com/ooker777/Graphvidian

Phần chú thích của cây giải pháp của dự án Quả Cầu. Bạn có thể xem toàn bộ sơ đồ trong Bản kế hoạch chiến lược của dự án

Do plugin này vốn là để giải quyết nhu cầu của mình, nên để xài được nó bạn phải chỉnh code của nó. Hướng dẫn cách chỉnh cũng có ở trong link, nhưng nếu bạn cảm thấy phức tạp quá, thì mình cũng sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho bạn (yêu cầu: đồ thị có số nút lớn hơn 20). Coi như là một cái cớ để làm quen nhau vậy.

3

Cách đây không lâu mình có hỏi về việc lập một kênh tiếng Việt trên Discord của Obsidian. Chưa kịp hoàn hồn thì Erica đã chủ động liên lạc với mình để mở luôn. Mở được hơn có một ngày thôi thôi mà đã có tầm chục bạn vào tương tác rồi, chứng tỏ người Việt núp lùm ở trong đó cũng nhiều. Mời các bạn vào chung cho vui: https://discord.com/channels/686053708261228577/944662832585277511

4

Việc có thể tư duy bằng đồ thị sẽ giúp ích thế nào? Ví dụ, đây là đồ thị thể hiện mối quan hệ giữa những hạng mục hành động trong dự án Quả Cầu và những đối tượng thụ hưởng của nó:

Bạn thấy là không có quá nhiều mối liên kết ở đây, chứng tỏ là hoặc là những gì mình làm đều chẳng đáp ứng được những người mình muốn tác động, hoặc là dữ liệu còn quá sơ sài, cần phải chỉnh sửa thêm. Ngược lại, đây là hình ảnh của một dữ liệu hoàn chỉnh:

Nhìn vào đây bạn biết ngay đâu là điều mình cần phải ưu tiên làm. Và đây chỉ là một ứng dụng “trước mắt” của đồ thị. Nếu bạn muốn biết những thông tin mà mắt thường khó mà thấy được thì bạn có thể xem thêm xem bài Phân tích một mạng lưới 100+ niềm tin. Nó cũng dùng Obsidian để nhập liệu luôn.

5

Đây là cấu trúc thư mục (schema) mình sử dụng cho dự án của mình:

Cách đánh dấu chỉ số dùng theo phương pháp Johnny.Decimal. Phần về đối tượng thụ hưởng là theo phương pháp tư duy thiết kế. Phần chữ trên mũi tên giúp làm rõ hơn mối quan hệ giữa các nút (RDF Triplestore), chính là thứ mà những nhà lập trình khó tính càm ràm là Obsidian không có. (Mình không phải nhà lập trình và mình cũng nghĩ mình thuộc dạng dễ tính nhưng mình cũng càm ràm.) Mình dùng plugin Dataview để hỗ trợ chuyện này.

Hệ thống phân chia công việc là mình tự lần mò, tổng hợp từ những hệ thống phân loại mà các tổ chức khác giới thiệu cho mình:

EntityCú phápMô tả
Mục tiêu (goal)CâuLà cầu nối giữa nhu cầu của mình và nhu cầu của đối tượng thụ hưởng. Là giải pháp cho vấn đề mình muốn giải quyết. Là sứ mạng và là con đường để hoàn thành sứ mạng của mình. Là câu trả lời cho câu hỏi việc mình đang làm để làm gì.
Sản phẩm mong muốnDanh ngữLà các sản phẩm và dịch vụ cần có để đạt được một mục tiêu nào đó. Các sản phẩm và dịch vụ này là kết quả của việc thực hiện các hoạt động trong dự án.
Hoạt động chính, Công việc cấp ban, Hạng mục hành độngĐộng ngữLà các hoạt động cần thực hiện để có được sản phẩm mong muốn. Hoạt động chính bao gồm các hoạt động thành phần với các mốc thời gian cụ thể. Nó là câu trả lời khi người khác hỏi mình đang làm gì.
Hoạt động thành phần, Công việc cấp tiểu banĐộng ngữLà câu trả lời khi mình tự hỏi bản thân đang làm gì. Là thứ chiếm trọn đầu óc mình.
Nhiệm vụ cụ thể (task), Bước thực hiện (step), Đơn vị công việc (unit)Động ngữ 

Nếu muốn tham khảo vault của mình dùng cho việc quản lý dự án này, bạn có thể mua tại cửa hàng. Bạn cũng có thể tham gia Discord Quả Cầu để bàn luận với những bạn khác về cách quản lý dự án với vault này nhé.

6

Một số link hay được chia sẻ trong cộng đồng Obsidian:

  • Johnny.Decimal. Cách để sắp xếp file và folder một cách hiệu quả. Ban đầu mình cũng chỉ thấy hay nhưng chưa tính áp dụng, vì cũng đinh ninh là cách sắp xếp của mình gọn gàng logic. Cũng đúng là vậy thật, nhưng sau này mình mới thấy điểm mạnh của phương pháp nằm ở việc giúp bạn search hơn là để giúp bạn navigate.
  • The PARA Method. Tuy nhiên nếu bạn tính đăng ký email để được nhận cheetsheet thì mình thấy nó chẳng có gì mới.
  • Hundreds of Ways to Get S#!+ Done—and We Still Don’t | WIRED. Bài viết kể về hiệu ứng Zeigarnik khi bạn không thể dừng lại những suy nghĩ khi một công việc chưa hoàn thành, về việc những người viết những app quản lý công việc cũng cảm thấy là việc phần mềm của họ không thể giúp quản lý công việc một cách hiệu quả được, và về mối quan hệ của chúng ta với thời gian

7

Có quyển sách 4000 tuần: quản lý thời gian cho kẻ tất tử cũng đang được nhắc đến trong Discord của Obsidian. Nó bàn về chuyện càng say mê với những công cụ giúp tiết kiệm thời gian, chúng ta lại càng cảm thấy thiếu thời gian hơn. Ví dụ như chúng ta sáng tạo ra máy giặt, lò vi sóng, thang máy, v.v. là để tiết kiệm thời gian hơn. Thế nên, theo đúng logic, thì hẳn sống ở thời kỳ đồ đá sẽ khiến bạn phát điên vì stress, còn sống ở TP.HCM hay HN thì phải cực kì thảnh thơi nhàn hạ. Thế nhưng thực tế lại ngược lại: tất cả những thứ chúng ta tạo ra để tiết kiệm thời gian lại càng khiến chúng ta cảm thấy mình thiếu thời gian hơn. Bạn cảm thấy mất kiên nhẫn khi lò vi sóng mất tới hai phút để quay xong món ăn, hoặc khi website bạn truy cập tải lâu hơn 250 mili giây. Nhưng nếu đó là nồi bánh chưng hay là thư tay thì chẳng bao giờ bạn cảm thấy thế.

Nghịch lý này xảy ra là bởi vì bạn muốn làm được nhiều thứ hơn trong một thời gian ngắn ngủi. Mong muốn này xuất phát từ việc bạn không muốn chấp nhận sự hữu hạn của bản thân mình. Trong thâm tâm bạn không muốn tin là mình sẽ chết, mặc dù bạn vẫn biết một ngày nào đó mình sẽ chết. Tác giả kể rằng mình từng nói chuyện với một người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối. Cô kể rằng điều cảm thấy khó hiểu với cô là mọi người cứ hỏi cô suy nghĩ thế nào khi biết mình sắp chết, cứ như thể là mọi người không ai biết rằng mình sẽ chết vậy. Chúng ta sẽ luôn bị hấp dẫn bởi những ý hệ chính trị cũng như các phần mềm nào tiếp tục nuôi dưỡng ảo tưởng về sự vô biên, phi giới hạn của mình. Hay nói như Umberto Eco thì: “chúng ta thích lập danh sách vì chúng ta sợ chết”. Nên theo tác giả, bí quyết để bạn có thật nhiều thời gian cho những điều ý nghĩa với mình nhất, để không còn phải dằn vặt bản thân về sự thiếu hiệu quả của mình, là hãy dám đối diện với sự hữu hạn của mình, dám chấp nhận sự hữu hạn của mình.

Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.

Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.

Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?

Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:

1

Hỗ trợ 1-1 cho thành viên

2

Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động

3

Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Bấm sao để đánh giá nha!

Đánh giá trung bình: 4.3 / 5. Số lượt đánh giá: 9

Nếu bạn thấy bài này hữu ích

Bạn bè bạn cũng có thể thấy nó hữu ích

Mình rất tiếc nếu bạn thấy bài không có giá trị

Xin hãy nói cho mình biết phải cải thiện ở đâu

Leave a Reply