Đây là bản dịch của bài viết Privacy trên trang Stanford Encyclopedia of Philosophy. Tác giả là Judith DeCew. Bản dịch do bạn Đặng Linh dịch, và chưa được hiệu đính.
Xem thêm: Lời mời cùng dịch các bài viết về tự trị
Xuất bản lần đầu vào Thứ Ba ngày 14 tháng 5 năm 2002; sửa đổi nội dung Thứ ba ngày 18 tháng 1 năm 2018
Thuật ngữ “sự riêng tư” được sử dụng thường xuyên trong ngôn ngữ thông thường cũng như trong các cuộc thảo luận triết học, chính trị và pháp lý, nhưng thuật ngữ này không có định nghĩa hoặc phân tích hoặc ý nghĩa duy nhất. Khái niệm về sự riêng tư có nguồn gốc lịch sử trải khắp trong những thảo luận xã hội học và nhân học về việc sự riêng tư được coi trọng và được duy trì tới mức độ nào trong các nền văn hóa khác nhau. Hơn nữa, khái niệm này có nguồn gốc lịch sử trong các cuộc thảo luận triết học trứ danh, đáng chú ý nhất là sự phân biệt của Aristotle giữa không gian công cộng của các hoạt động chính trị và không gian riêng tư gắn liền với gia đình và cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ này trong quá khứ không thống nhất và vẫn gây hiểu lầm về ý nghĩa, giá trị và phạm vi của khái niệm sự riêng tư.
Các khảo luận ban đầu về sự riêng tư xuất hiện cùng với quá trình phát triển của luật pháp Hoa Kỳ về bảo vệ sự riêng tư từ những năm 1890 trở đi và việc bảo vệ sự riêng tư được biện minh chủ yếu dựa trên các cơ sở đạo đức. Nghiên cứu này giúp phân biệt diễn giải miêu tả về sự riêng tư thông qua trình bày những gì trên thực tế được bảo vệ với danh nghĩa là riêng tư, và diễn giải quy phạm về sự riêng tư thông qua việc biện hộ cho giá trị và mức độ cần được bảo vệ của sự riêng tư. Trong những cuộc thảo luận này, một số người coi sự riêng tư như một mối quan tâm đối với giá trị đạo đức, trong khi những người khác coi đây là quyền dựa trên mặt đạo đức và pháp định cần được xã hội hoặc luật pháp bảo vệ. Rõ ràng một người có thể thờ ơ với sự riêng tư của người khác mà không vi phạm bất kỳ sự riêng tư nào, nếu có.
Có một số diễn giải về sự riêng tư mang tính hoài nghi và chỉ trích. Theo một lập luận trứ danh thì không tồn tại quyền riêng tư và không có gì đặc biệt về quyền riêng tư, bởi bất kỳ quyền lợi nào được bảo vệ trên danh nghĩa là riêng tư đều có thể được giải thích và bảo vệ bằng các quyền lợi hoặc các quyền khác, đáng chú ý nhất là quyền đối với tài sản và an toàn thân thể (Thomson, Năm 1975). Các chỉ trích khác cho rằng quyền lợi riêng tư không có gì đặc biệt bởi vì quyền lợi cá nhân được bảo vệ không cho hiệu quả về mặt kinh tế (Posner, 1981) hoặc chúng không có cơ sở trong bất kỳ học thuyết pháp lý đầy đủ nào (Bork, 1990). Cuối cùng, các nhà nữ quyền phê phán quyền riêng tư rằng việc trao vị thế đặc biệt cho quyền riêng tư là bất lợi cho phụ nữ và những người khác vì nó được sử dụng như một cái cớ để thống trị và kiểm soát phụ nữ, buộc họ im lặng và che đậy bạo hành (MacKinnon, 1989).
Tuy nhiên, hầu hết các nhà lý thuyết cho rằng sự riêng tư là một khái niệm có ý nghĩa và giá trị. Các cuộc tranh luận triết học liên quan đến các định nghĩa về sự riêng tư trở nên quan trọng hơn trong nửa sau của thế kỷ XX và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quá trình phát triển của luật bảo vệ quyền riêng tư. Một số bảo vệ cho sự riêng tư theo cách hiểu tập trung vào việc kiểm soát thông tin về bản thân (Parent, 1983), trong khi những người khác bảo vệ sự riêng tư như một khái niệm rộng hơn như một điều cần thiết cho phẩm giá con người (Bloustein, 1964), hoặc quan trọng đối với tính mật thiết (Gerstein, 1978; Inness, 1992). Các nhà phê bình khác bảo vệ sự riêng tư theo cách hiểu sự riêng tư là cần thiết cho việc phát triển của các mối quan hệ liên nhân đa dạng và có ý nghĩa (Fried, 1970, Rachels, 1975), hoặc theo cách hiểu nó là một giá trị cho phép chúng ta có thể kiểm soát khả năng tiếp cận của người khác đối với bản thân (Gavison, 1980; Allen, 1988 ; Moore, 2003), hoặc theo nghĩa sự riêng tư là một tập hợp các tiêu chuẩn cần thiết không chỉ để kiểm soát khả năng tiếp cận mà còn để khuyến khích biểu đạt và lựa chọn cá nhân (Schoeman, 1992), hoặc theo cách hiểu kết hợp các ý trên (DeCew, 1997). Thảo luận về khái niệm này rất phức tạp bởi thực tế sự riêng tư dường như là thứ mà chúng ta coi trọng và đặt ra giới hạn mà người khác không được vượt qua và việc bảo vệ sự riêng tư cũng có những khía cạnh tiêu cực, nó như một vỏ bọc giúp người ta che đậy việc kiểm soát, hạ thấp phẩm giá, hoặc gây tổn hại về thể chất đối với phụ nữ và những đối tượng khác.
Bài luận này sẽ thảo luận về tất cả các chủ đề này, cụ thể là, (1) nguồn gốc lịch sử của khái niệm sự riêng tư, bao gồm cả sự phát triển của bảo vệ quyền riêng tư trong luật bồi thường thiệt hại cá nhân do sai phạm của người khác (tort law) và hiến pháp, và các quan điểm triết học cho rằng sự riêng tư chỉ đơn thuần là giảm bớt những quyền lợi khác hoặc là một khái niệm nhất quán với giá trị căn bản, (2) phê phán quyền riêng tư, (3) một loạt các định nghĩa triết học hoặc những biện hộ cho sự riêng tư như một khái niệm, mang lại các quan điểm khác nhau về ý nghĩa và giá trị của sự riêng tư (và liệu nó có là tính tương đối về mặt văn hóa), cũng như (4) những thách thức đối với sự riêng tư được đặt ra trong thời đại công nghệ tiên tiến. Nhìn chung, hầu hết các nhà lý thuyết đều biện hộ cho giá trị của việc bảo vệ quyền riêng tư bất chấp những khó khăn vốn có trong định nghĩa của nó và khả năng người ta sử dụng nó để che đậy việc bạo hành. Một tuyển tập các bài luận đương đại về sự riêng tư sẽ đưa ra những bằng chứng đanh thép để ủng hộ quan điểm này (Paul et al., 2000). Các nhà lý luận phân tích các khía cạnh khác nhau của quyền riêng tư và vai trò của nó trong triết lý đạo đức, lý thuyết pháp lý và chính sách công. Họ cũng bàn luận về những lý lẽ biện minh và lập luận cơ sở cho quyền riêng tư.
Nội dung
1. Lịch sử
Sự phân biệt của Aristotle giữa không gian chính trị công và hoạt động chính trị, polis, và không gian riêng tư hoặc không gian gia đình, oikos, như hai không gian riêng biệt của cuộc sống, là một tham chiếu kinh điển cho không gian riêng tư. Sự phân biệt công / tư đôi khi cũng được dùng để chỉ giới hạn phù hợp của thẩm quyền chính phủ đối lập với giới hạn dành riêng cho việc tự điều chỉnh, theo những gì được giải thích bởi John Stuart Mill trong bài luận của mình, Bàn về Tự do. Hơn nữa, sự khác biệt lại xuất hiện trong bàn luận của Locke về tài sản trong Hai khảo luận về chính quyền. Trong trạng thái tự nhiên, tất cả tặng phẩm trên thế giới thuộc sở hữu chung và theo nghĩa đó là của công. Nhưng ta sở hữu bản thân và cơ thể của mình, và ta cũng có thể có được tài sản bằng cách sử dụng sức lao động của mình và trong những trường hợp này, đó là tài sản riêng của ta. Margaret Mead và các nhà nhân chủng học khác đã chứng minh cách các nền văn hóa khác nhau bảo vệ sự riêng tư thông qua việc che đậy, tách biệt hoặc bằng cách hạn chế tiếp cận các nghi thức bí mật (Mead, 1949). Alan Westin (1967) đã khảo sát các nghiên cứu về động vật chứng minh rằng không chỉ con người mới mong muốn có được sự riêng tư. Tuy nhiên, những gì được gọi là riêng tư trong những ngữ cảnh này là khác nhau. Sự riêng tư có thể là một không gian tách biệt với chính quyền, ví dụ như, một không gian không thích đáng để chính quyền can thiệp, các quan điểm và tri thức bị cấm đoán, sự cô độc hoặc hạn chế khả năng tiếp cận.
1.1 Bảo mật thông tin
Những bàn luận văn viết có tính hệ thống hơn về khái niệm sự riêng tư thường được cho là khởi nguồn từ bài luận trứ danh của Samuel Warren và Louis Brandeis có tiêu đề “Quyền riêng tư” (Warren và Brandeis, 1890). Thông qua việc trích dẫn “những thay đổi về chính trị, xã hội và kinh tế” và thừa nhận “quyền được để mặc một mình”, họ lập luận rằng luật hiện hành đủ khả năng để bảo vệ riêng tư cá nhân và họ tìm cách giải thích bản chất và mức độ của sự bảo vệ đó. Phân tích tập trung chủ yếu vào báo chí và tính công khai mới xuất hiện từ sau những phát minh gần đây như nhiếp ảnh và báo giấy, nhưng cũng đề cập đến các vi phạm trong các bối cảnh khác, họ nhấn mạnh sự xâm phạm quyền riêng tư do phổ biến công khai các chi tiết liên quan đến đời sống riêng tư của một người. Warren và Brandeis cảm thấy nhiều trường hợp hiện nay có thể được bảo vệ theo quyền riêng tư khái quát hơn, quyền này bảo vệ quyền riêng tư tới mức độ mà trong đó những suy tư, tình cảm và cảm xúc của một người có thể được chia sẻ với người khác. Họ cố thuyết phục rằng họ không cố gắng bảo vệ hàng hóa được sản xuất hoặc tài sản trí tuệ, mà là bảo vệ cảm giác yên lòng khi nhận được sự bảo vệ đó, họ cho biết quyền riêng tư dựa trên nguyên tắc “nhân cách bất khả xâm phạm” là một phần của quyền khái quát miễn trừ của một người, “quyền đối với nhân cách của một người” (Warren và Brandeis 1890, 195, 215). Họ tin rằng nguyên tắc bảo mật đã là một phần của thông luật và việc bảo vệ ngôi nhà của ta như thứ gì đó vô cùng quý báu, nhưng những công nghệ mới khiến việc công nhận một cách rõ ràng và tách biệt sự bảo vệ này dưới danh nghĩa quyền riêng tư trở nên quan trọng. Họ cho rằng những giới hạn của quyền có thể được xác định bằng cách tương tự với luật về vu khống và bôi nhọ và ví dụ như sẽ không ngăn cản việc công bố thông tin về các quan chức nhà nước đang tranh cử. Warren và Brandeis do đó đã đặt nền tảng cho khái niệm về sự riêng tư mà giờ được gọi là việc kiểm soát thông tin về bản thân.
Mặc dù các vụ kiện đầu tiên sau khi nghiên cứu của họ được công bố không công nhận quyền riêng tư, nhưng ngay sau đó công chúng và cả tòa án tiểu bang và liên bang đã tán thành và mở rộng quyền riêng tư. Trong một nỗ lực để hệ thống hóa và mô tả rõ ràng hơn và xác định quyền riêng tư mới được đề cao trong luật bồi thường thiệt hại cá nhân, William Prosser đã viết vào năm 1960 rằng đang dần xuất hiện bốn lợi ích khác nhau về quyền riêng tư. Prosser không khẳng định định nghĩa mình đưa ra là chính xác và ông thừa nhận rằng có nhầm lẫn cũng như mâu thuẫn trong tiến trình phát triển bảo vệ quyền riêng tư trong hệ thống luật pháp, tuy nhiên ông đã giải thích bốn quyền riêng tư “khá rõ ràng” như sau:
- Xâm phạm vào sự riêng tư và tách biệt của một cá nhân hoặc vào công việc riêng tư của họ.
- Tiết lộ công khai sự thật riêng tư đáng xấu hổ của một cá nhân.
- Công khai hạ bệ hình ảnh của một cá nhân trong mắt công chúng.
- Chiếm dụng hình ảnh cá nhân để đem lại lợi ích cho cá nhân khác (Prosser 1960, 389).
Prosser lưu ý rằng việc can thiệp vào quyền riêng tư đầu tiên không bị giới hạn trong những xâm phạm cơ thể và chỉ ra rằng Warren và Brandeis chủ yếu quan tâm đến quyền riêng tư thứ hai. Dù vậy, Prosser thấy rằng việc bạo hành trong thực tế và nhu cầu của công chúng dẫn đến việc thừa nhận bốn kiểu xâm phạm quyền riêng tư này. Theo quan điểm của ông, vào thời điểm đó vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho ba vấn đề chính: (i) liệu việc xuất hiện ở nơi công cộng có hàm ý việc tước quyền riêng tư hay không, (ii) liệu các dữ liệu trong “tài liệu công” vẫn được coi là riêng tư hay không và (iii) liệu có thể tiết lộ những điều riêng tư sau một thời gian đáng kể hay không. Lưu ý rằng Warren và Brandeis đã viết những quan điểm quy phạm của họ về những gì họ cảm thấy cần được bảo vệ theo yêu cầu của quyền riêng tư, trong khi Prosser mô tả những quyền các đã được các tòa án bảo vệ trên thực tế trong 70 năm sau khi bài báo của Warren và Brandeis được xuất bản. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi định nghĩa về quyền riêng tư của họ khác nhau. Bởi Tòa án tối cao đã ra phán quyết rõ ràng rằng quyền riêng tư là lý do chủ yếu để bảo vệ Tu chính án thứ tư, quyền riêng tư với nghĩa là quyền kiểm soát thông tin về bản thân được xem như cũng bao hàm bảo vệ chống lại việc tìm kiếm không phi pháp, nghe trộm, giám sát, chiếm dụng và sử dụng sai mục đích các thông tin liên lạc cá nhân. Thomas Nagel (2002) có những lập luận đương thời hơn về quyền riêng tư, sự che đậy, công khai và phơi bày.
Dù cho quyền riêng tư kiểm soát thông tin cá nhân được bảo vệ vững chắc tại tòa án và các triết gia cũng như quần chúng gần như đều chấp nhận thừa nhận rộng rãi về giá trị của quyền riêng tư thông tin, Abraham L. Newman (2008) và những cá nhân khác đã lập luận một cách thuyết phục rằng Hoa Kỳ (US) và nhiều quốc gia ở Châu Á, đã phát triển một hệ thống bảo vệ quyền riêng tư bị hạn chế, chủ yếu tập trung vào việc tự điều chỉnh trong ngành và chính phủ nên thông tin cá nhân thường không được bảo mật. Ngược lại, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác đã tiếp nhận một tầm nhìn thay thế, đề cao việc bảo vệ người tiêu dùng và quyền riêng tư cá nhân chống lại lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp và các công chức chính quyền. Mô hình sau này được phát triển từ các quy tắc toàn diện về quyền riêng tư dữ liệu được ban hành trong Chỉ thị bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu năm 1995, hiện đã được tất cả 27 quốc gia Liên minh Châu Âu áp dụng dưới một số hình thức. Các quy định bảo vệ quyền riêng tư theo phong cách châu Âu đã lan rộng nhanh chóng trong thế giới công nghiệp, cùng với Hoa Kỳ như là một ngoại lệ đáng chú ý, và đã chuyển hóa cũng như định hướng những tranh biện về quyền riêng tư trên toàn cầu, trong khi Hoa Kỳ dựa trên não trạng “laissez-faire” (phản đối những can thiệp của nhà nước) về bảo vệ thông tin cá nhân và một loạt các nguyên tắc khác nhau về quyền riêng tư. Một loạt các nguyên tắc khác nhau này bao gồm các quy định về quyền riêng tư đối với học bạ của học sinh, các cuộn băng cho thuê, Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trên mạng của trẻ em (COPPA, 2000), Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp bảo hiểm y tế (HIPPA, 2006), v.v…
Liên minh Châu Âu trao quyền cho các ủy viên quyền riêng tư cá nhân hoặc các cơ quan có chuyên môn chuyên ngành được trao công quyền và có thể thành lập các liên minh chính trị để vận động hành lang thành công nhằm tăng cường bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, yêu cầu không được thu thập hoặc sử dụng thông tin cá nhân các mục đích phát sinh khác mà không có sự chấp thuận của cá nhân, v.v. Điều này trái ngược hẳn với cách tiếp cận của Mỹ cho phép các thực thể như công ty bảo hiểm và chủ lao động tiếp cận với một lượng thông tin cá nhân lớn không được đề cập trong các nguyên tắc riêng tư riêng biệt, do thiếu sự hỗ trợ của chính phủ trong việc xây dựng pháp luật về quyền riêng tư toàn diện hơn và hệ thống chính trị phân mảnh hơn. Nhìn chung, Hoa Kỳ ủng hộ quan điểm doanh nghiệp và chính phủ cần quyền truy cập không bị hạn chế đối với dữ liệu cá nhân để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia, trong khi Liên minh Châu Âu có quan điểm nhất quán rằng quyền riêng tư có giá trị quan trọng trong một xã hội thông tin mạnh mẽ vì công dân sẽ chỉ tham gia vào môi trường trực tuyến nếu họ cảm thấy quyền riêng tư của mình được đảm bảo trước sự giám sát ở khắp mọi nơi của chính phủ và các doanh nghiệp.
1.2 Quyền riêng tư hiến định
Năm 1965, Tòa án Tối Cao đã thừa nhận một cách rõ ràng một quyền riêng tư khá khác biệt, khác hoàn toàn với quyền riêng tư về thông tin và Tu chính án thứ tư. Hiện nay quyền này thường được gọi là quyền riêng tư hiến định. Quyền lần đầu tiên được tuyên bố trong vụ Griswold kiện Connecticut (381 US 479) khi bác bỏ cáo buộc của Giám đốc Planned Parenthood và một bác sĩ tại Trường Đại học Y khoa Yale vì đã phát tán thông tin liên quan tới biện pháp tránh thai cũng như những chỉ dẫn và lời khuyên y tế cho những người đã kết hôn. Quyền riêng tư hiến định được Thẩm phán William O. Douglas giải thích là quyền bảo vệ một không gian riêng tư bao gồm thiết chế xã hội về hôn nhân và quan hệ tình dục của những người đã kết hôn. Bất chấp quan điểm gây tranh cãi của Douglas, quyền riêng tư hiến định đã sớm được viện dẫn để bác bỏ lệnh cấm kết hôn dị chủng, cho phép các cá nhân giữ kín những điều dung tục trong không gian riêng của họ và cho phép việc phân phối các thiết bị tránh thai cho các cá nhân bao gồm cả đối tượng đã kết hôn và còn độc thân. Áp dụng phổ biến nhất đó là việc quyền riêng tư được viện dẫn để biện minh cho quyền phá thai khi đưa ra lý lẽ biện hộ vào năm 1973 trong vụ Roe kiện Wade (410 US 113) và các phán quyết sau đó về phá thai. Trong khi Douglas gọi một cách mơ hồ đó là quyền ”không phân định” “xuất phát” từ Hiến pháp và Tòa án đã không thể xác định rõ ràng quyền, nhưng nó thường được xem như một quyền bảo vệ lợi ích cá nhân của một người trong việc tự đưa ra các quyết định cá nhân quan trọng nhất định về gia đình, cuộc sống và lối sống. Những quyết định cá nhân nào được quyền riêng tư bảo vệ có thể thay đổi tùy thuộc vào bản chất của Tòa án. Năm 1986 trong vụ Bowers kiện Hardwick (478 US 186) quyền riêng tư không được biện dẫn để biện hộ cho lệnh cấm đối với luật chống kê gian tại Georgia, mặc dù có liên quan đến các mối quan hệ tình dục có tính mật thiết.
Vẫn xuất hiện thêm các chỉ trích về quyền riêng tư hiến định, đặc biệt là trên báo chí đại chúng, vụ Roe kiện Wade có thể đang trên bờ vực thẳm và nhiều người đã xem phán quyết của Bowers là bằng chứng về sự lụi tàn của quyền riêng tư hiến định. Tuy nhiên, vào năm 2003 trong vụ Lawrence kiện Texas (538 US 918), Tòa án Tối cao đã phán quyết với tỉ lệ ủng hộ 5–4 cho rằng một đạo luật của Texas quy tội cho hai người cùng giới có những cử chỉ thân mật nhất định đã vi phạm việc đảm bảo bảo vệ bình đẳng và xâm phạm những quyền lợi thiết yếu của tự do và quyền riêng tư được bảo vệ bởi điều khoản hợp lệ của Hiến pháp, từ đó bác bỏ vụ Bowers kiện Hardwick. Jean L. Cohen (2002) đưa ra một lý thuyết bảo vệ quan điểm bao trùm này về quyền riêng tư hiến định. Bà bảo vệ cách tiếp cận mang tính kiến tạo đối với quyền riêng tư và tính mật thiết, cho rằng quyền riêng tư bảo vệ tự trị cá nhân và quyền riêng tư hiến định là không thể bị tước đoạt dựa trên quan niệm hiện đại về lý tính và cách diễn giải của bà về tự trị. Hiện tại, nhiều quốc gia ngoại trừ Hoa Kỳ bảo vệ quyền lợi nằm trong quyền mà ngày nay được gọi là quyền riêng tư hiến định mà không hề gây tranh cãi như thường thấy ở Hoa Kỳ. Ví dụ: quyền riêng tư hiến định đã được sử dụng ở Hoa Kỳ để bãi bỏ các luật chống kê gian và để bảo vệ những lựa chọn cá nhân của người bạn đời. Ở châu Âu, nhiều quốc gia hiện đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, chẳng hạn như Hà Lan từ 10 năm trước và gần đây là Đức kể từ năm 2017.
1.3 Chủ nghĩa rút gọn so với Chủ nghĩa mạch lạc
Một cách để tìm hiểu ngày càng nhiều các nghiên cứu về quyền riêng tư đó là phân tách chúng thành hai loại chính mà ta tạm gọi là chủ nghĩa rút gọn và chủ nghĩa mạch lạc. Những người theo chủ nghĩa rút gọn thường chỉ trích quyền riêng tư, trong khi những người theo chủ nghĩa mạch lạc bảo vệ giá trị cơ bản nhất quán các quyền lợi của quyền riêng tư. Ferdinand Schoeman (1984) đã đưa ra các thuật ngữ khá khác nhau giúp ta dễ dàng hiểu hơn sự phân tách này. Theo Schoeman, một số tác giả tin rằng
… có một yếu tố cơ bản, lồng ghép và tách biệt nào đó về các mối lo ngại được nhóm lại với nhau một cách thông lệ theo các yêu cầu của “những vấn đề về quyền riêng tư”. Khi phản đối lập trường này, một số người đã lập luận rằng các vụ kiện được gắn nhãn “những vấn đề về quyền riêng tư” là rất đa dạng và khác nhau và do đó chỉ có mối liên hệ trên danh nghĩa hoặc trên bề nổi. Những người khác lập luận rằng khi các yêu cầu của quyền riêng tư được biện hộ xét theo mặt đạo đức, thì những lý lẽ biện minh cuối cùng phải ám chỉ đến các nguyên tắc có thể được định nghĩa một cách khá độc lập với bất kỳ mối lo ngại nào liên quan đến quyền riêng tư. Do đó, cuộc tranh luận vẫn tiếp tục, không có gì tách biệt về mặt đạo đức đối với quyền riêng tư. Tôi sẽ đề cập đến lập trường cho rằng hầu hết các yêu cầu của quyền riêng tư đều có một điểm chung nào đó được gọi là “thuyết mạch lạc.” Tôi sẽ gọi lập trường mà qua đó các yêu cầu của quyền riêng tư được biện hộ về mặt đạo đức bằng các nguyên tắc tách biệt với quyền riêng tư là “thuyết đặc thù”.
Các nhà lý thuyết phủ nhận cả thuyết mạch lạc và thuyết đặc thù lập luận rằng trong mỗi yêu cầu khác nhau của quyền riêng tư lại có những giá trị khác bị đe dọa cũng giống như trong nhiều vấn đề xã hội khác và những giá trị này lại làm suy yếu các yêu cầu của quyền riêng tư. Yếu tố cốt lõi của tình trạng phức tạp này là ta sẽ không gặp nhiều vấn đề nếu ta loại bỏ toàn bộ các cuộc thảo luận về quyền riêng tư và chỉ đơn giản là biện hộ cho những mối lo ngại của ta về các phạm trù quy phạm đạo đức và pháp luật (Schoeman 1984, 5).
Những nhà lý thuyết bác bỏ cả thuyết mạch lạc và thuyết đặc thù của Schoeman có thể được gọi là người theo chủ nghĩa rút gọn vì họ coi những gì được cho là mối lo ngại về quyền riêng tư là có thể phân tích được hoặc có thể quy ra thành các yêu cầu khác, chẳng hạn như việc gây đau khổ về tinh thần hoặc quyền lợi về tài sản. Họ cho rằng việc coi quyền riêng tư như một khái niệm tách biệt chẳng nhằm mục đích gì. Do đó, họ kết luận rằng không có gì thống nhất, tách biệt hay sáng tỏ về các quyền lợi của sự riêng tư.
Mặt khác, có nhiều hơn các nhà lý thuyết tranh biện rằng có điều gì đó cơ bản, tách biệt và nhất quán về các yêu cầu khác nhau được cho là những quyền lợi của sự riêng tư. Theo quan điểm này, sự riêng tư có giá trị như một khái niệm cơ bản, nhất quán và hầu hết các cá nhân cũng thừa nhận sự riêng tư là một khái niệm hữu ích. Những người tán thành quan điểm này có thể được gọi là người theo chủ nghĩa mạch lạc. Tuy nhiên, quan trọng là phải nhận ra rằng những người theo chủ nghĩa mạch lạc có quan điểm khá đa dạng và đôi khi trùng lặp về những điểm tách biệt giữa quyền riêng tư và những mối liên kết đa dạng giữa các yêu cầu của quyền riêng tư.
2. Phê phán Quyền riêng tư
2.1 Chủ nghĩa rút gọn của Thomson
Có lẽ quan điểm chủ nghĩa rút gọn phổ biến nhất về quyền riêng tư là của Judith Jarvis Thomson (1975). Lưu ý rằng không có nhiều sự đồng tình về khái niệm sự riêng tư, Thomson xem xét một số trường hợp được cho là xâm phạm quyền riêng tư. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, Thomson tin rằng tất cả các trường hợp đó có thể được giải thích đầy đủ và hợp lý dựa trên các vi phạm quyền sở hữu hoặc quyền đối với con người, chẳng hạn như quyền không bị nghe lén. Cuối cùng, quyền riêng tư, theo quan điểm của Thomson, chỉ đơn thuần là một nhóm các quyền. Các quyền trong nhóm quyền luôn chồng chéo nhau và có thể được giải thích đầy đủ bằng quyền tài sản hoặc quyền đối với an toàn thân thể. Quyền riêng tư theo quan điểm đó là “phái sinh” theo nghĩa là không cần phải tìm những gì phổ biến trong nhóm các quyền riêng tư. Theo Thomson, quyền riêng tư là phái sinh khi xét về tầm quan trọng và những lý lẽ biện minh của nó vì mọi vi phạm quyền riêng tư được hiểu rõ hơn là vi phạm quyền cơ bản hơn. Nhiều nhà phê bình đưa ra những lập luận hùng hồn phản đối lời phê phán của Thomson (Scanlon, 1975; Inness, 1992).
2.2 Phê phán về kinh tế của Posner
Richard Posner (1981) cũng trình bày những tranh biện về quyền riêng tư, ông lập luận rằng những lợi ích được bảo vệ trong quyền riêng tư không có tính tách biệt. Hơn nữa, chỉ có ông tranh biện như vậy bởi ông lập luận rằng quyền riêng tư được bảo vệ theo những cách không hiệu quả về mặt kinh tế. Xét trên khía cạnh thông tin, theo quan điểm của Posner, quyền riêng tư chỉ nên được bảo vệ khi quyền truy cập thông tin sẽ làm giảm bớt giá trị (ví dụ: việc cho phép sinh viên xem thư giới thiệu làm cho những bức thư đó kém tin cậy hơn và do đó làm giảm giá trị, vì vậy mà chúng nên được bảo mật hoặc giữ riêng). Tập trung vào quyền riêng tư thông qua khía cạnh kiểm soát thông tin về bản thân, Posner lập luận rằng việc che giấu hoặc tiết lộ thông tin có chọn lọc thường là để đánh lừa hoặc thao túng người khác, hoặc vì lợi ích kinh tế cá nhân và do đó việc bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân ít được bênh vực hơn như người ta nghĩ vì nó không tối đa hóa của cải. Tóm lại, Posner cho rằng quyền riêng tư của tổ chức hoặc tập đoàn là quan trọng hơn quyền riêng tư cá nhân bởi quyền riêng tư của tổ chức hoặc tập đoàn có khả năng nâng cao nền kinh tế.
2.3 Quan điểm của Bork
Một nhà phê bình gay gắt khác về quyền riêng tư là Robert Bork (1990), những chỉ trích của ông nhắm vào quyền riêng hiến định được Tòa án Tối cao quy định từ năm 1965. Bork coi phán quyết trong vụ Griswold kiện Connecticut là một nỗ lực của Tòa án tối cao để ủng hộ một phía khi giải quyết một vấn đề văn hóa-xã hội và như một ví dụ về luật hiến pháp yếu kém. Những chỉ trích của Bork tập trung vào Thẩm phán William O. Douglas và phán quyết theo ý kiến đa số tán thành trong vụ Griswold. Luận điểm chính của Bork là Douglas đã không đưa ra quyền riêng tư xuất phát từ một số quyền đã có từ trước hoặc từ luật tự nhiên mà chỉ tạo ra quyền riêng tư mới không có cơ sở trong Hiến pháp hoặc Tuyên ngôn Nhân quyền. Bork đã đúng vì từ “quyền riêng tư” chưa từng xuất hiện trong các tài liệu đó. Tuy nhiên, Douglas đã lập luận rằng quyền riêng tư có thể được coi được bảo đảm dựa trên các Tu chính án thứ nhất, thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ chín. Tóm lại, các biện pháp bảo vệ được đưa ra bởi các Tu chính án này cho thấy các công dân được bảo vệ một số quyền riêng tư cơ bản và những quyền này bao gồm khả năng đưa ra các quyết định cá nhân của họ về nhà cửa và cuộc sống gia đình. Ngược lại, Bork lập luận rằng i) không có Tu chính án nào được trích dẫn đề cập đến các vụ kiện tại Tòa án, ii) rằng Tòa án Tối cao chưa bao giờ nêu rõ hoặc làm rõ khái niệm quyền riêng tư hoặc giới hạn mở rộng của quyền riêng tư và ông cho rằng iii) quyền riêng tư chỉ đơn thuần là chỉ bảo vệ những gì mà đa số thẩm phán cho rằng nên bảo vệ. Tóm lại, ông cáo buộc Douglas và đa số thẩm phán đã tự đặt ra một quyền mới và do đó vượt quá giới hạn với tư cách là thẩm phán khi đưa ra luật mới chứ không diễn giải luật. Quan điểm của Bork tiếp tục được bảo vệ bởi những người khác trong giới chính trị và truyền thông đại chúng.
Những nhà lý thuyết William Parent (1983) và Judith Thomson (1975) cho rằng quyền riêng tư hiến định không thực sự là quyền riêng tư mà chỉ được diễn tả một cách khéo léo như là một quyền tự do. Ngược lại, các nhà phê bình khác tin rằng ngay cả khi lập luận biện hộ của Douglas còn chưa xác đáng khi sử dụng ngôn ngữ mơ hồ về quyền riêng tư từ Hiến pháp và các Tu chính án thì vẫn có một quan điểm nhất quán về mặt lịch sử và khái niệm về quyền riêng tư, tách biệt với quyền tự do, được cấu thành từ các vụ kiện về quyền riêng tư hiến định (Inness, 1992; Schoeman, 1992; Johnson, 1994; DeCew, 1997).
Đáp lại lời chỉ trích của Bork rằng bảo vệ quyền riêng tư theo hiến pháp không hoàn toàn liên quan đến quyền riêng tư mà chỉ liên quan đến quyền tự do hoặc quyền tự trị, có lập luận xác đáng cho rằng ta có nhiều quyền tự do cá nhân như tự do ngôn luận, nhưng nhiều người dường như không thấy mối liên quan hay quan tâm cá nhân nào mà ta sẵn sàng coi chúng là các vấn đề về quyền riêng tư. Nếu vậy, thì quyền tự do là một khái niệm rộng hơn quyền riêng tư và các vấn đề cũng như yêu cầu của quyền riêng tư là một phần của các yêu cầu của quyền tự do. Để ủng hộ quan điểm này, các nhà phê bình triết học và pháp lý đã nhấn mạnh rằng quyền riêng tư bảo vệ quyền tự do và việc bảo vệ quyền riêng tư mang lại cho chúng ta quyền tự định nghĩa bản thân và các mối quan hệ của ta với người khác (Allen, 2011; DeCew, 1997; Reiman, 1976, 2004; Schoeman , 1984, 1992).
Một lời diễn giải đầy rung cảm ủng hộ quan điểm này đến từ một trích dẫn trong áng văn của Milan Kundera — hiểu quyền riêng tư là cần thiết và là điều kiện bắt buộc để có được tự do.
Nhưng vào một ngày năm 1970 hoặc 1971, với ý định làm mất uy tín của Prochazka, cảnh sát bắt đầu đăng những cuộc trò chuyện này [với Giáo sư Vaclav Cerny, người mà ông ta thích uống rượu và nói chuyện cùng] thành một sê-ri radio. Đối với cảnh sát, đó là một hành động táo bạo chưa từng có. Và thật đáng ngạc nhiên: kế hoạch này gần như thành công; ngay lập tức Prochazka bị mất uy tín: bởi vì trong đời sống riêng tư, người ta nói đủ thứ, nói xấu bạn bè, sử dụng ngôn ngữ thô tục, hành động ngớ ngẩn, kể những câu chuyện cười tục tĩu, lặp lại lời nói của chính mình, gây cười bằng lối nói chuyện thái quá, đưa ra những ý tưởng dị giáo mà ông ta không bao giờ công khai thừa nhận, v.v. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều ứng xử như Prochazka trong không gian riêng tư, chúng ta nói xấu bạn bè và sử dụng ngôn ngữ thô tục; chúng ta ai cũng ứng xử trong không gian riêng tư khác với trong không gian công cộng và đó là nền tảng của đời sống cá nhân; thật kỳ lạ, sự thật hiển nhiên này không được nhận ra, không được thừa nhận, cứ mãi bị che khuất bởi những mộng tưởng trữ tình về ngôi nhà kính trong trẻo và quyền riêng tư hiếm khi được coi là giá trị mà ta phải ưu tiên bảo vệ so với những quyền khác. Vì vậy, dần dần mọi người mới nhận ra (mặc dù cơn thịnh nộ càng ngày càng lan rộng) rằng thực ra vụ bê không phải là việc Prochazka ăn nói thô thiển mà là việc xâm phạm thô bạo cuộc đời ông ta; họ nhận ra (như thể động trời) rằng không gian cá nhân và công cộng là hai thế giới về cơ bản là khác nhau và việc tôn trọng sự khác biệt đó là điều kiện bắt buộc, là điều kiện thiết yếu để một con người được sống tự do; không được xâm phạm vào bức màn ngăn cách hai thế giới này và những kẻ phá hủy bức màn này là những tên tội phạm. Và bởi vì những kẻ phá hủy bức màn này đang phục vụ một chế độ bị thù ghét nên chúng mọi người đồng tình coi là những tên tội phạm thực sự đáng khinh. (Kundera, 1984, 261)
Không khó để nhận thấy sự tương đồng giữa tình tiết truyện của Kundera với hệ thống giám sát điện tử và camera trên đường phố phổ biến trong xã hội ngày nay. Có bằng chứng chi tiết hơn cho thấy quyền riêng tư và quyền tự do là những khái niệm khác biệt, rằng quyền tự do là một khái niệm rộng hơn và quyền riêng tư là yếu tố cần thiết để bảo vệ quyền tự do. Ta có nhiều hình thức tự do dường như không liên quan tới những gì ta có thể coi là riêng tư và không thích đáng chịu sự can thiệp của chính phủ vì lý do cá nhân. Ví dụ, quyền đi lại từ tiểu bang này sang tiểu bang khác mà không cần hộ chiếu, dường như là một quyền tự do khác xa với quyền tự do đưa ra quyết định về những mối quan tâm cá nhân và mật thiết liên quan tới thân thể của một người – chẳng hạn như sử dụng biện pháp tránh thai, lựa chọn phá thai, triệt sản (Buck v. Bell, 274 US 200, 1927) và phẫu thuật thắt ống dẫn tinh (vụ Skinner kiện Oklahoma vụ 535 trong tập 316, Tòa án tối cao Hoa Kỳ, năm 1942, đã bãi bỏ quy chế bắt buộc triệt sản đối với những người phạm ba trọng tội). Rõ ràng là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã công nhận điều này khi tuyên bố rằng các vụ kiện về quyền riêng tư hiến định là về lợi ích thứ yếu đối với quyền riêng tư, cụ thể là “lợi ích cá nhân trong việc đưa ra một số quyết định quan trọng” (vụ Whalen kiện Roe, tập 589 vụ 429, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, năm 1977).
2.4 Phê phán của các nhà nữ quyền về sự riêng tư
Không có một phiên bản duy nhất nào về lời phê phán quyền riêng tư của các nhà nữ quyền, nhưng nói chung nhiều nhà nữ quyền lo lắng về mặt trái của quyền riêng tư và việc sử dụng quyền riêng tư như một vỏ bọc để che đậy việc kiểm soát, hạ thấp phẩm giá và lạm dụng phụ nữ và những đối tượng khác. Nhiều người có xu hướng tập trung vào khía cạnh không gian riêng tư đối nghịch với không gian công cộng, thay vì chỉ đơn thuần xét tới bảo mật thông tin hoặc quyền riêng tư hiến định. Nếu việc phân biệt không gian công và không gian riêng tư đồng nghĩa với không gian riêng tư không chịu bất kỳ sự giám sát nào thì những nhà nữ quyền như Catharine MacKinnon (1989) đã đúng khi cho rằng quyền riêng tư có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ khi nó được sử dụng để làm vỏ bọc cho hành vi gây tổn hại thể chất đối với phụ nữ bằng cách duy trì sự phục tùng của phụ nữ trong đời sống gia đình và khuyến khích nhà nước không can thiệp. Jean Bethke Elshtain (1981, 1995) và những người khác cho rằng có vẻ như các nhà nữ quyền như MacKinnon vì lý do này mà từ chối phân biệt công cộng/ riêng tư và thêm vào đó còn khuyến nghị các nhà nữ quyền và những người khác nên bác bỏ hoặc từ bỏ hoàn toàn quyền riêng tư. Nhưng Elshtain chỉ ra rằng lựa chọn thay thế này có vẻ quá cực đoan.
Một quan điểm hợp lý hơn, theo Anita Allen (1988), là thừa nhận rằng mặc dù quyền riêng tư có thể là vỏ bọc cho sự lạm dụng nhưng không thể chấp nhận được việc bác bỏ hoàn toàn quyền riêng tư dựa trên những nguy hại xảy ra trong không gian riêng tư. Việc hoàn toàn bác bỏ quyền riêng tư khiến mọi thứ trở nên công khai và để ngỏ khả năng nhà nước sẽ giám sát toàn diện và xâm phạm vào đời sống gia đình. Tuy nhiên, những người phụ nữ chắc hẳn quan tâm tời quyền riêng tư, quyền riêng tư có thể bảo vệ họ khỏi các chương trình triệt sản hoặc các xét nghiệm ma túy do chính quyền áp đặt đối với phụ nữ mang thai, chẳng hạn như yêu cầu gửi kết quả cho cảnh sát và quyền riêng tư có thể đưa ra các quy định hợp lý như trao quyền không cưỡng hiếp trong mối quan hệ hôn nhân. Do đó, việc hợp nhất không gian công / tư thành một không gian công cộng duy nhất là không thỏa đáng. Điều khiến các nhà nữ quyền băn khoăn là làm thế nào để làm rõ một khái niệm quan trọng và có giá trị về quyền riêng tư, một khái niệm cung cấp cho họ một không gian không bị nhà nước giám sát hay can thiệp và tránh không rơi vào tư tưởng rẽ nhánh công / tư truyền thống mà trước đây đã khiến phụ nữ rơi vào không gian riêng tư và gia đình mà họ là nạn nhân của bạo hành và bị khống chế. Thách thức là phải tìm ra cách để nhà nước xử lý một cách nghiêm túc những hành vi bạo hành trong gia đình mà trước đây được dung túng nhân danh quyền riêng tư, đồng thời ngăn cản việc nhà nước can thiệp khôn khéo vào những khía cạnh mật thiết nhất của đời sống phụ nữ. Điều này có nghĩa là ta phải vạch ra những ranh giới mới cho những can thiệp thích đáng của nhà nước và từ đó hiểu được sự tách biệt công / tư theo những cách mới.
3. Quan điểm về Ý nghĩa và Giá trị của Sự riêng tư
3.1 Sự riêng tư và Kiểm soát Thông tin
Các quan điểm hẹp về quyền riêng tư tập trung vào việc kiểm soát thông tin về bản thân được Warren, Brandeis và William Prosser biện hộ cũng được nhiều nhà phê bình gần đây gồm có Fried (1970) và Parent (1983) tán thành. Ngoài ra, Alan Westin cho rằng quyền riêng tư là khả năng tự xác định thời điểm, cách thức và mức độ thông tin về bản thân được tiết lộ cho người khác (Westin, 1967). Có lẽ William Parent đã đưa ra bằng chứng hùng hồn nhất hiện nay biện hộ cho quan điểm này. Parent giải thích rằng ông đưa ra lời biện hộ cho quan điểm về quyền riêng tư phù hợp với ngôn ngữ thông thường và không trùng lặp hay hiểu sai định nghĩa căn bản của các thuật ngữ cơ bản khác. Ông định nghĩa quyền riêng tư là tình trạng những thông tin cá nhân chưa được lưu trữ trong tài liệu công không bị tiết lộ hoặc sở hữu bởi các đối tượng khác. Parent nhấn mạnh rằng ông đang định nghĩa điều kiện của quyền riêng tư như một giá trị đạo đức đối với những ai đề cao tính cá nhân và tự do chứ không phải là quyền riêng tư xét trên mặt đạo đức hay pháp lý. Parent định nghĩa thông tin cá nhân là những thông tin chính xác (nếu không sẽ bị che đậy bằng lời bôi nhọ, vu khống hoặc phỉ báng) và là những thông tin mà hầu hết mọi người chọn không tiết lộ về bản thân, chẳng hạn như thông tin về sức khỏe, lương thưởng, cân nặng, xu hướng tính dục, v.v. . Theo quan điểm của Parent, thông tin cá nhân được lưu lại chỉ khi chúng nằm trong tài liệu công, nghĩa là trên báo chí, hồ sơ tòa án hoặc các tài liệu công khai khác. Do đó, một khi thông tin là một phần của tài liệu công thì khi tiết lộ thông tin trong tương lại sẽ không bị coi là xâm phạm quyền riêng tư, thậm chí sau nhiều năm sau đó hay tiết lộ cho nhiều đối tượng và cũng không được theo dõi hay xâm phạm quyền riêng tư nếu không tìm được thông tin không được lưu trữ trong tài liệu công. Trong trường hợp không có thông tin mới nào được thu thập, Parent xem hành vi xâm phạm là không liên quan đến quyền riêng tư và nên được hiểu là sự tước quyền ẩn danh, xâm phạm trái phép hoặc quấy rối. Hơn nữa, Parent cho rằng những quyền riêng tư hiến định được nhắc tới ở trên nên được hiểu là quyền lợi của quyền tự do không phải quyền riêng tư. Tóm lại, theo quan điểm của Parent, quyền riêng tư bị rút ngắn lại chỉ trong trường hợp người khác có được thông tin cá nhân không được lưu trữ trong tài liệu công. DeCew (1997) đưa ra lời phê phán tỉ mỉ quan điểm của Parent. Mặc dù định nghĩa của Parent có giá trị vì ông ấy coi quyền riêng tư là một khái niệm nhất quán với giá trị căn bản và duy nhất, nhưng định nghĩa này có vấn đề vì một số lý do. Cách diễn giải này quá hạn hẹp bởi ông chỉ sử dụng thuật ngữ mang tính mô tả và không mang tính chuẩn mực. Một ví dụ khác, nếu thông tin cá nhân nằm trong tài liệu công thì ngay cả việc rình mò ngấm ngầm nhất để lấy được thông tin cũng không cấu thành nên hành vi xâm phạm quyền riêng tư. DeCew (1997) và Scanlon (1975, 317) cũng thảo luận về những vấn đề khác trong quan điểm của Parent.
3.2 Sự riêng tư và Nhân phẩm
Trong một bài luận được viết chủ yếu nhằm bảo vệ nghiên cứu của Warren và Brandeis cũng như để đáp trả William Prosser, Edward J. Bloustein (1964) lập luận rằng xuyên suốt các vụ kiện khác nhau có một chủ đề chung là bảo vệ quyền riêng tư. Theo Bloustein, Warren và Brandeis không đưa ra được định nghĩa rõ ràng của quyền riêng tư, tuy nhiên họ đã đúng khi cho rằng có một giá trị đơn nhất có mối liên hệ tới các quyền lợi riêng tư, họ gọi giá trị này là “nhân cách bất khả xâm phạm”. Theo quan điểm của Bloustein, có thể đưa ra một lý thuyết chung về quyền riêng tư cá nhân dung hòa các yếu tố khác nhau và “nhân cách bất khả xâm phạm” là giá trị xã hội được quyền riêng tư bảo vệ. Nó xác định bản chất của con người và bao gồm phẩm giá cũng như liêm chính cá nhân, tự trị và độc lập cá nhân. Tôn trọng những giá trị này đặt nền tảng cũng như hợp nhất khái niệm về quyền riêng tư. Lần lượt thảo luận về bốn loại quyền riêng tư của Prosser, Bloustein bảo vệ quan điểm rằng mỗi quyền riêng tư đều quan trọng vì chúng bảo vệ khỏi những hành vi xâm phạm hạ bệ nhân cách và hạ thấp nhân phẩm. Sử dụng phân tích này, Bloustein liên hệ các quyền riêng tư trong luật bồi thường thiệt hại cá nhân mà Prosser diễn giải Tu chính án thứ tư bảo vệ quyền riêng tư. Ông nêu ra rằng cả hai đều kiểm soát chặt chẽ một cá nhân đe dọa tới sự tự trị và sự tự ý thức bản thân cũng như xâm phạm nhân phẩm và nhân cách đạo đức của cá nhân. Chủ đề về khái niệm chung liên kết các vụ kiện về quyền riêng tư khác nhau, trong đó cấm một số hành vi như phát tán thông tin bí mật, nghe trộm, giám sát và nghe lén, chính là giá trị bảo vệ chống lại sự xâm phạm tự do cá nhân và nhân phẩm. Nói tóm lại, sự xâm phạm quyền riêng tư được hiểu rõ nhất là xúc phạm đến nhân phẩm. Mặc dù Bloustein thừa nhận các thuật ngữ có phần mơ hồ, nhưng ông biện luận rằng phân tích này về mặt khái niệm là nhất quán và sáng tỏ.
3.3 Sự riêng tư và tính mật thiết
Có quan điểm phổ biến cho rằng quyền riêng tư và tính mật thiết có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Về một khía cạnh nào đó, sự riêng tư là đáng giá bởi vì không có sự riêng tư sẽ không thể có tính mật thiết (Fried, 1970; Gerety 1977; Gerstein, 1978; Cohen, 2002). Ví dụ Fried định nghĩa quyền riêng tư trong phạm vi hẹp là quyền kiểm soát thông tin về bản thân. Tuy nhiên, ông mở rộng định nghĩa này và lập luận rằng quyền riêng tư có giá trị nội tại, nhất thiết phải liên quan và là cơ sở cho sự phát triển của một người với tư cách là một cá nhân có nhân cách đạo đức xã hội có khả năng hình thành các mối quan hệ mật thiết hàm chứa trong đó là sự tôn trọng, tình yêu, tình bạn và sự tin tưởng. Quyền riêng tư là đáng giá vì nó cho phép một người kiểm soát thông tin về bản thân, cho phép một người duy trì mức độ mật thiết khác nhau. Thật vậy, tình yêu, tình bạn và sự tin tưởng chỉ có thể hình thành nếu mọi người đều có được sự riêng tư và trao nhau sự riêng tư. Theo quan điểm của Fried, quyền riêng tư là cần thiết cho các mối quan hệ như vậy và điều này giúp giải thích tại sao những mối đe dọa đối với quyền riêng tư lại chính là mối đe dọa đối với tính liêm chính của con người. Bằng cách định rõ quyền riêng tư là một bối cảnh thiết yếu cho tình yêu, tình bạn và sự tin tưởng, Fried đang đặt nền tảng lý thuyết của mình dựa trên quan niệm đạo đức và đặc trưng tính cách của con người, dựa trên quan niệm của người Kant về con người có các quyền cơ bản và nhu cầu xác định cũng như theo đuổi các giá trị của bản thân một cách tự do không bị người khác xâm phạm. Quyền riêng tư cho phép một người tự do xác định mối quan hệ của mình với người khác và định nghĩa chính mình. Bằng cách này, quyền riêng tư cũng có liên hệ chặt chẽ với sự tôn trọng và sự tự tôn.
Gerstein (1978) cũng lập luận rằng sự riêng tư là cần thiết cho tính mật thiết, tính mật thiết trong giao tiếp và các mối quan hệ giữa các cá nhân là cần thiết để chúng ta trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống của mình. Cần có sự mật thiết mà không bị xâm phạm hoặc bị giám sát để ta có những trải nghiệm một cách tự nhiên và không thấy tủi thẹn. Shoeman (1984) tán thành những quan điểm này và nhấn mạnh rằng quyền riêng tư đưa ra một cách để kiểm soát thông tin mật thiết về bản thân và mang lại nhiều lợi ích khác, không chỉ cho mối quan hệ với người khác mà còn cho sự phát triển nhân cách và nội tâm của cá nhân. Julie Inness (1992) đã xác định tính mật thiết là đặc tính của các hành vi xâm phạm được gọi một cách chính xác là xâm phạm quyền riêng tư. Inness lập luận rằng tính mật thiết không dựa trên hành vi mà dựa trên động cơ. Bà tin rằng tình yêu, sở thích các mối quan tâm làm cho những thông tin hoặc hoạt động có tính mật thiết có ý nghĩa. Chính quyền riêng tư bảo vệ khả năng lưu giữ những thông tin và những hoạt động có tính mật thiết của cá nhân để ta có thể đáp ứng nhu cầu được yêu thương và được chăm sóc của bản thân.
3.4 Sự riêng tư và các mối quan hệ xã hội
Một số nhà phê bình biện hộ cho các quan điểm về quyền riêng tư có mối liên hệ chặt chẽ với những diễn giải nhấn mạnh quyền riêng tư là yếu tố cần thiết của tính mật thiết, họ nhấn mạnh không chỉ tính mật thiết mà còn tầm quan trọng nói chung của việc phát triển các mối quan hệ khác nhau giữa các cá nhân. Rachels (1975) thừa nhận rằng không có câu trả lời duy nhất cho câu hỏi tại sao quyền riêng tư lại quan trọng đối với chúng ta, có thể kể ra một vài ví dụ, ta cần quyền riêng tư để bảo vệ tài sản hoặc lợi ích của một người, hoặc để bảo vệ một người khỏi nỗi tủi thẹn, hoặc để bảo vệ người đó trước những những hậu quả nghiêm trọng của việc rò rỉ thông tin. Tuy nhiên, ông dứt khoát chỉ trích quan điểm của Thomson và đưa ra quan điểm rằng quyền riêng tư là một quyền riêng biệt. Theo quan điểm của ông, cần có sự riêng tư để duy trì nhiều mối quan hệ xã hội, không chỉ những mối quan hệ mật thiết. Sự riêng tư đem lại cho ta khả năng kiểm soát được việc người nào sẽ được biết những gì về ta, những ai được tiếp cận ta và từ đó ta có thể thay đổi hành vi của mình với những người khác nhau để duy trì và kiểm soát các mối quan hệ xã hội khác nhau của bản thân, mà trong đó sẽ không có nhiều những mối quan hệ mật thiết. Một điểm thú vị trong phân tích của Rachels về quyền riêng tư là nó nhấn mạnh những trường hợp mà trong đó quyền riêng tư không chỉ bị giới hạn trong việc kiểm soát thông tin. Khả năng kiểm soát cả thông tin và khả năng tiếp cận với ta giúp ta kiểm soát các mối quan hệ của bản thân với những người khác. Do đó, quyền riêng tư cũng có mối liên hệ với hành vi và các hoạt động của ta.
3.5 Sự riêng tư và Hạn chế tiếp cận
Một nhóm lý thuyết gia khác định nghĩa sự riêng tư xét về mặt tiếp cận. Một số nhà phê bình giải thích sự riêng tư là khả năng của một người cho phép người khác tiếp cận thế giới riêng của họ và Sissela Bok (1982) lập luận rằng sự riêng tư bảo vệ ta không bị người khác tiếp cận khi ta không muốn – tiếp cận trực tiếp hoặc tiếp cận thông tin cá nhân cũng như việc được quan tâm. Ruth Gavison (1980) bảo vệ quan điểm mở rộng hơn về sự riêng tư một cách chi tiết hơn, ông cho rằng lợi ích của sự riêng tư có liên quan đến quan ngại về khả năng tiếp cận của người khác, nghĩa là người khác biết được những gì về ta, họ tiếp cận trực tiếp đối với ta ở mức độ nào và ta là đối tượng thu hút sự chú ý của người khác ở mức độ nào. Do đó, khái niệm sự riêng tư được hiểu rõ nhất là những quan ngại về khả năng hạn chế tiếp cận và một người có sự riêng tư toàn diện khi người khác hoàn toàn không thể tiếp cận người đó. Người ta có thể có được sự riêng tư theo ba cách tuy khác nhau nhưng có liên quan lẫn nhau: thông qua bí mật, khi không ai có thông tin về người đó, thông qua ẩn danh, khi không ai chú ý đến người đó và thông qua cô độc, khi không ai có thể tiếp cận trực tiếp với người đó. Gavison cho rằng quan niệm sự riêng tư là phức hợp của nhiều quan niệm, những quan niệm này đều là một phần của khái niệm khả năng tiếp cận. Hơn nữa, quan niệm này cũng có tính nhất quán vì các chức năng của quyền riêng tư bao gồm “thúc đẩy quyền tự do, tự trị, nhân vị tính, các mối quan hệ giữa con người và thúc đẩy xã hội tự do” (Gavison 1980, 347).
Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng các quan điểm khác nhau này, Anita Allen (1988) cũng định nghĩa sự riêng tư biểu thị mức độ không thể tiếp cận đối với con người, với trạng thái tinh thần và những thông tin cá nhân bằng các cảm quan hay việc theo dõi của những người khác. Bà cho rằng những trạng thái ẩn dật, cô độc, bí mật, bảo mật và ẩn danh đều là những hình thức khác của sự riêng tư. Bà cũng nhấn mạnh rằng quyền riêng tư là cần thiết cho những lý tưởng khai sáng về nhân vị tính và dân chủ. Trong khi quan điểm của bà có vẻ giống với của Gavison, Allen cho thấy quan điểm hạn chế tiếp cận của bà rộng hơn của Gavison. Điều này một phần là do Allen nhấn mạnh rằng dù trong không gian công và không gian riêng, phụ nữ cũng mất đi sự riêng tư, mà việc mất đi sự riêng tư này chỉ phụ nữ mới phải chịu. Ta cần lưu ý rằng sự riêng tư tự thân nó về mặt đạo đức không xấu cũng không tốt, tuy nhiên Allen mở rộng bảo vệ quyền riêng tư của phụ nữ trong khía cạnh đạo đức và pháp luật. Lấy các ví dụ như quấy rối tình dục, giữ kín danh tính nạn nhân trong các vụ hiếp dâm và quyền tự do sinh sản, Allen nhấn mạnh ý nghĩa đạo đức của việc mở rộng bảo vệ quyền riêng tư cho phụ nữ. Theo một cách nào đó, những diễn giải của bà có thể được hiểu như một phản hồi cho những quan điểm phê phán nữ quyền về sự riêng tư, những quan điểm cho rằng sự riêng tư có thể dùng để che đậy cho việc lạm dụng, nhưng sự riêng tư cũng có thể có giá trị đối với phụ nữ nên việc bảo vệ quyền riêng tư cần được tăng cường chứ không phải loại bỏ bớt.
Gần đây nhất, Adam Moore (2003), dựa trên quan điểm của Gavison, Allen cũng như những nhà lý thuyết khác, đã đưa ra diễn giải “kiểm soát khả năng tiếp cận” về quyền riêng tư. Theo Moore, quyền riêng tư là quyền liên quan đến văn hóa và giống loài đối với mức độ kiểm soát đối với khả năng tiếp cận đối với cơ thể, không gian và thông tin. Trong khi bảo vệ quan điểm rằng quyền riêng tư liên quan đến giống loài và văn hóa, Moore lập luận rằng quyền riêng tư có giá trị khách quan – con người khi không được nắm một mức độ kiểm soát nhất định đối với khả năng tiếp cận sẽ bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau. Moore tuyên bố rằng sự riêng tư, giống như giáo dục, sức khỏe và việc duy trì các mối quan hệ xã hội, là một phần thiết yếu đối với sự phát triển cũng như sức khỏe và hạnh phúc toàn diện của con người.
3.6 Phạm vi bảo mật
Có một vấn đề khác gây nên những bất đồng ngay cả trong số những nhà lý thuyết tin rằng sự riêng tư là một khái niệm nhất quán. Câu hỏi đặt ra là liệu có hay không quyền riêng tư hiến định và các vụ kiện về quyền riêng tư hiến định đã được nêu liên quan đến các quyết định cá nhân về lối sống và đời sống gia đình, bao gồm tránh thai, hôn nhân dị chủng, xem nội dung khiêu dâm tại nhà, phá thai, v.v. , hoặc chỉ đơn thuần là đặt ra câu hỏi về quyền tự do. Parent (1983) loại bỏ những mối lo ngại về khả năng đưa ra những quyết định cá nhân quan trọng nhất định về đời sống gia đình và lối sống như những vấn đề quan trọng về quyền riêng tư, ông cho rằng các vụ kiện liên quan tới quyền riêng tư hiến định chỉ tập trung vào quyền tự do. Những người khác có cùng quan điểm này là Henkin (1974), Thomson (1975), Gavison (1980) và Bork (1990). Allen (1988) định nghĩa quyền riêng tư về khả năng tiếp cận và loại bỏ khỏi định nghĩa việc chính phủ can thiệp để bảo vệ tự trị cá nhân, bà gọi đây là một kiểu tự do. Tuy nhiên, bà đề cập đến biện pháp bảo vệ này như “quyền riêng tư mang tính quyết định” và cho rằng việc xác định phạm trù hoàn toàn chỉ là về mặt định nghĩa và là một cách gắn nhãn. Cuối cùng, bà tin rằng việc can thiệp vào các quyết định liên quan đến sinh sản và tình dục làm tăng mối lo ngại về mặt đạo đức giống như các hành vi xâm phạm quyền riêng tư khác và xúc phạm các giá trị cá nhân. Tòa án Tối cao tuyên bố (vụ Whalen kiện Roe, 429 US 589, 1977) rằng quyền riêng tư có hai khía cạnh khác nhau: kiểm soát thông tin về bản thân và kiểm soát khả năng đưa ra một số quyết định cá nhân quan trọng.
Theo cách lập luận này, một số nhà lý thuyết bảo vệ quan điểm rằng sự riêng tư có phạm vi rộng, bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến sự riêng tư được nêu ra bởi Tòa án dù cho không có định nghĩa đơn thuần về sự riêng tư. Hầu hết các nhà lý thuyết này khám phá mối liên hệ giữa các lợi ích của sự riêng tư và nét tương đồng về lý do tại sao phải coi trọng những lợi ích này của sự riêng tư. Một số người nhấn mạnh rằng sự riêng tư là cần thiết để một người phát triển cái tôi và trở thành một cá thể có mục đích, có khả năng tự quyết định. Sự riêng tư cho phép ta kiểm soát thông tin cá nhân, cơ thể cũng như các lựa chọn cá nhân cho cái tôi cá nhân của ta (Kupfer, 1987). Một số nhà lý thuyết nhấn mạnh tầm quan trọng của tính mật thiết đối với tất cả các vấn đề về quyền riêng tư, lưu ý rằng tính mật thiết là cần thiết đối với quyền riêng tư để bảo vệ thông tin mật thiết về bản thân, khả năng tiếp cận, cũng như các mối quan hệ mật thiết và tự do lựa chọn hành vi của bản thân (Inness, 1992). Một số khác lại tập trung vào tầm quan trọng của các quy chuẩn đối với sự riêng tư, những quy chuẩn này cho phép việc hạn chế khả năng tiếp cận của người khác cũng như cho phép và khuyến khích biểu đạt cá nhân cũng như giúp phát triển các mối quan hệ. Sự riêng tư bảo vệ ta khỏi những kiểm soát quá mức từ xã hội thông qua khả năng tiếp cận thông tin hoặc việc kiểm soát quá trình đưa ra quyết định cá nhân (Schoeman, 1992). Một số nhà lý thuyết bảo vệ quan điểm cho rằng “kiểm soát khả năng tiếp cận” đối với sự riêng tư bao gồm việc kiểm soát khả năng tiếp cận thân thể là một phần của khái niệm sự riêng tư cùng với khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận các địa điểm (Moore, 2003). Những người khác cho rằng sự riêng tư được hiểu rõ nhất là một khái niệm bao trùm gồm có những quyền lợi trong việc i) kiểm soát thông tin về bản thân, ii) kiểm soát khả năng tiếp cận đối với bản thân cả về mặt thể chất và tinh thần và iii) kiểm soát khả năng đưa ra các quyết định quan trọng về gia đình và lối sống để được tự biểu đạt và phát triển các mối quan hệ khác nhau (DeCew , 1997). Ba quyền lợi này liên quan đến nhau bởi trong cả ba bối cảnh này, các mối đe dọa rò rỉ thông tin, các mối đe dọa kiểm soát cơ thể và các mối đe dọa đối với quyền đưa ra lựa chọn cho riêng mình về lối sống và hành vi đều khiến ta dễ bị tổn thương và lo sợ bị người khác soi xét, gây áp lực hoặc lợi dụng. Sự riêng tư có giá trị đạo đức vì nó bảo vệ ta trong cả ba bối cảnh bằng cách mang lại cho ta sự tự do và độc lập nhất định – tự do không bị soi xét, chịu những định kiến, bị gây áp lực phải tuân theo, bị bóc lột và bị người khác đánh giá.
Tuy nhiên, rất khó để các triết gia đưa ra các chỉ dẫn rõ ràng về mặt tích cực của việc hiểu sự riêng tư bảo vệ những gì và tại sao nó lại quan trọng. Có ý kiến đồng thuận cho rằng tầm quan trọng của sự riêng tư gần như luôn luôn thích đáng vì các lợi ích cá nhân mà nó bảo vệ: thông tin cá nhân, không gian cá nhân, lựa chọn cá nhân, bảo vệ tự do và tính tự trị trong một xã hội dân chủ khai phóng. (Allen, 2011; Moore, 2010; Reiman 2004; Roessler, 2005). Schoeman (1992) đã hùng hồn bảo vệ tầm quan trọng của quyền riêng tư đối với việc bảo vệ tự do biểu đạt và tự do xã hội. Nhiều nghiên cứu gần đây đã mở rộng quan điểm này và tập trung vào giá trị của sự riêng tư không chỉ đối với lợi ích cá nhân mà nó bảo vệ, mà còn đối với những giá trị xã hội không thể bỏ qua của sự riêng tư. Mối quan ngại về khả năng tiếp cận và lưu giữ thông tin liên lạc điện tử và việc mở rộng giám sát camera đã khiến các nhà phê bình chú ý tới việc đánh mất sự riêng tư cá nhân cũng như việc bảo vệ sự riêng tư trong bối cảnh nhà nước và xã hội (Reiman, 2004; Solove, 2008; Nissenbaum, 2010 ).
Ví dụ như Priscilla Regan đã viết rằng, “Tôi lập luận rằng sự riêng tư không chỉ có giá trị đối với cá nhân mà còn đối với xã hội nói chung…..Sự riêng tư là một giá trị chung trong đó tất cả các cá nhân coi trọng riêng tư ở một mức độ nào đó và có những nhận thức chung về sự riêng tư. Sự riêng tư cũng là một giá trị cộng đồng bởi nó có giá trị không chỉ đối với một cá nhân cụ thể với tư cách là một cá nhân hay tất cả các cá nhân nói chung mà còn đối với cả hệ thống chính trị dân chủ. Quyền riêng tư đang nhanh chóng trở thành một giá trị tập thể bởi công nghệ và các tác động thị trường đang khiến mọi người khó có được sự riêng tư mà không phải tất cả mọi người đều được hưởng mức độ riêng tư tối thiểu như nhau”(Regan, 1995, 213). Theo Daniel Solove, “Theo cách hiểu sự riêng tư được định hình bởi các chuẩn mực của xã hội, chúng ta có thể thấy rõ hơn lý do tại sao quyền riêng tư không nên chỉ được hiểu như một quyền cá nhân…. Thay vào đó, sự riêng tư bảo vệ cá nhân vì những lợi ích mà nó mang lại cho xã hội ”. Hơn nữa, “giá trị của sự riêng tư nên được hiểu theo khía cạnh những đóng góp của nó cho xã hội” (Solove, 2008, 98, 171fn.). Solove tin rằng sự riêng tư thúc đẩy và khuyến khích sự tự trị về mặt đạo đức của công dân, đây là điều kiện trọng yếu của công tác lãnh đạo trong nền dân chủ. Một cách hiểu đối với những bình luận này, rằng sự riêng tư không chỉ có giá trị nội và ngoại tại đối với cá nhân mà còn có giá trị phương tiện đối với xã hội, đó là nhận ra rằng những quan điểm này được xây dựng dựa trên các tác phẩm triết học trước đó (Fried 1970; Rachels, 1975; Schoeman; 1984, 1992) về giá trị của sự riêng tư nằm ở chỗ nó đề cao việc tôn trọng tự trị cá nhân trong việc ra quyết định đối với việc phát triển bản thân, liêm chính cá nhân và phẩm giá con người nhưng đồng thời nâng cao giá trị của sự riêng tư trong các vai trò xã hội và các mối quan hệ khác nhau đóng góp vào đời sống xã hội. Theo quan điểm đương đại này, các chuẩn mực về sự riêng tư giúp điều chỉnh các mối quan hệ xã hội như các quan hệ mật thiết, quan hệ gia đình, quan hệ nghề nghiệp bao gồm quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, luật sư hoặc kế toán và khách hàng, giáo viên và sinh viên, v.v. Do đó, sự riêng tư tăng cường tương tác xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau. Theo Solove, một xã hội không tôn trọng sự riêng tư của bản thân và những người khác sẽ trở thành một “xã hội tù túng” (Solove 2008; xem thêm Kundera, 1984).
3.7 Sự riêng tư có tính tương đối không?
Schoeman (1984) chỉ ra rằng câu hỏi liệu sự riêng tư có tính tương đối về mặt văn hóa hay không có thể được giải thích theo hai cách. Một câu hỏi đặt ra là liệu quyền riêng tư có được coi là có giá trị đối với tất cả mọi người hay liệu giá trị của nó có liên quan đến sự khác biệt về văn hóa hay không. Câu hỏi thứ hai là liệu có bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống có tính riêng tư cố hữu chứ không phải do bị quy ước. Hầu hết các nhà lý luận đều đồng tình rằng hầu hết các nền văn hóa đều coi trọng sự riêng tư, tuy nhiên, các nền văn hóa có những cách thức mưu cầu và có được sự riêng tư khác nhau và có lẽ mức độ coi trọng sự riêng tư cũng khác nhau (Westin, 1967; Rachels, 1975). Allen (1988) và Moore (2003) đặc biệt nhạy bén đối với việc những nghĩa vụ trong các nền văn hóa khác nhau ảnh hưởng thế nào đến những nhận thức về sự riêng tư. Có khá nhiều bất đồng về câu hỏi thứ hai. Một số người cho rằng những vấn đề liên quan đến nội tâm sâu thẳm của một cá nhân có tính riêng tư cố hữu, nhưng việc định rõ được đặc trưng của địa hạt này một cách cô đọng và ít mơ hồ hơn vẫn là một công việc khó. Do đó, có thể một trong những khó khăn trong việc xác định địa hạt riêng tư đó là do sự riêng tư là một khái niệm mang tính vô cùng tương đối về mặt văn hóa, phụ thuộc vào các yếu tố như kinh tế cũng như những công nghệ sẵn có trong một vùng văn hóa nhất định.
4. Sự riêng tư và Công nghệ
Những tranh luận đầu tiên của Warren và Brandeis về việc công nhận bảo vệ quyền riêng tư trong luật pháp phần lớn xuất phát từ việc công nghệ truyền thông được mở rộng, ví dụ như các tờ báo ngày càng được phân phối rộng rãi và những tấm hình in hàng loạt dần dần được nhân rộng. Tương tự như vậy, việc bảo vệ Tu chính án thứ tư chống lại việc khám xét và thu giữ đã được bổ sung vào cuối thế kỷ 20 nhằm liệt kê thêm các máy nghe lén điện thoại và giám sát điện tử. Rõ ràng là nhiều người vẫn coi sự riêng tư là một quyền lợi giá trị và nhận ra rằng những tiến bộ công nghệ đang xâm phạm sự riêng tư hơn bao giờ hết. Ví dụ, tồn tại những cơ sở dữ liệu khổng lồ và thông tin lưu trữ về lịch sử tài chính và tín dụng, hồ sơ y tế, đơn hàng và cuộc điện thoại trên Internet, hầu hết mọi người không biết thông tin nào được lưu trữ về họ hoặc ai có quyền truy cập những thông tin này. Khả năng những cá nhân khác được truy cập và liên kết các cơ sở dữ liệu cùng với việc gần như không được kiểm soát những phương thức mà qua đó những cá nhân đó sử dụng, chia sẻ hoặc khai thác thông tin khiến việc kiểm soát thông tin cá nhân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Còn rất nhiều trường hợp khác về những xung đột giữa sự riêng tư và công nghệ. Như các công nghệ mới sau đây. Nhận dạng người gọi, dù ban đầu được tạo ra để bảo vệ mọi người khỏi các cuộc gọi không mong muốn từ những kẻ quấy rối, tiếp thị qua điện thoại, v.v. nhưng lại liên quan tới các mối quan ngại về sự riêng tư cho cả người gọi và người nghe. Từng có trường hợp áp dụng rộng rãi xét nghiệm ma túy ngẫu nhiên bắt buộc đối với nhân viên và những người có liên quan và Tòa án tối cao đã từng cho rằng các chính sách yêu cầu tất cả học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông chấp thuận xét nghiệm ma túy để tham gia các hoạt động ngoại khóa không vi phạm Tu chính án thứ tư, mặc dù Tòa án trước đó không cho phép cảnh sát xét nghiệm ma túy bắt buộc đối với phụ nữ mang thai. Dường như việc sử dụng các cảm biến nhiệt để đo lường xuyên qua tường để phát hiện những hoạt động ví dụ như hoạt động trồng cần sa là hợp lý. Tuy nhiên vào năm 2001 trong vụ Kyllo kiện US (533 US 27), Tòa án. với phán quyết với tỉ lệ biểu quyết sít sao 5–4, đã tuyên bố rằng khi chưa có trát mà sử dụng các thiết bị chụp cảm biến nhiệt có thể cung cấp thông tin mà trước đó không thể biết được là vi phạm quyền riêng tư và Tu chính án thứ tư. Các bức hình giám sát thường được ghi lại đối với những người đi vào làn xe cao tốc và dựa vào đó để gửi vé phạt cho những người đi quá tốc độ hay những bức hình tương tự được ghi lại khi vượt đèn đỏ ở San Diego và các địa điểm khác cũng khiến phải nhận những vé phạt không ngờ tới. Những thiết bị có tính năng quét khuôn mặt ở Tampa, tại các sòng bạc và tại các sự kiện thể thao lớn như Super Bowl, giúp đối sánh những bức hình đó với hồ sơ cơ sở dữ liệu về tội phạm, nhờ đó bắt được nhiều tội phạm tuy nhiên cũng đặt ra các vấn đề về quyền riêng tư của những người vô tội khác bị chụp hình mà không hề hay biết. Một số tài xế thuê xe ô tô hiện được theo dõi bởi hệ thống định vị toàn cầu (GPS), cho phép các công ty cho thuê ô tô ,chứ không phải cảnh sát, xử phạt nặng hành vi chạy quá tốc độ. Các quan chức nhập cư ở Úc đang xem xét đề xuất gắn thẻ những người xin tị nạn bằng thiết bị theo dõi điện tử trước khi để họ gia nhập cộng đồng đợi các phiên điều trần. Các phương tiện truyền thông gần đây đã phát hiện ra một hệ thống giám sát Web của FBI có tên là Carnivore, dường như hệ thống thu thập thông tin trao đổi của nhiều người dùng mạng ngẫu nhiên chứ không chỉ của các nghi phạm. Echelon là một mạng vệ tinh toàn cầu bí mật được cho là có khả năng chặn tất cả các tin nhắn điện thoại, fax và e-mail trên thế giới và có khả năng có tới 20 trạm nghe quốc tế. Hành khách của hãng hàng không sẽ sớm có thể qua hải quan sau 2 giây quét sinh trắc học để xác nhận danh tính bằng mống mắt và các hãng hàng không Hoa Kỳ đang xem xét sử dụng “thẻ thông minh” để xác định hành khách bằng dấu vân tay của họ. Ngày càng có nhiều nhận dạng sinh trắc học sử dụng khuôn mặt, mắt, dấu vân tay và các bộ phận cơ thể khác để xác định các cá nhân cụ thể và công nghệ đối sánh với các thông tin với các cơ sở dữ liệu khác đang ngày càng phát triển vượt bậc. Anton Alterman (2003) thảo luận về các vấn đề riêng tư và đạo đức khác nhau phát sinh từ việc áp dụng sử dụng rộng rãi nhận dạng sinh trắc học. Mời xem các bài viết khác trong Đạo đức và Công nghệ thông tin 5, 3 (2003) để tìm hiểu thêm thông tin về một số vấn đề khác được lưu ý ở trên.
Đối với một số trường hợp xung đột giữa sự riêng tư và các công nghệ tiên tiến, có thể đưa ra lập luận thuyết phục để biện minh cho các hành vi xâm phạm quyền riêng tư. Ví dụ, xét nghiệm ma túy và rượu đối với các phi công hàng không trong công việc dường như hoàn toàn chính đáng vì an toàn cho cộng đồng. Tuy nhiên, các công nghệ mới ngày càng phát triển và trở nên phức tạp hơn, các nghiên cứu gần đây về sự riêng tư đang đánh giá làm cách nào để vừa tôn trọng sự riêng tư vừa có thể áp dụng hợp lý các công nghệ mới nổi (Agre và Rotenberg, 1997; Austin, 2003; Brin, 1998; Etzioni , 1999, và Đạo đức và Công nghệ thông tin, 6, 1, 2004). Daniel Solove (2006) quan tâm tới những phê phán cho rằng các định nghĩa về sự riêng tư quá phức tạp và mối lo ngại cho rằng các công nghệ mới làm phát sinh những hành vi xâm phạm sự riêng tư mới. Sau đó, ông cố gắng đưa ra những thay đổi về luật pháp để đảm bảo quyền riêng tư hơn thông qua việc đưa ra nguyên tắc phân loại để xác định một loạt các vấn đề liên quan tới quyền riêng tư một cách toàn diện và đầy đủ. Moore lập luận rằng các yêu cầu liên quan sự riêng tư sẽ có sức nặng hơn khi đặt trong tình trạng mâu thuẫn với các giá trị và lợi ích xã hội khác. Ví dụ, ông bảo vệ quan điểm rằng các thỏa thuận của nhân viên mà khiến sự riêng tư của họ không được đảm bảo thì những thỏa thuận đó nên được xem xét lại và ông lập luận rằng các pháp chế và điều luật cấm chỉnh sửa gen của con người sẽ xâm phạm trắng trợn quyền riêng tư cá nhân (Moore, 2000). Ông cũng bảo vệ quan điểm cho rằng không nên coi tự do ngôn luận và biểu đạt quan trọng hơn quyền riêng tư (Moore, 1998). Rõ ràng, sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, các nghiên cứu về sự riêng tư ngày càng tập trung vào việc làm thế nào để cân bằng những mối lo ngại liên quan tới sự riêng tư và nhu cầu đảm bảo an toàn cộng đồng trong thời đại khủng bố. Moore (2000) lập luận rằng quan điểm đánh đổi sự riêng tư để được an toàn thường gây ra sự cân bằng sai lầm và trong nhiều trường hợp cả sự riêng tư và an toàn đều có thể không được đảm bảo (Moore, 2000). Etzioni và Marsh (2003) đưa ra một loạt những bài luận đa dạng về việc cân bằng các quyền và an toàn cộng động sau sự kiện 11/9, trong đó nêu bật các quan điểm về việc chính phủ cần nới rộng thẩm quyền của mình trong cuộc chiến chống khủng bố và cũng đưa ra giới hạn để tránh nguy cơ lạm quyền. Các sửa đổi đối với Đạo luật Yêu nước của Hoa Kỳ và việc ngày càng có nhiều trường hợp giám sát điện tử mật mà không có lệnh của tòa án qua đó vi phạm Đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài (FISA) sẽ dẫn đến các cuộc tranh luận sâu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ sự riêng tư và giới hạn quyền lực của chính phủ sau sự kiện 11/9. Một ví dụ gần đây hơn là việc Edward Snowden thu thập trái phép thông tin mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và hành vi chia sẻ thông tin khi chưa được phép. (Một số coi ông như một vị anh hùng, những người khác coi ông là một kẻ phản bội.) Mặc dù chính phủ cần có quyền lực mạnh mẽ để bảo vệ công dân của mình, nhưng cơ quan hành pháp cũng cần đưa ra tiếng nói mạnh mẽ thay mặt cho quyền tự do dân sự và quyền cá nhân, bao gồm cả quyền riêng tư.
4.1 Các khía cạnh xã hội của sự riêng tư
Tác giả tiếp tục bảy tỏ mối lo ngại sâu sắc đến sự riêng tư và công nghệ, cũng như cách nó ảnh hưởng đến mọi công dân, ngày càng có nhiều hơn những mối lo ngại liên quan đến khía cạnh xã hội của sự riêng tư đã được lần đầu đề cập ở cuối phần 3.6 phía trên. Để tìm hiểu thêm về các luận văn đương đại về chủ đề này, có thể tìm hiểu tuyển tập mới do Beate Roessler và Dorota Mokrosinska biên tập, Các khía cạnh xã hội của sự riêng tư: Quan điểm liên ngành (2015), đây là phần tiếp nối của bài Các khía cạnh triết học về quyền riêng tư: Một tuyển tập được Schoeman viết vào năm 1984 nhưng nhấn mạnh các chủ đề về các khía cạnh xã hội của sự riêng tư. Roessler và Mokrosinska nhận ra rằng những phát triển trong công nghệ đã đem lại cuộc tranh luận sôi nổi về dữ liệu và quyền riêng tư, bởi vì quyền riêng tư là lăng kính trung tâm để qua đó quan sát việc đảm bảo quyền tự do cá nhân và quyền tự chủ trong những xã hội dân chủ tự do. Điểm mới là những bước tiến đáng lo ngại trong lĩnh vực các công nghệ xâm phạm tới quyền riêng tư trong cả khía cạnh cá nhân và xã hội. Regan (1995), Solove (2008) và Nissenbaum (2010) từng thực hiện những bước đầu tiên trong việc phân tích các khía cạnh xã hội và giá trị của quyền riêng tư trong một xã hội dân chủ, nhưng giờ, cùng với những người khác trong tuyển tập này (2015), lại tập trung vào vai trò của quyền riêng tư trong hoạt động chính trị-xã hội, trong luật pháp, trong truyền thông và thông tin, trong chăm sóc sức khỏe và trên thị trường. Mối lo ngại về quyền riêng tư cũng dần nảy sinh trong các lĩnh vực mới ngoài triết học, luật và khoa học chính trị, liên quan đến khoa học sức khỏe, kỹ thuật, nghiên cứu truyền thông, xã hội học và khoa học thông tin. Vì vậy, Roessler và Mokrosinska đã khuyến khích nghiên cứu sâu hơn về những tranh cãi gần đây trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, khám phá những phương thức mà qua đó việc nhấn mạnh về tính liên quan giữa các khía cạnh xã hội và quyền riêng tư đã nỗ lực giải quyết những mối lo ngại đó. Họ cũng kêu gọi các nhà nghiên cứu đề cập tới những thách thức nảy sinh đối với khía cạnh xã hội về quyền riêng tư trong bối cảnh ngày càng có nhiều các quy định về quyền riêng tư.
Chính vì đó, ta có thể thấy một vài ví dụ như Gary Marx, Regan và Solove thảo luận về ý nghĩa xã hội và giá trị của quyền riêng tư, DeCew và Moore đánh giá ranh giới công cộng/riêng tư trong gia đình, cho rằng các quy ước trong gia đình là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với bối cảnh xã hội hóa của con người (Roessler và Mokrosinska, 2015). Một ví dụ khác, chính Roessler và Mokrosinska cùng với Jeroen van den Hoven, Annabelle Lever và những người tác giả khác đề cập đến dữ liệu gen, thị trường dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư như một giá trị chính trị, đặc biệt là trong bối cảnh quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận có những mâu thuẫn. Các bài báo khác trong tuyển tập này nghiên cứu về giám sát mạng và vai trò dân chủ của sự riêng tư và mạng xã hội. Trong khi đặt ra nhiều câu hỏi, các luận văn này tách biệt những tình huống tiến thoái lưỡng nan nảy sinh khi thảo luận quyền riêng tư trong bối cảnh xã hội và khi các nhóm, không chỉ là các cá nhân riêng lẻ, có liên quan đến các quy định về quyền riêng tư (Roessler và Mokrosinska, 2015). Cuối cùng, nhóm các bài luận thứ ba trong tuyển tập này giúp người đọc hiểu các quy định về quyền riêng tư ở Liên minh Châu Âu và Canada. Anita Allen nhấn mạnh những hạn chế của các quy định về quyền riêng tư trong chăm sóc sức khỏe cũng như việc những quy định này đã dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử cũng như những bất lợi đối với người da màu và phụ nữ ra sao. Những tác giả khác thảo luận về việc kết hợp những quy định và rất nhiều những quy định chồng chéo về quyền riêng tư ở cấp liên bang ở Hoa Kỳ, giữa các tiểu bang và trong các cơ quan ban hành các đạo luật về quyền riêng tư. Đối với những tranh cãi về sự riêng tư hiện nay trong các lĩnh vực chuyên môn mới này, có thể ít có những phản hồi cụ thể đâu là cách tốt nhất để trả lời cho các câu hỏi cụ thể phát sinh từ những mâu thuẫn giữa sự riêng tư và các giá trị quan trọng khác. Dù sao, “các tác giả đã nghiên cứu về sự riêng tư sâu hơn nữa và chứng minh rằng việc thừa nhận các khía cạnh xã hội của sự riêng tư nên đóng một vai trò trung tâm trong cách chúng ta hiểu về sự riêng tư và tiếp cận các tranh luận đương thời về sự riêng tư” (Roessler và Mokrosinska, 7).
4.2 Sự riêng tư và các xung đột giá trị khác
Khi cuộc tranh luận về quyền riêng tư và công nghệ tiên tiến ngày càng được mở rộng, một tuyển tập khác gần đây đã có những đóng góp quan trọng cho những nghiên cứu về sự riêng tư. Quyền riêng tư, An ninh và Trách nhiệm: Đạo đức, Luật pháp và Chính sách được biên tập bởi Adam D. Moore (2016) gợi mở những biện luận vững chắc bảo vệ sự riêng tư ngay cả khi sự riêng tư dường như xung đột với các giá trị quan trọng khác. Ví dụ: các công nghệ mới cho phép tăng cường khai thác dữ liệu, tái nhận dạng các tập dữ liệu ẩn danh, camera cảm biến nhiệt, đầu đọc biển số xe, phân tích dự đoán và công nghệ nhận dạng khuôn mặt, tất cả đều có thể khiến những thông tin chúng ta nghĩ là được bảo vệ vì tính riêng tư của nó lại trở nên công khai hơn chúng ta nghĩ. Những công nghệ này và những công nghệ khác nữa có thể khiến chúng ta lo lắng về nền tảng đạo đức, luật pháp và xã hội cũng như mối quan hệ qua lại giữa quyền riêng tư, an ninh và trách nhiệm. Moore và đồng tác giả của “Phần giới thiệu”, Michael Katell, sử dụng định nghĩa quyền riêng tư dựa trên quyền kiểm soát, hai ông cho rằng “Quyền riêng tư là quyền kiểm soát việc truy cập và sử dụng không gian, cơ thể và thông tin cá nhân” (Moore, 3), quả quyết rằng “khả năng kiểm soát những tiếp cận đối với cơ thể, năng lực và quyền hạn của cá nhân cũng như những thông tin cá nhân nhạy cảm là một phần thiết yếu đối với sự phát triển cũng như sức khỏe và hạnh phúc toàn diện của con người” (Moore, 5). An toàn cá nhân về cơ bản đem lại cho các cá nhân quyền kiểm soát cuộc sống, các dự án và tài sản của họ mà không bị can thiệp một cách không chính đáng từ những người khác, các tổ chức và chính phủ. Ở cấp độ này, quyền riêng tư và an ninh dường như đi đôi với nhau, củng cố lẫn nhau. Tuy nhiên, quan trọng là phải xem xét tình huống có sự can thiệp chính đáng từ bên ngoài và dẫn đến xung đột giữa sự riêng tư và an ninh. Mọi người có thể có quan điểm khác nhau về việc khi nào thì một vấn đề an ninh quốc gia là đủ nghiêm trọng để bỏ qua các mối lo ngại về quyền riêng tư của các cá nhân hoặc của các nhóm người. Kenneth Einar Himma bảo vệ quan điểm cho rằng lý thuyết khế ước xã hội cổ điển ngụ ý rằng công dân phục tùng chính quyền nhà nước để có được an ninh và nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ giá trị này về mặt đạo đức. Do đó, các lực lượng vũ trang, cảnh sát, cơ quan tình báo, tổ chức y tế công cộng và hệ thống pháp luật đảm bảo an ninh cho các cá nhân và các nhóm người (Moore, ch. 8). Nhưng ít người chấp nhận tuyên bố cực đoan rằng an ninh luôn đe dọa quyền riêng tư và trong “không gian đáng sựo được quản lý bằng công nghệ, việc cân bằng các nhu cầu chính đáng đối với các quyền được tôn trọng và các giá trị cạnh tranh là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của một nền dân chủ thảo luận và xã hội nói chung” (Moore , 7). Mặc dù chúng ta có thể đánh giá cao các phạm trù trách nhiệm đạo đức, xã hội và pháp lý khác nhau, nhưng khi chúng ta thảo luận về trách nhiệm đạo đức, xã hội và pháp lý, chúng ta đều hiểu rõ ràng rằng trách nhiệm đôi khi có thể thay thế quyền riêng tư và trong những trường hợp khác, quyền riêng tư có thể thay thế những trách nhiệm này. Như các tác giả trong tuyển tập này đã lưu ý, có lý do chính đáng để kết luận rằng quyền riêng tư, an ninh và trách nhiệm đều có giá trị về mặt đạo đức. Tuy nhiên, ta đều tự hỏi đâu là sự cân bằng thích đáng giữa các giá trị khác nhau này khi chúng xung đột.
Trong tuyển tập này, Anita Allen lập luận rằng các cá nhân có nghĩa vụ bảo vệ quyền riêng tư của chính họ (Moore, ch. 1). Mặc dù điều đó có thể đúng, nhưng hoàn toàn không rõ ràng rằng các cá nhân có thể bảo vệ quyền riêng tư của mình trước những lo ngại về an ninh quốc gia hoặc những yêu cầu đối với trách nhiệm giải trình. Dorota Mokrosinska nhấn mạnh quyền riêng tư là một giá trị dân chủ, do đó nâng cao thêm giá trị của quyền riêng tư khi so sánh với quyền tự do ngôn luận và các lợi ích chính trị khác. Quyền riêng tư có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc gạt bỏ những bất đồng sâu sắc để tham gia vào hoạt động chính trị trong một nền dân chủ. Do đó, Mokrosinska đề xuất một chiến lược trung hòa giữa quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận khi chúng đối đầu nhau (Moore, ch. 4). Như đã lưu ý, Kenneth Himma “lập luận rằng an ninh là một quyền quan trọng hơn luôn luôn ‘lấn át’ quyền riêng tư, theo quan điểm của anh ấy không phải là một quyền tuyệt đối hay cơ bản, mà chỉ đơn thuần là ‘công cụ’ cho các quyền khác” (Moore, 12 tuổi, và ch. 8). Sự bào chữa của Himma dựa trên quan điểm của ông rằng an ninh là nền tảng để tồn tại, đó là nhiệm vụ và nghĩa vụ quý giá nhất của chúng ta. Ngược lại, đáp lại quan điểm này, Adam Moore ưu tiên quyền riêng tư hơn an ninh thông qua nhiều lập luận, có lẽ mạnh mẽ nhất trong số đó là chứng minh “quyền riêng tư vô cùng quan trọng, như một bức tường thành chống lại sự chuyên chế khủng khiếp của trạng thái an ninh không được kiểm soát” (Moore, 13, và ch. 9). Alan Rubel thảo luận về việc thu thập dữ liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trong chương 10, Bryce Clayton Powell tập trung vào các hoạt động giám sát trong chương 11 và gợi nhắc lại mối quan tâm của Rubel về trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong quá trình thu thập và giám sát dữ liệu, do đó tập trung vào tầm quan trọng của quyền riêng tư trong kỷ nguyên công nghệ mới này. Mối quan ngại của họ về việc thực thi pháp luật và việc thực thi các thực hành được quy định theo Đạo luật Yêu nước cũng tương tự những bình luận của Nadine Strossen về việc thực thi như vậy thường là bất hợp pháp và không hiệu quả (Moore, ch. 12. Các cuộc thảo luận trong lĩnh vực công nghệ thông tin như vậy thu hút người đọc hướng về những cuộc tranh luận đương thời về ranh giới giữa các giá trị cũng như các giá trị tương đối của quyền riêng tư, an ninh và trách nhiệm giải trình.
Một bình luận khác về quyền riêng tư như một khái niệm và vai trò cũng như những mâu thuẫn được liện hệ tới trong những bình luận về tiến bộ công nghệ, là Quyền riêng tư: Những gì mọi người cần biết, (Francis & Francis, 2017). Bình luận đem lại một cái nhìn tổng quan mới về các nghiên cứu và các chủ đề được đề cập trong bài viết này. Đây là một cuốn sách đầy ưu tư và bao quát thảo luận về quyền riêng tư vì nó liên quan đến các khái niệm như an ninh và quyền tự trị trong việc đưa ra quyết định. Đồng thời đánh giá tình hình của quyền riêng tư trong thời đại công nghệ đang thay đổi của chúng ta, cuốn sách giải quyết các câu hỏi về quyền riêng tư cho các cá nhân, gia đình và các nhóm người khác cũng những chú ý chi tiết đến thông tin cá nhân, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm và các vấn đề tài chính, thực thi pháp luật, Internet, mạng xã hội và tầm quan trọng của quyền riêng tư trong một nền dân chủ. Nó mở ra một góc nhìn cân bằng đối với các quan điểm thay thế trong mỗi phạm trù và nhấn mạnh rằng có nhiều cách bảo đảm quyền riêng tư trong những lĩnh vực đời sống khác nhau. Các tác giả có chuyên môn về cả triết học và luật, điều này ngày càng cần thiết và đặc biệt kịp thời trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về giá trị của quyền riêng tư trong những bối cảnh này.
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực