Dự án Quả Cầu được lập ra là để lan tỏa tinh thần phản tư với mọi quan điểm của mình, trân trọng người khác tuyệt đối, tò mò với điều khiến mình sợ hãi, và dũng cảm cắt đứt điều gây hại. Đối tượng dự án muốn hướng tới là những người đã đánh mất khả năng đó, thông qua việc đồng hành cùng họ để họ lấy lại được niềm tin cũng như hiểu được tầm quan trọng của chúng. Chào mừng bạn đã ghé thăm.
Dự án gọi những quan điểm sau là tinh thần Quả Cầu:
- Dám đi tìm bằng chứng để phủ định niềm tin của mình. Dám ủng hộ cái mình phản đối, và phản đối cái mình ủng hộ
- Dám lựa chọn làm điều tốt nhất cho người khác. Dám giả định rằng họ luôn có thiện ý
- Dám tìm hiểu. Dám đối diện nỗi sợ. Dám đi đến cùng
- Dám yên tâm rằng rồi mọi chuyện nhất định sẽ trở nên tốt đẹp
Nếu làm được những điều đó, thì bạn sẽ có được những phần thưởng sau:
- Có được niềm vui của việc tìm ra cái sai của bản thân
- Nhìn ra được vẻ đẹp của người khác dù họ không đáng tin đến bao nhiêu
- Thấy được sự ngọt ngào của việc vượt qua được nỗi sợ
- Những mất mát sẽ được hoàn lại nguyên vẹn, không một vết trầy
Quả Cầu sẽ làm những gì?
Xây dựng một con đường để bạn bè người có niềm tin tiêu cực cùng hỗ trợ họ
Với những người có định kiến hoặc học được rằng tốt nhất là nên từ bỏ nỗ lực để sống tốt hơn, họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi. Liệu có cách nào để những ai quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc toàn diện của họ có thể cùng hợp lực hỗ trợ họ mà không quá gian lao?
Xóa bỏ nhiều nhầm lẫn và niềm tin sai trong xã hội
Có những quan niệm tuy ta có thể cảm nhận được sự bất ổn trong nó, nhưng mỗi lần ta định chỉ ra thì vấn đề lại lẩn đi đâu mất. Chúng thấm đẫm trong mọi mặt của đời sống, từ tôn giáo đến thơ ca… Liệu có thể chỉ ra được cái sai của chúng đến nỗi những người nhiệt thành với chúng nhất cũng phải thốt lên rằng “ồ cảm ơn, tôi ước gì mình có thể diễn đạt điều đó hay đến như vậy”?
Hiểu được cơ chế của sự hiểu lầm và biến nghĩa
Tại sao sự an toàn, cần thiết và thú vị lại đôi lúc không trình diện ra như là an toàn, cần thiết và thú vị trong mắt người nhìn? Tại sao những quan niệm rất nhân văn lại đôi lúc bị đảo nghĩa trong quá trình sử dụng? Tại sao với mỗi một lời khuyên lại có một lời khuyên ngược lại? Liệu có thể đưa ra được một cách lý giải vừa mạnh mẽ vừa trực quan để tất cả mọi người cùng sử dụng?
Các sản phẩm hướng đến
Những sản phẩm này để làm gì?
Với thế giới mà Quả Cầu muốn xây dựng (những người đã đánh mất những tinh thần Quả Cầu sẽ có lại được chúng, và những người đang có chúng sẽ đồng hành cùng họ để họ hiểu được tầm quan trọng của chúng cũng như lấy lại niềm tin), cách tốt nhất để làm điều đó là xây dựng một mạng lưới những người có nhu cầu đó để hành động.
Tuy nhiên, việc tác động thay đổi người khác là một điều cần cẩn trọng. Sự tác động cũng giống như một con dao. Nếu biết cách dùng thì nó có ích. Nếu không biết cách dùng hoặc dùng cho mục đích xấu thì nó gây hại. Chính vì vậy, nên cả những người thực sự chẳng hiểu vì sao dao lại có thể tạo ra được vấn đề gì và những người chỉ cần nhìn thấy dao nhựa thôi là bao nhiêu ký ức khủng khiếp lại tràn về cũng nên tìm hiểu về nó.
Để đảm bảo mạng lưới hoạt động hiệu quả và đúng mục đích, mạng lưới cần làm được 2 điều:
- Thiết lập nền tảng đồng thuận cho sự can thiệp
- Có được sự quan tâm và đóng góp của những người không có nhu cầu tác động
Tuỳ vào các đối tượng khác nhau mà các sản phẩm còn lại sẽ tạo ra 2 thứ đó ở họ.
Một số chủ đề dự kiến được tổ chức thảo luận:
- Change My View & Off My Chest
- Chức năng của người thân bạn bè, và mối liên hệ của nó với tự trị và năng lực ra quyết định, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cộng đồng
- Đạo đức học nhập môn và công lý phục hồi
- Những người tri thức mỉa mai, coi thường, nhục mạ người khác
- Lý thuyết phê phán Frankfurt và những sự tiếp nhận của những người nó phê phán
- Giá trị của việc kiên trì đối thoại đến cùng thì thôi
- Nét họ hàng giống nhau của Wittgenstein
- Sự diễn giải chủ quan
- Tâm lý học nhân văn & tâm lý học tích cực
- Tâm lý học tính cách và đa nguyên giá trị
- Những thách thức của sự đồng thuận. Mối quan hệ giữa đồng thuận và duy hệ quả luận
- Bản chất của khoa học, và vai trò của những điều phản khoa học trong đời sống con người (văn hoá, tự sự, sáng tạo, …)
- Mối quan hệ giữa tính kiểm sai trong khoa học và điều ngôn ngữ không miêu tả được
- Triết lý ❝sống một cuộc đời không hối tiếc❞ và những khó khăn của nó
- Các loại cảm xúc, và vai trò của việc để cảm xúc chi phối bản thân trong đời sống con người (nghệ thuật, giải trí, giải hậu thực dân)
- Mối quan hệ giữa Đạo gia và LGBT
- Cuộc sống của một người biết rằng mình không biết thì sẽ trông như thế nào?
Mô hình các chủ đề trong Quả Cầu
Ý tưởng của hình này là:
- Sự bất lực học được là chủ đề trung tâm, chi phối mọi cách tiếp cận các chủ đề khác
- Mọi chủ đề đều liên kết với nhau, kể cả khi chúng không cùng chung nhóm
- Mỗi một nhóm chủ đề đều có một nhóm chủ đề khác nằm lẩn sâu bên dưới, không thể giải quyết nhóm này mà không biết về nhóm kia
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều người làm ở những nhóm chủ đề này không biết tới những nhóm chủ đề sâu hơn, còn những người làm ở những chủ đề sâu hơn thì mải miết bàn về nó mà không đưa ra được ứng dụng thực tế cho những người ở những nhóm chủ đề ở trên dùng.
- Các bài viết liên quan trực tiếp tới sự bất lực học được được trình bày ở mục Nỗi sợ, góc nhìn, mạnh mẽ, từ bi.
- Nhóm chủ đề bên trái sự bất lực học được tương ứng với giai đoạn 1, và được trình bày ở mục Bất lực, bạo hành, tự quyết, can thiệp.
- Nhóm chủ đề bên phải sự bất lực học được tương ứng với giai đoạn 2, và được trình bày ở các mục Cái đẹp, cảm xúc, ham muốn, đam mê, Tự nhiên, hệ thống, khoa học, quyền uy.
- Vòng tròn gần ngoài cùng tương ứng với giai đoạn 3, và được trình bày ở mục Đạo, ngữ dụng, tâm lý học nhận thức.
- Vòng tròn ngoài cùng là một dự án sâu hơn cái dự án Quả Cầu này, với tham vọng xây dựng một cơ sở lý thuyết vững chắc hơn cho khái niệm “góc nhìn”. Bạn có thể đọc thêm về nó ở đây.
Một cách minh họa khác cho các chủ đề trong Quả Cầu:
Cám ơn bạn đã ghé thăm,
lyminhnhat.com
FAQ
Các thắc mắc sâu hơn xin xem tại bài Giải đáp chất vấn.
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực