Nội dung
Các đối tượng cần tiếp cận
Đầu tiên, để thuận tiện trong việc diễn đạt, ta hãy gọi đối tượng của chúng ta là Megan. Đây là Megan:
Vì theo định nghĩa của sự bất lực học được, Megan đã có một niềm tin là dù có làm gì cũng sẽ thất bại, nên mọi lý do để cô không làm gì cả sẽ được sử dụng. Cô sẽ viện dẫn đến những quan điểm khó mà phản bác được. Những quan điểm này ban đầu vốn hợp lý, nhưng lại bị hiểu sai hoặc chưa nhìn nhận đầy đủ vấn đề. Dù thế nào đi nữa, lúc này, việc cô không có động lực để thay đổi tình trạng của mình sẽ trở thành việc cô có động lực để không thay đổi tình trạng của mình. Cô thậm chí còn có thể cho rằng những ai không suy nghĩ như vậy là ngây thơ, là không hiểu sự đời. Nếu bạn vẫn cố thuyết phục, thì cô sẽ cảm thấy bạn đang không tôn trọng cô, mặc dù nếu bạn không tôn trọng cô thì bạn đã chẳng nói với cô làm gì.
Cô sẽ chỉ thay đổi nếu có một sự kiện bên ngoài tác động, chứ không thể nào tự ngộ ra được. Nếu muốn đẩy nhanh quá trình này, cô cần được tiếp xúc thường xuyên với những thứ cô không tin. Nếu như việc đó khó mà đến một cách tự nhiên, hoặc những quan niệm của cô là trừu tượng, thì những người cô cảm thấy tin tưởng cũng cần cho cô thấy là họ không tin vào điều đó. Nếu xung quanh ai ai cũng nói về những thứ cô tin là sai, thì lúc đó cô mới suy nghĩ kỹ lại xem quan niệm của mình có vấn đề ở đâu. Nếu tôi nhớ không lầm, thì cô cần tiếp cận với thông tin ngược lại ít nhất 6 lần được để có thể bắt đầu thực sự suy nghĩ lại.
Nghĩa là dù muốn dù không, ta cũng phải nhờ những người quan tâm đến cô như bạn bè, người thân, đồng nghiệp hỗ trợ.
Lưu ý: Có thể trong đa số trường hợp bạn gặp phải, những điều ở đây có thể phức tạp hơn mức cần thiết. Tuy nhiên, tôi muốn đẩy vấn đề đi xa hơn. Để có thể chứng minh rằng chúng ta không bất lực với sự bất lực, thì phải cho thấy rằng vẫn luôn có một con đường ngay trong điều kiện ngặt nghèo nhất. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, còn sự phức tạp và éo le sẽ thử những phương pháp, lý thuyết và niềm tin. Đây chính là nguyên tắc kiểm sai trong khoa học.
Ở đây tôi sẽ giả sử những điều kiện sau:
- Megan coi thường và phớt lờ, thậm chí đặt điều bạn
- Những gì cô quan niệm dựa trên những ngộ nhận có tính triết học cao và phổ biến trong xã hội
- Bạn không có điều kiện để tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt với cô, cũng như tham gia sâu vào cộng đồng của Megan
- Mạng lưới quan hệ của bạn không tiếp xúc nhiều với mạng lưới quan hệ của Megan. Hai bạn gần như sống ở hai thế giới khác nhau
- Trước đây bạn không có kinh nghiệm và bị dẫn đường sai khiến cho ý định tốt của bạn bị mọi người hoài nghi nặng nề (tình trạng người mù dắt người mù)
Thực tế là có những trường hợp như này, chứ không phải là một tình huống giả định đâu.
Xem thêm: Lời mời thử nghiệm kế hoạch thay đổi niềm tin người có niềm tin tiêu cực
Quay trở lại vấn đề, ta cần phải nhờ đến bạn bè Megan để trợ giúp. Tôi sẽ gọi họ là Danish. Đây là Danish:
Lưu ý: tóc Danish dài hơn tóc Megan.
Mặc dù Danish là những người có thể giúp bạn thay đổi Megan, nhưng thường những người giống nhau sẽ tụ họp với nhau. Rất có thể Danish cũng là những người có cùng niềm tin sai như Megan vậy. Hoặc nếu họ không có niềm tin đó, có lẽ họ chưa bao giờ để ý tới những vấn đề này. Còn nếu họ đồng ý là chúng sai, thì hoặc cô cũng chưa thể hiện cho họ thấy cô có niềm tin đó, hoặc họ cũng như bạn, đang loay hoay không biết phải thuyết phục cô làm sao.
Hẳn nhiên là chúng ta muốn tìm đến những Danish dễ dàng ủng hộ chúng ta nhất. Câu hỏi đặt ra là: trong số họ, ai sẽ là người như vậy? Sẽ là mạo hiểm nếu hú họa đặt vấn đề trực tiếp với họ. Nếu họ đồng ý thì may, còn nếu không, sự giúp đỡ của bạn lại trở thành mối nguy hiểm trong mắt họ. Cũng như Megan, khi điều bạn nói là hoang đường trong mắt họ, thì họ sẽ cảm thấy không nên phí thời gian với bạn. Chẳng những thế họ sẽ còn báo cáo lại với Megan. Nếu làm không khéo léo có thể bị phong tỏa cách tiếp cận.
Kể cả khi họ không như vậy, thì họ cũng có nhiều e dè vì không biết bạn là ai. Họ sẽ đặt những câu hỏi như “làm sao bạn biết chắc chắn mình đúng?” Những nghi ngờ này tất nhiên là hợp lý và cần phải được trả lời, nhưng vấn đề là mặc dù bạn có câu trả lời, thì bạn có nói kiểu gì họ cũng không cảm thấy thỏa mãn được. Cần phải có nhiều thời gian trao đổi với nhau thì niềm tin mới dần dần được bồi đắp. Họ cần có thời gian để lật đi lật lại vấn đề, và họ cần cảm thấy được tự mình đưa ra kết luận độc lập.
Tất nhiên là bạn sẽ rất ủng hộ việc này. Tuy nhiên, ai cũng bận rộn cả. Nếu điều bạn muốn nhờ không giúp họ giải quyết những thứ đang chi phối tâm trí họ mỗi ngày, thì kể cả khi bạn có là bạn thân với họ, họ cũng không thể dành thời gian cho bạn được. Đằng này, khi họ còn chưa có niềm tin với bạn, thì càng khó để họ dành thời gian. Tức là bạn sẽ bị giam trong một vòng luẩn quẩn: một mặt, họ phải dành thời gian để nói chuyện với bạn thì mới thấy đáng tin, nhưng mặt khác, họ phải thấy đáng tin thì mới dành thời gian nói chuyện với bạn.
Điều này có nghĩa là, bạn phải chắc chắn là họ sẽ đồng ý với bạn trước khi bạn vào vấn đề chính. Nhưng điều này nghe thật mâu thuẫn: nếu bạn không nói chuyện với họ, làm sao bạn có thể biết trước được? Cách tốt nhất là thăm dò phản ứng của họ khi bạn nói về một đề tài khác, và khéo léo dẫn dắt chủ đề để xem thái độ của họ thế nào. Sau đó bạn sẽ có một lý do tự nhiên để bàn về chuyện đó.
Cái gì tạo ra vấn đề thì chính nó cũng sẽ là giải pháp. Nếu họ đang có một thứ chi phối tâm trí của họ mỗi ngày, khiến cho họ không thể dành thời gian để giúp bạn, thì còn gì tốt hơn là một lời đề nghị giúp họ hoàn thành nó? Nếu thứ ta định nhờ họ kết nối được với điều họ quan tâm, thì họ sẽ ưu tiên nó hơn. Và để có thể đảm bảo là lập luận của bạn thực sự có giá trị và không có bóp méo, thì tại sao không thuyết phục những người có chung mối quan tâm với lĩnh vực của Danish hoặc Megan? Bạn cũng sẽ đỡ phải mạo hiểm khi tiếp cận Danish hơn. Nếu đã cẩn thận thì hãy cẩn thận cho trót.
Tôi sẽ gọi những người này là Beret. Đây là Beret:
Nếu Beret cũng đồng ý với quan điểm của bạn, thì nghĩa là lập luận của bạn đã được anh thử thách. Nếu Beret cảm thấy thích thú với những gì bạn nói, thì Danish cũng có thể sẽ cảm thấy thế. Lúc này, bạn có thể nói với Danish rằng Beret đã dành thời gian cho bạn, và như vậy cô sẽ có động lực để nghe bạn nói hơn. Thậm chí, bạn còn có thể nói với anh về tầm quan trọng của anh trong việc giúp bạn giúp Megan, và nhờ anh giúp bạn tiếp cận Danish.
Nếu Beret trước giờ chưa nói chuyện với Megan, có lẽ sẽ tốt hơn nếu nhờ anh giúp bạn chia sẻ đến những Beret khác. Dù sao thì Beret này thấy hợp lý không có nghĩa Beret khác cũng thấy vậy. Hơn nữa, nếu ngay từ đầu chuyện bất lực này là quan trọng, thì người trong cuộc đã quan tâm từ lâu rồi. Nên thật ra cũng không phải Beret nào cũng cho bạn phản hồi. Với những Beret như vậy, họ cần thấy được việc những Beret khác cũng nhắc đến. Bằng việc biến vấn đề bất lực của Megan, một việc có thể xem là riêng tư, thành việc phản biện một quan điểm, bạn sẽ có nhiều người quan tâm hơn.
Như vậy, con đường của chúng ta sẽ bắt đầu từ Beret, sau đó nhờ anh chia sẻ cho các Beret và Danish, và cuối cùng là nhờ Danish tác động tới Megan. Bằng việc này, tôi hy vọng sẽ giúp bạn vượt qua được hai rào cản lớn nhất là sự hoài nghi và không có thời gian để giúp một người bạn của mình.
Dự án Quả Cầu sẽ cung cấp cho các bạn những bài viết mà những người trong lĩnh vực chuyên môn sẽ cảm thấy hợp lý và quan trọng, đủ để Beret thấy cần chia sẻ. Dự án sẽ tổng hợp các quan niệm sai thường gặp và phân tích chúng đúng hay sai ở đâu. Nếu dự án thành công và được lan tỏa, không những những niềm tin sai đó sẽ được giảm thiểu, mà nó cũng sẽ tạo tiền lệ để bạn có thể nói chuyện thẳng với Danish và Megan, cắt bỏ những rườm rà, gian lao, oan ức, ngộ nhận, mò mẫm không cần thiết.
Bài viết cơ bản đến đây là hết. Phần còn lại sẽ nói về các rào cản cũng như cách thức để vượt qua nó một cách cụ thể hơn.
Các rào cản
Những rào cản này chính là vòng lặp, là sự luẩn quẩn được nói ở trên.
Nguyên tắc chung
Nói chung, khi bạn nhờ một ai đó, bạn cần phải làm họ có được những điều sau:
- Họ lắng nghe bạn
- Họ giúp bạn
Mỗi một hành động đều cần có hai bước nhỏ hơn: có ý định làm và ưu tiên làm. Nghĩa là để vượt qua mỗi rào cản như trong hình cần phải làm được bốn thứ:
- Họ có ý định lắng nghe bạn
- Họ ưu tiên việc trao đổi với bạn
- Họ có ý định nhận giúp bạn
- Họ ưu tiên giúp bạn
Khi nào một người có ý định làm?
Để một người có ý định muốn giúp bạn, thì trước khi gặp họ bạn phải trả lời được cho họ các câu hỏi sau:
- Họ có thái độ tích cực với mong muốn của bạn không?
- Họ có thấy mọi người xung quanh cũng làm điều bạn muốn không?
- Họ có cảm thấy rằng mình có khả năng giúp bạn không?
Đây chính là lý thuyết hành vi có kế hoạch (theory of planned behavior).
Khi nào một người sẽ ưu tiên làm?
Không phải cứ có ý định làm là ta sẽ làm ngay. Chúng ta có vô vàn thứ muốn làm nhưng chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ có thời gian làm. Hai yếu tố chính ảnh hưởng đến sự ưu tiên của chúng ta là sự khẩn cấp và quan trọng. Có thể bạn đã biết về nó qua bảng này:
Nhiệm vụ của chúng ta là cố gắng chỉ làm những việc trong hai ô màu xanh. Nếu bạn nhờ một ai đó giúp bạn, thì thường nó vừa không khẩn cấp vừa không quan trọng với họ. Nhiệm vụ của bạn là cho họ thấy công việc bạn nhờ là quan trọng, để nó leo lên được càng gần ô đầu tiên càng tốt. Thường thì bạn phải chờ họ giải quyết xong hết chuyện ở ô thứ 1. Nếu không, thì dù là bạn thân vào sinh ra tử họ cũng sẽ không thể dành thời gian cho bạn được.
Định luật Hofstadter: “Công việc sẽ luôn tốn thời gian hơn bạn nghĩ, kể cả khi bạn đã tính đến định luật Hofstadter.”
Ngoài ra, rất nhiều thứ ở ô thứ 4 lại hấp dẫn vô cùng. Ví dụ như một bộ phim dài tập chẳng hạn. Nó có thể khiến bạn thức đêm để coi cho bằng hết, mặc kệ những thứ trong ô thứ 1. Nhưng thường thì nó ở dạng lên Facebook coi meme và hóng drama. Tuy những thứ này không quan trọng và không khẩn cấp, chúng cũng cần thiết vì giúp chúng ta thư giãn. Chúng cho phép những thứ ngẫu nhiên được lọt vào trong sự bận rộn của chúng ta, giúp ta khám phá được những thứ mà ta không nghĩ là mình cần biết.
Xem thêm bài viết dài tập của Wait But Why: Vì sao chúng ta trì hoãn? Có thể bài viết này không khẩn cấp hoặc quan trọng cho công việc của bạn, nhưng tôi nghĩ nó cũng xứng đáng để lên ngôi đầu bảng một lần.
Vậy, nếu việc bạn nhờ khó mà cho thấy sự quan trọng với họ, thì có lẽ cách tốt nhất là để bạn bè của họ trực tiếp nói họ đọc để họ cảm thấy nó quan trọng (tức là lọt vào ô thứ 2). Hoặc nếu không làm được, thì hãy tìm cách để nó được xuất hiện trên Facebook của họ khi họ lên đó để giải trí.
Các rào cản chi tiết
Đây là mối quan hệ giữa Megan, Danish và Beret:
Rào cản chung trong việc tranh luận
- Sẽ có vô vàn chủ đề để mọi người hỏi bạn, với nhiều cách diễn đạt khác nhau. Mỗi một người lại có một nền tảng khác nhau, và bạn không thể nào chuẩn bị trước được cho tất cả mọi người
- Kể cả khi những câu hỏi đó chỉ là những cách diễn đạt khác nhau cho cùng một thứ, thì vì cách diễn đạt đó trông như mới, nên bạn cũng không nghĩ ra là có thể dùng câu trả lời cũ được
- Kể cả khi câu hỏi đó được lặp lại, thì vào thời điểm được hỏi, bạn cũng quên ý. Đầu óc bạn sẽ rỗng đơ, trừ khi được tra cứu tài liệu
- Khi người kia giận dữ thì chúng ta sẽ có phản ứng xoa dịu và không nói thêm nữa
Rào cản để Danish tin tưởng bạn
Có thể bạn nghĩ rằng việc Danish là bạn của Megan sẽ khiến họ luôn lắng nghe bạn, vì bạn và họ đều cùng lo lắng cho cô. Nhưng thực ra điều này là không đúng. Lý do là vì:
- Không biết bạn là ai
- Có nhiều thứ khác quan trọng hơn
- Không biết vì sao bạn chắc chắn là Megan có vấn đề
- Điều bạn nói ra không khác gì là kết tội Megan cả, và điều đó nghe không hề dễ chịu chút nào. Dù bạn có muốn nói những điều tốt nhất về Megan thì nó vẫn vượt ra ngoài khả năng của bạn
Rào cản của Danish khi tiếp cận Megan
- Nghĩ rằng một khi Megan đã quyết định rồi thì không nên ép buộc
- Không dám khẳng định mình hiểu đầy đủ vấn đề
- Không có thời gian để tìm hiểu vấn đề
- Không muốn gây ra thêm áp lực cho họ
- Sợ sẽ đánh mất mối quan hệ
- Không biết phải bắt đầu như thế nào
- Nghĩ rằng không cần có họ Megan cũng sẽ tự học được bài học của riêng mình
- Không có thời gian để đi theo
Họ sẽ chỉ cảm thấy mình không thể không tác động khi Megan biểu lộ những dấu hiệu sau:
- Sự nuông chiều không biết khi nào sẽ dừng
- Niềm tin rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi nỗi đau
- Thấy việc giận dữ hoặc xem thường người khác là hợp lý
- Mặc định rằng những gì mình tin là đúng mà không cần kiểm tra lại
Họ sẽ cảm thấy việc tác động này dễ dàng hơn rất nhiều nếu:
- Cho thấy họ chỉ cần làm một lần, sau đó không cần tốn công nghĩ nhiều
- Cho họ thấy những người họ quan tâm cũng làm như vậy
Rào cản để Megan tiếp thu
- Phải có thời gian để chiêm nghiệm
- Không cảm thấy được quan tâm
Bộ phim 12 người đàn ông giận dữ sẽ khắc họa hình ảnh của Megan.
Con đường vượt qua rào cản
Bất kỳ một dự án nào đều cần lên kế hoạch cụ thể. Nếu ta giải quyết được các rào cản ở trên, ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
Bạn có thể chia dự án của mình thành các giai đoạn sau:
- GĐ1: Xác định các Danish
- GĐ2: Xác định các lĩnh vực mà Megan và Danish cùng quan tâm
- GĐ3: Tìm hiểu các lĩnh vực đó, lý giải nguyên nhân tại sao SBLHĐ không được phát hiện trong các lĩnh vực đó
- GĐ4: Lập mạng lưới các Beret, tương tác và tạo sự tin tưởng ở họ, đồng thời kiểm tra xem mình có lỗ hổng nào không
- GĐ5: Trò chuyện sâu với một vài Beret, đặt vấn đề để họ giúp bạn có được sự tin tưởng của Danish
- GĐ6: Cùng với các Danish đã tin tưởng mình lên kế hoạch thuyết phục Megan
Cách để Beret muốn dành thời gian cho bạn
Bạn có thể nhắn cho Beret như sau (giả dụ Beret làm trong ngành thời trang):
Xin chào bạn Beret
Mình xin lỗi nếu việc này hơi đường đột
Mình đang làm một dự án liên quan đến những vấn đề tâm lý, trong đó có một bài viết liên quan đến thời trang. Việc này sẽ giúp giảm những ngộ nhận không đáng có về ngành, từ cả phía nhà thiết kế lẫn khách hàng
Mình cần tìm một người có chuyên môn về thời trang đọc và cho phản biện
Những góp ý của bạn sẽ giúp mình chỉnh sửa để báo viết được cộng đồng đón nhận hơn
Mình có tìm hiểu về bạn và các sản phẩm của bạn, và mình nghĩ rằng bạn có thể giúp được
Không biết bạn nghĩ thế nào? Hy vọng sẽ không mất quá nhiều thời gian của bạn
Cám ơn bạn rất nhiều
Bằng cách nói như vậy, họ sẽ thấy được:
- Tầm quan trọng của điều này với cộng đồng thời trang
- Việc này có thể giúp họ làm tốt công việc của mình
- Hình ảnh của họ trong cộng đồng được nâng cao
- Họ không mất nhiều thời gian
- Họ quan trọng với bạn
- Bạn đã dành thời gian tìm hiểu họ và công việc của họ
- Bạn thể hiện sự cầu thị học hỏi
Nếu bạn đã trò chuyện với ai trước rồi thì nhớ nói thêm.
Cách để người đã có sự quan tâm tới bạn muốn chia sẻ
Nếu người đó là bạn của bạn thì bạn thấy sao?
Nếu một người đến nhờ bạn giúp người đó thì bạn có muốn giúp ko?
Nếu họ không có để ý đến chuyện này thì bạn có nghĩ mình nên chia sẻ cho họ biết không?
Hiện nay còn nhiều người khác trong ngành không để ý đến chuyện này. Mình thực sự muốn nghe họ cho phản hồi, nhưng họ lại không thấy được điều đó. Nếu được mình có thể nhờ bạn hỏi giúp được không? Thực sự cảm ơn bạn
Cách xây dựng mạng lưới những người sẽ muốn giúp và có khả năng giúp
Nếu Megan dùng mạng xã hội (Facebook, Instagram), bạn có thể vào danh sách bạn bè hoặc xem những ai hay tương tác với Megan và kết bạn với họ. Để chắc ăn họ sẽ có cảm tình với mình, bạn có thể kết bạn với bạn của họ trước (Beret), và bàn luận về những chủ đề họ quan tâm.
Cách để Danish tác động Megan
Nếu bạn là Danish và đang không biết tác động với Megan thế nào để vừa không làm cô cảm thấy khó chịu, việc lập một kế hoạch hành động chi tiết sẽ rất hữu dụng. Kế hoạch đó cần tiên liệu trước những vấn đề khiến cô cảm thấy căng thẳng, và cách bạn sẽ xử lý chúng. Nội dung nên có nhiều ví dụ và câu chuyện. Hoặc bạn có thể tác động gián tiếp bằng cách mở một chủ đề bàn luận với mọi người về điều cô không đồng ý ở một nơi chắc chắn cô sẽ thấy. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian của bạn hơn. Cô có thể im lặng không nói gì, nhưng điều đó là đủ để cô suy ngẫm lại rồi. Cô tất nhiên cũng sẽ có quan điểm của riêng mình, và chúng ta vẫn cần lắng nghe nếu hợp lý.
Nhưng có lẽ tốt hơn cả, nếu bạn có thể tìm ra được niềm tin gốc của Megan (VD: sẽ không ai có khả năng đáp ứng được những yêu cầu của mình), bạn có thể quy tụ những bạn bè chung, rồi mỗi người nhắn điều ngược lại. Như vậy cô sẽ thấy được tấm lòng của các bạn dành cho mình.
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực