Đây là một hiện tượng do Martin Seligman, cha đẻ của bộ môn tâm lý học tích cực, phát hiện ra. Thí nghiệm gốc của Seligman như sau: người ta nhốt một con chó và cho nó bị giựt điện nhẹ. Ban đầu nó tìm mọi cách để thoát, nhưng vì bị nhốt nên nó đành chấp nhận. Sau đó, người ta để nó ra ngoài cùng với những con chó khác và làm lại thí nghiệm. Mặc dù lần này nó không khó khăn gì để thoát cả, và nó thấy rõ ràng là những con khác có thể thoát khỏi sự khó chịu đó, nó vẫn chấp nhận chịu đựng. Người ta phải tự tay đưa nó ra khỏi nơi bị giựt hai ba lần nó mới nhận ra là có thể thoát ra được thật. Con chó đã học được rằng nó sẽ luôn bất lực, nên nó từ chối tin vào khả năng giải thoát của nó. Clip này minh họa rõ hơn vấn đề này:
Sự nguy hại lớn nhất của sự bất lực học được không phải ở chỗ ta bất lực, mà ở chỗ nó ẩn sâu và gần như vô hình trong mắt người ngoài, khiến họ cảm thấy không có gì phải lo lắng cả, ngay cả với những ai thân cận với “nạn nhân” nhất. Sự bất lực học được nằm đâu đó giữa những người bạn của chúng ta, và giữa những người ta ngưỡng mộ. Họ có thể là nhà thơ, nhà nghiên cứu, phật tử, đạo sĩ, nhà tham vấn tâm lý, v.v. Và biết đâu, chính bản thân chúng ta cũng là nạn nhân của nó mà không hề hay biết. Việc không nhìn thấy nó không có nghĩa là nó không ở đó.
Nạn nhân của sự bất lực học được luôn chống lại việc thoát ra khỏi nó. Họ không cáu, họ không buồn, mà họ thanh thản. Nó như một con ký sinh, làm “vật chủ” không có được một cuộc sống an lạc, hạnh phúc, nhưng vật chủ lại xem nó là bạn. Để hợp lý hóa sự chống đối đó, họ sẽ viện dẫn đến những triết lý sống khó mà phản bác được. Những triết lý sống này ban đầu vốn hợp lý, nhưng lại bị áp dụng sai cách, khiến cho nạn nhân thêm tin chắc rằng mình không phải là nạn nhân gì cả. Thậm chí khi được đối diện với bằng chứng ngược lại thì họ sẽ nhất quyết khẳng định rằng đó là hoang đường. Nói chung, họ đã đánh mất sự tò mò, lòng tốt và lòng dũng cảm của chính mình.
Cách để giải quyết sự bất lực học được là phải thay đổi niềm tin rằng những triết lý đó là đúng. Và để họ thay đổi niềm tin, thì phải có thật nhiều, thật nhiều người đến nói rằng họ không bất lực. Cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như vậy. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ những trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Chỉ có những người thật hiểu họ mới có thể làm được điều đó. Không cất lên tiếng nói là đang tiếp tục làm hại họ.
Nội dung
Ví dụ
Để dễ hiểu hơn mình sẽ so sánh BLHĐ với nỗi sợ bình thường, đồng thời cũng sẽ ví dụ về các niềm tin thứ cấp do niềm tin “tôi bất lực” gây ra.
Ví dụ 1: Một con cáo muốn trèo lên hái nho. Nho quá cao, con cáo bất lực nên bỏ đi, cũng không còn thèm nữa. Nhưng nếu lần sau nó đi qua nơi nào đó có nho thấp hơn thì nó vẫn lấy ăn bình thường.
Nhưng nếu có một ma thuật nào đó khiến cho nó không có cách gì lấy nho được, từ lần này đến lần khác, thì nó sẽ hình thành một niềm tin là nó với nho sẽ không bao giờ đến được với nhau. Lúc đó, dù có dâng nho đến tận miệng nó vẫn thờ ơ không quan tâm, mặc dù thực ra nó vẫn muốn biết nho có vị gì. Lúc đó nó có thể đưa ra những lý lẽ như là nho còn xanh lắm, cáo mà ăn nho sẽ bị tiêu chảy, v.v.
Ví dụ 2: một người da đen bị đánh quá nhiều đến mức cảm thấy việc bị đánh là hiển nhiên. Bạn đến nói với họ là chuyện đó là không ổn thì họ thờ ơ không quan tâm. Bạn cố giúp họ trốn thoát thì họ gắt lên:
Tao là thằng da đen. Da đen thì tất nhiên là bị ăn đòn. Cái này là quy luật của tự nhiên. Mày đừng có động vào. Tao méc ông chủ bây giờ.
Rồi sau đó họ lại nhẹ giọng:
Nghe này, tao biết là mày rất lo cho tao. Nhưng mày cứ thử ngẫm nghĩ mà xem, chẳng phải nhờ có nô lệ mà mọi người có một cuộc sống sung túc đó sao? Tao chỉ đang làm tròn bổn phận của một đứa da đen thôi. Bị ăn đòn là lẽ tất nhiên mà.
Bạn phản đối thì họ nói tiếp:
Có những thứ phải có nhiều trải nghiệm thì mới hiểu được, chứ giải thích thì khó lắm. Mày đừng nghĩ gì thêm về chuyện này nữa, chấp nhận được rằng đây là quy luật tự nhiên thì lòng mày sẽ nhẹ nhàng hơn. Hay mày đi kiếm khóa tu thiền nào đó để hiểu lẽ vô thường đi. Tao ổn với việc này, hãy lo cho thân của mày đi.
Ở ví dụ đầu là việc con cáo đưa ra các lý do tại chỗ để lý giải cho việc nó không ăn nho. Ở ví dụ hai là anh da đen đã xây dựng một thế giới quan cho phù hợp với niềm tin rằng mình sẽ không bao giờ chạy thoát. Thế giới quan đó chứa đựng những niềm tin thứ cấp do niềm tin “tôi bất lực” gây ra.
Ở cả hai trường hợp, họ có sự bình tĩnh nhất định khi đưa ra lý do cho việc họ không làm một thứ tốt cho họ. Nhưng nó không che giấu được một sự thật là những nhu cầu cơ bản của họ chưa được đáp ứng. Sự an lạc, hạnh phúc hoặc chất lượng sống của họ không được đảm bảo.
Các quan niệm thứ cấp có thể có từ niềm tin “tôi bất lực”
Trong thế giới quan của chúng ta, các niềm tin được cấu trúc lại thành một mạng lưới logic hoàn chỉnh. Mỗi một niềm tin bệ đỡ và được bệ đỡ bởi nhiều niềm tin khác nhau. Niềm tin “tôi bất lực” cũng không phải là ngoại lệ. Tùy vào từng người mà những quan niệm thứ cấp đó sẽ khác nhau.
Một số quan niệm ở đây có một nền tảng triết học sâu, và tôi cũng có thể sai khi kết luận chúng sai. Để khẳng định một quan niệm là sai cần phải hiểu được tại sao nó xuất hiện, và đề ra được một cơ sở lý thuyết để thay thế. Tối thiểu là như vậy, còn việc bản thân cơ sở đó có đúng không lại là một chuyện dài nữa. Nhưng việc kiểm tra từng giả định một của mình là quá sức với tôi. Tôi chỉ có thể nói là trong quan sát của tôi chúng sẽ làm hại cho họ.
- Tâm lý: Tin rằng mình là cây dây leo, chỉ có thể nương tựa vĩnh viễn vào người khác để phát triển. Năn nỉ những người bạn của mình là hãy từ bỏ hy vọng rằng mình là một người khỏe mạnh. Hãy bất lực cùng nhau. Nếu ai cho rằng mình vẫn có thể khoẻ mạnh thì là đang không tôn trọng con người thật của mình. Vũ trụ phải bền chắc, không thay đổi. Ám ảnh với những thứ không vĩnh viễn. Khi và chỉ khi có người có thể đội mình lên đầu 24/24 mà không cần lo cho bản thân thì mới (có thể) thay đổi suy nghĩ của mình. Do sẽ không có ai như vậy, nên dù biết suy nghĩ của mình gây hại nhưng vẫn sẽ không đổi. Rất thích bị áp đặt nếu điều đó tốt cho mình
- Cảm xúc – cái đẹp: Chỉ có cảm xúc là đúng nhất. Cái đẹp xứng đáng để ta theo đuổi, kể cả khi nó mâu thuẫn với cái đúng và cái tốt. Cái đẹp/cái cốt yếu thì không nói thành lời được. Sự yêu thích không có lý do. Yêu không thể ép được. Cái cốt yếu không thể thấy được bằng mắt, chỉ thấy được bằng tim. Đã hết yêu thì không bao giờ có thể yêu lại lần nữa.
- Tôn giáo: cứ dùng logic thì là nhị nguyên. Cứ dùng lý luận thì là hý luận. Nếu đã giác ngộ thì sẽ biết hết tất cả. Mọi thứ đều là sự sắp đặt của số phận.
- Nhân quyền – trợ giúp: Sự can thiệp là luôn không tôn trọng quyền tự quyết. Một khi một người không muốn thay đổi thì ta không còn có thể làm gì được nữa. Chỉ có thể chờ một sự kiện bên ngoài tác động để họ tự nhận ra. Nếu ai nghĩ là can thiệp được thì chỉ là hoang tưởng. Nghe tiếng cầu xin của người khác nhưng tự nhủ mình không thể làm gì được.
- Khác: Thứ bỏ đi thì không đáng tốn thời gian để tìm hiểu nó kỹ hơn. Thương gia/chính trị gia/nhà báo/nhà giáo/bác sỹ/cộng sản/tư bản/cánh tả/cánh hữu thối nát. Ở Việt Nam chỉ lãng phí tài năng.
👉 Xem thêm: Giải quyết nhiều hiểu lầm, ngộ nhận và niềm tin sai phổ biến, một lần cho mãi mãi
Các chủ đề có kết nối với chủ đề “sự bất lực học được”
Đây là một số khái niệm có kết nối với khái niệm “sự bất lực học được” mà tôi tổng hợp lại trong quá trình làm dự án. Đồ thị được làm trên Obsidian.
Mối quan hệ giữa người có BLHĐ và những người quanh họ
Lưu ý là “người làm trong lĩnh vực chuyên môn” chỉ là cách diễn đạt để cho vào biểu đồ cho gọn. Thực chất với mỗi lĩnh vực khác nhau sẽ có một cách nói chính xác hơn. Ví dụ như có lẽ những ai được đào tạo tâm lý học bài bản sẽ thấy ngay những niềm tin được liệt kê ở phần tâm lý là có vấn đề. Nghĩa là không thể nói rằng người có niềm tin sai là một tập con của người làm trong lĩnh vực tâm lý được. Tuy nhiên ở những lĩnh vực khác thì những quan điểm như vậy lại có sự hợp lý nhất định, và chỉ sai khi kết hợp với BLHĐ. Những người không có BLHĐ, nếu chưa có trải nghiệm với hiện tượng này, sẽ không hiểu và không chấp nhận quan niệm đó là sai, hoặc đồng ý là sẽ sai nhưng cũng không cảm thấy quan trọng để làm khác. Nói cách khác, họ đang dung dưỡng BLHĐ ở bạn mình mà không hề hay biết.
Mạng lưới xã hội của người có BLHĐ
FAQ
Làm sao để giải quyết tình trạng này?
Cách giải quyết cơ bản nhất đó là khôi phục lại cách nhìn của họ bằng những quan niệm hợp lý hơn. (Bạn nào muốn tìm hiểu kỹ hơn có thể bắt đầu bằng từ khoá “liệu pháp nhận thức hành vi – cognitive behavioral therapy – CBT” ). Nhưng đó là với những người muốn thoát ra khỏi nó. Còn nếu họ không muốn thay đổi, thì có lẽ cần phải có một chiến dịch nâng cao nhận thức dành riêng cho cá nhân người đó. Và đây cũng chính là điều tôi muốn xây dựng. Mời các bạn tìm hiểu thêm:
Ngoại truyện
Khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra
Có những lúc để một người hiểu được một điều gì đó, phải để cho họ tự mình đi hết thứ đang ám ảnh trong đầu họ. Chỉ đến khi họ nhận ra rằng đi kiểu gì cũng vào đường cùng rồi thì mới bắt đầu suy nghĩ về một khả thể mới. Mà những người BLHĐ là đã xây dựng cho mình hẳn một thế giới quan mới. Nên để họ thoát ra khỏi BLHĐ, có lẽ là phải làm cho họ bất lực thêm một lần nữa? Điều này thật trớ trêu. Nhưng nếu ngẫm rằng đôi lúc chúng ta phải dùng một cái sai để khắc phục một cái sai khác, thì có lẽ cũng dễ hiểu.
Thật vô ích để thay đổi vs mọi chuyện nhất định rồi sẽ tốt đẹp thôi: sự tương tác giữa 2 hệ thống niềm tin
Có những lúc cả hai bên đều thấy bên kia bất lực. Lý do cho việc này là vì một mặt, người không chịu hành động có thể tin rằng Thật vô ích để thay đổi, còn người hành động có thể tin rằng mọi chuyện rồi nhất định sẽ tốt đẹp. Nhưng mặt khác, người không hành động cũng có thể tin rằng mọi chuyện rồi nhất định sẽ tốt đẹp, còn người nhất định phải hành động lại tin rằng thật vô ích nếu chờ một phép màu. Một cái là bàn về khả năng có kết quả trong tương lai, một cái là bàn về khả năng xuất hiện sự thay đổi ở hiện tại. Nên thật ra mà nói cả hai đều có BLHĐ ở những vị trí khác nhau trên bản đồ niềm tin mà thôi.
Những vấn đề về rủi ro vs tiềm năng, chủ quan vs hy vọng, sự chú ý đến đối tượng sẽ hiện tượng đảo nghĩa. Để biết thêm chi tiết xin xem ở bài: Hiện tượng đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa khác âm, và đảo nghĩa trong quá trình hình thành niềm tin.
BLHĐ có khiến chúng ta biết thêm về ý nghĩa cuộc đời không?
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực