Né tránh bằng tâm linh mô tả một khuynh hướng sử dụng những lý giải tâm linh để né tránh những vấn đề tâm lý phức tạp. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên trong những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước bởi một nhà tâm lý trị liệu siêu cá nhân có tên John Welwood trong cuốn sách “Hướng tới Tâm lý học Tỉnh thức” của mình. Theo Welwood, né tránh bằng tâm linh có thể được định nghĩa là một “khuynh hướng sử dụng những ý niệm và thực hành tâm linh để lảng tránh hay né phải đối mặt với những vấn đề tinh thần chưa được giải quyết, những vết thương tâm lý và những mốc phát triển chưa đạt được.”
Là một nhà trị liệu và giáo viên theo đạo Phật, Welwood đã bắt đầu lưu tâm đến việc những người (bao gồm cả ông) thường vận dụng tâm linh như một lá chắn hoặc một cơ chế phòng vệ. Thay vì tự vượt qua những cảm xúc khó chịu hay đối mặt với những vấn đề chưa được giải quyết thì con người ta đơn giản là chối bỏ chúng bằng những lời lẽ lý giải dựa trên tâm linh.
Mặc dù đây cũng có thể là một cách để bảo vệ bản thân khỏi tổn thương hoặc để thúc đẩy sự hòa hợp giữa con người với nhau, nhưng thực sự nó không giải quyết được vấn đề. Thay vào đó, nó đơn thuần chỉ che đậy vấn đề, để nó ngày càng nhức nhối trong khi vẫn không có giải pháp đúng đắn nào được đưa ra.
Mặc dù tâm linh có thể là một nguồn sức mạnh giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần của một người, nhưng né tránh bằng tâm linh, coi đó là một cách để trốn chạy khỏi những cảm xúc hay các vấn đề phức tạp rốt cuộc lại kiềm hãm sự lớn mạnh.
Nội dung
Dấu hiệu
Né tránh bằng tâm linh là một cách lẩn trốn đằng sau bức màn tâm linh hoặc những hình thức thực hành tâm linh. Nó ngăn không cho con người ta thừa nhận những gì họ cảm thấy và làm họ xa cách chính bản thân và người khác. Một số ví dụ về hiện tượng này bao gồm:
- Tránh né cảm xúc tức giận
- Tin vào sức mạnh tối thượng của tâm linh, coi đó là cách để trốn tránh cảm giác bất an
- Tin rằng những sự kiện sang chấn phải được coi là “những bài học” hoặc tin là mỗi trải nghiệm tiêu cực luôn ẩn giấu mặt tốt đẹp đằng sau
- Tin rằng các hình thức thực hành tâm linh như thiền hay cầu nguyện luôn mang lại hiệu ứng tích cực
- Luôn có lý tưởng cao, thường là khó đạt được
- Cảm thấy bản thân xa rời mọi người, mọi thứ
- Chỉ tập trung vào tâm linh và ngó lơ hiện tại
- Chỉ chú ý vào những điều tích cực và sống lạc quan quá mức
- “Phóng chiếu” cảm xúc tiêu cực của bản thân lên mọi người
- Vờ như mọi thứ đều ổn trong khi thực sự không phải vậy
- Cho rằng con người có thể vượt qua vấn đề bằng tư duy tích cực
- Nghĩ rằng mình phải “vượt lên trên” những cảm xúc của bản thân
- Sử dụng các cơ chế tự vệ như chối bỏ và đàn áp
Né tránh bằng tâm linh là một hình thức tạm thời che đậy vấn đề, có thể khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn trong thời gian ngắn, nhưng cuối cùng lại chẳng giải quyết được gì và chỉ khiến vấn đề cứ vậy tồn tại mãi.
Ví dụ
Né tránh bằng tâm linh đôi khi có thể rất khó nhìn ra vì nó thường tồn tại không rõ ràng. Tuy nhiên, hãy cùng xét những ví dụ dưới đây, bạn sẽ hình dung rõ hơn về hiện tượng này:
- Sau khi một người thân mất đi, con người ta hay nói với những người ở lại là người chết “đã ở một nơi tốt lành hơn” và đó là “ông Trời sắp xếp”
- Một người phụ nữ tức giận và buồn bực về một điều ai đó đã làm với mình. Khi cô cố gắng chia sẻ cảm xúc của bản thân thì bạn của cô lại nói cô đừng quá tiêu cực như vậy
- Một người họ hàng thường xuyên vượt quá ranh giới và hành xử gây tổn thương những thành viên khác trong gia đình. Thay vì đối xặt xử lý hành vi này, những người đã đang bị hại lại cảm thấy mình cần đè nén cơn giận và hành xử bao dung
Né tránh bằng tâm linh cũng thường được sử dụng để chối bỏ những mối bận tâm có thật ở những người đang giải quyết vấn đề. Những người bị phân biệt đối xử thường được khuyên là cứ “sống tốt”, “sống có ích”, “nhẫn nhịn” trong những vụ lạm vụ rõ rành rành. Ở đây, lối tư duy này cho rằng con người ta có thể dựa vào tư duy tích cực của bản thân để vượt qua những vấn đề xã hội phức tạp.
Nhận biết né tránh tâm linh
Nếu bạn có nói những điều dưới đây, có lẽ bạn đang né tránh bằng tâm linh:
- “Mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó
- “Hạnh phúc là do mình tạo ra”
- “Cũng là vì đại cục”
- “Nó nói vậy thôi chứ nó có ý tốt”
- “Vui lên mà sống”
- “Suy nghĩ và cầu nguyện”
Trước khi viện đến những lời nói sáo rỗng này, hãy hỏi bản thân bình luận như nào mới thực sự có ích. Liệu lời nói đó có thực sự an ủi hay đưa thông tin cho người khác hay nó chỉ là một cách chối bỏ một tình huống nan giải để bản thân cảm thấy tốt hơn?
Nguyên nhân
Né tránh bằng tâm linh là một cơ chế phòng vệ. Nó bảo vệ chúng ta khỏi những thứ khó xử lý, nhưng sự bảo vệ này có cái giá của nó. Ngó lơ hay né tránh vấn đề có thể khiến căng thẳng leo thang về lâu dài và khiến vấn đề càng lúc càng trở nên khó giải quyết hơn. Mặc dù né tránh là một cơ chế thúc đẩy chính đằng sau dạng hành vi này nhưng có một số yếu tố khác có thể góp phần định hình nó.
Nền văn hóa đề cao sức khỏe hay duy trì những quan điểm về lạc quan kiểu độc hại và liên tục cũng là một nguồn lực thúc đẩy đằng sau hiện tượng này. Con người ta được dạy là họ chẳng thể khỏe mạnh trừ khi họ có thể vượt lên trên điều tiêu cực. Vấn đề ở đây là những cảm xúc tiêu cực là bình thường và cũng là dấu hiệu cảnh báo chủ thể cần thay đổi. Ngó lơ những dấu hiệu này có thể đưa đến những vấn đề trầm trọng hơn trong nay mai.
Một nền văn hóa coi trọng cá nhân, nơi luôn coi trọng ý tưởng cho rằng con người ta phải hướng tới mục tiêu cao cả là đạt được nhu cầu thể hiện bản thân nhằm đạt được hành phúc đích thực cũng góp phần tạo nên khuynh hướng né tránh khó khăn hay những cảm xúc khó chịu. Thay vì cố giải quyết vấn đề trong thực tế có thể gây đau đớn, chủ nghĩa cá nhân dạy con người ta phải tự chịu trách nhiệm cho số phận của bản thân.
Tác động
Né tránh bằng tâm linh không phải lúc nào cũng xấu. Đôi khi trong những lúc căng thẳng cực độ, nó có thể là một cách tạm thời giúp ta bớt mệt mỏi và lo âu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể mang tính hủy hoại khi bị sử dụng như một chiến lược đàn áp vấn đề về lâu dài.
Né tránh bằng tâm linh có nhiều hiệu ứng tiêu cực. Nó có thể ảnh hưởng lên đời sống thể chất và tinh thần của chủ thể cũng như những mối quan hệ của họ với người khác. Một số hệ quả tiêu cực tiềm ẩn bao gồm:
- Lo âu
- Trung thành mù quáng với người lãnh đạo
- Đồng lệ thuộc
- Khó kiểm soát mọi chuyển
- Không đếm xỉu đến trách nhiệm cá nhân
- Bối rối về mặt cảm xúc
- Dung nạp quá mức những hành vi không phù hợp hay không được xã hội chấp nhận
- Cảm giác tủi nhục
- Ái kỷ tâm linh
Ái kỷ tâm linh là sử dụng những hình thức thực hành tâm linh để gia tăng tầm quan trọng của bản thân. Thường là sử dụng tâm linh để đánh bóng cá nhân, cũng dùng nó làm vũ khí để hạ bệ người khác.
Phủ nhận những cảm xúc khó khăn
Người ta thường xuất hiện tình trạng né tránh bằng tâm linh khi họ nghĩ rằng họ không nên có những cảm xúc mình đang có. Những cảm xúc tiêu cực có thể trồi lên nhấn chìm họ vào một số thời điểm. Cảm giác tức giận, ghen tức, ghê tởm, phiền hà, và thịnh nộ có thể khiến chủ thể cực kỳ khó chịu và có người còn cảm thấy tủi hổ hay tội lỗi vì có những cảm xúc hay những suy nghĩ kiểu như vậy.
Thay vì đối phó với những cảm xúc tiêu cực – và bất kỳ những phản ứng kéo theo sau những cảm xúc này – né tránh bằng tâm linh trở thành một công cụ để họ trốn chạy.
Cũng như việc bạn không nên cố đè nén những cảm xúc tiêu cực để bản thân được dễ chịu, bạn cũng nên né luôn cả mong muốn bảo vệ người khác khỏi những cảm xúc hay tình huống khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Cố bảo vệ hay che chắn cho người khác – dù là khỏi hoàn cảnh của họ hay khỏi chính những lựa chọn tệ hại của chính họ – cũng có thể trở thành một dạng thức né tránh bằng tâm linh.
Chối bỏ cảm xúc của người khác
Né tránh bằng tâm linh có thể là một công cụ giúp chối bỏ cảm xúc. Đôi khi, nó cũng được sử dụng làm công cụ thao túng tâm lý khiến nạn nhân im lặng về những thứ vốn đang gây tổn hại cho họ.
Thay vì để cho bản thân được thể hiện nỗi đau, những người đã từng bị tổn thương lại bị cho là một con người tiêu cực. Khuynh hướng này sử dụng tâm linh để tái chỉnh khung những sự kiện giúp con người ta thoát ra khỏi thương tổn mà họ có thể đã gây ra.
Né trách nhiệm
Né tránh bằng tâm linh cũng làm giảm bớt sự không thoải mái, là kết quả của quá trình bất hòa nhận thức. Con người ta cảm thấy không thoải mái khi họ nắm giữ hai niềm tin đối chọi nhau hoặc khi họ hành xử không nhất quán với niềm tin trong họ.
Ví dụ, nếu bạn tin mình là người tốt thì bạn sẽ gặp khó khăn trong việc chịu trách nhiệm với những điều đau đớn mà mình đã từng làm với người khác. Thừa nhận bản thân đã từng gây hại cho người khác không chỉ gây ra cảm giác tội lỗi – mà nó còn đi ngược lại với mong muốn được thấy bản thân mình tốt đẹp. Theo đó, né tránh bằng tâm linh trở thành một cách vừa giúp chuyển tội lỗi đó cho người khác, vừa miễn trừ trách nhiệm từ phía bản thân.
Phán xét người khác
Phán xét người khác vì thể hiện cơn giận chính đáng của họ là một dạng né tránh bằng tâm linh. Giận dữ là một cảm xúc bình thường và một phản ứng hoàn toàn hợp lý trong nhiều tình huống và sự kiện. Cảm xúc này thể hiện rằng có thứ gì đó đang không đúng và cần phải thực hiện hành động để can thiệp vào tình huống hay sửa đổi mối quan hệ. Tâm linh chân chính không đè nén những cảm xúc có thật chỉ bởi vì chúng khó chịu.
Việc cảm thấy những cảm xúc khó khăn như tức giận, ghen tỵ, và thất vọng là bình thường. Chìa khóa ở đây là đối phó với chúng bằng những cách thức lành mạnh.
Bào chữa cho nỗi đau
Một ví dụ khác về né tránh bằng tâm linh là sử dụng có mục đích những hoạt động tâm linh để bào chữa cho việc mình không hành động. Ví dụ như nói những điều kiểu như “Bị như vậy là có lý do”, “Là ý trời”, hay “cái đó là bản chất rồi” khiến con người ta tránh phải chịu trách nhiệm, vì theo những lí giải như trên, những thứ là sinh ra đã vậy, chẳng thể thay đổi, là lỗi của số phận.
Những lý giải kiểu này khiến ta dễ dàng chấp nhận mọi thứ như nó vốn như vậy và không tập trung vào hành động để tạo thay đổi. Một số tình huống có thể nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc chính ta có thể đối mặt với những trở ngại khiến việc thay đổi là khá khó khăn, nhưng điều quan trọng ở đây là ta phải thừa nhận và chấp nhận chịu trách nhiệm với những thứ mà ta có thể làm để cải thiện tình hình.
Né tránh cũng trở thành một dạng thức đổ lỗi cho nạn nhân, đặc biệt là trong những trường hợp nơi con người ta trải qua những tác động tiêu cực của nhiều dạng chấn thương. Nói với những người này rằng họ đừng nên tiêu cực nữa để không bị kiệt sức, lo âu, trầm cảm và những dạng thức căng thẳng tâm lý và sinh lý khác, về cơ bản, là nói rằng lỗi lầm là ở họ nên họ mới phải chịu đưng những nỗi đau này.
Né tránh tâm linh cản trở sự lớn mạnh như thế nào
Mặc dù né tránh bằng tâm linh có lẽ ít có hại hơn một số những cơ chế đối phó khác, nhưng nó vẫn có thể đưa đến những hệ quả tiêu cực làm tổn thương khả năng lớn mạnh bình thường của một cá nhân cũng như quá trình hoàn thiện năng lực. Nó có thể kiềm hãm sự phát triển cảm xúc và thậm chí là gây cản trở hình thành một đời sống tâm linh với nhận thức trọn vẹn.
Né tránh bằng tâm linh cũng có thể đôi lúc liên đới đến việc tham gia các hoạt động tâm linh để cảm thấy mình ưu việt hơn hoặc để đỡ phải thực hiện bất kỳ hành động rõ ràng nào. Thay vì nói về mối xung đột, bạn sẽ thiền định. Thay vì tham gia vào cộng đồng, bạn đi thăm đền thờ. Thay vì đối mặt với sự khó chịu của bản thân, bạn lại đọc lời kinh cầu nguyện. Vấn đề không nằm ở việc tham gia vào những hoạt động tâm linh. Vấn đề là bạn sử dụng chúng như một tấm khiên giúp bạn cảm thấy tốt hơn – không đơn thuần chỉ vì lý do tâm linh thuần túy.
Đây là lý do tại sao né tránh bằng tâm linh đôi khi có thể khó nhận ra và khó thấy cả ở bản thân bạn và người khác. Thiền định có thể là một cách hay giúp đối phó với căng thẳng, đối mặt với xung đột. Thăm viếng những nơi chốn linh thiêng có thể giúp bạn kết nối với cộng đồng. Cầu nguyện có thể mang đến cho bạn một cảm quan về sự yên bình hay thoải mái khi đối mặt với sự thật khó chịu.
Sự khác biệt nằm ở mục đích đằng sau những hành động này. Chúng có phải là cách khiến bạn cảm thấy mình ưu việt hơn người khác nhờ tâm linh? Nếu vậy thì khả năng cao là chúng vận hành như một hình thức né tránh tâm linh làm cản trở sự lớn mạnh đúng nghĩa.
Những dạng thức biểu hiện lành mạnh giúp bạn phát triển như một con người, trong khi đó, né tránh bằng tâm linh lại tạo ra một rào cản giữa bạn và sự lớn mạnh chân chính.
Gợi ý và mẹo
Né tránh bằng tâm linh có thể là một cách để bảo vệ bản thân khỏi những thứ mang tính đe dọa, nhưng nó lại bỏ qua một sự thật quan trọng. Chúng ta không thể lựa chọn cảm xúc cho bản thân. Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng chỉ có những suy nghĩ tốt, những cảm xúc và cảm nhận tốt. Để trải nghiệm được những cảm xúc cao trào, ta phải chịu đựng được những lúc tâm trạng tụt thấp dưới đáy.
Một số thứ có thể làm để xử trí khuynh hướng né tránh bằng tâm linh:
- Tránh dán nhãn cảm xúc là tốt hay xấu. Mặc dù một số cảm xúc có thể tiêu cực hay khó chịu, nhưng chúng đều có mục đích. Trải nghiệm cảm xúc không có chuyện sai hay cấm đoán, và cảm nhận những cảm xúc này không biến bạn thành người xấu. Thử nhìn nhận cảm xúc của mình bằng sự chấp nhận và nhớ rằng tất cảm cảm xúc đều chỉ tồn tại nhất thời
- Nhớ rằng những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực đều có mục đích của nó. Mục đích cuộc sống không phải là né những suy nghĩ đó, mà là sử dụng chúng để thúc đẩy những hành động tích cực. Chỉ đeo lên những “tấm kiếng màu hồng” và ngó lơ vấn đề sẽ không giúp giải quyết được gì
- Hãy nhớ rằng những cảm xúc khó chịu thường là một dấu hiệu cảnh báo có điều gì đó không đúng và có điều gì đó cần thay đổi. Nếu bạn luôn cố làm giảm sự khó chịu đơn giản chỉ bằng cách né tránh nó, thì những tình huống gây căng thẳng cho bạn sẽ chẳng thay đổi. Hãy xem những cảm xúc khó chịu này như một cơ hội thay đổi thay vì là một gánh nặng phải tránh
Mặc dù né tránh bằng tâm linh gây khó khăn trong việc thừa nhận những cảm xúc có thật, nhưng ta cũng cần nhớ rằng bản thân tâm linh có thể là một nguồn lực tích cực trong cuộc sống. Nghiên cứu cho thấy tâm linh thường có nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần. Người ta tìm đến tâm linh để lấy lại niềm hy vọng, đối phó với căng thẳng, để tìm kiếm hỗ trợ và tìm ra ý nghĩa cuộc sống.
Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra, người nào có thực hành tâm linh sẽ ít bị trầm cảm hơn, đối phó với căng thẳng tốt hơn, có sức khỏe tổng quát tốt hơn và đời sống tinh thần lành mạnh hơn.
Kết luận
Đừng quá khắt khe với những lỗi lầm của bản thân. Sự phát triển là một quá trình và ta sẽ dễ bị rơi vào những thói quen cũ, đặc biệt là khi đang cố đối phó với những điều khó khăn. Tâm linh có thể là một nguồn lực tích cực trong đời sống và nhiều hình thức thực hành tâm linh có thể là những công cụ cực kỳ tuyệt vời giúp quản lý căng thẳng. Chủ động phòng ngừa tình trạng né tránh bằng tâm linh, bạn có thể khiến tâm linh trở thành một hình thức thực hành giúp bạn sống một cuộc đời trọn vẹn và hài hòa hơn.
Tham khảo
1. Picciotto G, Fox J, Neto F. A phenomenology of spiritual bypass: Causes, consequences, and implications. J Spiritual Ment Health. 2018;20(4):333-354. doi:10.1080/19349637.2017.1417756
2. Tricycle. Human nature, Buddha nature. An interview with John Welwood. Updated Spring 2011.
3. Akbari M, Hossaini SM. The relationship of spiritual health with quality of life, mental health, and burnout: The mediating role of emotional regulation. Iran J Psychiatry. 2018;13(1):22-31.
4. Wachholtz AB, Sambamthoori U. National trends in prayer use as a coping mechanism for depression: Changes from 2002 to 2007. J Relig Health. 2013;52(4):1356-68. doi:10.1007/s10943-012-9649-y
Nguồn tiếng Anh: What Is Spiritual Bypassing? – Verywell Mind
Người dịch: Như Trang – Trang Tâm Lý
Hiệu đính: Minh Nhật
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực