Đố vui: Đâu là sự khác nhau giữa con lợn với con heo?
Ngực là gì? Vú là gì?
Chúng ta hãy ôn tập lại kiến thức sinh học một chút. Đây là sự khác biệt giữa ngực và vú:
- Ngực: khoang trống trong cơ thể để chứa tim phổi, nằm giữa cổ và bụng
- Vú: cơ quan bài tiết sữa
Ta có thể xét rộng vấn đề ra hơn để thấy cơ quan bài tiết sữa phải gọi là “vú” mới chính xác. Ta không thể nói “động vật có ngực”, “mèo có 6 ngực”, “cả ngực lấp miệng em”, “trái ngực sữa”, mà chỉ có thể nói “động vật có vú”, “mèo có 6 vú”, “cả vú lấp miệng em”, “trái vú sữa”. Việc có sự tương đồng giữa “vú” và “bú” cho thấy người ta chỉ có thể bú vú chứ không thể bú ngực. (Tương tự, sự tương đồng giữa “bú” và “bu” (nghĩa là “mẹ” ở một số địa phương) cho thấy bu là để chỉ người có khả năng cho bú.) Nghĩa là vú với ngực là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Nước sông không phạm nước giếng.
Tại sao không nên dùng từ “ngực” thay cho “vú”?
Trên thực tế thì mọi người lại hay dùng nước sông thay cho nước giếng: từ “ngực” thường xuyên được dùng để chỉ vú. Ví dụ như cuốn Cơ thể & đời sống tình dục của phụ nữ (Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) biên soạn) sử dụng “ngực” và “vú” song song với nhau:
Một số người sẽ xem chuyện này giống như bắt bẻ tiểu tiết, vì dùng thế nào mà chả được, miễn hiểu đúng ý nhau. Ví dụ, việc gọi cái ổ đĩa ngoài để chứa dữ liệu là cái USB là một cách gọi sai, vì USB chỉ là cái cổng kết nối mà thôi. Nhưng vì cái ổ đĩa ngoài đó sử dụng cổng USB để kết nối, nên mọi người quen gọi nó là USB luôn. Nói cách khác, từ “USB” đã trở thành từ đồng nghĩa khác âm với từ “ổ đĩa ngoài”, như kiểu “con lợn” là từ đồng nghĩa khác âm với “con heo” vậy. Và vì chuyện này không gây ra hệ lụy nào, nên đây chỉ là sự phát triển bình thường của ngôn ngữ.
Bản thân từ “USB” lúc này trở thành một từ đa nghĩa.
Nhưng trong trường hợp “vú” và “ngực”, có những người thực sự sợ phải dùng từ “vú” đến độ nhất quyết gọi nó là “ngực”. Vào các bệnh viện lớn như 175, bạn sẽ thấy lâu lâu có một cô hỏi là muốn đi khám ngực, xong nhân viên hỏi lại là “cô muốn khám vú đúng không?”, thì cô sẽ trả lại là “ừ, là khám ngực đó”. Tức là cô muốn khám vú, nhưng nhất quyết gọi nó là ngực. Việc này gây ra phiền toái, vì đi khám ngực sẽ vào một khoa khác, và khám vú sẽ vào khoa khác. Việc gọi ngực là ngực và vú là vú quan trọng như vậy đó.
Điều này khiến cho việc gọi vú là ngực khác với chuyện gọi cái ổ đĩa ngoài là USB, vì không ai sợ cái ổ đĩa ngoài và né tránh gọi cái tên đúng của nó cả. Ai biết thì dùng cho đúng thôi.
Đồng ý rằng vú thì không phải như chân hay tay để mà nói chuyện bình thường. Những thứ liên quan tới bộ phận sinh dục hoặc tình dục luôn là những thứ nhạy cảm, và những gì nhạy cảm sẽ được thay thế bằng các uyển ngữ. Chuyện tạo uyển ngữ trong một chừng mực nào đó thể hiện khả năng xử lý ngôn ngữ và sự nhạy cảm với cảm xúc của người khác của bạn. Tuy nhiên về lâu dài sẽ vô tình làm sự xấu hổ về từ “vú” không thể hết được. Việc đối diện với nỗi sợ bắt đầu từ việc dám gọi tên nỗi sợ đó ra – nỗi sợ vú. Hay nói như Yoda trong Star Wars thì: “Named must your fear be before banish it you can”.
Có người sẽ đặt vấn đề: bộ phận trên cơ thể người phụ nữ nên để người phụ nữ có quyền phán quyết, ít nhất là ở việc được gọi nó như thế nào. Ở đây tôi cũng không ép buộc ai phải gọi như thế nào. Một lần nữa tôi hiểu rằng có những lý do rất chính đáng để không gọi vú là vú. Ở đây tôi chỉ đang đặt câu hỏi là: liệu việc gọi nó là “ngực” có thực sự nên hay không? Liệu ta có cần phải mãi ngại với nhau hay không? Tại sao không thể thẳng thắn gọi đúng tên của nó?
Đây cũng là một ví dụ cho một hiện tượng: có những vấn đề bạn cảm thấy không ổn, nhưng càng nghĩ về nó thì bạn càng thấy nó là điều bình thường. Một mặt, bạn thấy rằng việc gọi vú là ngực giống hoàn toàn như chuyện gọi cái ổ đĩa ngoài là USB. Mặt khác, bạn cũng thấy việc xem nó không khác gì gọi cái ổ đĩa ngoài là USB như đang dung dưỡng nỗi sợ vú. Bạn muốn lên tiếng phản đối nó, nhưng bạn tự nhận ra sự vô lý của mình. Nhưng điều đó vẫn không làm bạn thấy yên tâm hơn. Bạn muốn chỉ ra (pinpoint) chân tướng của vấn đề, nhưng tất cả những gì bạn có thể miêu tả được vẫn mãi không trọn vẹn. Sau một thời gian bạn bỗng nhận ra có một bức tường vô hình giữa bạn với giải pháp, mà mỗi lần bạn định phá nó đi thì nó lại lẩn đi đâu mất.
Một tham vọng của tôi trong dự án này là nêu lên được bản chất của bức tường này. Bạn có thể đọc về nó chi tiết trong bài Hiện tượng đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa khác âm, và đảo nghĩa trong quá trình hình thành niềm tin. Đây là các bài viết khác trong blog là ứng dụng của bài viết này:
- Bài này, Tại sao không nên dùng “ngực” thay cho “vú”?
- Mối quan hệ của một bông hoa chết
- Phần Người dịch phản hồi trong loạt bài Phản biện cuốn Cuộc cách mạng một cọng rơm
Trong buổi giới thiệu cuốn Lịch sử vú mình cũng có đặt câu hỏi về vấn đề uyển ngữ này ở phút 2:48:08. Các bạn có thể theo dõi tiếp cuộc đối thoại ở đó để xem vấn đề này khi được nhúng trong bối cảnh nữ quyền rộng lớn hơn thì sẽ như thế nào.
(Bài viết này bắt đầu từ một cuộc thảo luận trên trang Thư Tới Tháng. Đáp án cho câu hỏi đầu bài là: con heo ăn bắp, con lợn ăn ngô.)
Khi một người đã chịu nhiều nỗi đau đến mức một ngày họ bàng hoàng kết luận rằng họ không còn khả năng để hy vọng thêm một lần nào nữa rồi, thì toàn bộ thế giới xung quanh họ sẽ rùng rùng biến đổi. Một khi họ đã học được rằng mình hoàn toàn bất lực để thay đổi tình hình, thì kèm theo đó họ cũng sẽ có những niềm tin mới để hợp lý hóa sự cam phận của mình. Những niềm tin mới này - tuy gây hại - nhưng lại rất logic, khiến cho họ không những không có động lực để thay đổi, mà còn có động lực để không thay đổi.
Đã có hằng hà sa số những bài viết giải thích những ngộ nhận phổ biến, và cũng đã có hằng hà sa số những dự án thay đổi nhận thức cộng đồng. Nhưng cuộc sống đã cho họ quá đủ trải nghiệm rồi nên họ mới thành ra như thế. Giờ muốn họ thực sự suy nghĩ điều ngược lại thì cần cho họ một sự trải nghiệm mới nhiều gấp đôi, gấp ba. Nên nếu chỉ dừng ở việc hy vọng cái hiểu đúng sẽ đủ khả năng cạnh tranh với cái hiểu sai, còn bản thân những thứ đang dung dưỡng cái sai thì không bị đả động đến, thì chỉ là chữa phần ngọn chứ không phải phần gốc.
Nhưng liệu ai sẽ là người đem lại trải nghiệm nhiều gấp đôi, gấp ba cho họ, khi xã hội vẫn hằng ngày có những ví dụ để tiếp tục khẳng định niềm tin tiêu cực đấy? Tại sao lại phải trông chờ vào những thứ ngẫu nhiên, khi ta hoàn toàn có thể tạo ra môi trường phù hợp cho họ? Và nếu không ta thì ai, khi ta mới là người hiểu rõ họ nhất và nhiều động lực nhất để giúp họ?
Nếu trong tâm trí bạn cũng có một người mà bạn rất muốn giúp họ thay đổi nhưng cảm thấy bế tắc, chúng tôi muốn mời bạn gia nhập Mạng lưới người thân, bạn bè của người có niềm tin tiêu cực để phối hợp cùng những người bạn khác. Đây là các hoạt động của nhóm:
Hỗ trợ 1-1 cho thành viên
Thảo luận các kiến thức liên quan đến sự tác động
Thành lập một cơ sở dữ liệu những người có tiềm năng và sẵn sàng trợ giúp nhau tác động đến cá nhân và cộng đồng người có niềm tin tiêu cực